Những người phụ nữ tự do trong văn học Việt Nam đương đại

Vanvn- Thông qua hình ảnh những người phụ nữ trong văn học Việt Nam đương đại, người đọc có thể cảm nhận được thông điệp về sự tự do tác giả muốn truyền tải.

Trải qua nhiều thăng trầm, hình ảnh người phụ nữ luôn là một nguồn cảm hứng bất tận cho văn học Việt Nam. Với các tác giả khác nhau, hình ảnh lại được khoác lên mình một giá trị mới. Nhiều tác giả văn học Việt Nam đương đại đã đề cập đến sự tự do kiếm tìm hạnh phúc, tự do lựa chọn. Đây là quyền năng vốn có của người phụ nữ.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) trao đổi sâu hơn về vấn đề này.

Tạo hình Phương và Kiên trong Trái tim người Hà Nội – kịch cảm tác từ tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Ảnh: Phùng Tiến Minh.

“Tự do là sự lựa chọn từ sâu thẳm trong trái tim”

* Thưa PGS.TS Phạm Xuân Thạch, khi nhắc đến hình tượng người phụ nữ tự do trong văn học Việt Nam, đâu là những hình ảnh đầu tiên ông nghĩ tới?

– Mỗi thời đại, nhân vật phụ nữ lại có nét độc đáo riêng. Trong thời kỳ chiến tranh, chúng ta có những hình ảnh đẹp như Xuân Quỳnh với Sóng, Phan Thị Thanh Nhàn trong Hương thầm. Cho đến những năm sau đổi mới, người phụ nữ lại có một diện mạo mới, giá trị mới. Một trong những cái độc đáo của văn học đổi mới là tác giả tạo ra được một hình tượng con người khác.

Vì vậy, khi nghĩ về hình tượng người phụ nữ tự do, tôi nghĩ đến ba hình tượng sau: bà Phạm Thị Thanh trong cuốn Người thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tác giả Dư Thị Hoàn với tập thơ Lối nhỏ và những người phụ nữ trong các tác phẩm của Bảo Ninh, đặc biệt là Phương.

Đầu tiên về cuốn sách Người thầy, đây là một cuốn hồi ký của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết về thầy của mình, Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức (bí danh Ba Quốc). Trong Người thầy, tác giả đã dành một chương để viết về sự hy sinh của bà Phạm Thị Thanh. Để trà trộn vào hàng ngũ quân Pháp, ông Ba Quốc phải sống trong một thân phận khác. Do đó, trong lý lịch không thể có sự xuất hiện bà Thanh, một người từng tham gia kháng chiến.

Tổ chức buộc phải chỉ định ông Ba Quốc lấy một người vợ khác. Người của tổ chức đã đến đề nghị bà Thanh có đồng ý cho ông Quốc lấy người vợ khác hay không. Sau ba ngày suy nghĩ, bà Thanh đã đồng ý.

Trong 20 năm sau, bà Thanh một mình nuôi hai người con của ông Ba Quốc. Cho đến sau ngày giải phóng, bà Thanh mới được gặp lại chồng. Thông qua câu chuyện, ta hiểu được tự do là sự lựa chọn từ sâu thẳm trong trái tim của con người. Họ lựa chọn con đường họ cho là đúng, họ sống với lựa chọn đấy. Tôi nghĩ đấy là sự tự do cao cả và thiêng liêng.

Lối nhỏ là tập thơ duy nhất của Dư Thị Hoàn được xuất bản năm 1988.

Thứ hai, khi nói về người phụ nữ, tôi nghĩ đến Dư Thị Hoàn với tập thơ Lối Nhỏ được xuất bản năm 1988. Dư Thị Hoàn lại là một người Việt gốc Hoa lấy chồng tại Việt Nam. Trong tập thơ có một bài rất hay tác giả gửi cho mẹ của mình. Cô ấy nói rằng mình đã lựa chọn ở lại Việt Nam với người chồng lam lũ của mình. “Nếu mai sau bài thơ này được chắp cánh bay cao bằng lao động kiệt cùng / Chị sẽ đền ơn mẹ / Lúc đó đừng ngạc nhiên các em nhé / Nếu chị không dùng tiếng mẹ đẻ / Nếu bài thơ viết bằng ngôn ngữ của một dân tộc đau khổ/ Mẹ và các em đã rời bỏ lìa xa”. Đấy chính là sự tự do lựa chọn điều cần thiết cho cuộc đời của mình.

Tác giả đã lựa chọn để sống là một người phụ nữ Việt Nam, gắn bó với mảnh đất này. Tự do không phải là sự thách thức trật tự xã hội hay đối đầu với các giá trị cốt lõi. Tự do là chấp nhận trả giá cho những điều mình cho là đúng.

Hình tượng người phụ nữ tự do mà tôi nghĩ đến thứ ba là những người phụ nữ trong tiểu thuyết của Bảo Ninh, đặc biệt là nhân vật Phương trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh.

So với bà Thanh hay Dư Thị Hoàn, Phương là một người con gái nằm ngoài mọi khuôn khổ. Phương sinh ra trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Thế nhưng cô đã bị cưỡng bức bởi những gã đàn ông khác khi đợi Kiên trở về. Phương là người con gái suốt đời mang theo những gì không bao giờ thành. Nhưng Phương vẫn là người con gái mang tính cứu rỗi.

Trong phân đoạn Kiên bắt được những tên giặc và định xử bắn chúng, anh chợt nhớ về một buổi chiều trước khi ra mặt trận, Phương hỏi anh: “Anh đi bộ đội, sau này anh có trở thành anh hùng không?”. Câu nói đó đã giữ Kiên ở lại với những giá trị tốt đẹp. Bên cạnh Phương còn là những hình ảnh người phụ nữ câm giữ trang bản thảo của Kiên, cô giao liên hy sinh để cứu đồng đội. Như vậy, tự do đã góp phần làm nên cái tốt đẹp của con người.

Tôi nghĩ những hình tượng phụ nữ trên đã tạo nên một cấu hình mới cho con người trong văn học đổi mới. Họ hòa hợp với những giá trị xung quanh nhưng vẫn có con đường đi của họ. Họ sẵn sàng trả giá cho sự lựa chọn của mình. Hình tượng theo đuổi tự do tìm kiếm hạnh phúc và dám trả giá bắt đầu từ các nhà văn như Bảo Ninh, Nguyễn Minh Châu, Dư Thị Hoàn.

* Bên cạnh ý niệm về sự tự do, hình tượng người phụ nữ kể trên còn mang trong mình giá trị cốt lõi nào xuyên suốt trong văn học Việt Nam trước đó?

– Chúng ta cần phải nhớ văn học Việt Nam đương đại không chỉ nói đến Nỗi buồn chiến tranh, mọi người còn nhắc tới Bến không chồng của Dương Hướng. Đó là một trong ba tác phẩm đạt giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1991.

Có một điều được đề cập rất nhiều trong văn học trước và sau chiến tranh, đó là đức hy sinh. Chẳng hạn hình ảnh Thảo trong Người sót lại của rừng cười vẫn được độc giả thấy trong Hai người đàn bà xóm Trại của Nguyễn Quang Thiều. Đó là những người phụ nữ đã hy sinh cho đất nước. Văn học đổi mới đã khai thác nhiều hơn vào góc độ cá nhân con người. Các tác giả hướng điểm nhìn vào những giá trị khác.

Hình tượng người phụ nữ mới

* Theo ông, những tác phẩm văn học sau này đang khai thác hình tượng người phụ nữ như thế nào?

– Chúng ta không nên cho rằng người phụ nữ phải hy sinh là chuyện bình thường, hiển nhiên. Đừng nên đặt vấn đề về sự hy sinh nữa. Chúng ta cần hướng đến những vấn đề khác như sự bình đẳng, khao khát, thỏa mãn những hạnh phúc chân chính. Sẽ là bất công nếu chúng ta tiếp tục gán đức hy sinh với người phụ nữ, những người chúng ta gọi là phái đẹp.

Người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp, nhân tính, sợi dây nối con người vào cái thiện. Đây là giá trị quan trọng không kém. Dostoyevski đã viết trong Tội ác và Hình phạt rằng: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Tôi nghĩ rằng lớp nhà văn Bảo Ninh đã thấm được điều này. Cái đẹp là cái nâng đỡ con người đến cái thiện.

Tôi nhớ đến bài thơ Khoảng trời, hố bom của Lâm Thị Vỹ Dạ, một cô thanh niên xung phong làm đường bị bom rơi xuống đúng chỗ cô đứng. Hàng ngày, những người lính đi qua hố bom và tưởng tượng ra những câu chuyện về cô gái ấy: “Gương mặt em, bạn bè tôi không biết / Nên mỗi người có gương mặt em riêng!”.

Đó là cái đẹp cứu rỗi xuyên suốt trong văn chương. Nhìn vào cái đẹp để sống tử tế, tốt đẹp hơn chứ không phải sinh vật chỉ có khao khát chiếm hữu.

* Theo ông, các cây bút cần làm gì để đưa hình tượng người phụ nữ Việt Nam đến với bạn đọc thế giới?

– Suy cho cùng, con người có những đặc điểm chung: nỗi đau khổ, khát vọng… Nếu văn chương Việt Nam tiếp tục sáng tạo như vậy với một sức đầu tư lớn hơn để có một khối lượng tác phẩm dày dặn hơn, sâu sắc hơn, tôi tin rằng nó có thể hòa nhập với văn chương thế giới.

Chẳng hạn trường hợp nhà văn nữ Annie Ernaux. Bà vẫn viết về những vấn đề phụ nữ rất gần với xã hội chúng ta. Điểm mấu chốt nằm ở việc Ernaux đã chọn một con đường, đi hun hút nào nó. Bà tạo ra một khối lượng tác phẩm đồ sộ để truyền đạt tư tưởng, vì vậy tác phẩm của bà mang tính phổ quát.

Những giá trị của người phụ nữ Việt Nam không hề xa lạ trên thế giới. Điều các nhà văn cần là đi sâu vào và khai thác nó để tạo ra những hạt giống tư tưởng nhiều sức sống.

* Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu cũng như một số đơn vị xuất bản, những năm gần đây các tác phẩm về nữ giới ngày càng nhiều. Ông nghĩ sao về tín hiệu này?

– Tôi cho rằng đây là một điều đáng trân trọng. Giải thưởng Hội Nhà văn mới đây có tác phẩm Vạn sắc hư vô của Nguyễn Khắc Ngân Vi đã vượt qua vòng sơ khảo. Trước đây chúng ta từng có tác giả Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thùy Mai, Trường An. Bên cạnh sáng tác, mảng dịch thuật và nghiên cứu cũng đang có rất nhiều tác phẩm về phong trào lý tưởng, nữ quyền. Trong đó có tủ sách Phụ nữ tùng thư in những công trình nghiên cứu quan trọng về phụ nữ thế giới.

Những công trình lý luận như vậy buộc chúng ta nghĩ lại về bản chất của bình đẳng giới. Tôi nghĩ nhờ xu hướng này nhận thức về phụ nữ sẽ dần được nâng lên.

ĐỨC HUY/ ZING

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *