Những điều còn trăn trở về chuyện Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan

Vanvn- Cù Chính Lan tên thật là Cù Chính Lơn, sinh 1930 quê xóm Cu Đm, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Xuất thân trong mt gia đình nông dân nghèo có 7 anh chị em (2 gái, 5 trai) trong đó Cù Chính Lơn là con th Ba. M mt sm, gia đình không một tấc đất cắm dùi, Cù Chính Lơn phải đi ở cho địa chủ từ năm lên 7 tuổi. Năm 1946, lúc này đã 16 tuổi Cù Chính Lơn gia nhập một đơn vị bộ đội và làm giao liên.

Sớm tinh mơ một ngày cách nay đã lâu, vừa đi bộ tập thể dục từ chân đập Thủy điện về, tôi gặp ngay một cụ già nhỏ thó trước cửa nhà nghỉ Hòa Bình. Thấy cụ thẫn thờ nhìn cảnh nước non sông Đà, tôi hỏi cụ từ đâu đến thì vô cùng ngạc nhiên khi biết cụ là em ruột của Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan. Càng ngạc nhiên hơn khi không chỉ mình cụ mà còn hai cụ nữa đều là em ruột Cù Chính Lan và một người cháu gọi Cù Chính Lan là chú ruột cũng đang có mặt ở Tp. Hòa Bình dự Lễ Khánh thành tượng đài Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan đánh xe tăng Pháp tại xã Bình Thanh huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan. Ảnh tư liệu

Nhắc đến Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan thì có lẽ không người dân Việt Nam nào không biết. Đặc biệt đã là người dân Hòa Bình thì càng thấu tỏ. Bởi chiến công diệt xe tăng Pháp của anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan trên đường số 6 cách trung tâm TP. Hòa Bình chỉ vài km đã đi vào lịch sử chói ngời của dân tộc. Ngày nay, một đường phố chính tại trung tâm thành phố Hòa Bình và không ít hơn 3 trường học trong tỉnh mang tên Cù Chính Lan. Chính thế mà khi gặp được 3 người em ruột của anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan tôi vô cùng xúc động và coi đây là dịp may hiếm có.

Về chiến công của Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan, sự hoành tráng của tượng đài và sự long trọng của buổi lễ khánh thành tượng đài…các phóng viên báo, đài đã đưa tin. Riêng tôi, xin được mang đến bạn đọc những điều có thể mọi người còn ít biết về chuyện Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan. Đây là những thông tin do chính ba người em ruột của Cù Chính Lan là Cù Chính Thao 75 tuổi, Cù Chính Huệ 73 tuổi, Cù Chính Lài 70 tuổi và anh Cù Chính Tuấn 45 tuổi (năm tôi gặp họ) – cháu ruột Anh hùng Cù Chính Lan cung cấp.

Cù Chính Lan tên thật là Cù Chính Lơn, sinh 1930 quê ở xóm Cầu Đầm, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo có 7 anh chị em (2 gái, 5 trai) trong đó Cù Chính Lơn là con thứ Ba. Mẹ mất sớm, gia đình không một tấc đất cắm dùi, Cù Chính Lơn phải đi ở cho địa chủ từ năm lên 7 tuổi. Năm 1946, lúc này đã 16 tuổi Cù Chính Lơn gia nhập một đơn vị bộ đội và làm giao liên. Theo ba cụ thì từ khi vào bộ đội, Cù Chính Lơn đổi tên là Cù Chính Lan và có mặt tại tỉnh Hòa Bình từ năm 1950 trong một đơn vị bộ đội chủ lực nhưng nhiệm vụ lúc đầu vẫn làm anh nuôi. Một hôm đang nấu cơm, Cù Chính Lan nghe tiếng súng nổ thì bỏ cả nồi niêu xông ra. Vừa tới đường 6 thì gặp ngay tên quan Ba Pháp. Không ngần ngừ, Cù Chính Lan lao vào quật ngã tên quan Pháp và tước vũ khí. Sau chiến công này, Cù Chính Lan được phong danh hiệu “Tay không bắt giặc” và được điều sang trực tiếp chiến đấu. Điều này khớp với chiến công ghi tại bia liệt sỹ Cù Chính Lan tại Nghĩa trang liệt sỹ Hòa Bình: “Trong chiến dịch Quang Trung, tay không diệt giặc, Cù Chính Lan được thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì”. Rồi tiếp sau đó mới đến chiến công đánh xe tăng Pháp trên đường 6 vào ngày13.12.1951, Cù Chính Lan được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Địa điểm diễn ra trận đánh này trên quãng đường mà chúng ta xây dựng tượng đài Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan đánh xe tăng Pháp thuộc xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình ngày nay.

Sau chiến công diệt xe tăng Pháp, Cù Chính Lan được về thăm gia đình. Lúc này tuy chưa được phong anh hùng, nhưng với chiến công xuất sắc ấy, tên tuổi Cù Chính Lan cũng đã gây tiếng vang khắp nơi. Do đó khi Cù Chính Lan về thăm quê hương, gia đình và bà con làng xóm rất vui mừng kéo đến chật nhà. Từ thân phận tôi đòi, đi ở cho địa chủ, nay Cù Chính Lan lập chiến công diệt xe tăng Pháp làm cho ai cũng phấn khởi và cảm phục. Chính cụ Cù Khắc Nhượng – thân sinh Cù Chính Lan đã nói: “Thằng con tui hắn hiền như đất, không ngờ hắn diệt được xe tăng”. Sau này câu nói ấy được đưa vào một bài thơ viết về anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan. Trong lúc phấn khởi, gia đình có hỏi về chuyện vợ con, Cù Chính Lan nói là bao giờ hòa bình mới lấy vợ. Cù Chính Lan còn thổ lộ cho gia đình biết, sắp tới, anh sẽ được Nhà nước cử sang Liên Xô học tập. Sau chuyến thăm gia đình ấy, Cù Chính Lan trở lại đơn vị chiến đấu và hy sinh.

Về thời gian và địa điểm hy sinh của Cù Chính Lan đến nay không rõ ràng và tư liệu thống nhất. Rà lại thông tin có được tại Hòa Bình thì:

-Tại tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hòa Bình (nay đã chuyển đến vị trí mới) ghi: “Khi quân ta đánh đồn Cô Tô – một trong những trận ác liệt nhất trên đường số 6, đồng chí đã chỉ huy tiểu đội bộc phá thứ Nhất của đơn vị. Tuy 3 lần bị thương đến cụt hai tay và gãy một chân, đồng chí vẫn bám sát chỉ huy đơn vị 5 lần phá hàng rào kẽm gai tiến thẳng vào lô cốt địch. Đồng chí trút hơi thở cuối cùng cũng là lúc quân ta hoàn toàn tiêu diệt đồn Cô Tô”.

– Tại cuốn “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” tập I, in lần thứ hai do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 1996 mà chúng tôi được đọc tại Thư viện tỉnh Hòa Bình thì ghi: “Ngày 29 tháng 12 năm 1951, tham gia đánh đồn Cô Tô, bị thương hai lần, Cù Chính Lan vẫn dũng cảm xông lên…Cù Chính Lan dũng cảm hy sinh khi trận đánh đồn Cô Tô vừa kết thúc thắng lợi”. Như vậy, Cù Chính Lan hy sinh ngày 29.12.1951.

– Tại bia khắc đá trên tượng đài Cù Chính Lan khánh thành 29.9.2009 (mới nhất) ghi Cù Chính Lan “hy sinh ngày 01.2.1952 trong trận chiến đấu ác liệt” và không ghi địa điểm hy sinh.

Như vậy, tài liệu sớm hơn cả là tấm bia ở Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hòa Bình thì có ghi Cù Chính Lan hy sinh trong trận đánh đồn Cô Tô – một trận đánh ác liệt trên đường số 6. Tuy nhiên, đến nay chưa tìm thấy tài liệu nói đồn Cô Tô nằm ở vị trí nào thuộc đường 6. Đến tài liệu thứ hai là cuốn “Lịch s anh hùng lực lượng vũ trang” tập I do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân phát hành thì chỉ ghi Cù Chính Lan hy sinh trong trận đánh đồn Cô Tô chứ không thấy nói đến đường số 6. Và đến nay, bia tại tượng đài mới nhất lại ghi Cù Chính Lan hy sinh ngày 01.2.1952 và không ghi hy sinh ở đâu.

Chúng tôi gặp gỡ những người già ở vùng Lâm Sơn, huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình thì được cung cấp, thời Pháp tại xóm Rổng Vòng nay thuộc xã Lâm Sơn huyện Lương Sơn, cạnh quốc lộ 6, có một căn cứ của giặc Pháp mà ô tô của  Pháp  hay vào sửa chữa nên người dân ở đây gọi là đồn Ô Tô. Trước khi làm sân gold, nơi đây còn lô cốt, hầm… một số người dân còn đào bới được rất nhiều sắt thép. (chỗ đó nay nằm trong Sân Golf Phượng Hoàng)…

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ vô cùng vĩ đại của dân tộc ta, biết bao người con ưu tú đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc, đến nay còn hàng vạn liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt và chưa tìm thấy tên. Nhưng đối với trường hợp anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan thì chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn bởi lẽ: Cù Chính Lan nổi tiếng từ lúc chưa hy sinh (13.12.1951) với chiến công diệt xe tăng Pháp; hy sinh (29.12.1951) và được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (19.5.1952). Như vậy chỉ trong thời gian 5 tháng. Mặt khác, vùng đất Cù Chính Lan hy sinh ở Hòa Bình thì ngay sau đó hoàn toàn thuộc về ta…Điều này khác hẳn với nhiều liệt sỹ hy sinh trong các mặt trận phía Nam hay trên núi rừng Trường Sơn xa mờ. Thế mà phần mộ của anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan thất lạc – đây chính là điều trăn trở lớn nhất.

Ba người em ruột và người cháu ruột (phải) của anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan. Ảnh chụp tại ngày khánh thành tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan đánh xe tăng Pháp trên đường số 6 tại tỉnh Hòa Bình    

Theo lời kể của ba cụ là em ruột Cù Chính Lan (Trong đó cụ Cù Chính Thao chỉ  kém Cù Chính Lan 4 tuổi. Nghĩa là khi Cù Chính Lan hy sinh ở tuổi 22 thì các cụ Thao cũng đã 18 tuổi) thì năm 1952, đơn vị về tận quê hương, gia đình làm lễ truy điệu anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan. Lúc đó gia đình còn ở căn nhà tranh 3 gian. Tối hôm ấy gia đình căng chiếc chiếu lên làm phông để dán chữ làm Lễ truy điệu liệt sỹ Cù Chính Lan.Tại đây, những người đồng chí của Cù Chính Lan kể: Sau khi được về thăm quê hương và trước khi đi học ở Liên Xô, Cù Chính Lan về đơn vị. Và trong một trận chiến đấu, Cù Chính Lan chỉ huy một mũi đánh đồn giặc cách thị xã Hòa Bình khoảng hơn 20 km về phía Hà Nội. Địch dùng hỏa lực mạnh bắn từ trong lô cốt ra làm bộ đội ta thương vong nhiều. Trước tình thế đó, Cù Chính Lan đã ôm bộc phá vượt qua nhiều hàng rào dây thép gai bò vào tiếp cận lô cốt địch, quyết tâm đưa được bộc phá vào phá tan lô cốt địch rồi bị thương rất nặng và hy sinh. Theo như lời kể của các cụ, thì đồn giặc khi ấy có thể nằm trên đất Lương Sơn cạnh đường 6.

Lại thêm những chi tiết thật quý báu và cảm động. Sau 1954, gia đình liệt sỹ Cù Chính Lan được cấp 7 sào ruộng và một con trâu. Chính cụ Cù Khắc Nhượng – thân phụ Cù Chính Lan đã về tận Đô Lương để nhận con trâu đó. Đặc biệt trong năm 1956, 1957, hai lần Bác Hồ mời cụ Cù Khắc Nhượng ra Thủ đô Hà Nội. Mỗi lần ra Hà Nội, cụ Nhượng đều được Bác Hồ tặng một chiếc áo. Khi về cụ Nhượng có kể lại cho mọi người nghe chuyện ra gặp Bác Hồ. Trong đó có chi tiết Bác Hồ hẹn: “Khi nào đất nước thống nhất, mời cụ ra, tôi và cụ cùng lên Hòa Bình thăm mộ Cù Chính Lan!”. Rất tiếc là lời hẹn chân tình ấy Bác Hồ không kịp thực hiện. Năm 1959, cụ Cù Chính Nhượng qua đời ở tuổi 69. Cụ sinh cùng năm với Bác Hồ.

Đến đây, trước thông tin mà thân nhân gia đình anh hùng Cù Chính Lan cung cấp, hẳn chúng ta càng day dứt hơn. Một tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan giá trị lên đến gần 5 tỷ đồng (giá tiền năm xây dựng) hiện diện thật hoành tráng bên cạnh đường 6 cũ, trên đường tới Khu du lịch Hồ Thủy điện Hòa Bình ngày nay – nơi Cù Chính Lan diệt xe tăng Pháp; khi đường phố đẹp nhất Tp. Hòa Bình và những ngôi trường mang tên Cù Chính Lan đã và đang là niềm tự hào của chúng ta thì nơi Cù Chính Lan hy sinh cũng không rõ ràng, phần mộ của Cù Chính Lan lại bị thất lạc và những thông tin về Cù Chính Lan lại không thống nhất.

Người viết bài này trộm nghĩ, giá như trước khi xây dựng Tượng đài Cù Chính Lan đánh xe tăng Pháp hoàng tráng như hiện nay, những cơ quan hữu trách mà giành một phần công sức để khảo cứu lại tư liệu về Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan, mở rộng thu thập thông tin về sự hy sinh và phần mộ của người anh hùng liệt sỹ thì hay biết bao. Bởi lẽ, tượng đài có to bao nhiêu cũng chỉ là hình thức, phần nội dung mới là quan trọng thì lại không được quan tâm. Thậm chí, có thể do tránh cái khó, khó nhưng rất cần mà người ta đã cắt béng đi địa chỉ Đồn Cô Tô, Đường số 6… trong các tài liệu trước để chỉ còn ghi Cù Chính Lan “hy sinh ngày 1.2.1952 trong trận chiến đấu ác liệt”. Không rõ những người chịu trách nhiệm về nội dung Tượng đài căn cứ tài liệu nào mà ghi ngày Cù Chính Lan hy sinh ngày 1.2.1952?

Thêm một chi tiết, tôi cứ băn khoăn mãi nhưng rồi thấy phải dũng cảm nói ra. Từ tượng đài anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan về, cả 3 cụ – những người em ruột của Cù Chính Lan tâm sự với tôi: Tại bia ở tượng đài có ghi Cù Chính Lan tên thật là Cù Văn Mấu là hoàn toàn không đúng. Cù Chính Lan tên thật là Cù Chính Lơn, sau đi bộ đội thì đổi thành Cù Chính Lan. Còn Cù Văn Mấu chính là tên thường gọi cụ thân sinh ra Cù Chính Lan – chính là cụ Cù Khắc Nhượng. Sở dĩ cụ Nhượng được bà con gọi là Mấu vì cụ có nghề bắt ếch. Mà bắt ếch phải có một cái dụng cụ bằng sắt uốn cong ở tạo một cái mấu ở đầu để móc con ếch trong hang ra. Chính vì thế, dân làng thường gọi cụ Nhượng là cụ Mấu chứ không phải tên thật của Cù Chính Lan như trên bia ghi ở Tượng đài hiện nay. Nguyện vọng của các cụ là đề nghị được chỉnh sửa lại Cù Chính Lan tên thật là Cù Chính Lơn mới đúng. Và đến đây cũng lại không hiểu căn cứ vào tài liệu nào mà bây giờ thấy ghi Cù Chính Lan tên thật là Cù Văn Mấu?

Trước sự bùi ngùi của 3 người em đều đã già và một người cháu cũng đã tuổi ông của anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan về sự nhầm lẫn ấy, tôi như người có lỗi với họ. Không những thế mà thấy xấu hổ trước họ. Tại sao, và từ đâu mà có sự nhầm lẫn đáng tiếc ấy. Và từ đây, tôi liên tưởng đến việc to tát hơn như đã nêu trên là sự thất lạc phần mộ của anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan. Với sự phân tích những tư liệu trên, tôi nghĩ chúng ta hy vọng về việc tìm lại phần mộ anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan khi mà rất có thể còn người gần thời với Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan đang còn sống. Rất mong qua các phương tiện thông tin đại chúng, toàn thể nhân dân, nhất là những người đã có thời gian chiến đấu cùng Cù Chính Lan hiện còn sống trên mọi miền đất nước cùng quan tâm. Tôi đề nghị Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hòa Bình hội thảo về những điều còn trăn trở về Cù Chính Lan. Mong sao một ngày nào đó, chúng ta sẽ tìm thấy phần mộ của người anh hùng. Hoặc ít ra thì cũng xác định được chính xác ngày và nơi Cù Chính Lan hy sinh, tránh những dẫn liệu bất nhất như hiện nay.

LÊ VA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.