Nhịp điệu trái tim – Tản văn của Tạ Ngọc Điệp

Vanvn- Chiều. Nắng vàng trải dài ở khu đô thị mới của thành phố Đà Nẵng. Nơi những tòa nhà cao tầng xếp chồng nhau và vắng người đi lại, xe đưa chúng tôi đến với Hope, ngôi trường hi vọng, nơi nuôi dưỡng các em mồ côi cha mẹ do đại dịch Covid-19 vừa qua do tập đoàn FPT tài trợ.

Vì nghề chính của tôi là công tác xã hội nên tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ, trò chuyện, cảm nhận với những mảnh đời bất hạnh yếu thế. Đó là các con ở SOS, các cụ ở trung tâm bảo trợ xã hội, những đứa trẻ nghèo ở vùng miền núi xa xôi, những người ấy đã tự nhiên đi vào trang viết của tôi trong hành trang viết lách non trẻ mà tôi có dịp giới thiệu. Nhưng với Hope, tôi có cảm giác rất khác lạ…

Các đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tại Đà Nẵng tháng 6.2022 đã đến thăm trường Hy Vọng – Hope, nơi nuôi dưỡng các em mồ côi cha mẹ vì đại dịch Covid-19, do tập đoàn FPT tài trợ.

Chuyên đề Văn học thiếu nhi:

>> Chàng thợ gốm – Truyện thiếu nhi của Trần Thu Hằng – Kỳ 3

>> Nguyễn Huy Tưởng – Người truyền lửa cho văn học thiếu nhi hôm nay

>> Cho em giọt nắng thần tiên

>> Các nhà văn nói gì khi viết về đề tài thiếu nhi?

>> Vườn trưa – Truyện ngắn thiếu nhi của Đào Phạm Thùy Trang

>> Chùm thơ thiếu nhi của Đặng Huy Giang

>> Chàng thợ gốm – Truyện thiếu nhi của Trần Thu Hằng – Kỳ 2

>> Chùm thơ thiếu nhi của Đào Đức Tuấn

>> Chàng thợ gốm – Truyện thiếu nhi của Trần Thu Hằng – Kỳ 1

>> Một vấn đề rất khẩn thiết: Văn học nhi đồng

>> Chùm thơ thiếu nhi của Khang Quốc Ngọc

>> Ba cây chỉ có một quả – Truyện ngắn thiếu nhi của Lê Toán

 

Dưới tán cây phượng già, chiếc đàn Piano mở phím, thầy hiệu trưởng nói với chúng tôi “có cây đàn thì dễ, nhưng làm sao cho cây đàn ấy sống, ngân rung từng nhịp, hòa cùng với nhịp đời, mới là điều khó hơn”. Sau buổi trò chuyện, mọi người đã cùng các em cất lên những khúc hát của tuổi thơ như “Hạt gạo làng ta”, “Em đem cơm cho mẹ đi cày”, “Trái đất này, là của chúng mình”. Hát được ba câu thì tôi bật khóc, tiếng hát mình nhỏ dần đi, nhưng tôi sợ các em nhìn thấy, vậy là tôi cố nén nhưng nước mắt cứ tràn mi, tôi cúi xuống mãi, đến khi nhìn lên thấy những người đối diện mình cũng hoe hoe mắt…

Các em ở đây đến từ khắp nơi trên cả nước, em bé nhỏ nhất mới sáu tuổi, bằng tuổi con trai tôi ở nhà. Con trai tôi từng hỏi tôi rất nhiều câu khi hai mẹ con chơi trò hỏi đáp. Có lần tôi hỏi con trai mình “Nếu mẹ mất thì con sẽ làm gì?”. Lặng đi một hồi, con bỏ món đồ chơi đang lắp ghép dở đến ôm tôi và nói “con cũng không biết nữa”. Có lẽ đó là câu trả lời buồn nhất mà con từng trả lời với giọng chùng xuống khi đến bên mẹ rồi ôm tôi thủ thỉ “con không thích mẹ mất”. Tôi nghĩ đến các con ở đây, có đứa lớn, đứa bé, nhưng có lẽ đứa nào cũng chung câu trả lời như cậu bé nhà tôi. Chúng chưa từng nghĩ có ngày mình bị mồ côi, chưa bao giờ sẵn sàng cho tâm thế đó. Bởi lẽ như tôi đã trưởng thành, vậy mà khi mất đi người cha thân yêu của mình, tôi cũng đã đặt câu hỏi “cha đã dạy con tất cả, vậy tại sao cha không dạy con biết con phải sống thế nào khi vắng bóng cha”. Huống hồ, tụi nhỏ ở đây còn ở độ ăn chưa no, lo chưa tới, chúng mất đi điểm tựa vững chắc ở quãng thanh xuân của cuộc đời. Chúng còn bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý khi giãn cách, thiếu người bên cạnh chia sẻ, động viên.

Các em được đón về đây đã từng có hoàn cảnh khác nhau nhưng có điểm chung là có cha, mẹ đã mất vì Covid 19. Sống cùng nhau, chung hoàn cảnh nên chúng thương yêu nhau lắm. Tôi hỏi cô giáo quản nhiệm, “có ai ở Gia Lai không cô”? Cô đang đưa mắt tìm thì bạn nhỏ khác đã chỉ đến hai chị em Thanh Xuân, Tiên Dung. Hai con có ba làm công nhân rồi mất ở Bình Dương, mẹ đang sinh sống ở Gia Lai, các con được đón về đây. Tôi dắt con đến bên cạnh và cùng trò chuyện, vuốt vào mái tóc lòa xòa, nghe con kể chuyện, tôi nén lại nước mắt rồi viết cho con địa chỉ vào tờ giấy mỏng. Dặn con “con như con gái cô ở nhà, nếu có điều gì đó buồn, con cần người tâm sự, con hãy viết thư cho cô, cô hứa sẽ hồi âm cho con”.

Thiện Minh, chàng trai mảnh khảnh đến bên tôi và hỏi “cô ơi, vì sao cô làm thơ?”, tôi mường tượng đến câu hỏi mấy ngày qua cứ xoay vòng chúng tôi xoay quanh chủ đề hội nghị những người viết văn trẻ “Vì sao chúng ta viết?”. Tôi nói với con, tôi viết vì xúc cảm nó rộn ràng, trầm lắng, nó ngân lên từng nhịp thì buộc mình phải viết, nếu không viết thì cảm giác nó không thoải mái. Thiện Minh khoe với tôi, con cũng có bài thơ của riêng mình và cháu đọc cho tôi nghe. Con kể, mẹ con mất khi mang bầu em Phú, em Phú là em thứ Ba của con, em bị sinh non đang ở với bà ngoại, mẹ sinh em được 8 ngày thì mẹ mất, con và em Thanh Tùng được vào đây. Con đang học lớp 8, con nuôi ước mơ trở thành bác sỹ khi lớn lên. Con đang luyện thi IELTS để sau này sẽ được như mẹ con. Mẹ con đã từng sống ở Oxtraylia và Hàn Quốc. Khi còn sống mẹ con đã kể cho con nghe về những chuyến đi của mẹ và mẹ hứa sẽ đồng hành bên con. Dù bây giờ mẹ con không còn nữa nhưng con tin là mẹ đang dõi theo con mỗi ngày. Con sẽ trở thành bác sỹ để cứu người, con sẽ học thành tài để giúp những người khó khăn như bác Bình, bác Tiến của FPT.

Tôi xin con số điện thoại, Thiên Minh nói, “số của con là xxxx140408, đây là số của mẹ con, mẹ con đã lấy số điện thoại là ngày sinh của con, nên suốt đời con sẽ không bao giờ thay đổi số điện thoại”… Tôi nhắn cho con những dòng tin hỏi thăm, dặn con cố gắng và động viên “cô tin rằng, chàng trai nghị lực như con sẽ làm được, giữ hy vọng con nhé”. Thoáng từ đáy mắt của chàng trai dũng cảm Thiện Minh có giấu một nỗi buồn lấp lánh sự cương nghị. Tôi tin con sẽ làm được, bởi bên con luôn có những người tốt, có bác Tiến, bác Bình đã giang tay đưa các con từ mọi miền về học tập tại thành phố trẻ Đà Nẵng. Hơn ai hết, thương trường bươn chải và kinh nghiệm sống cũng như truyền thống ngàn đời của cha ông ta luôn nhắc nhau “nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” đã thôi thúc các bác đón các con về nuôi dưỡng, chăm chút. Điều mà mọi người đang dành cho các con hôm nay là động lực để các con trưởng thành, đi về phía trước, ở đó cả một bầu trời rạng rỡ như ánh bình mình đang lấp ló khi ban mai kéo về trên mặt biển xa xa. Và khi con lớn lên, cuộc đời sẽ dạy con cần phải biết cho đi để cuộc đời này biết ta đã từng sống đẹp lắm.

Tác giả Tạ Ngọc Điệp bên các em nhỏ tại trường Hope của tập đoàn FPT

Ở phía bên phải cổng vào trường Hope có tiệm tạp hóa đóng bằng gỗ sơ sài có tên là tạp hóa hy vọng với dòng chữ, “ở đây có bán hy vọng”. Tiệm tạp hóa trông cũ mèm, tồi tàn nằm khép nép chênh vênh giữa những tòa nhà cao ốc của thành phố trẻ. Đồ hàng bán ở tiệm có bị thổi bay khi mùa gió bão cận kề của dải đất lắm nắng nhiều mưa. Tôi đoán ngụ ý của các thầy cô rằng, Hope sẽ cho con niềm hy vọng, sẽ bán cho con niềm hy vọng với mong muốn các con hãy sống tốt hơn, không ngừng hy vọng vì bên các con luôn có thầy cô và cộng đồng xã hội giang tay hỗ trợ các con cả vật chất lẫn tinh thần. Tâm hồn các con đã bị tổn thương, có khi xiêu vẹo như tiệm tạp hóa chênh vênh giữa mùa bão nổi. Nhưng bên cạnh nó, những tòa nhà cao vây quanh để gió bão kia có lung lay cũng không thể làm quán nhỏ bán hy vọng sụp đổ. Chúng tôi đến với các con, mang cho các con những cuốn sách, lời động viên rất nhỏ bé, nhưng như nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói trong buổi chia tay “các con như những đại sứ về cảm xúc, bởi nhìn thấy các con, bao nhiêu cảm xúc trong những người viết trẻ lại òa về, các con cho chúng tôi niềm tin, hy vọng về một xã hội tươi đẹp, đầy hy vọng khi cộng đồng dân tộc Việt vốn ngàn đời như thế. Khi thiên tai, dịch bệnh, mọi người đến với nhau bằng miếng cá, cọng rau, chia cho nhau sự may mắn thành đạt của mình để cùng nhau xây dựng một xã hội hy vọng”.

Vết thương Covid đã dần khép miệng, với chúng tôi, những người viết, Hope là nơi ghi dấu một miền cảm xúc mới, một nơi để chúng tôi nuôi dưỡng mạch nguồn người thật, việc thật giữa lúc mọi người gồng lên vì giá xăng, giá dầu, chiến tranh, lương thực, kit test…Chúng tôi, những nhịp điệu rời rạc của giàn đồng ca hy vọng vẫn cứ miệt mài ngân rung để cùng tìm đến một bản nhạc chung réo rắt.

Tháng Tám, Hy vọng đã đón thêm 200 thành viên mới, đại gia đình Hope của các con sẽ lại đông vui. Chúng ta sẽ không còn nói nhiều về những mất mát nữa. Mỗi ngày ở đây, các con lại đọc sách, học đàn, ngân lên từng tiếng ca với nhau. Tiếng Piano sẽ dập dìu cùng hòa với gió biển vi vút trên cao mang tiếng hát của các con hòa chung giàn đồng ca hy vọng vút mãi. Các con sẽ lại bên nhau, sẽ học tập, sẽ làm được những việc phi thường như bác Bình, bác Tiến đã làm và hy vọng trong tương lai chính các con sẽ là chủ nhân của những ngôi trường mới. Dù không ai mong muốn vết thương vừa qua có dịp trở mình đau nhói, nhưng xã hội vốn xoay mòng, thiên biến, vạn hóa, biến cố chuyển xoay.

Những trái tim yêu thương sẽ đập cùng nhịp với nhau và tạo thành bản hòa tấu bất hủ. Đó là điều mà chúng tôi, những người viết luôn muốn nhìn thấy. Hội nhà văn đã đưa chúng tôi đến nơi mà lương tri của chúng tôi phải thức tỉnh về trách nhiệm của người viết. Tôi hiểu, từ đây, mình sẽ viết vì điều gì, vì sao tôi viết???

TẠ NGỌC ĐIỆP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *