Vanvn- Tuổi thơ à ơi câu hát ru của bà, chiếc võng đung đưa cót két buổi trưa hè,… Lũ trẻ con chúng tôi “lớn nhanh như thổi” và rồi cứ thế thời thơ ấu cũng dần dần rời xa, duy chỉ có tình thương của bà ở lại mãi trong trí nhớ vốn hạn hẹp của người cháu như tôi.

Ước mơ của ngoại
Suốt những năm ròng của cuộc đời, tôi đã nhiều lần tự thắc mắc liệu ước mơ của ngoại là gì? Trong ước mơ đó có lung linh ánh sao, có sáng rỡ ngọn đuốc hay hình hài của nó xấu đẹp ra làm sao? Ước mơ ấy mà, ai trong đời không mơ ước nhưng dường như thời gian đã làm cho ước mơ của ngoại bỗng hóa thành lẽ bình dị từ khi nào, một đời an yên cạnh con cháu, thế là đủ với ngoại của con.
Từ nhỏ ngoại đã phụ buôn bán để trang trải phần nào cuộc sống, sức nặng của đồng tiền không chỉ tính bằng những con số in trên mặt tờ bạc nữa mà trở thành ba chữ “kinh tế mới”. Khi đất nước hòa bình thống nhất, ngoại rời quê để đến một vùng đất xa xôi để phát triển kinh tế theo chính sách của nhà nước. Nơi đó, giờ trở thành nơi con sinh ra, xung quanh là núi đồi, là rừng xanh bao phủ, thật đẹp nhưng cũng thật vất vả ngoại ha,…
Vùng quê “kinh tế mới” của mấy chục năm trước đầy khó khăn, ngoại cùng ông xây dựng tổ ấm trong căn nhà đất đơn sơ, ấy vậy mà đôi lúc con nhớ căn nhà đất đầy bọ, đầy côn trùng mỗi mùa mưa về. Bởi hình như trong cái nghèo, tình thương lại giàu có hơn bất cứ thứ gì đang tồn tại. Trong kí ức nhỏ nhắn của mình, con nhớ tiếng xe đạp cọc cạch của ngoại trên quãng đường xa đến cơ quan làm việc. Và hơn thế, con nhớ dáng người nhỏ nhắn của ngoại vào tận vùng sâu vùng xa của người dân tộc thiểu số để làm công tác dân vận. Xe đạp lăn bánh và yêu thương được rót đầy, ngoại nhận được sự kính trọng, quý mến của bà con đồng bào – những người khi ấy vốn còn có cái nhìn dè dặt về dân tộc Kinh.
Đến một ngày ngoại thôi công tác, và toàn bộ thế giới của ngoại là gia đình. Ngoại trở về với vườn rau sau nhà, với đàn gà cục tác và chăm sóc con cháu. Những ngày còn bé, ba mẹ chúng con bận từ sáng đến tối muộn nên một ngày của ngoại lại thêm phần bận rộn, nào cháu nội rồi cháu ngoại đủ để ngoại luôn tay luôn chân. Chúng con dần lớn lên, dần có khát vọng và ước mơ cho riêng mình, ngoại hạnh phúc vì đứa nào cũng nên người nhưng dường như đó cũng là ngày ngoại thấy lòng mình buồn hơn, vì cô đơn hơn, vì chúng con ít quấn quýt hơn,… Đến tận bây giờ, ngoại vẫn trông chờ con cháu của mình từ xa trở về như một thói quen.
Ngoại và nỗi cô đơn ở tuổi thất tuần
Ngoại không chỉ là bà tiên trong câu chuyện cổ tích con hay nghe, ngoại còn là một người phụ nữ bình thường rất đặc biệt trong lòng con. Ở tuổi bóng lưng đã còng và đôi mắt in dấu năm tháng, ai cũng cần có một tri kỉ để ở cạnh nhau, già hơn thêm mỗi ngày cùng nhau, nhìn lại cuộc đời đã qua cùng nhau bên tách trà nóng mỗi sớm. Thế nhưng, vào một ngày trái gió trở trời, ông ngoại theo lời của số mệnh mà về trời, để lại bà với nỗi cô đơn ở tuổi thất tuần.

Ngày 20 tháng 10 năm 2020, ông nhập viện vì khó thở và qua đời vài ngày sau đó, sức khỏe ông không đủ tốt để nói những lời cuối cùng với bà trước khi rời đi. Kể từ đó, tình yêu của ngoại con thiếu đi một mảnh ghép và mỗi lần nhắc về ông, chỉ còn qua hai chữ “hồi đó”, “hồi đó, ông thích uống cà phê ngoại pha”, “hồi đó, ông một ngày thay đến tận hai, ba bộ quần áo”,…
Ông hoàn thành xong chuyến du ngoạn trần gian, phải trở về với cát bụi. Ngoại lủi thủi một mình, thay ông ngồi chiếc ghế trước hiên hướng ra đường như nhắc nhớ rằng đừng ai lãng quên sự tồn tại của ông. Mỗi sáng ngoại vẫn mời ông uống cà phê, mỗi bữa ăn ngoại vẫn mời ông ăn cơm nhưng chỉ khác là đặt lên bàn thờ,…
Tết 2021, tết vắng ông đầu tiên của đại gia đình mình. Trong nụ cười sum vầy con cháu đông đủ, bà ngoại chỉ tay lên bàn thờ “tội ông con” rồi rưng rưng nước mắt. Cái “tội” của ông là không nói lời chia tay bà mà đột ngột đi mất hay con cháu hạnh phúc mà ông không chịu sống tiếp cùng bà để chứng kiến. Ngày giỗ đầu của ông, con thấy ngoại lén lau nước mắt, chắc ngoại nhớ ông nhiều lắm. Con cũng đã mong, sau này, mình có thể yêu thương một người nào đó nhiều như tình cảm ngoại dành cho ông.
Nỗi cô đơn của người lớn tuổi chắc phải giấu diếm nhiều lắm nhưng ông đi rồi, chúng con chỉ còn có ngoại để yêu thương thôi. Trước sự vô tình của thời gian, con luôn hi vọng rằng những lần đi học xa nhà trở về đều có ngoại ngóng trông. Cảm ơn ngoại, vì ngoại luôn là hình mẫu để con sống tử tế mỗi ngày!
PHẠM THỊ THU THẢO