Nhà văn Vũ Thị Thường – Người làm di cảo thơ Chế Lan Viên

Vanvn- Tôi thật sự kính nể bởi với một kho khổng lồ, gần 1.000 bài thơ chép tay của nhà thơ Chế Lan Viên, trong đó có hàng trăm bài thơ không đánh số trong hàng chục cuốn sổ tay cũ, rồi ở những tờ rời; chưa kể các bài viết về văn xuôi nghệ thuật, đã in báo và chưa công bố, chỉ riêng sắp đặt, chọn lựa, đánh máy… đã là việc không ít công sức với người trẻ huống hồ với người ở tuổi như bà. Vàng Anh sau này có thể hỗ trợ, nhưng bà muốn trước hết là bà tự làm.

Nhà văn Vũ Thị Thường. 

Hồi còn ít tuổi tôi rất thích thơ và thuộc rất nhiều thơ. Càng trưởng thành thì càng quên đi mất, nhưng bài của nhà thơ Chế Lan Viên tặng nhà văn Vũ Thị Thường thì lại nhớ đến tận bây giờ:

“Anh không ngủ. Phải vì em đang nhớ

Một trời sao rực cháy giữa đôi ta

Em nhắm mắt cho lòng anh lặng gió

Cho sao trời yên rụng một đêm hoa.”

(Chùm nhỏ thơ yêu – 1962)

Phải là một người phụ nữ như thế nào mới có được tình yêu, đến mức ấy của một người như Chế Lan Viên, một người đàn ông tài hoa, đẹp trai và tinh tế… Và tôi để tâm đến bà. Bà là nhà văn Vũ Thị Thường, người đã có 7 tập truyện ngắn trải dài trong 39 năm, từ 1959 đến năm 1998), người (góp nhặt và tuyển chọn) tập Di cảo Thơ Chế Lan Viên (2023). Đã có lần tôi nói với bà, rằng tôi yêu quý Ông Bà, yêu quý cả mọi thành viên trong gia đình bà, tôi muốn viết về bà, nhưng bà từ chối, bà bảo một người nửa chừng đã gác bút là có lỗi với nghề rồi, có gì để mà viết?

***

Tôi cách bà 20 tuổi. (Bà sinh 1930). Nhưng tôi lại là bạn với con bà – Phan Thị Vàng Anh. Vàng Anh kém tôi 18 tuổi nhưng chúng tôi luôn thoải mái trong quan hệ đồng nghiệp, chị em. Thời Vàng Anh sống ở Hà Nội, tôi hay sang khu Thành Công đi ăn đi chơi cùng, do chúng tôi có chung một số sở thích. Khoảng năm 2007 thì Vàng Anh về Tân Phú TP HCM, sống với nhà văn Vũ Thị Thường ở Viên tĩnh viên, mỗi lần vào TP HCM tôi cũng vào đấy ở .

Gia đình bà Thường ở trong khuôn viên chừng 1000m2 với căn nhà trệt, cấp 4 được xây dựng từ những năm 65-66. Năm 2006, chị gái Vàng Anh xây thêm một căn cấp 4 nữa, Vàng Anh và con trai sống ở đó. Bà Thường ở căn nhà cũ nơi có bàn thờ ông Chế, ở mảng tường đối diện, tôi thấy có hai câu đối của nhà thơ Bảo Định Giang làm tặng:

Đại thụ ngã rồi, vườn cũ qua chơi trời thấy trống

Người xưa đi vắng, hùng văn để lại mực còn thơm

***

Cũng có lần tôi vào, Vàng Anh đi vắng, tôi xin được ở cùng bà, nấu nướng ăn uống cả hai bữa cùng bà. Bà nghĩ vài giây rồi đồng ý. Thực ra nếu không có tôi, hoặc Vàng Anh không ở nhà thì đã có Thắm, chị của Vàng Anh, nhà ở cách vài dẫy phố, hàng ngày đem cơm nước đến cho bà. Còn nhà cửa, sân vườn thì có chị hàng xóm hàng ngày đến dọn dẹp, tưới cây… giúp bà. Bà giản dị, luôn dễ tính với tất cả những việc như thế. Bà chỉ khắt khe với những nguyên tắc: sạch, không lãng phí, không cầu kỳ và tuyệt đối bảo vệ môi trường .

Có lần tôi mon men hỏi “viết hay thế sao bác không viết nữa”. Bà bảo: “Từ cuối những năm 1980 tôi đã chán viết, đến năm 1992 thì gác bút hẳn. Văn chương mỗi thời mỗi khác. Tôi và những gì tôi đã viết đều đã thuộc về quá vãng.” À, có lẽ vì duyên cớ này mà chưa bao giờ bà bàn chuyện văn chương với tôi, cả với những bạn văn của Vàng Anh đến nhà chơi, bà cũng thế .

Chế Lan Viên di cảo thơ. Ảnh NXB Hội Nhà văn VN

Tôi biết rằng bà đang góp nhặt và tuyển chọn thơ di cảo của ông, và khích lệ mãi mới được bà tiết lộ, bà đang tự vẽ trên máy tính. (Hồi đó tôi chưa cầm cọ trở lại, bà cũng không biết tôi đã từng học ĐH Mỹ thuật). Tôi khẩn khoản bà cho xem những hình bà vẽ. Tôi khen hình vẽ đẹp và thấy bà thực sự có năng khiếu, mỹ cảm tốt. Ở tuổi 90 của bà (lúc đó), bà làm mọi thứ chỉ để vui, và là thói quen, như thể một cách thể dục cho não. Bà không mắc bệnh gì, chưa phải nhờ con cháu chăm sóc, mọi việc cá nhân bà vẫn tự làm, mọi thứ trong nhà bà sắp đặt ngăn nắp thuận tiện cho nhu cầu của bà. Một hôm tôi nảy ra ý định mua sắm một vài thứ tôi thích, lăm le vứt đi cái này cái nọ, bà nhìn thấy, và nhắc: “Đừng phí phạm, nó hơi cũ chứ có tội gì đâu, vứt đi là thải thêm rác ra môi trường đấy, không được quá lãng phí như thế. Tiền mua cái mới để tặng cho người nghèo có hơn không?”

Hàng tháng bà trích một số tiền nhỏ để gửi giúp những sinh viên, học sinh nghèo chăm học lại hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, hoặc góp vào một quỹ từ thiện chuyên lo việc xây những cây cầu cho những làng quê nghèo vùng sông nước. Bà làm từ thiện bằng một cái tên khác, cũng như trên facebook của bà cũng là một cái tên lạ và không hề có một dòng nào nói về thân thế, về chồng, về con… Bà bảo trang facebook của bà chỉ là giấy thông hành để hàng ngày bà tạt vào xem tin tức các cháu, chắt của bà, đứa nào vừa mọc răng, đứa nào vừa được vào lớp I, rồi lại xem một số bạn già, bạn lâu năm, ai khỏe, ai yếu, ai vừa ra được một tập thơ.. .

***

Ngược thời gian về trước, tôi được biết từ 1961, nhà văn Vũ Thị Thường lần lượt công tác ở các cơ quan báo Văn học, Văn nghệ, tạp chí Tác phẩm mới, Hội Nhà văn Việt Nam. Bà từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III… Không chỉ tạo dấu ấn trên văn đàn bằng tác phẩm “Cái hom giỏ”, nhà văn Vũ Thị Thường còn có các tập truyện ngắn nổi tiếng khác “Gánh vác”, “Hai chị em”, “Bông hoa súng”, “Vợ chồng ông lão chăn vịt”, “Câu chuyện bắt đầu từ những đứa trẻ”, “Con yêu con ghét”. Văn của bà viết theo lối truyền thống, ngôn ngữ tinh tuý, không chọn thủ pháp gây sốc với các tình huống éo le, các nhân vật của bà đều có cái đẹp của sự bình dị, kết thúc truyện thường có hậu… Ngoài dấu ấn đã ghi với truyện ngắn, nhà văn Vũ Thị Thường còn viết kịch lịch sử “An Tư”, truyện thiếu nhi “Vịt chị, vịt em”, kịch đồng thoại “Ở sân nuôi gà vịt” và truyện dài “Vết rạn”.

Trước khi là nhà văn bà là nhà báo, tên thật là Lê Kim Nga, quê ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, bà tham gia công tác công đoàn, phụ nữ ở Thái Bình. Giai đoạn 1958-1961, bà làm báo ở Kiến An, Hải Phòng. Bắt đầu viết văn từ năm 1956, chỉ ba năm sau (năm 1959) bà đã đoạt giải A cuộc thi truyện ngắn cho truyện “Cái hom giỏ”. Năm 1959, bà dự lớp bồi dưỡng viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Chế Lan Viên, biên tập viên của báo Văn học khi ấy đã ngoài 40 tuổi, vừa trở lại cuộc sống độc thân…

Bà có hai người con với nhà thơ Chế Lan Viên. Cả hai đều được ông bà cho theo học ngành Y. Chị lớn là bác sĩ nha khoa, vẫn đang hành nghề. Vàng Anh, là bác sĩ huyết học, nhưng rồi chữ nghĩa cứ không buông tha kể từ khi 7 tuổi với bài thơ “Mèo con đi học” cho đến bây giờ vẫn thi thoảng lại làm đồng nghiệp sửng sốt với những tản văn “sắc hơn dao mổ” và đầy hóm hỉnh. Bà Vũ Thị Thường, như tất cả các bà mẹ, yêu con song trong đó có phần trọng nể hai con gái của mình. Yêu lắm, nhưng thể hiện rất chừng mực, tinh tế, phải tinh ý mới nhận thấy. Bà cũng dành tình cảm như thế với các con của chồng với người vợ cũ, điều không phải ai cũng làm được. Việc gì trong nhà bà thấy cần bàn thì bà bàn với con chồng như với con mình. Ngày giỗ Ông là ngày cả nhà xum họp, đầm ấm .

Gia sản của nhà thơ để lại, lớn nhất là thơ thì các con đều hưởng như nhau, nhưng với di cảo thơ thì bà làm một mình, làm hết sức mình để nó đến được với đời, và để các con cùng có. Bà đã dày công sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu 3 tập “Di cảo thơ Chế Lan Viên” (NXB Thuận Hóa, 1992 – 1996), trong đó công bố bài thơ “Những mảnh trời xưa” mà Chế Lan Viên viết cho cuộc hôn nhân đã tan vỡ của mình. Sau đó, với sự trợ giúp của Trung tâm nghiên cứu Quốc học, ra mắt “Tuyển tập thơ Chế Lan Viên” (2017) với 278 thi phẩm chọn lọc từ tập thơ đầu tay “Điêu tàn” (1937) đến những bài hay nhất trong “Di cảo”. Cuốn sách đã đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ sáng tạo của một thi nhân nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam thế kỷ XX .

Tôi thật sự kính nể bởi với một kho khổng lồ, gần 1.000 bài thơ chép tay của nhà thơ Chế Lan Viên, trong đó có hàng trăm bài thơ không đánh số trong hàng chục cuốn sổ tay cũ, rồi ở những tờ rời; chưa kể các bài viết về văn xuôi nghệ thuật, đã in báo và chưa công bố, chỉ riêng sắp đặt, chọn lựa, đánh máy… đã là việc không ít công sức với người trẻ huống hồ với người ở tuổi như bà. Vàng Anh sau này có thể hỗ trợ, nhưng bà muốn trước hết là bà tự làm.

Nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường, tác giả bài viết

Năm nay, nhà văn Vũ Thị Thường đã ở tuổi 94 nhưng bà vẫn vui khoẻ bên con cháu, vẫn làm những điều bà thích: đọc báo, xem phim, xem bóng đá, nuôi phong lan, nặn tượng đất sét, và chơi Pikachu… Lẽ ra bài này đã viết ngay từ hôm tôi nhận được cuốn CHẾ LAN VIÊN Di cảo thơ, NXB Hội Nhà Văn ấn hành. Nhưng tôi vẫn lo bà không cho phép. Cầm cuốn sách trên tay bồi hồi nhớ những ngày sống với gia đình bà trong khu vườn Viên tĩnh Viên có hàng rào rực màu tím hồng chi chít hoa giấy nở. Tôi thường ngồi uống trà với con gái bà ở bậc thềm có bức rào thấp bằng gỗ đan ô vuông rất thi vị, nhìn những giò lan mùa này mới chớm ra hoa

Hôm nay, vượt qua nỗi lo, tôi gửi bài này tới bạn đọc. Và cũng là bởi lời đề nghị của báo Tinh hoa Việt, của cô Hana Choi, một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam.

TRẦN THỊ TRƯỜNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *