Nhà văn và người thợ mỏ Trần Tâm

Vanvn- Trần Tâm là thợ mỏ trước khi là nhà văn, ông cầm búa cầm choòng, cầm vô lăng xe gạt trước khi cầm bút viết văn. Nhưng cũng nhờ những năm tháng gắn bó với khai trường, với thợ mỏ mà Trần Tâm đã chắc tay hơn trong sáng tác của mình.

Nhà văn Trần Tâm yêu vùng than đến tận cùng gan ruột.

 

Từ người thợ đến nhà văn

Trần Tâm sinh năm 1951, quê gốc ở Mỹ Lộc, Nam Định nhưng dòng họ của ông gắn bó với Vùng mỏ đã 5 đời kể từ những năm tháng đầu tiên người Pháp tổ chức khai mỏ. Gia đình của ông hầu hết đều gắn với hòn than đất mỏ. Trần Tâm đã sinh ra trên than và lớn lên trong lấm láp bụi. Từ nhỏ, Trần Tâm đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bà ngoại, một người cả đời lo đói và quanh năm không mấy lúc ra khỏi ngõ. Tình yêu vùng mỏ của Trần Tâm được hình thành và nuôi dưỡng ngay từ những câu chuyện kể của người bà.

Thời trai trẻ, ông xin vào làm thợ mỏ tại Công ty Than Đèo Nai trải qua nhiều công việc khác nhau như lái xe gạt, làm bảo vệ, làm thợ điện, thợ xây dựng ở mỏ. Trong những năm tháng này, ông được tiếp xúc rất nhiều với những người thợ mỏ được nghe những người đi trước kể nhiều câu chuyện về vùng mỏ mà họ đã được chứng kiến.

Miền nắng đỏ – Tiểu thuyết của Trần Tâm

Những người thợ mỏ lam lũ, đặc biệt là những người thợ trong chính gia đình mình như bác như mẹ đã là nguồn tư liệu vô cùng phong phú cung cấp thêm chất liệu sống cho Trần Tâm, nhen nhóm và trao truyền cho ông ngọn lửa nhiệt huyết. Bởi vậy sẽ không quá khi ai đó cho rằng, than là hồn cốt, là nhựa sống của cuộc đời Trần Tâm.

Và thực tế thì cũng vì ngọn lửa than mà Trần Tâm đã vật lộn làm việc dưới bom đạn chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, vắt kiệt sức mình cho đến lúc nghỉ hưu. Thoạt nhìn cái dáng hình cao to vạm vỡ của ông có người sẽ lầm tưởng bên trong ẩn chứa một sức khoẻ phi thường. Nhưng không phải. Đôi chân thập thềnh đã nói rằng cái vỏ ngoài của Trần Tâm đã che giấu những bất ổn về sức khoẻ bên trong. Ông đã nhiều lần nằm trên bàn mổ vì bom giặc, vì mặt mũi, tay chân có đều vấn đề. Vậy nhưng, Trần Tâm vẫn lăn vào viết, viết say mê viết như thể chưa hề được viết và cũng như thể viết để trả nợ cho vùng đất đã cưu mang mình.

Khi viết văn, Trần Tâm là cây bút sung sức. Ông cho biết, mỗi năm bỏ ra khoảng 4 tháng ngồi lì để viết còn 8 tháng đọc suy ngẫm tìm tài liệu. Cứ viết phần một thì đã vạch đề cương phần hai, viết phần hai thì vạch đề cương phần ba. Phần nọ kế tiếp phần kia, chương nọ tiếp chương kia, câu chữ cứ gọi nhau mà tìm về trên trang giấy. Có những ngày ông viết đến 15 giờ, viết cho đến khi cái chân bị gút của ông sưng tấy, phải lấy dây treo lên để tiếp tục viết.

Nhà văn viết về người thợ

Trần Tâm yêu vùng than đến tận cùng gan ruột. Từ rất sớm, ông có tham vọng trang trải “món nợ” này bằng cách thâu tóm lịch sử vùng than Cẩm Phả trong một tác phẩm văn học. Ông muốn viết về Cẩm Phả với tất cả những thăng trầm, những hy sinh, mất mát, buồn, vui. Và ông đã tìm đến với thể loại trường ca. Ông viết một mạch trường ca 12 chương “Vầng sáng trước bão”. Qua tập trường ca này, chính Trần Tâm đã nhận thấy sự hạn chế của thể loại ở chỗ không thể kể chi tiết, có lớp có lang được. Vì thế ông đã tìm đến với loại hình tiểu thuyết do sức bao quát của nó. Các bộ tiểu thuyết “Người kế nghiệp”, “Đất bỏng” và “Miền nắng đỏ” lần lượt ra đời. Đấy là còn chưa kể 2 tập truyện ngắn khác.

Khuyển đế – Tập truyện ngắn của Trần Tâm

Trong tất cả các sáng tác của mình, Trần Tâm đều viết về người thợ mỏ với tư cách của người trong cuộc. Ông vui niềm vui của người thợ, lo mối lo của người thợ. Và do vậy, tác phẩm của ông rất sinh động, chân thực. Viết về vùng than, Trần Tâm trăn trở với sự thay đổi quan hệ của các thế hệ công nhân: “Lớp công nhân đầu tiên của Vùng mỏ là người nông dân thoát ly đồng ruộng thôi. Họ chỉ mong kiếm đủ miếng ăn nhưng cuối đời vẫn không đủ ăn. Họ làm cách mạng để làm chủ nhưng cuối cùng thì vẫn bấp bênh. Rồi sự phân tán trong công nhân, lớp trẻ có học hành thì lại không muốn về mỏ vì không được tạo điều kiện. Lớp người cũ lại sợ lớp trẻ với kiến thức mới sẽ đào thải mình. Và đến khi làm chủ mỏ là những người có đầy đủ kiến thức và tâm huyết thì lúc ấy mỏ lại hết than. Đấy, người ta cứ ước mơ thế rồi cuối cùng không ai thực hiện được”.

Cẩm Phả là vùng đất của những con người có ước mơ cháy bỏng như thế. Có lẽ vì thế ông đặt tên cho cuốn tiểu thuyết mà mình đã cặm cụi góp nhặt suốt 20 năm là “Đất bỏng”. Với 4 tập dày gần 1.500 trang sách, cuốn tiểu thuyết đã kể về vùng đất Cẩm Phả suốt chiều dài hơn một thế kỷ, góp phần cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh về sự hình thành và phát triển của lực lượng công nhân mỏ. Hệ thống nhân vật trong “Đất bỏng” là những số phận những mảnh đời đi qua một miền đất hừng hực nhựa sống với nắng gió với bụi bặm khai trường, nhưng cũng bỏng rát trước cơn ba đào của chiến tranh, của khốn khó và khắc nghiệt. Mỗi số phận, mỗi cuộc đời đều gắn bó hữu cơ với lịch sử hào hùng của vùng than. Cũng chính những con người nơi đất bỏng đã “cháy” hết mình để hình thành, dựng xây và phát triển một đô thị công nghiệp vạm vỡ và năng động hiện nay. Do đó, tiểu thuyết đã mang đậm tính sử thi.

Cho đến thời điểm này, “Đất bỏng” của Trần Tâm là bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất, có thời gian nghệ thuật dài nhất khi viết về công nhân mỏ ở Vùng than Quảng Ninh. Đây cũng là cuốn sách khẳng định tên tuổi của Trần Tâm. Chưa rõ lịch sử văn học sẽ đánh giá thế nào về “Đất bỏng”, tuy nhiên có thể thế rằng, nếu viết về công nhân mỏ, Võ Huy Tâm đã hoàn thành sứ mệnh của mình với tiểu thuyết “Vùng mỏ” thì Trần Tâm lại là người kế nghiệp với “Đất bỏng” ở tầm khái quát lịch sử.

Viết về vùng than, Trần Tâm đã cất công tìm hiểu và lý giải cặn kẽ sự hình thành lực lượng công nhân mỏ, những tên đất, tên làng, tên moong, tên mỏ v.v.. Như vậy, tác phẩm của ông ngoài giá trị văn chương còn như một cuốn sử ký, một cuốn tự điển địa danh, cuốn dư địa chí về lịch sử một vùng đất. Không yêu vùng than, yêu những người thợ mỏ từ trong huyết quản sẽ không thể làm được những điều mà Trần Tâm đã làm.

HUỲNH ĐĂNG

Báo Quảng Ninh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *