Trương Thị Thương Huyền cất lên tiếng nói của người dân theo cách riêng – Kỳ 1

Vanvn- Hai nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga và Trương Thị Thương Huyền được xem là “cặp bài trùng” và hai “nữ tướng” nổi bật có nhiều đóng góp cho đời sống văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương. Trong lần bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nếu như Nguyễn Thị Việt Nga được tín nhiệm tái cử Đại biểu Quốc hội thì Trương Thị Thương Huyền được giới thiệu tham gia ứng cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương. Với tài năng, bản lĩnh, thành tích và sự nhiệt thành, giàu nghĩa cử, vô tư cống hiến cho xã hội, họ xứng đáng trở thành những đại biểu của nhân dân.

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền thăm Trường Sa

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền sinh ngày 27.12.1973 ở xã An Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Vốn là giáo viên chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp, liên tục xê dịch lên núi rừng biên cương ra hải đảo, không ngừng hoạt động xã hội từ thiện giúp đỡ đồng bào nghèo khó vùng cao hay dấn thân tuyến đầu chống dịch Covid-19, tất cả vốn sống phong phú quý giá ấy đã dần đi vào trang văn của Trương Thị Thương Huyền. Bên cạnh đó, bà còn chứng tỏ được khả năng tổ chức, quản lý khi trải qua những chức trách lãnh đạo khác nhau mà hiện tại là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Hải Dương, Ủy viên Ủy ban toàn quốc –  Phó ban Kiểm tra Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Là một nhà văn, nhà báo bà luôn cất lên tiếng nói, nguyện vọng của người dân theo cách của riêng mình…

Cử tri bây giờ có trình độ lắm, lại có sự tiếp cận công nghệ nên không thể nói bừa, hứa hão được.

* Thưa nhà văn, với tư cách Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Hải Dương bà ý thức ra sao việc được tín nhiệm tham gia ứng cử Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ tới?

– Tôi ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình là đại diện cho đội ngũ văn nghệ sĩ nói lên tiếng nói của cử tri khi họ đã tin tưởng trao gửi tới mình đối với những vấn đề họ đang quan tâm trong cuộc sống hiện tại!

* Đã ứng cử thì ai cũng hy vọng mình sẽ được cử tri bầu chọn, tuy nhiên nếu thiếu may mắn thì bà có chuẩn bị cho mình tâm thế… không trúng cử?

– Điều đó đương nhiên rồi. Bầu cử thì sẽ có trúng cử và không trúng cử! Chính vì xác định thế nên khi tiếp xúc cử tri, tôi trao đổi thẳng với bà con là: nếu cử tri ủng hộ, bỏ phiếu và tôi trúng cử thì tôi có cơ hội trực tiếp nói lên tiếng nói, nguyện vọng của các vị ở nghị trường; còn nếu tôi không trúng cử, tôi vẫn nói lên tiếng nói của người dân theo cách của tôi, đó là cách nói của người làm báo, viết văn đối với đời sống. Vì thế việc trúng cử hay không đối với tôi rất nhẹ nhàng, dù tôi biết đó cũng là một lần mình nhận thức thêm về sự tin tưởng của cử tri!

Hai nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga và Trương Thị Thương Huyền được xem là hai “nữ tướng” nổi bật có nhiều đóng góp cho đời sống văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương

* Thực ra với uy tín và năng lực của nhà văn Trương Thị Thương Huyền thì nhiều đồng nghiệp tin tưởng bà sẽ được bầu chọn. Nếu trúng cử Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương, đâu là những điểm chính trong chương trình hành động của bà?

– Tôi là người của văn học nghệ thuật giới thiệu ra ứng cử, làm báo cũng là báo văn nghệ nên nếu trúng cử thì điều tôi quan tâm là tập trung nhiều vào mảng văn hoá, trong đó có văn học nghệ thuật sao cho phát triển và có vị trí vững chắc trong đời sống người dân. Đặc biệt là công việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn vốn văn hoá truyền thống, từ đó gắn kết vào đời sống văn hoá, văn học nghệ thuật hiện tại nhằm góp phần đem tới các giá trị văn hoá, văn học nghệ thuật gần gũi, dễ tiếp nhận hơn trong đời sống tinh thần của nhân dân hiện nay. Cứ từ những điều giản dị trước đã rồi mới tới những việc lớn lao như giữ gìn bản sắc hay đưa những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị phục vụ thực tiễn cuộc sống. Mình có thể thực hiện được tới đâu thì xây dựng chương trình hành động tới đó chứ bây giờ cử tri có trình độ lắm, lại có sự tiếp cận công nghệ nên không thể nói bừa, hứa hão được.

Lao vào tuyến đầu chống dịch Covid-19. Hết dịch là lên vùng cao hỗ trợ đồng bào nghèo khó!

* Thời gian qua Hải Dương là một trong những điểm “nóng” của đại dịch Covid-19. Bà đã lãnh đạo Hội VHNT tỉnh có nhiều chương trình xã hội từ thiện hỗ trợ cho nhân dân vượt qua đại dịch. Từ những hoạt động đầy ý nghĩa này, bà có rút ra bài học kinh nghiệm về mối gắn kết giữa văn nghệ sĩ với đời sống thực tiễn nhân dân?

– Thực ra việc tổ chức hoạt động như thế cũng không to tát là từ thiện hay gì đâu. Đó chỉ là những việc hỗ trợ nhau lúc khó khăn hoặc từ nơi đỡ thiếu thốn hơn tới nơi thiếu nhiều. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là khi mình có điều kiện có thể kết nối và tập hợp được giữa người có để trao và người thiếu cần nhận thì mình làm thôi chứ bản thân tôi không có gì. Nhưng những hoạt động đó của Văn nghệ Hải Dương được nhiều bè bạn và văn nghệ sĩ đồng lòng, chung tay và cũng là cơ hội để văn nghệ sĩ tiếp cận, sẻ chia, đồng cảm hơn với nhiều số phận. Tôi cảm nhận được điều đó trong các tác phẩm của họ sau mỗi chuyến đi!

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền xông pha chống dịch Covid-19

* Nhà văn có thể kể lại vài kỷ niệm đáng nhớ khi xông pha tuyến đầu chống dịch. Có khó khăn nào từ công việc này mà bà cùng đồng nghiệp không thể vượt qua?

– Kỷ niệm thì nhiều lắm ạ! Mỗi chốt chống dịch, mỗi người dân trong khu cách ly hay phong toả là một kỷ niệm. Nhưng ám ảnh nhất với tôi là hình ảnh những chiếc cổng làng, những chiếc barie của từng thôn xóm trong vùng có dịch! Nói thế nào nhỉ? Thực sự là khó tả lắm: từ những bức tường gạch xếp cao chỉ hở khuôn đủ cho người ngoài đưa và người trong cổng nhận đồ tiếp tế đến những chỗ chỉ có ngọn tre gai chặn ngang hay mấy sợi dây thừng chắn vội, vậy mà người trong không bước qua, người ngoài không bước vào… đủ thấy ý thức chấp hành của người dân nghiêm túc thế nào! Rồi hình ảnh những chiến sỹ công an, bộ đội, dân phòng, phụ nữ… ở các chốt gác, chuyện này thì báo đài miêu tả nhiều rồi, nhưng tôi muốn nói đến các chốt không chuyên ở các thôn làng, bản cơ… thực sự là khó tả hết được cảm xúc khi nhìn vào các chốt trực đó lắm. Ở đó tôi gặp hàng xóm của tôi, bạn học của tôi, cả đứa em gái vốn rất “dặt dẹo” được cả nhà cưng chiều của tôi, rồi những mái đầu bạc… đủ thấy Hải Dương chúng tôi đã chống dịch quyết liệt thế nào!

* Đúng là khi lâm trận mới thấy ý thức lớn của người dân trước nguy nan cũng như sự dấn thân của những chiến sĩ chống dịch, trong đó có văn nghệ sĩ. Ngoài chống dịch Covid-19, được biết cá nhân bà cùng Hội VHNT tỉnh Hải Dương còn có những chương trình xã hội từ thiện giúp đỡ đồng bào vùng cao vùng xa ở các tỉnh bạn. Xin bà cho biết sơ lược kết quả những chương trình ấy ra sao. Và sắp tới sẽ triển khai những chương trình nào?

– Dạ thôi, về kết quả thì xin phép chúng tôi không nhắc nữa đâu, còn sắp tới khi cuộc sống trở lại bình thường như những ngày chưa có dịch thì chúng tôi lại lên đường tới những vùng đồng bào dân tộc còn chờ đón chúng tôi như Xín Cái, Đồng Văn, Hà Giang chẳng hạn…

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền và đồng nghiệp trò chuyện với chiến sĩ Trường Sa

Luôn có cảm xúc mạnh khi đến vùng đất lạ, nhất là lên núi rừng biên cương và ra hải đảo!

* Vâng, đồng bào khó khăn vùng cao chắc cũng đang mong chờ hình ảnh nhà văn Trương Thị Thương Huyền và đồng nghiệp. Bà là một phụ nữ năng động, thích xê dịch, hết lên rừng biên giới lại xuống biển, ra tận hải đảo Trường Sa. Vốn sinh trưởng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, những khi lên miền núi cao hay ra ngoài đảo xa, cảm xúc của bà có gì khác biệt?

– Thực ra thì quê hương tôi cũng có nhiều điều để viết lắm. Nhưng vùng cao hay biển đảo là vùng mà không phải mình muốn đến muôn tìm hiểu, muốn khám phá lúc nào cũng ngay được nên mỗi khi đến được đó, nó lại mang tới cho tôi cảm giác rất khác: mới, lạ thì dĩ nhiên rồi nhưng nó có sức hút rất kỳ, kiểu như mình đang ăn miếng cơm bình thường bỗng nhai thêm miếng ớt hiểm rõ cay khiến mình xuýt xoa rồi miệng mũi mắt trào hết cả nước ra ý! À, người ta hay nói là gì nhỉ: a, cảm xúc mạnh!

* Cảm xúc mạnh! Tri nhận ấy cũng gần với… cảm giác mạnh, nếu thêm sự tương tác với cái lạ! Đó cũng chính là sự quyến rũ cho những người thích xê dịch và sáng tác. Từ thực tế những chuyến đi lên rừng xuống biển ấy mang lại kết quả cụ thể ra sao cho trang viết của nhà văn?

– Vâng, kết quả là những trang viết của tôi được “hiện hình” thôi! Còn hay dở như nào thì lại thuộc về độc giả về sự đánh giá của bè bạn đồng nghiệp!

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền và văn nghệ sĩ Hải Dương đến với chiến sĩ và bà con vùng cao còn khó khăn

* Có những điều gì bà muốn viết nhưng vì lý do nhạy cảm nào đó mà chưa thể thực hiện?

– Nhiều chứ ạ! Nói gì thì nói, ở bất kỳ vùng miền nào thì vẫn có những vấn đề thuộc về “góc khuất” mà mỗi chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy nhưng chưa thể viết ra được! Nó nhạy cảm vì nó chưa phù hợp, nó cũng có khi phụ thuộc vào khả năng viết của tôi chưa thể tiếp cận để phản ánh những điều đó cho ra hồn ra vía chẳng hạn.

* Cho tới nay, trong số những đứa con tinh thần đã xuất bản, bà tâm đắc với tác phẩm nào, vì sao?

– Dạ, con mình sinh ra mà anh, đứa nào mình chẳng quý, chẳng thương… nên tôi trân trọng tất cả, cũng như tôi hiểu dù tôi thích hay không thì mỗi tác phẩm của bè bạn của đồng nghiệp tôi đều đáng trân trọng!

HẢI PHÚ thực hiện

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *