Vanvn- Vào lúc 9g ngày 22.7.2022, tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội sẽ diễn ra lễ ra mắt sách “Nhà văn và chữ tình gửi lại” của nhà văn Trình Quang Phú.
Bên bãi biển Phú Yên xinh đẹp, thơ mộng và hào sảng, trong gió biển phóng khoáng ào ạt, tôi ngồi trò chuyện cùng Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú.
Thời chiến tranh, năm 1966-1967 Trình Quang Phú nhà báo, phóng viên quân sự trực chiến trên Mặt trận đường 5 (Hà Nội – Hải Phòng). Nơi nào chiến đấu dữ dội nhất là ông có mặt. Những kỷ niệm trực tiếp chiến đấu, bảo vệ người dân được nhà báo – người lính trẻ Trình Quang Phú phản ánh kịp thời trên báo Quân Đội Nhân Dân, Nhân Dân…

Bài báo đầu tiên anh viết được đăng trên báo Nhân Dân vào tháng 11.1959. Từ đó anh viết báo khá đều. Tới năm 1961, anh đã vinh dự được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng năm 1961, tác giả Trình Quang Phú được báo Cứu quốc trao giải thưởng cho ký sự của mình. Những tác phẩm ảnh anh chụp như “Cắm cờ ở Khe Sanh”, “Tuần tra Mũi Né” cũng được Huy chương vàng quốc tế được giải nhất ảnh báo chí ở Liên Xô.
Sau đó, Trình Quang Phú được cử đi làm cán bộ ngoại giao của Bộ Ngoại giao miền Nam. Công việc bận rộn, và ông phải di chuyển cũng nhiều, cả trong nước và nước ngoài. Trong những chuyến đi như thế, ông ghi chép, và chụp nhiều ảnh giữ làm tư liệu để sau này triển khai viết. Ông cũng tích lũy những mối quan hệ với những người ưu tú, để học hỏi từ họ, và kết nối thường xuyên. Sau giải phóng, tới khi nghỉ hưu, ông mới có thời gian ngẫm nghĩ, và tập hợp những tư liệu từng tích lũy để viết. Những tác phẩm làm nên tên tuổi Trình Quang Phú đều ở dạng bút ký.
Trong số những sách ông xuất bản, có 2 tác phẩm viết về Bác Hồ là: “Đường Bác Hồ đi cứu nước” in đến lần thứ 19 và “Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng” tái bản lần thứ 20 được dư luận rất hoan nghênh. Tôi chú ý đến tác phẩm “Ký sự xứ người” của ông. Cuốn sách khá dày dặn, có cả ảnh màu minh họa, gồm các bài viết về những đất nước trong gần 30 quốc gia ông từng đặt chân tới trong quãng thời gian làm ngoại giao và cả những chuyến du lịch. Viết các nước, nhưng không phải chỉ là những cảm nghiệm về đất nước, con người, văn hóa, mà ông lồng ghép những suy tư của mình trong đó, nổi bật lên là câu hỏi “Cũng đất, cũng người, cũng biển, cũng sông suối và núi đồi, mà sao họ có thể làm cho đất nước giàu đẹp, thu được nhiều lợi nhuận cho quốc gia họ như vậy? Còn ta thì sao? Tại sao ta chưa bằng họ? Ta có thể học được bài học nào?”
Khi trở về thăm quê hương Phú Yên, nhà văn Trình Quang Phú càng suy tư hơn. Tại sao quê mình đẹp thế, mà vẫn cứ mãi hoang sơ, mãi nghèo… Ông nghĩ cách thay đổi bộ mặt quê hương. Trong những chuyến đi công tác xưa, ông từng quen biết nhiều nhà kinh doanh, nhà tài phiệt. Ông tìm cách mời họ về thăm quê hương mình, chỉ cho họ những cơ hội đầu tư. “Đất nước tôi đẹp lắm! Các ông nên đến thăm.” – Nhà văn Trình Quang Phú nói với họ như vậy, và họ đến, cũng khẳng định là Việt Nam, và nhất là Phú Yên quê hương ông đều rất đẹp, hoang sơ và tự nhiên.
Tuy nhiên, có hàng chục doanh nhân mà ông mời đến Phú Yên, thì họ cứ đến rồi lại đi, không ai thực sự muốn đầu tư cả. Ông nhớ nhất là một nhà đầu tư người Pháp gốc Ba Lan mà ông đưa về Phú Yên để giới thiệu cơ hội đầu tư. Nhà đầu tư này khen rằng, Phú Yên quá đẹp, nhưng chỉ sau một đêm không ngủ được ở khách sạn vì những vị khách không mời mà đến quấy nhiễu suốt đêm như thằn lằn, gián, muỗi, chuột, nhà đầu tư đã nằng nặc đòi rời đi. Qua nhiều lần thất bại với việc giới thiệu đầu tư, nhà văn Trình Quang Phú nghiệm ra rằng, vì cơ sở hạ tầng ở Phú Yên còn quá yếu, thậm chí một khách sạn tiêu chuẩn quốc tế cũng không có cho nhà đầu tư ở lại, thì họ không thể yên tâm đổ tiền vào Phú Yên. Ông quyết định tự đầu tư một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp để các nhà đầu tư có thể ở lại, đồng thời cũng là tiên phong khai mở du lịch Phú Yên.

Cách nay gần 20 năm, khi nhà văn Trình Quang Phú quyết định đầu tư làm khu resort, ban đầu vợ ông phản đối vì sẽ quá vất vả, vì đến tuổi này, ông hoàn toàn có quyền nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống theo cách của mình. Nhưng khi nghe ông bày tỏ niềm băn khoăn và ước nguyện của mình, thì bà đã đồng thuận. Bà Huỳnh Thị Kim Hương là một phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, đã đồng hành cùng chồng vượt qua nhiều gian khó trong đầu tư. Có một số người biết, giới thiệu cho vợ chồng nhà văn những mảnh đất “ngon” ở gần thành phố Tuy Hòa, nhưng nhà văn Trình Quang Phú lại từ chối. Ông quan niệm, ai cũng chọn miếng nạc, riêng mình phải chọn khúc xương. Khi thấy ở chỗ khó nhất mà mình còn làm được, mọi người cùng làm thì tỉnh Phú Yên mới phát triển thực sự.
Nhà văn Trình Quang Phú chọn Đồi Thơm – một khu đồi trọc cháy nắng khô cằn – để làm nơi ông thử thách chính mình. Một trách nhiệm khiến ông đứng trước đồi cằn nắng cháy mà ước mơ, đó là hình ảnh của những cây cổ thụ trong rừng, kích thước thân cây lớn tới mức vài người ôm mà ông từng thấy trong những ngày chiến trận, thì trong thời bình khi ông quay lại thăm, đã bị đốn hạ mất. Ông tự thấy có trách nhiệm phải trả lại cây cho thiên nhiên. Đồi Thơm sẽ trở thành một khu rừng xanh mát, đầy hoa thơm, cây trái và chim muông. Ước nguyện đẹp đó của ông đã dần dần được thực hiện. Từng mầm cây non được ươm, từng hạt cây hoa được gieo trồng, vun bón chăm dưỡng,… Tâm nguyện và công lao con người, mồ hôi đổ xuống đất đồi đã chuyển hóa Đồi Thơm từng ngày. Qua gần hai mươi năm, khu du lịch sinh thái Sao Việt trên Đồi Thơm đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Sao Việt trên Đồi Thơm và sau đó là Sao Mai bên bãi biển xinh đẹp cách đó chừng 2km đã trở thành nơi nghỉ dưỡng thú vị cho biết bao tâm hồn lãng mạn, khi buổi sáng ta thức dậy, có thể thong dong trên bãi tắm cát trải dài phẳng mịn, để từng lưỡi sóng mơn man liếm gót hồng và đón mặt trời đỏ ối dâng lên sau những đám mây ngũ sắc ở bên khu Sao Mai. Ta cũng có thể vẫy vùng cùng sóng bạc thỏa thích, để mặc cho từng giọt biển mặn gột rửa ta đến tinh khiết, để từng con sóng thơ ca hòa cùng sóng nước nâng bổng tâm hồn.

Buổi chiều, dạo bước lên Đồi Thơm bên khu Sao Việt cổ tích, ta sẽ lạc bước trong hoa thơm cỏ lạ dưới tán rừng sinh thái, và trong tiếng hót ríu rít của những loài chim, ta có thể lặng ngắm hoàng hôn qua khe lá. Quả thực, trải nghiệm cùng lúc cảm giác lên rừng xuống biển ở Sao Việt – Sao Mai rất đậm sâu, mà lại thật gần. Rất hiếm có nơi nào lại hội đủ cả biển rộng, rừng rậm và đồi cao cho chúng ta cảm giác phiêu diêu đến thế.
Trải qua những chuyến đi tới nhiều nước trên thế giới, nhà văn Trình Quang Phú rút ra nhiều bài học để về điều chỉnh mình, tìm cách góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Ông nghiệm ra một điều, đất nước mình có giàu được hay không là do con người. Con người có trí tuệ, có tâm thì sẽ tạo nên đất nước giàu mạnh. Mà một trong những nguồn trí tuệ phong phú nhất của loài người nằm trong sách. Ông cho rằng, nếu không có sách, thì người dân quê mình không khai trí được. Với mong muốn hỗ trợ quê hương ở xã An Chấn, nhà văn Trình Quang Phú đã quyên góp xây dựng Nhà truyền thống – thư viện xã. Nhà truyền thống – thư viện xã An Chấn mới khánh thành dịp cuối tháng 4.2022 nhưng đã thu hút trên 1000 đầu sách. Ông hy vọng rằng từ Nhà truyền thống – Thư viện xã An Chấn, những lớp cháu con quê hương sẽ được đắm mình trong trang sách, mở ra cửa ngõ tri thức, hình thành tư duy tiên tiến, phát triển bản thân và khao khát xây dựng quê nhà giàu đẹp.
KIỀU BÍCH HẬU