Vanvn- Xuất hiện gần đây và dần quen với bạn đọc ở cả hai mảng sáng tác thơ và truyện, tác giả Mộc An (tên thật Nguyễn Thị Nguyệt Trinh, sinh năm 1980, quê ở Tuy Phước, Bình Định) đã cho thấy duyên văn chương và năng lực sáng tác của mình với những tác phẩm chắc tay, nhiều hình ảnh và thông điệp.

Đặc biệt, chị tạo chú ý khi mở cánh cửa bước vào thế giới của trẻ thơ với những trang viết giản dị nhưng giàu sức gợi, với cái đích cuối cùng là tìm về cội nguồn của yêu thương và chia sẻ.
Năm 2021, chị ra mắt bạn đọc tập truyện đầu tay Đậu Đậu Sâu Sâu Bé Bé (in chung cùng tác giả Thùy Trang). Đến cuối năm 2022, chị tạo bất ngờ lớn khi ra mắt bạn đọc cùng lúc 2 ấn phẩm cho thiếu nhi: Tập truyện Nếu một ngày chúng tớ biến mất (NXB Kim Đồng) và tập thơ Cây cầu lấp lánh (NXB Trẻ).
Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc gặp gỡ, trò chuyện cùng nhà văn, lắng nghe những sẻ chia của chị xoay quanh việc sáng tác của mình.
Viết trước lúc đi chợ

* Chào chị, chúc mừng chị với hai tác phẩm vừa ra mắt bạn đọc. Nhiều người khá bất ngờ với hiệu suất làm việc của chị. Vừa bận rộn việc cơ quan lẫn việc nhà, không biết chị dành khoảng thời gian nào cho việc sáng tác?
– Mộc An: Là một phụ nữ bình thường, ngoài những giờ làm việc ở cơ quan ra, tôi còn lo toan những điều nho nhỏ mỗi ngày cho cuộc sống gia đình. Thường khi bị cuốn theo nhịp công việc sẽ thấy mệt mỏi. Vì vậy, tôi thường cho mình chút ít thời gian để thư giãn, để viết. Ví dụ, một vài tiếng đồng hồ mỗi sáng trước khi đi chợ, kiểu vậy. Đó cũng là một cách tôi tìm sự cân bằng cho cuộc sống.
* Viết trước khi đi chợ, nghe cũng vui vui… Nhưng như vậy thì đâu là chỗ dựa để chị viết cho thiếu nhi, lĩnh vực đã được nhiều nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu thống nhất là rất khó?
– Vậy ư? (cười). Thật ra, tôi có chỗ dựa rất vững chãi, đó là những cuốn sách cũ, những câu chuyện hồi bé mà tôi và bạn bè từng say mê chuyền tay, đọc ngấu nghiến; chúng trở thành nguồn mạch trong trẻo nuôi dưỡng tôi qua thời gian. Một ngày kia tôi thầm nghĩ, hay là mình viết cái gì đó cho các bé đọc. Vậy là tôi bắt tay vào những trang viết. Có lẽ khi viết cho các bé, tôi đã tự trả mình về thời thơ ấu, bơi lội trong không gian tâm tưởng ấy nên thấy cũng… bình thường!
Thế giới trẻ thơ từ mảnh vườn nhỏ…

Hàng ngày, Mộc An chăm mảnh vườn nhỏ với nhiều thứ rau, hoa, cùng một ít bạn côn trùng. Những lúc trò chuyện cùng chị, chị hay kể về mảnh vườn của mình một cách đầy hứng khởi như đang kể về một người bạn tri kỷ. Cũng từ những điều gần gũi và bình dị ở không gian yêu thích ấy, cánh cửa của thế giới trẻ thơ dần hé mở để tâm hồn văn chương cất cánh…
– Tôi có một mảnh vườn nhỏ, trồng những loại cây tôi yêu thích. Tôi rất thích chăm sóc và ngắm khu vườn ấy mỗi ngày, từ những bông hoa li ti đến những loài côn trùng như ốc sên, dế nhỏ… Vườn không chỉ làm cho tâm hồn tôi trở nên dễ chịu, mà đó còn là một thế giới sống động. Nếu mở lòng lắng nghe, bạn có thể cảm nhận được tiếng nói của vườn, lẫn những bài học lặng lẽ từ cây cỏ, từ những loài côn trùng dễ thương.
* Dường như, bạn Sên từ mảnh vườn nhỏ của chị đến bạn Sên trong Nếu một ngày chúng tớ biến mất đã có một chuyến hành trình dài?
– Bảy năm trước, có một bạn Sên nhỏ đến khu vườn nhà tôi. Vào một sáng mùa thu, tôi phát hiện bạn ấy đang gặm những bông hoa cúc trong chậu. Sau đó, tôi biết trong khu vườn nhỏ có các bạn Ốc Sên, nhỏ bé, rồi sau đó lớn lên. Cũng không biết từ khi nào, tôi bỗng muốn viết về các bạn ấy. Thế là bạn ấy đã đi vào câu chuyện và đến với bạn đọc. Có điều, bạn Sên trong câu chuyện của tôi “hiền lành” hơn vì bạn ấy “ăn chay”, nghĩa là không còn ngấu nghiến những cánh hoa xinh xẻo nữa.
* Thế giới mà bạn Ốc Sên đang đối diện với những bất an và những cuộc di cư dường như cũng là những hiện diện đâu đó trong thế giới con người chúng ta hiện nay?
– À, đó là cách mà bạn đọc từ tác phẩm thôi. Vì thế giới của chúng ta vốn đầy những bất an. Ở một góc nhìn nào đó, thì con người chúng ta cũng nhỏ bé không khác gì các bạn ấy. Có nhiều những giá trị để chúng ta lựa chọn: Cái trước mắt, cái lâu dài, cái hữu hạn, cái vô cùng. Có thể bạn đọc sẽ tìm thấy trong câu chuyện của Ốc Sên câu chuyện về chính chúng ta, về những điều mà trong thế giới hiện tại chúng ta đang phải đối diện.
Tâm hồn như được trị liệu
* Viết cho thiếu nhi là cách mà không chỉ riêng Mộc An mà nhiều tác giả khác làm sống dậy những ký ức ngọt lành thơ trẻ trong mình. Để từ những trang viết ấy, người sáng tạo và thế giới bạn đọc là trẻ nhỏ được xích lại gần nhau hơn.
* Chị khá hào hứng khi sáng tác cả truyện và thơ. Thế giới trong tập thơ Cây cầu lấp lánh, có phải là thế giới của những tưởng tượng ngọt ngào?
– Cây cầu lấp lánh đơn thuần là những ký ức trong trẻo của tuổi thơ mà tôi muốn lưu giữ, để nhớ về… lẫn những thông điệp nho nhỏ vui vui về cuộc sống xung quanh. Xét về tưởng tượng, thì gần gũi hơn nhiều so với Nếu một ngày chúng tớ biến mất.
* Dường như không chỉ trong tập thơ mới… thơ, mà ngay trong tập truyện của chị, những nét đẹp của thơ cũng được chị gửi gắm qua nhân vật của mình. Chị có thể chia sẻ đôi chút về điều này?
– Ý bạn là cậu Ốc Sên thi sĩ? Vì bạn ấy mải mê đi tìm vẻ đẹp của cuộc sống, nên bạn ấy cũng biết nâng niu cuộc sống. Thơ là dạng ngôn ngữ kết tinh và soi chiếu vẻ đẹp của thế giới trong chiều sâu kỳ diệu. Ở một khía cạnh, thì đó là cách nhìn, cảm nhận thế giới bằng tất cả các giác quan, nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống quanh mình. Nhìn thế giới bằng cái nhìn trong trẻo nguyên sơ, có lẽ đôi mắt trẻ thơ là thơ nhất, tôi nghĩ vậy.
* Chị nghĩ gì về mảng sáng tác dành cho thiếu nhi của Bình Định hiện tại?
– Những năm gần đây, mảng sáng tác dành cho thiếu nhi ở Bình Định dành được nhiều sự quan tâm của các tác giả. Ngoài nhiều nhà văn đã gắn bó với mảng sáng tác này từ lâu như Nguyễn Mỹ Nữ, Bùi Thị Xuân Mai thì mảng sáng tác này thu hút nhiều cây bút trẻ như Thùy Trang, My Tiên… Chính điều đó, cũng tạo những cộng hưởng nào đó để tôi và các tác giả khác tiếp tục sáng tác và có những điều chỉnh phù hợp để nâng cao hơn chất lượng tác phẩm.
* Những tác phẩm vừa rồi của chị chỉ là sự khởi đầu? Chị sẽ còn viết nhiều cho trẻ thơ chứ…
– Thật sự chỉ là khởi đầu, tôi vẫn còn muốn viết nhiều cho các bé và hy vọng các sáng tác sẽ có duyên để đến được tay các bạn đọc nhỏ tuổi. Chỉ hy vọng theo năm tháng, tâm hồn mình sẽ không già nua và khô cạn đi. Tôi cũng cần có sự gần gũi và thấu hiểu tâm hồn trẻ thơ hơn để có thể viết về thế giới trẻ thơ một cách tự nhiên và đồng điệu, như vậy mới được các em yêu thích đón nhận.
* Cám ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị này. Nhân dịp năm mới, chúc chị nhiều sức khỏe, niềm vui và nhiều sáng tạo.
VÂN PHI (Thực hiện)