Nhà văn Huỳnh Nguyên thuộc thế hệ tiên phong của văn học Lai Châu

Vanvn- Tác giả Huỳnh Nguyên, tên thật là Nguyễn Văn Tịnh, sinh năm 1940, một chàng trai gốc Huế nhưng đã sớm đến với Lai Châu với lí tưởng của sự nghiệp trồng người, gieo chữ trên những rẻo cao Lai Châu. Những năm tháng công tác ở ngành giáo dục, trong vai trò là một “thầy giáo cắm bản”, sống gần gũi với nhân dân đã khiến cho nhà văn Huỳnh Nguyên có một vốn sống sâu sắc về cuộc sống của đồng bào Lai Châu. Bằng tình yêu ông đã cống hiến hết tuổi thanh xuân cho miền núi, góp phần vào sự phát triển của Lai Châu nói chung, vào nền móng của văn học nghệ thuật tỉnh nhà nói riêng.

Ngòi bút Huỳnh Nguyên hướng đến nhiều góc cạnh của cuộc sống miền sơn cước, và bằng nhiều thể loại khác nhau. Ông đã xuất bản 6 tập thơ (Đất núi – 1999, Khúc hát sông Đà – 2000, Lửa hoàng hôn – 2002, Không nói lời yêu – 2008, Vầng trăng Pu Sam Cáp – 2010, Xuân thì – 2013), 01 tập trường ca Tiếng vọng non ngàn – 2021. Đặc biệt, ông là tác giả tiểu thuyết tiêu biểu của Lai Châu với 04 tác phẩm: Tình sử một vùng đất – 2001, Lửa Pu Ta Leng – 2012, Đại bàng núi – 2015 và Núi rừng thân yêu – 2019.

Huỳnh Nguyên đã từng nhận các giải thưởng về văn học nghệ thuật của Hội VHNT các DTTS Việt Nam năm 2002, 2012, của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2009, 2018 và các giải thưởng VHNT của Lai Châu năm 2012, 2017.

Chuyên đề Văn học Lai Châu xin giới thiệu một truyện ngắn của nhà văn Huỳnh Nguyên.

Nhà văn Huỳnh Nguyên (ngoài cùng bên phải)

CHUYÊN ĐỀ VĂN HỌC LAI CHÂU:

>> Văn học Lai Châu: Nhìn từ Pu Ta Leng

>> Đỗ Thị Tấc – trụ cột của văn học Lai Châu

>> Hà Phong viết để yêu thêm đất núi quê mình

 

CHUYỆN TÌNH CÂY ĐA ĐÔI

 

Chẳng biết từ bao giờ, “cây đa đôi” đã đứng sừng sững bên đường. Rễ bám chắc vào tảng đá to, gửi thân vào đấy, hồn cây quyện chặt vào đá. Từ ngày có con đường quốc lộ 4D qua đây, cây đa đôi đỡ cô đơn lạnh lẽo. Người xe tấp nập đi về. Những buổi trưa trời nắng, cây đa đôi thành chỗ nghỉ chân cho người qua đường. Những đêm rằm trăng sáng, cây đa đôi thành chỗ hẹn hò của đôi lứa. Các già bản nói: Thế đất đẹp mà sinh tình, nơi sơn thủy hợp giao nên nặng nghĩa. Những chàng trai, cô gái vùng này thủy chung như suối Nậm Hùm qua bản Khu Chu Lìn rồi chảy về bên dưới cây đa đôi chẳng bao giờ cạn. Vầng trăng đêm rằm như quả ngọc cành vàng lơ lửng trên đỉnh núi Tiên. Đêm Hồ Thầu bỗng sáng. Vòm trời như chiếc khăn thổ cẩm màu chàm lớn chùm lên bao bọc cánh rừng. Những vì sao xa thẳm nhấp nháy ảo huyền. Gió qua rừng, từng đám mây to vần vũ dồn lại. Từ màu xám chuyển ra màu trắng, màu hồng như lơ lửng trên đầu cây đa đôi, rồi lại tản ra trôi khắp bầu trời. Tẩn A Lùng chỉ tay về phía những áng mây xa xa nói với bạn gái:

– Chảo Xa Mẩy à! Em nhìn xem những đám mây hồng nhỏ lướt đang bay trên trời đấy.

Xa Mẩy nhìn theo tay A Lùng và nói:

– Đẹp lắm A Lùng à! Như những nàng tiên đủ xiêm áo dang đôi tay phất phơ trước gió.

Hai người reo lên thích thú như cùng vừa phát hiện ra điều gì đó huyền bí. Khèn Mông, đàn Dao bắt đầu réo rắt bên đường. Người đi từ thị trấn huyện lên, người đi từ bản Khu Chu Lìn, Mà Phô xuống, từ Giang Ma, Tả Chải sang… Tất cả đều tiến về phía cây đa đôi. Cây đa đôi vẫn đứng đấy dưới ánh trăng như đôi bạn tình bên nhau tâm sự. Bên đường có mấy chiếc ô tô con và nhiều xe máy xếp thành hàng. Trên bãi cỏ bên kia đường, nhiều thanh niên nam nữ Mông, Dao, Kinh đang vui chơi ca hát quanh ánh lửa trại… Họ nhớ câu chuyện người già vẫn kể: Ngày xửa ngày xưa, có một mối tình giữa A Hảng – chàng trai người Mông ở bản Tả Chải và nàng Xa Hào – cô gái người Dao ở bản Xin Câu. Tình yêu bị cấm đoán, không lấy được nhau, họ biến thành cây đa đôi để được bên nhau mãi mãi.

Đêm về khuya, mặt trăng càng đẹp lạ, mặt trăng sáng một màu vàng tươi ẩn hiện hình dáng đa và cả hình người. Không biết bóng đa trong trăng có liên hệ gì với cây đa dưới đất không? Bầu trời đêm trong như lọc không một gợn mây. Cảnh vật một vùng bừng sáng. Con chim khách đầu trên ngọn đa cao tít bị động bay vút lên còn nhìn rõ đôi chân ở dưới như vẫy vẫy gọi ai. Con chim ấy vút lên kêu “khách khách” như gởi về một cõi xa xăm. Người đi chơi đã về. Dưới gốc đa đôi người đã ít dần. Một làn gió núi mơn man ào tới lành lạnh. A Lùng, Xa Mẩy đi sát bên nhau, tay trong tay, hơi ấm truyền sang nhau như muốn truyền cho nhau nghị lực, chia sẻ cảm thông cho nhau. Cây đa đôi vẫn xào xạc trước gió như lời tâm sự. Xa Mẩy thầm nghĩ, bây giờ mình làm sao hóa thành cây đa đôi như người xưa. Chỉ vì lời hẹn của hai ông bố trên mâm rượu mà Xa Mẩy bị gán ghép với người mà Xa Mẩy không yêu. Bố Xa Mẩy vì thế không thích A Lùng. Xa Mẩy đến bên cây đa đôi giờ đã ngập trong ngàn sương, cành lá ướt đẫm. Hơi ấm và mùi ngái từ thân đa tỏa ra ngây ngất. hai người tựa vào tảng đá chờ đêm lặng lẽ trôi. Chợt đôi bạn tình xưa như ở đâu đây… Ngày xưa, vùng này rừng cây rậm rạp, người và mọi vật cùng chung sống. Con hổ, báo, hươu, gấu… qua đường thấy người vẫy đuôi chạy thẳng. Rừng vầu, rừng bương vươn ngọn ven lối đi. Trên núi, từng lớp đá chen nhau. Những cây lát, gụ, nghiến hàng trăm tuổi, vỏ mốc thếch như mũi tên vươn thẳng lên trời. Dọc con đường mòn từ Chiềng Sa đến Mường Lự phải qua mười thác nước. Dòng nước bạc trên cao đổ xuống âm vang réo rắt như tiếng đàn tiên nữ. Có thác Tắc Tình vừa đẹp vừa thiêng. Quanh thác, từng đám hoa rừng đủ màu khoe sắc, chim rừng ríu rít, bướm, ong tìm mật. Có mùi thơm ngan ngát tỏa ra.

Một buổi chiều, núi rừng xanh thắm đẹp lạ, các tiên nữ trên trời bay xuống đầu ngọn thác vui chơi ca hát và tắm. Cuộc sống thật thanh bình. Những thửa ruộng bậc thang, những đám nương bông lúa đã trổ vàng hứa hẹn một mùa no ấm. Con người ở đây luôn hiện hữu, song hành cùng thiên nhiên trong vòng chuyển động của vạn vật. Từ đời nọ sang đời kia luôn phải đấu tranh chống lại các thế lực, gìn giữ cốt cách gia phong, bảo vệ cuộc sống, tình yêu hạnh phúc. Biết bao câu chuyện tình đẫm nước mắt ở vùng đất này. Núi sông cách trở, bạo lực hung tàn, hủ tục ràng buộc vẫn không ngăn được tình yêu chân chính. Chuyện cô gái Hồng Thu, chàng trai Xìn Thàng giữ ước hẹn mười năm đi tìm nhau chưa gặp đã chết giữa lưng đèo là một chứng tích. Thời gian trôi đi mọi chuyện tình rồi cũng vào dĩ vãng. Mối tình A Hảng, Xa Hào còn đó. “Cây đa đôi” vẫn sừng sững đến ngày nay. Thiên thu đã trôi qua nhưng trên cánh rừng ngọn núi, con đèo vực đá vẫn còn ghi lại dấu tích thời gian. Dòng suối trong xanh qua bản soi bóng dáng bao cuộc đời bất hạnh. Những cô gái, chàng trai Mông, Dao, Thái, Lự gắn bó với gia đình, mường bản, dù đi đâu cũng muốn về nhà trước hoàng hôn. Bản nhỏ bên rừng cổ thụ cứ phải gồng lên sức sống để tồn tại. Một đám trai gái náo nức trên đám ruộng bậc thang, tốp cắt lúa, tốp đập lúa, tiếng đập “thùm thùm” dội vào núi. Một bài hát tiếng Dao nhỏ nhẹ vang lên hòa cùng tiếng liềm xoàn xoạt và tiếng ào ào của gió. Từ con đường trên núi ngang cánh đồng, một tốp trai bản Tả Chải cùng mấy con ngựa thồ thóc ngang qua. A Hảng – một chàng trai Mông đùa:

– Con gái bản Xin Câu hát hay thế!

Cả tốp gái Dao đang gặt lúa nhao nhao:

– Gái Dao hát không hay đâu! Mà chàng trai Mông ơi, có muốn nghe xuống đây chúng em hát cho nghe!

Xa Hào nhìn lên các chàng trai đang đi và nói:

– Xuống giúp em cắt lúa các chàng trai ơi!

Tranh của họa sĩ Pablo Picasso.

A Hảng dừng lại nhìn xuống ruộng gặp đôi mắt Xa Hào nhìn lên, bốn mắt gặp nhau, đôi chân A Hảng như chùng lại, không bước được nữa. A Hảng cầm dây cương ngựa. Con ngựa đi nhanh kéo A Hảng đi theo. Xa Hào cứ đứng trơ nhìn theo cho đến lúc đoàn người khuất sau rừng cây. Một buổi chiều, Xa Hào cùng đám con gái bản Xin Câu vào rừng chặt củi. Xa Hào nhìn thấy dưới gốc cây có nhiều cành củi khô gãy xuống, nàng cúi xuống nhặt. Bỗng dưới đống lá khô có một con rắn to bằng cổ tay màu vàng đất, mình hoa nhảy bật lên. Xa Hào sợ líu lưỡi, kêu không thành tiếng, con rắn nhìn thấy nàng quay đầu lại, nàng sợ quá lùi lại rồi chạy phóng lên, rắn đuổi theo. Các bạn nàng chạy tản ra kêu cứu vang cả một góc rừng. Đám trai bản Tả Chải đi săn gần đấy băng rừng chạy đến. Nhìn thấy rắn đuổi người tất cả chạy tản ra. Một chàng trai xông lại đuổi theo con rắn. Tay chàng lăm lăm một đoạn cây. Bị đuổi phía sau, con rắn quay đầu lại lao thẳng vào chàng. Nhanh như chớp, chàng trai né tránh sang bên rồi vụt một gậy như trời giáng vào lưng rắn. Rắn bị gẫy xương sống oằn mình quằn quại. Xa Hào đã định thần nhưng chưa hết sợ. Lúc ấy Xa Hào mới nhìn lại chàng trai Mông vừa cứu mình. Hóa ra chàng trai nàng đã gặp hôm cắt lúa. Nàng nhớ đã nói chuyện với chàng những lần đi nương, đi chăn trâu. Mặt chàng tươi sáng, chàng khỏe như con gấu trong rừng. Không gặp chàng chắc rắn đã mổ nàng chết. Trời xẩm tối, xốc thồ củi lên vai, trai gái hai bản chào nhau ra về. Xa Hào nói:

– A Hảng à, em cảm ơn anh!

Xa Hào về đến nhà, đặt thồ củi bến gốc sơn tra đã nhìn thấy mẹ đứng đấy, bà nói:

– Mày thích thằng A Hảng bên Tả Chải hả con? Nó là người Mông, ta là người Dao, có hai con ma khác nhau, làm sao lấy được. Tao nghe người ta nói chuyện chúng mày lâu rồi. Đi ruộng, đi nương, đi thả trâu cứ gặp nhau à.

– Mẹ à, A Hảng tốt mà, còn đánh rắn cứu con nữa. Con xin mẹ đấy!

Trai gái cũng kháo nhau:

– Xa Hào muốn làm con dâu Tả Chải rồi!

– A Hảng sắp làm rể tốt của Xin Câu đấy!

Chuyện A Hảng, Xa Hào đồn đại khắp mường. Người về chợ xì xào, cha mẹ A Hảng, Xa Hào lo lắng, chuyện ông trời xe duyên không cản được. Người ta nhìn thấy A Hảng vai đeo nỏ, hông dắt dao; Xa Hào mang lu cở sau lưng đi trong rừng ra. Chuyện cũng đến tai Thống Quán của hai bản. Thống Quán Tả Chải gọi cha mẹ A Hảng đến bảo:

– Thằng A Hảng coi thường phép tắc, phải hỏi tội nó, “Giàng” phạt nặng đấy. Bản ta chưa hết con gái mà.

A Hảng nói ngay:

– Tôi không có lỗi gì mà phải chịu phạt! Tôi không sợ.

Thống Quán bàn với Séo Phải:

– Giao thằng A Hảng mười mảnh ruộng của mường, phải cày xong trong một ngày, không xong phạt vạ cả nhà nó. Séo Phải nói:

– Mười thằng A Hảng cày một ngày chưa xong đâu.

A Hảng nhìn mười mảnh ruộng dài rộng tít tắp mà lo lắng. Nhưng nghĩ đến Xa Hào, chàng liền nhận cày. Chàng cày đến chiều tối người đói lả, toát mồ hôi, ướt đẫm cả áo quần. Bên bản Xin Câu, Xa Hào cũng bị Thống quán gọi đến hỏi:

– Xa Hào à, mày chê con trai tao. Mày bảo chưa muốn làm vợ. Thằng A Hảng bị phạt cày nương, cày không xong đâu, cày không xong!… Thống Quán cười ha ha. Xa Hào tức đỏ mặt bỏ chạy về nhà. Xa Hào thương A Hảng, nàng lo lắng, nàng mang gói cơm, bầu nước đi tìm A Hảng. Xa hào đi qua ba dãy núi, ba con suối, nàng đã thấm mệt. Trời tối Xa Hào vẫn cố gắng lần đi. Nàng bước phải luống đất mới cày ngã dúi. Nàng gọi mãi không nghe thấy tiếng A Hảng trả lời. Nàng vừa đi vừa nhìn quanh. Bỗng nàng thấy A Hảng nằm lả đi bên đám ruộng vì mệt, nàng cũng ngồi xuống cạnh chàng rồi cùng thiếp đi. Bầu trời đêm ngàn sao long lanh như những cặp mắt dõi theo đôi bạn, trong cơn mơ, họ thấy mình dắt tay nhau đi vào một vườn hoa nở rộ. Hoa thắm rực rỡ, những nàng tiên lộng lẫy trong bộ xiêm hồng đang vui đùa, rồi vây quanh đôi bạn. Nàng tiên hỏi:

– Sao hai người không vui?

A Hảng kể lại chuyện bị phạt cày nương vì yêu Xa Hào. Nương rộng cày không xong, thì hai người sẽ phải xa nhau. Tiên lại hỏi:

– Hai người có yêu nhau thật không?

– Có, yêu nhau nhiều mà…

Bầu trời bỗng sáng bừng lên, gió nổi ào ào, mọi vật như chuyển động, mặt đất rung chuyển làm cho A Hảng và Xa Hào tỉnh dậy. Chàng nhìn quanh thấy mười mảnh nương rộng tít tắp đêm qua Thống Quán giao đã được cày xong hết. Hai người sung sướng reo lên, họ cùng quỳ xuống chắp tay lạy những nàng tiên. Những tia nắng ban mai bừng chiếu trên đầu họ. Ở bản Xin Câu, Thống Quán mắng cha mẹ Xa Hào: – Con Xa Hào nhà chúng mày theo thằng A Hảng, đuổi cả nhà mày ra rừng, không cho làm ruộng bản nữa. Còn con Xa Hào trói vào rừng cho hổ ăn thịt. Thống Quán nói vậy không phải chuyện đùa. Đêm đêm nàng ngồi dệt vải mà lòng nghĩ tới chàng. Con chim Noọc sạu ăn đêm về, nàng vẫn chưa ngủ. Nhớ A Hảng, lòng nàng héo hon…

* * *

A Chang do dự đứng trước nhà Xa Mẩy. Mấy tháng rồi, A Chang nhắn gửi lời yêu, nhưng A Chang chưa vào đến cửa đã như bị gió thổi bay đi, không vào tới buồng Xa Mẩy được nữa. A Chang biết chuyện hai ông bố hẹn nhau ở mâm rượu. Xa Mẩy không thích A Chang. Bố Xa Mẩy và A Chang đều là hai con nghiện. Hai người chung nhau trồng cái nương cây anh túc. A Chang biết mang cái thuốc phiện đến khi bố Xa Mẩy cần. Mấy ngày A Chang hết thuốc, đến xin ông ấy một bi, ông ấy bảo hết rồi. A Chang tức điên cả người. Một ngày, cả hai bố con Xa Mẩy đều đi vắng. A Chang nghĩ: “Trong nhà ông ấy có thuốc, ta phải tìm cách vào nhà”. Hắn đang định trèo qua bức tường trình đất thì bố Xa Mẩy về:

– Thằng A Chang, mày đến tìm ta à?

– Tôi nói cho bố biết, cái nương thuốc của ta tốt lắm mà. Tôi cũng mới làm cỏ. Hôm nay tôi hết thuốc muốn xin bố một bi…

– Ta cũng không có!

– Nhịn được sao?

– Ta phải nhịn chớ, đừng nghĩ ta nói dối. Con gái ta, ta còn không tiếc, sao tiếc mày một bi! Thằng A Chang sắp lên cơn rồi. Nhìn bố Xa Mẩy mà ngán. Nó bỏ ra về… không cần ông ta, không cần Xa Mẩy. Chưa bao giờ nó nói với ông ta nó thích Xa Mẩy. Bố Xa Mẩy giận A Lùng, giận cả con gái vì cái nương anh túc của ông bị A Lùng và chi đoàn thanh niên vận động phá bỏ. Có lúc, ông ta giả bộ đồng ý cho A Lùng và Xa Mẩy chơi với nhau, nhưng thâm tâm ông đang tức cả hai người. Năm nay, cái nương đã ở xa, lại có thằng A Chang trông nom, A Chang có cớ để đi lại… Một hôm, Xa Mẩy lên thị trấn huyện về thì gặp bố trên đường vào bản. Ông bảo cô:

– Xa Mẩy à, nhà ta mất cả trâu, cả ngựa rồi. Mày lên xã báo công an. Tao đang tìm chưa thấy! Xa Mẩy nhìn bố, thấy ông mệt phờ. Đi tìm ngựa, trâu đâu phải chuyện dễ. Đi khắp núi nọ đồi kia chịu đói khát nữa.

Cô nói:

– Tôi về làm cơm cho bố ăn rồi đi xã cũng được mà.

Trong lòng Xa Mẩy lo lắng nhiều. Con trâu, con ngựa là phương tiện bố con cô làm ăn sinh sống, cũng là tài sản lớn của gia đình. Sắp làm ruộng vụ mùa, không có trâu cày ruộng, không có ngựa thồ thóc thì làm sao? Xa Mẩy thấy khổ rồi. Cô nghĩ miên man: Ngày xưa, Xa Hào có khổ như Xa Mẩy không? Xa Hào còn bị đuổi ra khỏi bản. Ngày nay, không ai dám đuổi Xa Mẩy đâu. Xa Mẩy yêu A Lùng, Xa Mẩy dám nói mà. Xa Hào không bỏ A Hảng. Người già kể: A Hảng cũng bị đuổi ra khỏi bản. Hai người bị lạc trong rừng phải tìm nhau suốt mấy tháng trời. Người đen như cây củi. Mải nghĩ ngợi, A Lùng đứng trước mặt cô. A Lùng hỏi:

– Xa Mẩy đi đâu muộn thế.

– Nhà em bị mất hết cả trâu và ngựa rồi. Em lên xã báo cáo công an điều tra giúp thôi. Bố em đang tìm đấy!

A Lùng nói:

– Xa Mẩy lên báo cáo công an xã.

A Lùng cũng lên báo cáo công an huyện, rồi chúng mình cùng đi tìm. A Lùng không để Xa Mẩy đi tìm một mình đâu… Tối hôm ấy, Xa Mẩy về nhà một lúc lâu mới thấy bố về. Ông hỏi:

– Mày báo công an xã chưa con?

– Có chứ, tôi còn nhờ A Lùng đi báo cả công an huyện nữa đấy.

– Tao đau người lắm, đi tìm khắp nơi không thấy trâu, ngựa đâu. Cái bụng tao đói rồi, cho tao ăn cơm thôi. Xa Mẩy à, mày nhìn thấy thằng A Chang đâu không? Ngày mai nhờ nó đi tìm trâu, tìm ngựa nhà ta.

– Tôi cũng không nhìn thấy nó đâu mà! Bố Xa Mẩy ngồi kéo một bi thuốc lào, mặt tư lự ra chiều suy nghĩ. Ông ta nhớ lại, một buổi chiều đi qua nương trồng cây anh túc mà cũng không thấy A Chang đâu. Nó bảo trông nương mà bỏ đi đâu, hay đi tìm thuốc? Xa Mẩy gọi:

– Bố à!

– Mày bảo gì?

– A Chang nghiện hút phải không?

– Ừ, tao không giấu mày nữa.

– Bố à, nhà nó cứ khoảng một phiên chợ lại bán cả con trâu cày để hút thuốc phiện đấy.

– Tao biết mà!

– Bố có nuôi được nó ăn, nuôi nó hút cả đời, tôi lấy nó cho bố nuôi nhá. Cả đêm hai bố con Xa Mẩy cứ nói đi nói lại. Ông không nhận thằng nghiện làm con rể, ông cũng không thích A Lùng làm con rể, nó hay soi mói đụng chạm đến ông.

– Xa Mẩy à, không bao giờ tao nuôi thằng nghiện đâu. Tao chưa điên đâu mà…

Hôm sau bố con Xa Mẩy và cả A Lùng giúp tìm cả ngày vẫn không thấy trâu ngựa đâu. Họ mệt nhọc, uể oải. Buổi chiều muộn, A Lùng và Xa Mẩy đi về, qua cây đa đôi, hai thân cây bám chặt vào tảng đá to, gốc và rễ cắm sâu xuống đất. Xa Mẩy chỉ vào cây đa.

– A Lùng à, ngày xưa bị đuổi ra khỏi bản, A Hảng và Xa Hào ngồi ở tảng đá to này lâu lắm, rồi cả hai người hóa thành cây đa…

– Ai bảo Xa Mẩy thế?

– Họ ngồi lâu trên tảng đá, chân thành rễ đâm xuống bám chặt vào đất. Gió to mấy, có thấy cây đa lung lay bao giờ đâu? Già bản bảo họ còn bị đói cơm. Xa Hào mệt quá gục đầu vào vai A Hảng như hai cành đa tựa lên nhau kia kìa

– Xa Mẩy chỉ tay về phía cành đa ấy. Trời chiều xanh thẳm lãng đãng vài bóng mây. Cơn gió thổi qua, cành đa rung nhè nhẹ. Ba người dừng lại bên gốc đa đôi. Bóng đa lồng lộng một vùng đất vùng trời, ngàn năm qua đã chứng kiến bao lứa đôi thủy chung hạnh phúc bên nhau. Mỗi tháng trăng rằm, trai gái trong vùng lại rủ nhau về bên cây đa đôi mở hội. Xa Mẩy, A Lùng lại có một ngày vui củng cố niềm tin hạnh phúc. Cha Xa Mẩy đi đằng sau, nhìn hai người đi trước mà nghĩ: “A Lùng thật tốt bụng. Nó giúp nhà ta tìm trâu, ngựa suốt hai ngày vất vả không một lời ca thán. Hai đứa trông thật đẹp đôi”. Ra đến đường quốc lộ, họ gặp chiếc xe u oát của công an huyện.

Bỗng nghe tiếng gọi:

– A Lùng à, báo tin cho gia đình Xa Mẩy mừng nhé. Trâu, ngựa nhà cô tìm thấy rồi đấy. Bọn trộm bán về dưới Than Uyên. Báo gia đình sáng mai về công an huyện nhận lại tài sản nhé. Bố Xa Mẩy cũng nghe rõ, cả ba người bỗng thấy khỏe khoắn ra.

Ông nói vọng theo xe:

– Cảm ơn các anh công an huyện. Bác cảm ơn cháu A Lùng nhá!

HUỲNH NGUYÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.