Nhà văn Hữu Phương – Một nhân cách đáng quý

Vanvn- Ông khuyên tôi nên đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn để học hỏi cách khai thác đề tài và dùng từ ngữ của họ. Lúc đó, tôi thực sự vui mừng khi nhận được sự ghi nhận, lời động viên từ một nhà văn tên tuổi mà mình mến mộ.

Nhà văn Hữu Phương (1949 – 2023)

>> Nhà văn Hữu Phương bệnh nặng qua đời ở tuổi 75

>> Bước tiến về tư duy tiểu thuyết của Hữu Phương

 

Sáng nay, đang nghỉ giờ giải lao để chuẩn bị vào dạy tiết học tiếp theo thì tôi chợt giật mình khi tình cờ hay tin nhà văn Hữu Phương vừa tạ thế sáng nay, đúng 7h17p’ ngày 3.2.2023 tại nhà riêng ở Đồng Hới, Quảng Bình sau một thời gian lâm bệnh nặng. Tôi bần thần cả người, không dám tin đó là sự thật dẫu biết thực tế quá phũ phàng.

Nhà văn Hữu Phương qua đời là một mất mát lớn đối với nền văn học Quảng Bình nói riêng cũng như nền văn học Việt Nam nói chung. Trước khi tạm biệt chốn hồng trần, nhà văn Hữu Phương đã kịp để lại một gia tài văn học không kém phần đồ sộ. Với các tập truyện ngắn: “Con người thánh thiện” (1991), “Đêm hoa quỳnh nở” (1995), “Hoa cúc dại” (1997), “Khách má hồng” (2002), “Anh bộ đội và cô gái mặc quần phục xanh” (2011), “Ba người trên sân ga” (2014); các tiểu thuyết: “Chân trời mùa hạ” (2011), “Súng nổ bến Thiên Đường” (2014), “Quay đầu lại là bờ” (2019). Phần lớn, các sáng tác của nhà văn Hữu Phương vừa mang đậm triết lí nhân sinh vừa phản ánh sâu sắc những mặt chìm khuất, nóng hổi của xã hội. Đặc biệt, truyện ngắn “Ba người trên sân ga” của ông được chuyển thể thành phim “Đời cát” gặt hái được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

Trước khi lâm bệnh nặng, nhà văn Hữu Phương là một người xông xáo, nhiệt huyết và rất cởi mở, chân tình. Còn nhớ, những lần tình cờ gặp nhà văn ở các Đại hội, Hội nghị tôi chưa kịp chào ông thì ông đã hỏi chuyện trước. Tuy là người thuộc thế hệ cũ và có nhiều cống hiến cho nền văn học nhưng nhà văn Hữu Phương sống rất giản dị và gần gũi. Ông luôn trăn trở và quan tâm đến những cây bút trẻ. Bởi theo ông, họ là đội ngũ kế cận của nền văn học. Vì thế, lúc phát hiện ra một nhân tố hoặc gương mặt trẻ nào đó đầy triển vọng thì ông đều tỏ vẻ quan tâm và không giấu nổi sự vui mừng.

Tôi tình cờ biết nhà văn Hữu Phương vào năm 2018, trong một lần gọi điện xin ông bản thảo tiểu thuyết “Súng nổ bến Thiên Đường”. Phải sau đó một năm, tôi mới có bài phê bình về cuốn tiểu thuyết của ông. Bài viết may mắn được đăng ở Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm trong niềm hạnh phúc vỡ òa của tôi. Khi đọc bài viết của tôi ở Tạp chí, nhà văn Hữu Phương đã gọi điện trao đổi với tôi. Ông khá bất ngờ và vui mừng khi tác phẩm của mình nhận được sự quan tâm, thích thú từ một người đọc “vô danh tiểu tiết” mà ông không hay biết. Ông khuyên tôi nên đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn để học hỏi cách khai thác đề tài và dùng từ ngữ của họ. Lúc đó, tôi thực sự vui mừng khi nhận được sự ghi nhận, lời động viên từ một nhà văn tên tuổi mà mình mến mộ. Cách nói chuyện của ông khá thân thiện và gần gũi. Lúc ông xưng bác gọi cháu, khi thì ông xưng tau gọi mi. Thấy ông khá hài hước và cởi mở khi chuyện trò, thi thoảng tôi thường gọi điện hỏi thăm sức khỏe của ông. Trong các lần trò chuyện qua điện thoại, tôi nghe ông chia sẻ rất nhiều về chuyện văn chương và sứ mệnh của người cầm bút. Đối với ông văn chương là “máu”, là “sinh mệnh”, còn hơi thở là ông còn viết. Lúc thì tôi nghe ông chia sẻ” bác vừa viết xong một truyện ngắn”, khi lại nghe ông tâm sự đang hoàn thiện cuốn tiểu thuyết.

Cách đây hơn một năm, khi hay tin nhà văn Hữu Phương phải chống chọi với bạo bệnh, tôi khá sốc. Sau một vài giờ định thần tôi đã liên lạc với ông. Qua cuộc chuyện trò, nghe ông chia sẻ tình hình sức khỏe không mấy khả quan, tôi thực sự buồn nhưng vẫn không nguôi hy vọng vào một phép màu thần kì. Nhưng phép màu ấy đã không xảy ra, khi sáng nay tôi nhận được hung tin về ông. Lần cuối cùng tôi được nhìn thấy nhà văn Hữu phương là dịp Đại hội Chi hội Nhà văn ở Quảng Bình giữa tháng 9 năm 2023. Lúc ấy, ông  còn rất nhanh nhẹn và kiên cường điều trị bệnh. Khuôn mặt ông vẫn toát lên vẻ bình thản, sự lạc quan, không giống như một bệnh nhân đang điều trị bệnh hiểm nghèo. Nhìn ông lúc đó, các nhà văn đều không khỏi xót xa và nể phục nghị lực phi thường của ông. Riêng tôi, tôi thầm biết ơn cuộc đời này đã cho tôi có cơ duyên được gặp và chuyện trò với ông- một tài năng- một nhân cách lớn.

Mưa gió Quảng Bình vẫn không thôi nghẹn ngào tiễn biệt nhà văn Hữu Phương. Trái tim của các nhà văn, những độc giả ngưỡng mộ và yêu mến ông vẫn không nguôi bàng hoàng và tiếc nuối. Nhưng chúng ta hãy tin rằng, ở nơi ấy ông đang nở một nụ cười mãn nguyện và hạnh phúc dõi theo những bước chân của từng lớp thế hệ các nhà văn, những người viết trẻ. Ở nơi ấy ông vẫn vui đùa không biết mệt mỏi cùng với con chữ như cách mà ông “đánh đổi” khi còn sống.

Nhà văn Hữu Phương, tên thật là Nguyễn Hữu Thê, sinh ngày 26 tháng 12 năm 1949 tại xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1972, ông tốt nghiệp Đại học sư phạm Vinh, trở thành một giáo viên dạy toán ở Trường phổ thông cấp 3 Bắc Quảng Trạch. Năm 1973, ông chuyển qua giảng dạy tại Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Bình (nay là trường Đại học Quảng Bình). Năm 1982, ông vào Huế giảng dạy ở Trường Cao đẳng sư phạm Bình Trị Thiên. Từ năm 1993, ông chuyển về công tác ở Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình. Ông từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội (1993-1998) và Chủ tịch Hội (1998-2009) và Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình từ năm 1993 đến 2022.

LÊ HƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.