Vanvn- Nhà văn Hà Phong (1967 – 2021) là một tác giả đặc biệt của mảnh đất Lai Châu. Anh là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên từ cái nôi văn hoá Thái Trắng đặc sắc – Mường So, Lai Châu. Anh còn được biết đến như là một tấm gương sáng về nghị lực vượt lên số phận.
Nhà văn của đất và người Lai Châu
Hà Phong mắc căn bệnh nhược cơ hiếm gặp, những ngón tay bấy bớt dường như không sức sống, nhưng anh vẫn cố gắng sử dụng bàn phím để viết những lời từ trong tâm hồn mình. Những tác phẩm văn chương và công trình nghiên cứu văn hoá của anh hình thành trong hoàn cảnh như thế.
Trong cảm thức về tình yêu quê hương, xứ sở, mỗi người có một cách để thể hiện tình yêu của mình. Nhưng với nhà văn Hà Phong thì tình yêu đó, anh gửi vào trong những trang viết. Đến nỗi mà đọc các sáng tác của anh, ta thấy hiển hiện ở đó miền đất Mường So, thấy thiên nhiên và tình người của miền đất gió Phong Thổ, của vùng đất đầy gian nan mà nghĩa tình, anh hùng Lai Châu…
Trong mỗi trang viết của mình, các nhà văn đều đau đáu một nỗi niềm nào đó. Nhưng có những người, cả đời chỉ viết về một miền đất, họ làm nên bản sắc của miền đất ấy. Giống như người ta gọi Cao Duy Sơn là nhà văn của mảnh đất Cô Sầu (Trùng Khánh, Cao Bằng), Nguyên Ngọc là nhà văn của núi rừng Tây Nguyên… thì cũng vậy, Hà Phong là nhà văn của mảnh đất và người Lai Châu.

>> Văn học Lai Châu: Nhìn từ Pu Ta Leng
>> Đỗ Thị Tấc – trụ cột của văn học Lai Châu
Hà Phong tới với văn chương như một nghiệp duyên bên cạnh tài năng ngôn ngữ và xúc cảm trời phú. Tập tiểu thuyết đầu tiên, xuất bản năm 2009 – Vượt qua dãy Hoàng Liên, vừa mới được công bố đã nhận Giải B của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (năm đó không có giải A). Rồi như một lời động viên, chắp cánh cho hồn văn của Hà Phong thăng hoa trên cánh đồng văn hoá – văn học – nghệ thuật Lai Châu. Liên tục sau đó, anh mang đến cho độc giả các tập sách Bàng bạc mưa rừng (32 tản văn, 19 truyện ngắn, 2010), Chim Tăng ló kêu tiếng buồn (28 truyện ngắn, 2014), Hoa vẫn nở trên Pu Ta Leng (Tự truyện, 2019)…
Ngoài ra, có thể thấy một Hà Phong, mặc dù sức khoẻ không tốt nhưng lại có sức viết, sức lao động nghệ thuật rất khoẻ khoắn thông qua các công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch văn hoá dân tộc Thái, Giáy: Then Giáy, Từ vựng Thái trắng, Dân ca tình yêu Thái Mường So, Truyện thơ Thái…
Một miền văn hoá lấp lánh và tình người đậm đà trong văn Hà Phong
1. Hình ảnh một miền đất vừa anh hùng, vừa tươi đẹp, lam lũ
Quê hương Lai Châu hiện lên trong văn Hà Phong đẹp bình dị, trong trẻo. Trong đó có nhiều hình ảnh của quá khứ. Được tác giả nhìn qua nỗi nhớ, qua kí ức. Mà cái gì qua năm tháng còn giữ được chỉ có thể là thật sự ấn tượng. Đẹp thì đẹp vô cùng, mà đau thương, vất vả thì cũng vất vả vô cùng.
Có một Phong Thổ anh dũng, kiên cường vượt qua những năm tháng kháng chiến gian khổ trong Vượt qua dãy Hoàng Liên: “Thời thực dân Pháp đô hộ, vùng đất này đã chứng kiến biết bao nhiêu số phận nghiệt ngã. Nhiều gia đình phải chịu ly tán hoặc sống một cuộc sống tối tăm mù mịt không lối thoát. Trước cảnh áp bức của thực dân và lũ tạo, phìa tay sai, đã có những người con nơi đây tìm đường đến với Đảng, Bác Hồ dù phải trả giá bằng gia khổ và hy sinh. Chiến thắng Điện Biên đã đem lại tự do cho dân tộc Việt Nam, trong đó có các dân tộc tỉnh Lai Châu. Ngày nay, những người con nơi đây đang được hưởng thành quả cách mạng của các thế hệ trước”. “Mùa xuân. Bầu trời xanh và gió. Dãy Hoàng Liên như được vén mây, hiện ra cao vút” là hình ảnh đẹp kết thúc câu chuyện dài dưới thời nửa thực dân nửa phong kiến đói khổ. Trại tản cư có không gian đón tết bình yên và những tin chiến thắng báo về từ các vùng.
Dường như những gì đẹp nhất của mảnh đất Mường So (Phong Thổ) ấy đã đi vào sáng tác của Hà Phong. Dù có thể trong truyện, có thể được hư cấu thành những cái tên gọi khác như: bản Huổi Thẳm (Ám ảnh đất), bản Tẹo (Gió lay hoa mận), bản Đán Đăm (Núi đợi), bản Phiêng Đao (Giấc mơ trên bãi ngàn sao)… Đến nỗi ghép lại những mảnh từ mỗi một câu chuyện, ta có thể vẽ nên khung cảnh của bản làng: nằm yên bình giữa thung lũng; bên cạnh một bến suối mát dịu: Bến suối làm mặt gương soi bóng núi nghiêng lả dáng thuyền, soi bóng cây rủ lả dáng cành, dáng ngọn; một bến suối mộng mơ đẫm xanh ven cỏ quyến rũ cùng với muôn tiếng chim rừng tha thiết hợp đàn; một bến suối vĩnh cửu ngân những âm điệu mượt êm ru như nước; một bến suối yên ả lững lờ chảy mà tan vỡ nắng (Bến suối), xa xa kia là những bãi cỏ xanh, xa hơn nữa là những rặng núi: Núi đã muôn năm già mà không cũ, vẫn bồng bềnh mây trôi lưng núi, vẫn áo cỏ non tươi mới như ngày nào; Những chân ruộng bậc thang xinh xắn, những nương ngô thoai thoải sườn non, con trâu nghiêng nghiêng cùng người xiết mũi cày liếm vào chân đá… Có suối nhỏ với tiếng cối nước giã gạo thậm thịch đều đều êm ả, hội cát chăm ngày xuân rộn rã tiếng cười. Tiếng vó ngựa thanh bình dạo trên đường núi loà xoà mây trắng, ảo mờ như cổ tích. (Lắng lòng quê thương); tiếng khèn – giai điệu hoang sơ, chơi vơi của rừng và núi (Thanh âm của núi)
Nơi miền biên cương ấy đẹp nhất khi xuân về: Và lúc này đây, khi tạo hoá đã gióng rộn những hồi trống chiêng mời xuân trình diện đất trời, để rồi mùa đưa ta đi dạo khắp niềm vui, choàng khoác lên người ta những làn khăn gió ấm, mỏng, mỏng đến mức vô hình ta không nhìn thấy, và thì thầm bên tai ta những tiếng mầm non tách đất, tiếng lộc tơ cựa mình, nhỏ nhẹ, nhỏ nhẹ đến độ ta không nghe thấy, cảm nhận thấy… được nắm tay bạn bè, người thân, người yêu,… cùng đi giữa xuân, cùng hát dân ca, cùng khắp báo xao dưới bóng hoa mơ, hoa mận, hoa đào, cùng in những dấu chân lên cỏ mềm non xanh, và cùng nhìn ngắm muôn vàn sắc lung linh của cánh hoa và cánh bướm. (Mùa xuân mở cửa sổ hoa và bướm). Trong văn của Hà Phong, mùa thu cũng là mùa thật nên thơ: Thu bản mường thuần khiết ban sơ, đậm nét mơ màng của thu cổ điển, vạn vật xung quanh thân thiện, quấn quýt một màu vàng yên bình. Thu vàng mơ. Có chú sóc nhỏ mang trên mình bộ lông vàng xám, lanh lẹ tách mình trên cành cây sung già ven bản, thập thò qua kẽ lá nhìn thu; có gió nhẹ chạy đuổi nhau trêu bướm vàng; có nắng dịu dàng đổ vàng lên những chiếc lá cuối hạ; có bãi cỏ may ngờm ngợp hoe vàng; có vạt cỏ cúc dại đơm nụ vàng he hé;… Giữa muôn vàng thu ấy, sắc áo cóm trắng trông thật nổi bật, đấy, thu đang hoá mình vào dáng điệu sơn nữ múa to ỏng lo ỏng. Hát cho tim cứng của gã thô mộc phải tan ra mềm mại, cho tâm hồn kẻ dửng dưng cũng phải biết yêu thu. (Thu sang rồi đấy). Đất mường ta vào thu đẹp bình dị, hiền hoà, con suối thong thả chảy men theo chân núi, nước trong như gương.
Qua sáng tác của Hà Phong, ta có thể hình dung được bức tranh sinh hoạt của người dân nơi đó: Bình dị, đơn sơ: Cứ thế, ngày nào cũng vậy, ngày không đi nương, không đi củi thì tẽ ngô, xay ngô, luộc ngô, đồ mèn mén, nấu rượu… Tối cơm xong lại xe lanh, thêu váy tận khuya…Bản Mông sáng chiều dìu dặt tiếng khèn, tiếng kèn lá, dàn môi. Người phụ nữ Mông ngồi như thách thức thời gian, nhẫn nại, bền bỉ, thêu nên những hoa văn thổ cẩm mang hồn cây, hồn lá… Lễ hội là mùa tháng Giêng: Hỡi ôi! Cảnh sắc non cao Tây Bắc mọi thứ vốn đã đẹp như mộng mơ hồ. Còn hình ảnh nào mê đắm hơn hình ảnh thiếu nữ lưng eo thon, áo cóm cúc bạc, thắt lưng xanh, váy buông chùng tha thướt, duyên dáng tung trái còn giữa chốn trập trùng mây nước. Vào đầu xuân nhàn rỗi, có lễ hội cát chăm (bắt cá suối) vui nhộn. Đám cưới ở bản bày biện hết sức giản tiện. Mâm cỗ được đặt trên lá chuối rừng, bầy ngay xuống sàn, toàn món đặc trưng rừng núi (Ám ảnh đất). Rồi họ đi chợ phiên, chợ rừng như một thú vui: người mang đồ tới chợ, người đi chơi chợ, thưởng thức cái bánh, bát phở, người tới hẹn hò, bắt vợ… Một cái gì rất thơ về cuộc sống giản dị nơi đây.
Người mẹ thiên nhiên tươi đẹp ấy luôn giang tay chào đón những đứa con đầy vết thương lòng: Nước như mẹ dang cánh tay mềm mại, êm ái vỗ về. Nỗi buồn lao tuột xuống suối. (Sầm điên), Đến với bến uối, là ta trút bỏ áo quần phủ lấm bụi ố, trở về hình hài như ngày mới sinh, rồi để bến suối ôm vào lòng, hào phóng hát lên thịt da những lời ca của nước. Những lời ca êm, mát, nựng nịu, nâng niu, dịu dàng, mơn trớn, vuốt ve… khiến hồn ta trong phút chốc nhẹ bẫng như chiếc lá trên dòng (Bến suối)
Cho nên, khi một phần thiên nhiên, quang cảnh ấy mất đi thì Hà Phong tiếc lắm: mỏi mắt tìm khắp các sườn non, vắng hẳn bóng những nương chàm biếc xanh màu lam ngọc, đều tăm tắp như trải thảm; bỗng dưng bồn chồn, bỗng dưng nhớ,… nhớ lắm tiếng lục lạc loeng xoeng, loeng xoeng, tiếng vó ngựa thong dong, khoan thai, lốc cốc gõ qua cửa nhà vào buổi tinh sương, ngày chợ phiên cuối tuần. (Lốc cốc vó ngựa ngàn xanh).
Với Hà Phong, mọi thứ trong huyết mạch cứ tự nhiên hiện lên qua ngòi bút. Nhưng phải là người có tình lắm, quan sát kĩ lắm, yêu thương, nhung nhớ quê cũ lắm thì mới miêu tả được cả đến từng làn hương, từng thanh âm… Đàn ông đâu phải xe tơ, dệt vải. Vậy mà Hà Phong biết đến cả: bông thu lấy cả hạt mang về, phơi nắng thật khô, sau đó cán bỏ hạt, kéo thành sợi, nhuộm màu, qua bước xử lí hồ bằng bột ngô nấu rồi mới mắc hoa, đưa lên khung cửi. hoá màu cho sợi: chàm cho màu xanh đen, quả mask phét cho màu đỏ tươi, củ nâu cho màu nâu, rễ cây mạy hém cho màu vàng. Khi muốn có màu tím, người ta nhuộm giữa chàm và nâu (Hoa trần gian). Anh hiểu cả công đoạn nhuộm chàm lắm công phu.
Trong tản văn của mình, Hà Phong viết nhiều về các món ăn dân tộc. Anh tự hào về văn hoá ẩm thực Thái. Và anh viết về nó với tất cả sự nâng niu, không xô bồ, phàm tục. Món nào anh cũng kể về sự chuẩn bị, rồi tả tỉ mỉ lúc làm món ăn, ăn kèm với gia vị gì, với một phong thái, hoàn cảnh thưởng thức ra sao… Mọi cái đều rất đẹp, rất chậm, rất khiến cho người đọc vừa khát thèm vừa trân trọng. Anh xa thương nhớ món quê rừng: canh cà đắng thoảng mùi gừng, măng đắng ăn ghém với lá phắc mạ; rau sắn trộn quả cà dại; Ốc thu suối mường xào; hoa bí xào tỏi; xôi đồ lá nếp; bánh chưng đen núc nác; rêu bọc lá chuối, lá dong vùi trong tro nóng (cạy pho); rêu cho vào bát hấp cách thuỷ (cạy pho mỏ); rêu bọc lá chuối, lá dong kẹp vào gắp nướng trên than hồng (cạy pỉnh); rêu đúc trong ống nứa, ống tre non tươi rồi đem nướng (cạy lam); rêu đồ trong chõ (cạy nửng); rêu nấu canh cùng bột gạo nếp (keng chảo cạy); rêu xào (cạy khổ)… Bao nhiêu tên gọi là bấy nhiêu tình yêu của nhà văn. Mỗi món ăn đều được tả chi tiết từ khâu chuẩn bị công phu, cầu kì; cách làm rồi thành phẩm: vị, hương thơm; cách thưởng thức… cùng với tình yêu, cảm xúc háo hức, thương mến đối với mỗi món ăn được nấu bởi mẹ, bởi người thân…
Hà Phong phân biệt những nét rất riêng của món ăn dân tộc mình, không lẫn với cái gì na ná: nhân được trộn gia vị của rừng là thảo quả chứ không phải hạt tiêu, còn hạt gạo thì đã được nhuộm đen nhánh bởi bột than của cây núc nác (chứ không phải bằng gạo cẩm, hay nhuộm gạo bằng tro rơm). (Cổ tích bánh chưng đen). Có nhiều đồ đắng lắm Vừa mới thấy chút đăng đắng trong miệng thôi đã lại thấy vị ngòn ngọt nơi cổ họng. Nhưng Chà chà! Cảm giác dễ chịu hẳn. Những hương vị được miêu tả vừa chân thực, vừa trong cái nhìn trìu mến của tác giả: Thanh tao quyến rũ là hương nếp nương; mát dìu dịu là mùi lá dong; nồng nàn chứa chan là mùi thảo quả; phảng phất hương mật ứa của cỏ cây tươi sém lửa vào mùa đốt nương rẫy. Không it lần Hà Phong khẳng định: Chính cảnh sắc và tình người chốn non ngàn mới giúp cho món hoa bí có ma lực đến vậy. Hương xôi lá nếp chính là hương ấm no về cùng muôn nẻo đón xuân. Rõ ràng món ăn ngon còn là ở tình cảm, tinh thần.
Cảm xúc của người thưởng thức luôn đầy trân trọng. Nhìn mọi người ăn, có cảm giác như đang thực hiện một nghi lễ ẩm thực. Những ngón tay trịnh trọng mở lọc phắc mạ ra, cẩn thận đặt vào đó một miếng măng, khéo léo cuốn cho lộc phắc mạ non tím hồng ôm trọn miếng măng tráng bóc, từ từ quệt vào bát đậu phụ nhự. (Măng đắng, phắc mạ); ra ngồi ngoài “hạn khuống” để vừa ăn vừa ngắm nhìn trời đất bao la. Rồi uống lẩu kép dưới trăng, cùng nhau chuyện trò râm ran, cùng uống lẩu kép rồi hát. Mỗi khi ăn, ta nhai chậm rãi như đang nhấm nháp vào kỉ niệm… Những món ăn dân dã thôn quê luôn là một phần kí ức của Hà Phong cho đến mãi sau này. Cho nên, anh hay nói tới “nỗi nhớ quắt quay”, “nỗi nhớ cồn cào”… Cả một trời kỉ niệm, cả một trầm tích văn hoá ẩn chứa dưới những hương vị đơn sơ – nhưng nguyên liệu đều của mảnh đất ấy, phù sa ấy, núi đồi ấy. Thương yêu vô cùng.
***
Dù đẹp tươi là vậy, mà mảnh đất quê hương Lai Châu khi xưa cũng ẩn hiện đầy lam lũ trong tác phẩm của Hà Phong. Anh ám ảnh lắm những cơn mưa rừng, lũ quét mỗi khi hè tới cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn, sinh mạng. Mưa tháng sáu thường dữ dội, kèm theo là giông, là bão, là sấm sét, dữ dằn; Lũ trước chồng lên lũ sau; con đê oằn mình chống chọi; Ngoài sông, sóng lớn chồm lên như ngựa vía; lúa đồng không kịp gặt, chìm nghỉm dưới mênh mông nước đỏ (Tháng sáu mùa mưa); Mưa dai dẳng, mưa bạo liệt dữ dội. Mạch đất đứt, long từng tảng, bục từng tảng lở trôi ầm ầm theo nước, thành bùn đổ ập xuống những ruộng bậc thang. Lúa sắp được gặp, chới với vô vọng ngập trong bùn. Gió, bốn bề gió. Gió thốc, gió xoay, gió giật, gió lật, gió lồng. (Ám ảnh đất)
Khắc nghiệt lắm thay. Mùa đông lại thiếu nước: Bản Tẹo đất rộng, người thưa, cuộc sống khắc nghiệt, quanh năm thừa đá, thiếu nước (Gió lay hoa mận); Suối sắp chết rồi. Mùa cạn, nước múc làm canh chan bát cơm chẳng đủ. Trước sự khắc nghiệt nơi núi cao, đá dựng, người Mông, bước chân ra khỏi cửa là chạm núi và mây, mặt đất chỗ nào cũng nghiêng nghiêng thử thách. Nhiều khi, người và trâu cày nương mà như làm xiếc, lưỡi cày len lỏi trong đá…
Cho nên: mất mùa, trái ngọt bỗng chốc hoá thành trái đắng. Những hạt cát nghèo lúc nào cũng như muốn len vào trong ta. Bản Phiêng Đao nghèo lắm – đến mức con bọ hung không chịu được, chỉ muốn chuyển tổ đi nơi khác; bản Tẹo khổ, khổ, khổ đến nỗi không khổ nữa. Những đứa trẻ: nghèo không quần áo rét, ăn củ sắn, củ mài và gói ớt giã muối mang theo bốn mùa tới lớp. Có lúc ngất xỉu giữa lớp nên thầy giáo Sa Sa lại nấu vội bát cháo loãng. Trời mưa, quần áo, sách vở ướt nhoè. Lá chuối che đầu, lúp xúp đi (Bàng bạc mưa rừng); Bé Nhủm tới lớp với cái túi sách được khâu từ 2 mảnh ống quần thấm đẫm mùi măng chua (Giấc mơ trên bãi ngàn sao).
Quê mình còn khó khăn, gian khổ lắm. Nên trong cảm thức của Hà Phong còn bao nỗi trăn trở. Sao cho dân mình bớt nghèo, bớt khổ.
Khái quát thấy yếu tố văn hoá vẫn vô cùng đậm nét trong văn Hà Phong. Với gốc là người dân tộc Thái Trắng cho nên Hà Phong viết rất sâu sắc về văn hoá dân tộc mình. Nhiều lúc thấy dường như tác giả vì tự hào mà khéo léo khoe rất nhiều vẻ đẹp của văn hoá dân tộc mình qua con chữ. Đọc văn anh, không chỉ thấy phong cảnh, lối sống, ẩm thực như đã nói, mà còn thấy ở đó những lễ hội, phong tục, tập quán, kiến trúc nhà sàn, trang phục truyền thống, ngôn ngữ độc đáo của dân tộc Thái… Hà Phong cũng có những trang viết về dân tộc Mông, thể hiện sự am hiểu của anh về người bạn láng giềng với người Thái ở mảnh đất biên giới Lai Châu này: Mật rừng, Khói sương mù xám, Đỉnh non mây ủ…
2. Con người nhân văn, nghĩa tình
Văn Hà Phong nhẹ nhàng reo rắc vào lòng người niềm tin và hi vọng. Có nhiều lẽ để ta hi vọng lắm. Đầu tiên là bản tính kiên cường mạnh mẽ của người dân xứ núi. Muôn nỗi vất vả thôi bạc manh áo, vậy mà nụ cười lúc nào cũng sáng bừng trên khuôn mặt người dân quê ta. (Lắng lòng quê thương). Tiếng khèn vẫn đầy khát khao và dào dạt sức sống. Đến cỏ cây ở đây cũng như người: Mùa đông dù lạnh giá khắc nghiệt đến mấy, thì hoa cà đắng vẫn cứ ngạo nghễ tím; Cải ngọt tựa như người dân bản Tẹo, sống bám vào đá nhưng vẫn mơn mởn, hắt xanh lên cả. Chỉ có bàn chân trần thôi, nhưng bám chặt lấy đất quê như bộ rễ biết đi, với niềm tin sắt son rằng: khắc đi, khắc đến. Bộ rễ kiên trì bám vào nương dốc: sẽ có ngô mọc, rồi trổ cờ, ra bắp, kết hạt; bám vào ruộng bậc thang: sẽ có lúa lên; chạm vào đá cứng: đá cứng hoá mềm… Họ nhọc nhằn bám vào đất đá để mưu sinh nhưng không ai nản, vẫn luôn bước với những bước chân mạnh mẽ, vô tư khà khà cười rung lá rừng, và tin rằng rồi đây sẽ tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bên cạnh niềm tin, ý chí kiên cường, con người nơi đây cũng giàu tình yêu thương với nhau lắm. Các nhân vật trong truyện của Phong đều có cái tâm tốt lắm. Hà Phong là người nhân văn, hướng thiện. Anh học được từ người mẹ bao dung: Mẹ biết kể truyện thơ Khun Lú, Nàng Ủa, biết kể sự tích Nàng Han anh hùng đánh giặc… Và nữa, mẹ còn thường xuyên dạy chúng con biết mở rộng lòng cảm thông, chia sẻ, đừng bao giờ bất nhẫn, giả vờ… Mẹ luôn là nắng ấm giữa mùa đông, cho con rất nhiều nghị lực, rất nhiều yêu thương.
Người đọc thấy trong truyện của Hà Phong nhiều số phận éo le quá: Đầu tiên là người phụ nữ miền cao: người phụ nữ Thái cả đời hi sinh: bá dâu tôi là một phụ nữ Thái điển hình, lam lũ tất bật, cả đời không một lần mặc quần âu,… (Măng đắng); người phụ nữ Mông lấy chồng từ khi mười hai, mười ba tuổi Làm từ sáng đến tối, làm quần quật như trâu, thồ như ngựa… Lúc nào vợ cũng chỉ là cái bóng của chồng, đàn ông đã nói, đàn bà đâu dám cất tiếng. Cả đời nhẫn nhịn: làm như trâu, thồ như ngựa, cả năm chỉ đôi ba ngày có miếng ngon cũng không dám gắp, nhường chồng. Khổ, khổ đến tận cho hết thời đầu phơ tóc bạc. (Ngước mặt nhìn ngô). Tác giả thương cả những người đàn bà làm nghề hàng rong, đồng nát dáng vẻ lam lũ. Họ xa chồng, xa con, xa quê, một mình lặn lội lên tận miền rừng mưu sinh, gánh cực lên non với bao nỗi niềm đắng đót.
Một nhóm nhân vật nữa Hà Phong thương cảm là người già và trẻ em. Họ cực khổ lắm mà nhân hậu, hiền lành lắm. Họ chẳng có tài sản gì giá trị, nhưng có trái tim vàng. Lão Nhân bản Tẹo trong Gió lay hoa mận cả đời ki cóp mới mua được con ngựa quý. Nhưng ông cũng bán đi để cứu sống và nuôi mẹ con cô gái sa cơ lỡ bước tên Thương. Giúp người không đòi trả ơn. Dù người đời có nói: lão vắt kiệt sức nuôi người dưng mà chẳng tơ hào gì. Nhưng ông dù qua đời trong cô đơn, cô gái phải trở về quê hương thì ông cũng vẫn thanh thản như ngủ, môi phảng phất nụ cười. Cũng thế, lão Hom trong truyện Giấc mơ trên bãi ngàn sao nghèo nhất bản Phiêng Đao. Ông chỉ kiếm sống bằng nghề đan lồng gà bán chẳng được bao nhiêu tiền. Con trai thì mất. Nhưng ông vẫn quyết định nhận nuôi cô bé Nhủm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Dù mọi người ái ngại, con dâu tên Hạnh không bằng lòng vì khổ quá rồi. Nhưng cuối cùng thì Thương vẫn quay trở lại vì nặng lòng với bản Tẹo; Hạnh nhận Nhủm làm con nuôi với tất cả sự thương mến chân thành.
Con người trong truyện của Hà Phong nhân hậu và giàu tình yêu lắm. Thương bị đe doạ tính mạng, cả bản Tẹo da vàng, mặt gầy, mắt lồi, gân xanh nổi, chân tay khẳng khiu như cành khô xin bác sĩ cho máu cứu sống cô. Huyết mạch của cô giờ chứa cả máu người dân bản Tẹo. Rồi cảm thông với nỗi nhọc nhằn mưu sinh của người bán củi rong trong trời lạnh giá mà người mua không hề mặc cả, hỏi là mua… lại còn gọi vào nhà pha cho cốc nước đường nóng cho ấm người, đỡ mệt; Hoặc như vợ chồng nhà chị Côi hàng xóm chỉ là người dưng thôi nhưng lại đối đãi với bà Lãng đơn chiếc bằng tấm lòng của những đứa con (Hời ru trong mưa). Nhân vật của Phong có khi không đẹp về hình dáng, thậm chí trong mắt người khác chỉ là người điên lang thang, có nụ cười ngờ nghệch, ánh mắt sợ sệt canh chừng mọi người, bị trẻ con đùa cợt, xua đuổi, bị chủ tiệm vàng kì thị như Sầm điên nhưng anh vẫn cao thượng lắm, vẫn dám nhảy xuống dòng nước sâu nguy hiểm mà cứu đứa con trai quý tử duy nhất của chủ tiệm vàng. (Sầm điên)…
Truyện Hà Phong kể nhiều câu chuyện giản dị, đơn sơ thôi, nhưng thấm đẫm tình người. Vẻ đẹp nhân văn của văn học chân chính có thể làm lay động tâm hồn người đọc, khiến cõi người trở nên đẹp đẽ, nhân hậu hơn. Mưa xuân bay bay là một câu chuyện như thế. Vợ chồng Lản – Thín chẳng giàu có gì, cả một năm đầu tắt, mặt tối, phải tiết kiệm, còn bị con trai ông Tem – bà Bân ăn trộm đồ đến “phát bực”. Nhưng khi thấy hoàn cảnh của ông bà éo le, con cái hư hỏng, Tết mà “căn nhà trống”, “bếp sàn lạnh tanh không tí lửa” thì họ lại động lòng. Lản và Thín giúp mua sắm Tết, gói bánh chưng mang biếu ông bà để họ có một cái tết ấm cúng, vui vẻ hơn. Lản và Thín cũng như bao người dân bản khác nơi đây quan niệm đơn giản lắm: “Người tốt như cây quế thơm giữa rừng. Kẻ xấu như cọng rơm khô giữa ruộng. Vợ chồng mình sẽ cùng làm cây quế thơm. Anh là thân cây còn em sẽ là cành lá”. Sự yêu thương, bao dung, rộng lượng, lá lành đùm lá rách khiến mùa xuân trở nên ấp ám, tươi đẹp, để lại dư vị ngọt ngào trong lòng mỗi người.
Mượn lời văn của Hà Phong để nói về tình cảm với mảnh đất Lai Châu nói riêng, Tây Bắc nói chung: Tây Bắc yêu thương mãi không hết. Thương lửa bếp toả ấm dưới mái nhà sàn buổi chiều đông. Thương hương cốm bay mùa nếp thơm tháng chín. Thương hoa chuối rừng trổ đỏ thắm lối ta đi qua. Thương điệu múa tỏ ong lỏ ong nhịp đôi, nhịp ba. Thương bến suối có mế già, có em gái nhỏ hái rêu (Cau trầu ở lại chẳng về xuôi). Chính vì vậy mà tác phẩm của Hà Phong còn nặng một nghĩa tình: Ta lắng lòng để tự hỏi ta đã làm gì cho quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của ta, nơi ta từng nhận được rất nhiều ân tình sâu nặng? Đời người trôi giọt nước, chẳng ai bắt ta phải trả nợ nghĩa, nợ tình. Nhưng vì thế mà ta lại càng cảm thấy mình là người mang nợ. Và anh viết để trả những ân tình. Trong đó anh lấy gia đình người thân, quê hương bản quán mình mãi mãi là cội gốc. Quê hương chính là nơi anh đã gửi trao lời hẹn thuỷ chung như trái sấu rơi vào nước ba năm vẫn còn tươi nguyên, không hỏng. Văn của Hà Phong vì vậy mà sâu lắng, nghĩa tình lắm thay!
Càng đọc càng thấy, Hà Phong trọng nhân tình lắm. Bao nhiêu câu chuyện đời đều chỉ để gửi đi một thông điệp: Hãy trao nhau yêu thương để tạo phép nhiệm màu.
Vài nét về nghệ thuật văn xuôi Hà Phong
Hà Phong viết bằng cả bút pháp hiện thực và lãng mạn. Đọc văn anh thấy cả một đời sống vùng cao, nhất là mảnh đất Lai Châu trải dài từ quá khứ đến hiện tại. Ở đó, người đọc có thể hình dung được rất chi tiết về một vùng văn hoá bởi các yếu tố hiện thực. Nhiều khi những tình tiết kịch tính được đẩy lên cao trào như trong tiểu thuyết Vượt qua dãy Hoàng Liên. Các truyện ngắn của anh cũng thường có những nút thắt, rồi được tháo gỡ bằng những cách rất nhẹ nhàng như lối ứng xử của người Thái Mường So nơi đây. Nhìn chung, Hà Phong có một lối viết văn nghiêng về trữ tình, lãng mạn, nhẹ nhàng – như chính con người và tâm hồn anh. Đọc văn Hà Phong mà cứ ngỡ như đọc thơ văn xuôi vậy. Chất trữ tình lãng mạn thấm đẫm trong cốt truyện, ngôn từ và cách diễn đạt. Nhưng ẩn chứa sau đó là cả một tâm hồn khát khao cháy bỏng được sống, được yêu. Như cái cách mà cô gái Thái tên Đón trong Phượng hoàng bay đi đâu dám sống với tình yêu cháy bỏng, đòi hỏi phải được yêu dưới ánh sáng mặt trời. Để dù khi chết đi rồi thì khát khao yêu của cô vẫn hiển hiện trên “bộ lông đỏ của phượng hoàng nom rực lửa như muốn thiêu đốt tất cả xung quanh”.
Tản văn của Hà Phong thì “bàng bạc như mưa rừng”, buồn man mác. Truyện của anh dù là kết thúc có hậu hay không thì vẫn để lại những dư âm buồn. Nhưng từ cái buồn ấy vẫn ánh lên vẻ đẹp của tình người, của hi vọng, của ngày mai tươi sáng.
Hà Phong là người không cầu kì con chữ. Anh viết gì là tự nhiên như dòng cảm xúc, như chính bản tính con người miền núi, như chính trải nghiệm và cái hồn hậu trong tâm hồn anh. Thế nhưng tự câu chữ đã là cả một nghệ thuật – nghệ thuật của sự bình dị nhưng cũng lấp lánh như những ánh sao trên nền trời Phiêng Đao.
Cả tản văn và truyện của Hà Phong đều rất nhẹ nhàng, sâu lắng, giàu cảm xúc. Tên tác phẩm như thơ: Tản văn đã như thơ (Tháng sáu mùa mưa, Mùa xuân mở cửa sổ hoa và bướm, Lốc cốc vó ngựa xanh…); tên truyện ngắn lại như tên tản văn, như thơ (Gió lay hoa mận, Ngước mặt nhìn ngô, Bàng bạc mưa rừng, Đêm sương trôi rơi, Cỏ hát tìm nhau, Khói nương mù xám, Hoa núi biên thuỳ, Đỉnh non mây ủ, Chơi vơi lá vàng…). Cảnh vật Tây Bắc như thơ, văn phong cũng rất nhẹ nhàng, tình cảm như thơ. Lối hành văn từ từ, chậm rãi, khiến người đọc không thể vội vã, không cần nóng ruột. Mọi thứ cứ như một dòng suối mát lành, chảy vào tâm hồn người đọc.
Nói là diễn đạt tự nhiên, nhưng Hà Phong cũng khéo léo lắm. Anh biết đan xen những từ địa phương vào tác phẩm để điều đó tạo thành bản sắc- bản sắc của vùng quê anh, bản sắc văn phong của anh mà không phải ai cũng làm được. Anh gọi tên chi tiết từng sự vật, món ăn… bằng tiếng Thái: xao nhịnh (thiếu nữ), đam sớ (chằm đệm), tiếc non (nhồi gối), lá phắc mạ, sa đai, xà tích, nhịnh, chại (đàn ông, đàn bà)… Anh đưa cả vào truyện những câu hát dân ca Thái, dân ca Mông: Ơi rỡi… ơi rơi! Con không nói hết được phụ mẹ nuôi con lớn. Không kể hết được công cha nuôi con khôn.; Cha ơi, mẹ ơi con gái phải lấy người không yêu/ Sao mẹ cha nỡ mổ gà vui trong ngày cưới… Những câu hát như gửi gắm cả tâm sự của nhân vật. Tác giả còn sử dụng nhiều câu tục ngữ Thái nói ít mà dạy nhiều: Pết ón cổ noong ne/ pết ké cổ noong tạu (Vịt con lội ao bèo/ Vịt già lội ao rêu); Khỏ cò nhá xia cốc (nghèo cũng đừng mất gốc)… Điều này mang cả một nền văn hoá Thái vào tác phẩm, làm hấp dẫn người đọc lắm thay.
Hà Phong có cách diễn đạt hay lắm. Đúng màu sắc của người dân tộc, chứ không phải cố gắn vào miệng họ những câu cho ngượng ngịu. Người đọc có thể vừa đọc vừa khoái chí với cách nói không thiếu trong tác phẩm của Phong: Cho đến khi hơi men của “lẩu kép” như thấm từ ngọn tóc cho đến đầu ngón chân thì chủ nhà bắt đầu kể chuyện bằng những bài hát; thứ rượu thơm nồng làm say đến cả con chuồn chuồn đậu trên bờ rào đá; gọi là lợn cắp nách vì đường xa, lợn con mệt đi sao được nên phải cắp nách (Chợ rừng);
Tản văn của Hà Phong miêu tả nhiều. Nên anh dùng nhiều từ miêu tả, từ tượng hình giàu sức gợi, đặc biệt là từ láy. Anh dùng từ láy đến độ cảm giác liên tục trong một câu văn, một đoạn văn, làm cảm xúc của người đọc cứ liên tục được đẩy lên cao mãi với những hình dung liên tục. Anh tả bến suối: “mộng mơ, yên ả, lững lờ chảy”; Tả con đường: “xa thăm thẳm, cong dáng cầu vồng, chông chênh đèo dốc; Đứng nơi đất trời giao hoà, ta miên man bâng khuâng, gửi lòng theo tiếng gió, mắt thả mơ màng về phía xa tít tắp”; Tả những loài cây: “Cây cà đắng khẳng khiu, lá lỗ chỗ vì sâu cắn; ngạo nghễ tím; Hoa lau vẫn cứ chao chát nở mở cờ, ken sát vào nhau, nhìn xa nom như những bông lúa vĩ đại đang vào mùa, xào xạc và lao xao; Hoa lau vàng khô xác xơ, tan tác, theo gió thảng thốt tung vạn vạn cánh lên trời”. Anh tả một cảm xúc: “Chợt thấy cay cay mắt, nao nao ngậm ngùi, thảng thốt gọi: Rừng ơi! Cứ muốn nghe mãi (tiếng khèn) để được bâng khuâng, mơ màng, hư hư, thực thực trong cõi âm thanh.”
Hà Phong dùng rất nhiều các biện pháp tu từ so sánh, nhân hoá, ẩn dụ trong diễn đạt. Điều đặc biệt là những hình ảnh được so sánh mang đậm màu sắc văn hoá miền ngược mà người miền xuôi ít khi hình dung được: Trăng sắp đến tết trung thu sáng trong vắt như nước suối khe; sóng lớn chồm lên như ngựa vía
Điệu hát buồn, buồn hơn cả tiếng mọt cắn ngô, buồn hơn cả tiếng càng chân con châu chấu đạp rách lá lúa non tươi chưa kịp cứng; Bàn chân trần quê tôi bền, dẻo như sợi mây rừng vắt đủ qua chín mưới chín ngọn núi đất mường; cứng cáp như thân cây trai, cây nghiến; Nhớ tím hừng hực như nước trái mận máu đỏ chính tháng năm. Nhớ ăm ắp đầy như mật ong mùa hoa tháng ba chứa trong bọng sáp. Tình yêu thuỷ chung như trái sấu rơi vào nước ba năm vẫn vẹn nguyên, không hỏng, mỏng manh như chùm hoa bồ công anh chín già, gặp chút gió nhẹ là đã bời bời tàn tác, xa bay…Những hình ảnh so sánh này mang lại sức gợi cảm cho lời văn, gợi những tưởng tượng sinh động trong tâm trí người đọc. Nhà văn phải điêu luyện điêu luyện, giàu vốn sống, vốn từ lắm thì mới có được những câu văn hấp dẫn đến nhường này.
Truyện của Hà Phong cũng rất nhẹ nhàng, cốt truyện đơn sơ mộc mạc, tình huống, tình tiết truyện như chính đời sống thường ngày của người dân xứ sở. Truyện hầu hết được kể theo kết cấu truyền thống, theo trật tự thời gian, dễ thưởng thức, dễ đọc. Truyện thường kết thúc có hậu như là mơ ước của tác giả về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Dù nhân vật tự thân phát triển, không hề có cảm giác bị áp đặt bởi tư tưởng của tác giả. Nhân vật đơn tuyến. Đôi lúc, tác giả sử dụng nghệ thuật độc thoại. Nhưng độc thoại của nhân vật, hoà lẫn với lời người dẫn truyện, làm cho cách kể hết sức tự nhiên. Chẳn hạn như: chứ bảo lão “nghiện” đất, thì, hà hà, lão thấy vui… Lão Ón ngửi, trời ơi là trời, hơi nước trong gió còn nhiều thế này, hỏi mưa biết bao giờ mới tạnh? Hoặc lời thầm thì của Thinh khi trở lại bản mình: Ừm! Mát thích thật đấy. Đã lâu rồi, bàn chân Thinh không được làm bạn với cỏ mềm như thế này.
Nhiều thế giới nghệ thuật của Hà Phong được đẩy xa về thời xưa xa lắm, khiến người đọc như rơi vào một miền đất huyền thoại: Phượng hoàng bay đi đâu, Hoa núi biên thuỳ… hoặc những chuyện từ thời ấu thơ của anh ở miền đất Mường So tươi đẹp… Rồi chuyện được đẩy dần về hiện tại, những câu chuyện thường nhật đời thường thông qua lăng kính của người đàn ông hiền lành, ít di chuyển mà thấy đời không chỉ bằng mắt, bằng tai, mà bằng cả tâm hồn: Áo cóm đợi xuân, Mưa xuân bay bay, Chim tăng ló kêu tiếng buồn…
Chỉ bấy nhiêu nghệ thuật thôi, đã làm nên một cây bút Hà Phong đầy sức sống, khiến những người trẻ phải trầm trồ ngưỡng vọng.
Mượn lời văn của Hà Phong để nói về tình cảm với mảnh đất Lai Châu nói riêng, Tây Bắc nói chung: Tây Bắc yêu thương mãi không hết. Thương lửa bếp toả ấm dưới mái nhà sàn buổi chiều đông. Thương hương cốm bay mùa nếp thơm tháng chín. Thương hoa chuối rừng trổ đỏ thắm lối ta đi qua. Thương điệu múa tỏ ong lỏ ong nhịp đôi, nhịp ba. Thương bến suối có mế già, có em gái nhỏ hái rêu (Cau trầu ở lại chẳng về xuôi). Chính vì vậy mà tác phẩm của Hà Phong còn nặng một nghĩa tình: Ta lắng lòng để tự hỏi ta đã làm gì cho quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của ta, nơi ta từng nhận được rất nhiều ân tình sâu nặng? Đời người trôi giọt nước, chẳng ai bắt ta phải trả nợ nghĩa, nợ tình. Nhưng vì thế mà ta lại càng cảm thấy mình là người mang nợ. Và anh viết để trả những ân tình. Trong đó anh lấy gia đình người thân, quê hương bản quán mình mãi mãi là cội gốc. Quê hương chính là nơi anh đã gửi trao lời hẹn thuỷ chung như trái sấu rơi vào nước ba năm vẫn còn tươi nguyên, không hỏng. Văn của Hà Phong vì vậy mà sâu lắng, nghĩa tình lắm thay!
“Hoa vẫn nở trên Pu Ta Leng”
Một ngày mùa xuân tươi đẹp, hoa đào, hoa mận nở đầy trên các nẻo đường của mảnh đất Lai Châu, vậy mà Hà Phong vẫn từ giã cõi trần gian này. Trong anh có thể là còn bao tiếc nuối. Và độc giả Lai Châu còn tiếc thương hơn gấp nhiều lần. Từ nay, không còn những câu chuyện mới từ cái “kho tàng” văn hoá Thái Hà Phong. Nhưng vẫn còn đó những “tiếng chim tăng ló buồn”, những “cơn mưa bàng bạc” trong lòng người đọc về một thân phận tài hoa bạc mệnh và hơn hết là cả một nghị lực sống như những đoá hoa đỗ quyên vẫn nở trên Pu Ta Leng lạnh giá. Mấy bản thảo còn dang dở chưa được đông đảo bạn đọc biết đến. Chỉ còn tập sách cuối cùng Hoa vẫn nở trên Pu Ta Leng như một món quà tặng tâm hồn về sự mạnh mẽ, lạc quan, vượt lên số phận, đầy sức sống và hi vọng.
Còn nhớ cố nhà văn Hà Phong từng tâm sự: Cả cuốn truyện Vượt qua dãy Hoàng Liên lẫn cuốn Dân ca Thái, khi bắt tay vào viết tôi đều mường tượng đó là một ngọn núi cao. Tôi hiểu mình cần phải hết sức nỗ lực mới có thể vượt qua được nó. Nay tôi đã vượt qua được nó. Nhưng tôi vẫn chưa muốn chùn chân dừng lại… Tôi vẫn muốn thử sức như chính tôi từng viết: “Bàn chân trần của người dân quê tôi khi đạp lên những tảng đá cứng cản trên lối đi, tảng đá cứng cũng trở nên mềm… Bàn chân trần của người dân quê tôi bền, dẻo như sợi mây rừng vắt đủ qua chín mươi chín ngọn núi đất mường. Giông bão có thể quật gục đổ thân cây to cứng cáp, nhưng không thể khuất phục được thân dây mây săn dẻo”. Bằng nghị lực đó, anh đã cống hiến cho đời, cho Lai Châu những trang viết mang hơi thở, phong cách riêng. Và người đọc sẽ còn nhớ thương và trân trọng mãi những trang viết của anh.
Mượn lời nhà văn Đặng Vương Hưng để tự hào vì Lai Châu đã từng có một Hà Phong như thế: “Vượt qua bão tố, phong ba, vượt qua những ngày hè nắng cháy, nhưng đêm đông lạnh buốt, có loài hoa vẫn âm thầm lặng lẽ nở trên Pu Ta Leng, thầm lặng hiến dâng hương sắc cho đời. Dù bị bệnh tật hiểm nghèo, nhưng Hà Mạnh Phong luôn tự hào “Vốn gốc sinh ra từ quê bản, mang dòng máu quê bản”. Có lẽ nhờ thế mà anh đủ nghị lực vượt lên số phận, vượt lên chính mình. Phong đã làm được nhiều việc mà một người bình thường không phải ai cũng làm được. Anh đã sống đẹp và luôn mong muốn sống có ích cho cộng đồng. Những trai bản, gái bản và bà con không chỉ ở quê hương Lai Châu, mà cả miền Tây Bắc đều có quyền tự hào về Hà Mạnh Phong!”.
THUỲ GIANG