Nhà văn Di Li: Đọc sách lậu là tiêu thụ đồ ăn cắp

Vanvn- Tác giả “Trại hoa đỏ” cho rằng nhiều người thích đọc miễn phí, tiếp tay sách lậu. Vấn nạn này không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn bào mòn tinh thần nhà văn.

Nhà văn Di Li 

Di Li là tác giả của nhiều đầu sách, nổi bật là hai tác phẩm trinh thám Trại hoa đỏCâu lạc bộ số 7. Cả hai tác phẩm đều gây được tiếng vang và được mua bản quyền chuyển thể thành phim. Trong đó, phim dài tập Trại hoa đỏ do Victor Vũ đạo diễn đã phát sóng trên một kênh truyền hình số.

Thường được công nhận là tác giả tiên phong kết hợp trinh thám và kinh dị ở Việt Nam, nữ tác giả cũng rất chăm chỉ khám phá những đề tài, thể loại khác với những tác phẩm như Bình minh ở Sahara, Nửa vòng Trái Đất uống một ly trà hay Chuyện nhỏ đàn bà.

Trước tình trạng sách lậu phát tán tràn lan, Di Li bày tỏ nỗi thất vọng và kêu gọi những biện pháp xử lý mạnh mẽ với vấn nạn này.

“Tôi bức xúc lâu rồi”

* Chị từng có sách bị lan truyền trái phép chưa và chị cảm thấy thế nào?

– Tôi bức xúc lâu rồi. Mệt mỏi chứng kiến hầu như sách nào của mình cũng bị lậu. Tôi lấy ví dụ trường hợp cuốn Tôi PR cho PR của tôi là một dạng sách giáo trình, sách khoa học thường thức. Sách văn học thì người ta đọc trên mạng rồi có khi còn mua về để sưu tầm, nhưng sách chuyên ngành người ta thấy lậu tải về rồi in ra cho tiện, nghiên cứu một lần là xong chứ không thèm mua sách. Cuốn Cô đơn trên Everest phát hành tháng 1, tới đầu tháng 4 đã có bản lậu. Vấn nạn này gây ảnh hưởng rất nhiều tới tôi cũng như các nhà văn khác.

* Khi thấy sách của mình bị phát tán không bản quyền, chị đã làm việc với nhà xuất bản và cơ quan chức năng chưa?

– Tôi làm việc với nhà xuất bản, họ cũng rất bức xúc nhưng bó tay, bảo rằng bây giờ mà đi theo kiện thì rất là mệt mỏi. Tôi cũng không hiểu nổi. Nào là phải lập vi bằng, xong còn phải đổ rất nhiều công sức, có thể cả tiền vào. Có lập vi bằng xong, trang đăng lậu bị gỡ xuống thì một thời gian sau lại thấy trang web khác được lập ra thôi.

Vấn nạn này nói mãi mà chưa thấy giải quyết được. Phải chăng làm sách lậu không phải tội ác, không cấp thiết nên cứ để đấy đã, nghĩ rằng có nhiều sản phẩm bị lậu còn nguy hiểm hơn sách?

Thực tế, nạn sách lậu rất nguy hiểm. Sách lậu làm thất thu nhiều cho đất nước. Các nhà xuất bản bán được sách, có nguồn thu danh chính ngôn thuận để đóng thuế cho nhà nước, trong khi sách lậu vào túi ai không biết. Nạn sách lậu cũng là một phần làm nghèo đất nước mình.

Quốc gia tồn tại nhờ có tiền thuế, thuế giảm đồng nghĩa với ít tiền đầu tư cho bệnh viện, trường học, cầu đường. Phúc lợi của người dân bị kém đi. Việc này ảnh hưởng đến từng người dân một chứ không riêng gì người cầm bút.

* Lượng người tiếp cận các trang đăng truyện lậu rất lớn, có trang ghi nhận lượt đọc tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” của chị lên tới 40.000 người. Hẳn con số thất thu phải rất lớn?

– Một con số khổng lồ. Nếu sách không bị làm lậu, nhà văn và nhà xuất bản phải bán được gấp mấy lần doanh thu hiện tại. Không phải gấp đôi đâu, mà là gấp nhiều lần.

Các đầu sách bán không chạy, ít người mua thì không nói làm gì. Nhưng các đầu sách bán chạy, thì người ta làm lậu nhiều, ăn lợi cũng nhiều.

Cuốn Trại hoa đỏ của tôi bị lậu ngang lậu dọc. Ngày xưa làm lậu sách giấy nhiều, tôi còn đóng vai khách hàng đi mua thử. Hồi công nghệ chưa phát triển, người ta bán ở vỉa hè, giờ trên mạng có pdf miễn phí người ta tải về luôn chứ lắm khi chả buồn mua. Tôi nản lắm, chán lắm.

Một trang web đăng tải tác phẩm Trại hoa đỏ.

Người văn minh không ăn cắp trí tuệ

* Ngoài mặt doanh thu ra, vấn nạn này gây ảnh hưởng tới quá trình sáng tạo của chị?

– Tình trạng làm lậu thiếu kiểm soát như vậy thể hiện nét kém văn minh trong xã hội. Người văn minh không ăn cắp trí tuệ như thế. Tôi cảm thấy trí tuệ của mình đang bị ăn cắp. Ăn cắp một cách đương nhiên mà mình không làm gì được. Việc ấy còn gây bức xúc về mặt tinh thần nữa.

Nhà văn ở Việt Nam tồn tại đã rất khó khăn rồi. Bây giờ còn phải chịu thêm nạn sách lậu. Ra sách ai cũng mong bán được. Sách bị lậu khiến sách bản quyền bán được ít đi, nhà xuất bản không hào hứng để in tiếp. Thử hỏi làm sao nhà văn có được hứng khởi để mà viết sách?

Sản phẩm mình viết phải được in ra, phải được chia sẻ với cộng đồng một cách chính đáng. Đâu phải mình viết cho mình đọc đâu.

Điều này ảnh hưởng không nhẹ tới cảm hứng sáng tác, nhiệt huyết sáng tác của người cầm bút.

* Chị nghĩ các tác giả làm gì để chống nạn sách giả?

– Không làm được gì cả. Việc này cần tới luật pháp, chứ không thể cứ nói suông kêu gọi người dân có ý thức được. Chúng ta vẫn còn quen và thích những thứ miễn phí. Thay đổi được nhận thức của mọi người phải mất thời gian.

Đọc sách lậu chính là đang tiêu thụ đồ ăn cắp. Người ta không nghĩ tải lậu như vậy là đang tiêu thụ đồ ăn cắp đâu mà chỉ nghĩ đơn giản là có sẵn thì tải thôi.

Thực ra, ở mảng âm nhạc, nước ta đã phần nào nâng cao được ý thức bản quyền rồi. Chưa triệt để nhưng cũng đang làm rất tốt. Ở mảng ấy, người ta có phần mềm lần theo dấu vết của các bản tải lậu để nhanh chóng gỡ/vô hiệu hóa hết các địa chỉ đăng nhạc trái phép.

Mảng chữ nghĩa, văn chương thì lại chưa làm được vậy, nên đành phải chịu.

* Những người làm ebook bản quyền cũng nghĩ rằng cần có thời gian thì thị trường sách mới kiểm soát được nạn vi phạm bản quyền như ở thị trường nhạc và điện ảnh gần đây. Theo chị, cần làm gì để đẩy nhanh quá trình này?

– Nếu công chúng không còn lựa chọn nào khác thì người ta sẽ chịu trả tiền. Có chế tài hạn chế để không tiếp cận được nguồn trái phép miễn phí nữa thì độc giả mới chuyển sang bên bản quyền thu phí.

Nói chung là còn phải đấu tranh nhiều, phải nhiều người chung tay góp sức, nhưng chủ yếu là các cơ quan chức năng mới có đủ quyền lực để giải quyết vấn nạn này.

MINH HÙNG/ZING

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *