Nhà văn Aleksander Fadeev: Mãi mãi là một chân dung lạ

Vanvn- Ngày 11 tháng 12 năm 1901, Alesander Fadeev, một nhà văn, nhà kinh điển Xô Viết, người đồng sáng lập và là người đứng đầu Hội Nhà văn Liên Xô, cất tiếng khóc chào đời tại ngôi làng lịch sử Kimry, nay là thành phố của vùng Tver. Một tài năng lớn, một số phận nhiều truân chuyên, một mối liên hệ bền chặt với thời đại của mình. Ngoài tất cả những điều vừa kể, mọi nỗ lực phán xét hay lên án Fadeev đều là sự ngây thơ hay đáng giễu cợt.

Sự quan tâm đến tiểu sử của Fadeev từ lâu đã trở nên đặc biệt. Người ta gắng tìm ra lý do để làm sáng tỏ hai điều sau đây: a) Sự nghiệp thành công đáng kinh ngạc của nhà văn; b)Liệu có là điều không tưởng chăng niềm tin lâu dài, tuyệt đối ở ông ta – một người rất có ảnh hưởng mà không đáng tin cậy?

Nhà văn Aleksander Fadeev

Chúng ta hãy nhớ lại lập luận chính chống lại quyền tác giả cuốn sách “Sông Đông êm đềm” của Mikhail Sholokhov: một chàng trai trẻ không thể viết được tác phẩm như thế! Tập đầu tiên của cuốn tiểu thuyết đã được in bởi chàng trai Sholokhov 23 tuổi. Không thể có chuyện như vậy được! Thế mà trong những năm tháng trưởng thành, Sholokhov lại là tác giả của những tác phẩm yếu hơn nhiều: “Đất vỡ hoang”, “Số phận một con người” …

Những gì tương tự cũng rất quan trọng ở đây. Vì một lý do nào đó, sao không thấy ai lên tiếng so sánh: Cũng năm 23 tuổi, Fadeev đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết hay nhất của mình, nổi tiếng toàn nước Nga – “Chiến bại”. Còn năm 21 tuổi Fadeev có “Đập tràn”, tương tự như  “Những câu chuyện về sông Đông” của Sholokhov. Còn “ Đội thanh niên cận vệ “của những năm tháng trưởng thành cũng chính là “ Số phận con người”. Tất nhiên, “Sông Đông êm đềm ” là một thứ mạnh mẽ hơn nhiều, nhưng lịch trình của các số phận đều giống nhau một cách nổi bật: tuổi 21 – thử nghiệm, tuổi 23 – cất cánh, tuổi 35 … nói một cách tế nhị: đó là việc lập kế hoạch có tính toán cẩn thận.

Vấn đề là “thuyết tương đối của thời gian”, được Einstein phát hiện cũng chính vào những năm tháng đó. Sholokhov, Fadeev là những ví dụ về tính tương đối của thời gian xã hội, thời gian tiểu sử, thời gian sinh học, của tốc độ chín muồi. Tôi sẽ tiếp tục “thử nghiệm suy ngẫm”: nếu chúng ta tưởng tượng rằng không có những tác phẩm của Sholokhov, mà ngược lại, nhu cầu chính trị vẫn có thì “Chiến bại” của Fadeev – một cuốn tiểu thuyết rất mạnh mẽ, hoàn chỉnh về tâm trạng và bố cục (tôi cũng sẽ đề cập đến ấn bản tiếng Anh của nó)sẽ chịu đòn đánh ra sao ? Quả thực, để tìm một người viết văn 23 tuổi hôm nay, cho dù là tài năng nhất… đơn giản là không thể hình dung chàng trai ấy có thể trở thành tác giả của tiểu thuyết ” Chiến bại” được.

Ngoài mối liên hệ với thời gian, còn có mối liên hệ với không gian: trong sáu năm, Fadeev trở thành người Viễn Đông: gia đình ông đã chuyển đến vùng Primorsky, và làng taiga Chuguevka đã trở thành quê hương thứ hai, nơi có “những ngày đẹp nhất của tuổi thơ và tuổi trẻ” của Fadeev. Ở Viễn Đông hôm nay người ta đang quan tâm đến Fadeev, mong muốn biến lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 120 của ông trở thành một sự kiện, một dịp để ghi nhớ, để tìm ra chiếc chìa khóa cho hiện tượng Fadeev. Nhà văn, nhà sử học địa phương Pavel Ivanovich Shepchugov đã chuẩn bị một cuốn sách: “Siberian, Viễn Đông cái nhìn về số phận của Fadeev”.

Nhờ nhà văn Valentin Grigorievich Rasputin tôi đã làm quen được với Pavel Shepchugov: “Có một nhà tu hành khổ hạnh ở Nakhodka đã lập một thư viện tư nhân lớn nhất tại Viễn Đông. Nhà tu hành này đã trở thành giám đốc một khu mỏ ở Zabaican, và ông ta đã có một trang trại riêng. Bây giờ nhà tu hành ấy đang ở Nakhodka, ông ta đã đầu tư hết tiền bạc cho sách”. Trò chuyện với Pavel Ivanovich, tôi tin chắc rằng: 200 nghìn cuốn sách của nhà tu hành kia không phải là một gánh nặng đã được trút bỏ, mọi người sẽ tiếp nhận những cuốn sách ấy và đọc hết.

Quay về với cuốn sách của chính Paven Shepchugov, tôi đã cho công bố một bài báo với tựa đề “Làm gì và vì điều gì thường xẩy ra như thế?”.

“Những bước đầu tiên trong sự nghiệp của Fadeev là trên chiến trường. Lần “thăng hạng” đầu tiên gắn với huyền thoại người hùng Sergei Lazo. Vào tháng 3 năm 1920, ông chủ tịch hội đồng quân nhân của quân đội, đề nghị phong Fadeev làm chính ủy. Muộn hơn: Ngày 5 tháng 4 năm 1920 diễn ra trận chiến với quân Nhật gần Spassk. Người tham gia Ivan Pikul nhớ lại: “Cùng với những người lính khác trong đơn vị, anh ấy đã bắn trả lại quân Nhật đang tiến lên. Khi chúng tôi được lệnh rút lui tôi nhìn thấy những người lính khiêng Fadeev bị thương đến một nơi vắng vẻ. Tôi hỏi: “Sasha, em có nghe thấy anh nói không?”. Fadeev không trả lời. “Vào tháng 1 năm 1921, tại một hội nghị của các chính ủy ở Chita, Fadeev được bầu làm đại biểu dự Đại hội X của Đảng Cộng sản (B) toàn Liên bang. Nguyên soái tương lai Konev đã kể chặng đường họ phải trải qua mất gần một tháng mới đến được đến đại hội như sau: “Chúng tôi cùng đội một chiếc mũ quả dưa, nhưng tôi chỉ biết tên thật của Fadeev vào cuối những năm 1920, khi cuốn tiểu thuyết “Chiến bại” ra mắt.Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản (B) diễn ra vào tháng 3 năm 1921 trùng với cuộc nổi dậy ở Kronstadt.

Các tình nguyện viên trong số các đại biểu dự đại hội bị điều ngay tới cuộc trấn áp. Trong cuộc tấn công, Fadeev một lần nữa bị thương nặng, phải bò hai cây số trên mặt băng của Vịnh Phần Lan, nằm bất tỉnh trong vài giờ và mất rất nhiều máu. Thêm năm tháng điều trị: “Tôi chưa bao giờ đọc nhiều như vậy trong đời. Bác sĩ tốt bụng, nữ y tá rất đẹp, nói chung là các chị em đều rất đẹp.  Neva ngoan, Khu vườn mùa hè” – Fadeev đã ghi vào sổ tay như thế..”

“Vào tháng 8 năm 1927, Maxim Gorky đã chú ý tới tiểu thuyết “Chiến bại” và đã giới thiệu tác phẩm này cho Sergeev-Tsensky, Fritsche. Gorky rất khen ngợi cuốn sách và đề nghị giới thiệu sách với tất cả những bạn hữu của văn hào. Hơn nữa, còn có một nhân vật đặc biệt đã bước vào số phận của Fadeev. Đó là Hoàng tử Dmitry Petrovich Svyatopolk-Mirsky, con trai của cựu Bộ trưởng Nội vụ Nga hoàng-một nhà ngữ văn, nhà thơ, đã phục vụ dưới thời Denikin. Ông Hoàng này sống lưu vong, là Phó giáo sư tại Đại học hoàng gia London, tác giả của những cuốn sách gây ấn tượng như: “Pushkin”, “Lịch sử văn học Nga từ thời cổ đại đến cái chết của Dostoevsky”, “Lenin”… Hoàng thân Dmitry Petrovich gia nhập hàng ngũ Đảng Cộng sản Anh, rồi quay về nước Nga. Ông Hoàng Dmitry Petrovich nhớ lại: “Phải mất nhiều thời gian và sự trợ giúp tôi mới có thể bước ra khỏi khu rừng rậm để gặp được những tia sáng chói lọi của chủ nghĩa Mác. Cuốn sách “Thứ mười chín” đặc biệt hữu ích đối với tôi”. “Thứ mười chín” (The Nineteen “ là tên bản dịch sang tiếng Anh cuốn tiểu thuyết “Chiến bại”.

Cuốn sách của Shepchugov trình bày chi tiết về một cuộc chiến bung mở khác. Gorky ủng hộ Hoàng thân Svyatopolk-Mirsky, nhưng Ủy hội nhân dân Nga ( tức chính phủ Nga sau cách mạng tháng 10) cho rằng ông Hoàng Svyatopolk Mirsky đã đánh trống thổi kèn quanh cuốn tiểu thuyết của Fadeev là theo lệnh trực tiếp của Trotsky, và điều này tự bạn sẽ hiểu…

Một khúc uốn lượn tài tình! Sự ngưỡng mộ đối với “Chiến bại” đã khiến ông Hoàng thân trở về với nước Nga Xô Viết, nhưng nhân viên phản gián Nga Ivanov bỗng “phát hiện ra”: Hoàng thân chính là thành viên của một tổ chức chống Liên Xô, là một điệp viên. Cái chết trong trại giam đã cứu ông Hoàng khỏi bị bắn.

Fadeev đã đứng vững khi hầu như tất cả bạn bè của nhà văn – những người đã từng tham gia các đội du kích ở Viễn Đông đều bị trấn áp, còn người bạn thân của ông ở tổ chức Văn học Vô sản Nga là Averbakh thì bị xử bắn.

Lý do ư? Đó là sự tin tưởng không thể lay chuyển của Stalin ở Fadeev  mà trong hoàn cảnh của những năm 1930-1950 rất nhiều kẻ ghen tỵ. Stalin tin ở vai trò của Fadeev trong bước ngoặt văn học của của thời đại – giữa sự rã đám của Tổ chức Văn học Vô sản Nga (RAPP) và sự thành lập Hội Nhà văn Liên Xô. Cuộc “chia tay” của Fadeev với Averbakh – “người bạn đồng hành cũ của Gorky”, đối với những người theo chủ nghĩa Stalin và bất kỳ ​​chính kiến nào khác được xem như đã chứng tỏ lòng tuyệt đối trung thành của Fadeev. Loạt bài báo mang tực đề “Cũ và Mới” đã như chứng minh cho Stalin thấy Fadeev là trợ thủ đắc lực nhất (và về lâu dài là người kế nhiệm) của Gorky.

Simonov: “Nghe thật kỳ lạ khi có ai đó nhận xét ở Stalin có một số điểm tương đồng với Fadeev trong những đánh giá về văn học. Stalin thực sự yêu thích văn học, ông coi là quan trọng nhất trong các bộ môn nghệ thuật, văn học suy cho cùng quyết định mọi bộ môn nghệ thuật khác. Stalin thích đọc, nói về những gì đã đọc với đầy đủ kiến ​​thức về chủ đề này. Đối với riêng tôi không còn gì phải hoài nghi, ở đâu đó trong con người Stalin có gien nghệ thuật nào đó của riêng ông ấy, có lẽ nẩy sinh vì thời trẻ ông ấy thích thơ ca”.

Ilya Ehrenburg: “Về Fadeev người ta nói ông ấy tài năng, thông minh, có ý chí sắt đá, đến nỗi Stalin đã đánh giá cao ông ấy. Tất cả những điều này đều đúng… Mọi người đều biết sự uyên bác, khả năng biết truyền cho những bài báo hay những bản báo cáo một chiều sâu, một sự chói sáng, khả năng gây tranh cãi của các bài luận văn học và tính không thể chối cãi của luật… chỉ bằng vài từ vắn gọn của chính Stalin”.

Rượu và sự đàn áp… Các chủ đề liên quan một cách khách quan đến số phận của “người đẹp và khủng khiếp” Fadeev (theo định nghĩa của Olga Berggolts).

Và về “thói quái dị”. Ehrenburg, người hiểu rõ Fadeev, rất tinh ý: “Alexander Alexandrovich là người đàn ông khỏe nhất: ăn nhiều, uống nhiều; có thể chạy cả chục cây số, ngồi thâu đêm trong các cuộc họp và mọi thứ trôi qua không chút dấu vết… Mỗi năm ông ấy càng ảm đạm, đôi mắt dường như lạnh lùng, vô hồn. Ông ấy uống rượu, chủ yếu với những người khác xa thế giới văn học: ông ta muốn quên mình đi”.

Và một nét chấm phá nhỏ cuối cùng, một vòng tròn của một con bướm bay lượn trên nấm mồ đau khổ. Con gái của Fadeev và Margarita Aliger là Maria Enzensberger (theo họ chồng là một nhà thơ người Đức), lớn lên trở thành một người đẹp nổi tiếng, người chinh phục London, một dịch giả tài năng.

TÔ HOÀNG

Theo báo chí Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *