Vanvn- Tôi mới gặp chị Vân Anh – nhà thơ nữ xứ Nghệ hơn 5 năm nay. Chị là Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An. Gặp gỡ chưa lâu nhưng thơ chị thì tôi đọc đã lâu. Vân Anh có nghĩa là mây trắng, hấp thụ ánh sáng tốt. Tất nhiên, người có tên Vân đa phần nội tâm lãng mạn, day dứt.

Vân Anh vốn là sinh viên Văn khoa Đại học Vinh, năm 1968 ra trường, là giáo viên dạy văn cấp 3, đào tạo năng khiếu. Cô giáo Vân Anh đã đứng trên bục giảng các trường học nhiều huyện thị thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh cũ. Chị làm thơ từ còn thiếu nữ xứ Phuống, năm 1981 đã là hội viên Hội viên Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An. Cho đến nay Vân Anh đã công bố 11 tập thơ: Hương thơm cỏ vắng, Trái muộn, Quê với mẹ và anh, Thơ nữ Nghệ An, Bình minh muộn, Vọng về xứ Phuống, Con sóng khát, Mùi tuổi, Tìm trầm, và Vân Anh với 108 bài thơ tình. Ngoài ra, chị còn một số tác phẩm truyện ký, phê bình và tiểu luận.
Vân Anh trong Tìm trầm vẫn tha thiết đến nồng nàn và xa xót tình yêu đối với quê hương xứ sở. Mùa tuổi, bài thơ chị đề tặng “Dâng cha – mẹ và xứ Phuống”. Xứ Phuống mà chị tự hào được khắc họa trong thơ: Sông Lam chạy từ thượng nguồn mỏi chân dừng nghỉ/ chỗ ngồi hóa bãi bồi làng Phuống (Mùa tuổi).
Vân Anh sinh ra bên bến đò xứ Phuống, bên dòng sông Lam xứ Nghệ. Ý nghĩa của tên gọi xứ Phuống và có từ lúc nào hiện vẫn chưa có ai lý giải một cách rõ ràng, thuyết phục, chỉ biết nó đã neo lại trên đất, trên bến và trong lòng người nơi đây. Không ai biết gốc tích, dẫu là trong huyền sử về Phuống. Ngay cả nghĩa đen của Phuống xuất phát từ tiếng Thái hay tiếng Việt; tuy nhiên, Phuống được phát hiện thật hay. Đó là nơi sông Lam “mỏi chân” nghỉ lại trước khi tiếp tục hành trình về biển, “chỗ ngồi” của Lam giang hóa bãi bồi mà thành làng.
Hình ảnh ẩn dụ này của nhà thơ không phải là sự “ngoa ngôn” mà chính là triết lý phồn sinh, triết lý sự sống. Nước, khởi nguồn của sự sống. Con sông Lam ấy, trong Mùa tuổi có thân phận, có đời sống, được Vân Anh nhìn có số phận, đi nhiều thì mỏi chân, chảy mãi thì cũng mỏi dòng.
Mùa tuổi có 36 dòng thơ, “cha” và “mẹ” được nhà thơ nhắc đến 9 lần. Những dòng thơ vạm vỡ như dòng chảy sông Cái, có những khúc quanh như chính cuộc sống. Vân Anh yêu dòng sông, nơi đầu nguồn như chính cha mẹ mình, hóa ba trong một. “Mẹ chộn rộn cơn đau/ vỡ òa… Ta”, mọi đứa con của quê hương xứ Phuống không chỉ là kết quả “mãn nguyệt khai hoa” tình yêu giữa cha mà mẹ mà còn là của dòng sông.
***
Trong “gia tài thơ” của mình cho đến nay, Vân Anh viết khá nhiều về tình yêu. Bây giờ dẫu đã lên chức bà, chị vẫn viết về tình yêu. Đọc Tìm trầm tôi mới vỡ ra rằng, thi sỹ không có tuổi là thật. Trong Tìm trầm, ngoài những bài thơ viết về tình yêu với quê hương, đất nước như Xứ Nghệ, Thiếu phụ thành Vinh… hoặc thế sự ập vào thơ chị như Bóng âm, Ngộ giác, Lỗi nhịp dân gian, Chiêm nghiệm, Trăn trở… chị tiếp tục công bố những bài thơ mới về tình yêu.

Vân Anh hạnh phúc khi được dâng hiến vì tình yêu, không so đo, tính toan khi trái tim bắt lý trí chị phải quy hàng. Trong Đàn bà và chiến tranh, người đàn bà được ví như những chiếc “sợi” cuộc đời. Tuổi dậy thì biết bâng khuâng trước ánh nhìn khác giới thì đó là “sợi xuân xanh”, muốn được yêu thì “sợi khao khát”; yêu rồi thì “sợi nhớ”, “sợi chờ”… Gặp những biến cố, hay bất hạnh có thể xảy ra thì “sợi buồn”.
Trong bài thơ có câu “Tình yêu của đàn bà/ bom đạn của chiến tranh”, nếu đọc qua dễ bị nhầm lẫn với “chiến tranh” trong một bài thơ của nhà thơ nữ Đoàn Thị Lam Luyến. “Chiến tranh” trong tư tưởng thơ của Vân Anh đó là đàn bà biết dâng hiến tình yêu của mình, đó là những người đàn ông của mình vì đất nước. Có thể người yêu họ ra đi không bao giờ trở về. Ngay cả người con gái Việt khi đất nước lâm nguy vẫn hành quân ra trận. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, đó là một vẻ đẹp phụ nữ Việt. “Hãy tặng đàn bà/ Bình yên!”, Vân Anh xác tín về mong ước của họ.
Vân Anh là một “cá tính” xứ Nghệ, đất Đồ Nghệ, nổi tiếng uyên bác, thâm nho, khí khái. Từ xưa đến nay, nói đến Đồ Nghệ, người ta hay nghĩ “ông đồ Nghệ”. Phải có cả “bà đồ Nghệ” chứ. Tất nhiên, trong lịch sử phong kiến, do trọng nam khinh nữ nên chỉ có ông đồ thôi. Là nữ giới, Vân Anh cũng mong manh, sương khói, thích được chinh phục; cũng hờn, cũng tủi… nhưng trong người và thơ Vân Anh, có chất “ông đồ Nghệ”.
Cá tính thơ của Vân Anh từ hình thức đến nội dung. Thơ chị không “đèm đẹp” về câu chữ, vần vè như muôn thuở, mà có chiều kích của ngôn ngữ và tầng vỉa của tư duy. Dễ thấy điều này qua một trong nhiều bài thơ thế sự trong tập Tìm trầm: Những ngọn núi lè tè ngạo mạn tự phong chót vót/ Những ao hồ tù đọng kiêu căng luôn tự bão hòa/ Những đường ray hoen rỉ tư duy định vị/ Những vòng kim cô giáo điều tự ấn lên đầu làm khuôn mẫu/ Những phẩm cách dàn hàng ngang đồng phục/ Những dấu vân tay bản ngã đồng dạng nhạt nhòa (Trăn trở).
“Gió sáng tạo mang hùng khí lạ/ Sợ thổi lạc loài giữa sa mạc sáo mòn!”, hai câu kết của Trăn trở, không thể trăn trở hơn. Đấy là trăn trở của bất cứ con người nào mong muốn những điều tốt đẹp cho cuộc sống, cho sự phát triển của đất nước. Bài thơ là sự dồn nén của cảm xúc.
Thật buồn phải không? Đó là bi kịch nhân thế mà chúng ta đang rất dễ nhận diện. Ngạo mạn, kiêu căng, đồng phục, đồng dạng đã và đang “hủy diệt” bản ngã, căn cước sáng tạo. Đó là điều đáng lo.
***
Nhà thơ Thạch Quỳ, một nhà thơ có nhiều thành tựu trong làng thơ xứ Nghệ đương đại từng nhận xét thơ của Vân Anh “là tác giả có dấu vân tay điểm chỉ vào giấy khai sinh tác phẩm. Vân tay không phải “hoa tay” theo quan điểm hình sự. Nhưng thơ, vân tay chính là hoa tay ghi đậm dấu ấn tâm hồn tác giả…”.
Tìm trầm, khúc vĩ thanh mới. Điều tôi làm tôi thắc mắc ngay từ đầu là không tìm ra bài thơ nào có tên “Tìm trầm” trong tập. Đọc hết tập thơ tôi mới hiểu ẩn ý của Vân Anh. Chị là người khiêm tốn nên chắc chắn không coi tập thơ này là “Trầm” đâu. Trong đề từ của tập thơ, Vân Anh có hai câu lục bát: “Bóc dần vỏ bọc thời gian/ Giữa đời ngậm ngải tìm trầm. Nghĩa nhân”. Điều này giúp tôi tự tin xác quyết rằng, nhà thơ Vân Anh gửi đến bạn đọc một thông điệp: Nhân nghĩa chính là “trầm”, nó là cái đẹp, một trong những giá trị sống.
Là người Nghệ, yêu xứ Nghệ, Vân Anh tự hào về Sông Lam – Ngàn Hống, vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng văn hóa. Trong bài thơ Xứ Nghệ chị giải thích về nơi “hội tụ” linh khí trời đất ấy theo cách của mình, sông Lam “đọng phù sa thái âm”, ngàn Hống “nén linh khí thái dương” mà thành. “Nếu có kiếp sau/ Ta lại về xứ Nghệ đầu thai”, phải máu thịt với quê hương Vân Anh mới “tuyên ngôn” như thế. Đó là hai câu kết của bài Xứ Nghệ được chị trân trọng xếp đầu tiên tập thơ.
Tìm trầm có nhiều đề tài, kể cả biển đảo, chủ quyền Tổ quốc. Thêm một lần tác phẩm này cho thấy trong thơ Vân Anh thế sự theo cách của Nghệ, yêu mê đắm kiểu Nghệ, thủy chung với bạn bè kiểu Nghệ. Vì thế, tôi gọi “Trầm” định vị “căn cước Nghệ” của thơ Vân Anh.
NGÔ ĐỨC HÀNH
Báo Văn Nghệ
- Nhạt nhòa giữa phố thị và núi rừng
- Chùm thơ thiếu nhi của Đặng Huy Giang: Trung thu dung dẻ dung dăng…
- Hội Nhà văn Việt Nam sau Đại hội lần thứ X: Bước đột phá đổi mới – sáng tạo
- Trăng rơi – Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng
- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Văn nghệ sĩ đang cầm bút sáng tạo phải trả món nợ đối với lương tri, với dân tộc”