Vanvn- Thôi Hữu là nhà báo, bắt đầu tham gia cách mạng bằng viết báo, chủ yếu là bút ký, phóng sự, bình luận chiến sự-chính trị với các bút danh Thôi Hữu và Tân Sắc. Ông lấy bút danh Tân Sắc từ chữ Tấn (bí danh của nhà thơ khi tham gia cách mạng là Trần Văn Tấn).
Từ những năm 40 của thế kỷ trước, trên tờ Bạn Đường đã có một số bài văn và thơ ký tên Thôi Hữu được chú ý bởi một giọng văn trẻ trung, tươi tắn, say sưa. Trước khi là một nhà thơ, một “cây bút của giai cấp, của dân tộc”, Thôi Hữu đã là một cán bộ của phong trào quần chúng, cán bộ của Đảng.

Bài viết của ông chủ yếu in trên các tờ: Hồn Nước (Cơ quan của Đoàn Thanh niên cứu quốc), Sự Thật (Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương)… những tờ báo cách mạng xuất bản từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Thôi Hữu ở lại Mặt trận Hà Nội cùng những chiến sĩ cảm tử sáng lập ra tờ Thủ Đô-báo của bộ đội Hà Nội. Sau đó, năm 1947, Thôi Hữu lên Việt Bắc, nhập ngũ và tham gia Ban biên tập tờ Vệ Quốc Quân (tiền thân của Báo Quân Đội Nhân Dân). Thôi Hữu là một nhà báo yêu nghề, năng nổ. Ông có mặt dường như ở khắp chiến trường, các mặt trận; ăn ở, hành quân, chiến đấu cùng bộ đội và được cán bộ, chiến sĩ rất yêu mến. Ông là người sáng lập và thường xuyên viết cho mục “Đọc bích báo” rất hấp dẫn chiến sĩ.
Tháng 4-1949, tại Hội nghị Văn nghệ bộ đội, Thôi Hữu đã đọc tham luận nhan đề “Điển hình bộ đội”. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, người trực tiếp tham gia hội nghị này kể: Báo cáo “Điển hình bộ đội” của Thôi Hữu đã làm vui hội nghị từ đầu đến cuối…
Thôi Hữu chỉ để lại cho đời một tập sách – tập “Thơ văn Thôi Hữu” (NXB Văn học, năm 1984) mỏng manh, nhưng như một nhà thơ nói: “Chỉ bằng một bài “Lên Cấm Sơn”, đủ để người yêu thơ nhớ đến ông”. Thơ, như ông khi ấy quan niệm, phải “như một bài phóng sự mạnh mẽ đến trực diện với người đọc, phải thúc đẩy mọi người giác ngộ ra trận, giành độc lập, tự do”. Cũng theo ông, thơ trước khi là những bài “rất mát tươi” phải “bốc ý nồng”, phải ở “giữa chiến trường”, “rộn xót thương” (“Có những bài thơ” – Thôi Hữu, Báo Sự Thật, 27-9-1946).
Thôi Hữu tên thật là Nguyễn Đắc Giới, sinh năm 1919, tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhưng sống và hoạt động chủ yếu ở Hà Nội. Ngay từ thuở nhỏ ở quê, Thôi Hữu sớm có chí tự lập và cũng sớm tìm đến với những người cách mạng. Học xong bậc thành chung, không muốn ra làm việc, sống cuộc đời mòn mỏi của một công chức thuộc địa, Thôi Hữu vào Huế học Trường Kỹ nghệ thực hành. Năm 1943, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương và chuyển từ Huế ra hoạt động ở Hà Nội.
Giữa năm 1944, Thôi Hữu bị địch bắt và giam tại Hỏa Lò. Trong tù, ông được cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội. Cùng một số đồng chí khác, ông chui cống Hỏa Lò, vượt ngục tiếp tục hoạt động với tư cách là Thành ủy viên phụ trách phong trào vùng ngoại thành phía tây Hà Nội. Những ngày này, Thôi Hữu thường xuyên tìm tới nhà Tô Hoài ở Bưởi, móc nối lại liên lạc với nhóm Văn hóa cứu quốc. Năm 1946, ông được điều về công tác tại tòa soạn Báo Sự thật của Đảng dưới sự dìu dắt trực tiếp của đồng chí Trường Chinh, lúc bấy giờ là Tổng Bí thư của Đảng.
Tháng 12-1950, trên đường đi công tác ở Thái Nguyên, ông bị máy bay Pháp bắn trúng và hy sinh. Thương tiếc ông, trên tờ Tạp chí Văn Nghệ (số tháng 12-1950 và tháng 1-1951), trong bài “Thương nhớ Thôi Hữu”, nhà văn Thép Mới viết: “Thôi Hữu là một nhân cách đặc biệt trong làng báo, làng văn cách mạng!”. Thôi Hữu ra đi đã 70 năm nay, nhưng đời chiến đấu, đời viết văn, làm báo của ông mãi là một tấm gương, một bài học về nhân cách sống và viết. Tên ông đã được đặt cho một đường phố ở thành phố Thanh Hóa-quê hương nhà thơ.
NGÔ VĨNH BÌNH