Vanvn- Vừa qua Nhà xuất bản Phụ nữ cho ra mắt tập thơ “Hoa, thời khắc ấy” của nhà thơ Hàn Quốc Kim Min-jeong, do dịch giả Lê Đăng Hoan chuyển ngữ. Đây là tập thơ Sijo (thơ thời điệu, một loại thơ truyền thống) đầu tiên của Hàn Quốc được dịch sang tiếng Việt. Vanvn xin giới thiệu tác giả và tác phẩm với bạn đọc.

Nhà thơ Kim Min-jeong là tiến sĩ văn học Trường Đại học Sung-Kyun-kwan, Chủ tịch Phân ban thơ Sijo (Thời điệu), thuộc Hiệp hội Nhà văn Hàn Quốc; Cố vấn Học hội thơ Sijo phụ nữ Hàn Quốc; Cố vấn Hiệp hội thơ Sijo Na-rae- Hàn Quốc, Ủy viên Bảo tồn ngôn ngữ của PEN, chi nhánh Hàn Quốc.
Bà bắt đầu đăng đàn năm 1985, bằng tác phẩm đạt giải nhất trong cuộc thi văn học nhân kỉ niệm 25 năm ngày xuất bản tạp chí “Văn học Sijo”.
Bà là nhà thơ Sijo nổi tiếng ở Hàn Quốc hiện nay với 11 tập thơ Sijo, loại thơ mà Hàn Quốc hiện đang có xu hướng thế giới hóa.
Trong buổi lễ nhận giải thưởng Văn học Sung-Kyun lần thứ 34 tại trường Đại học Sung-Kyun-Kwan về tập thơ Sijo “Hoa, thời khắc ấy”, nhà thơ Kim đã phát biểu như sau: “Nếu Hàn Quốc muốn giành được giải Nobel thì phải xuất phát từ suy nghĩ bắt đầu về thơ Sijo truyền thống của Hàn Quốc, và tôi đang thực hiện công việc giới thiệu một cách nhiệt tâm loại thơ này ra thế giới. Tôi tha thiết mong các đồng nghiệp, đồng môn trường đại học Sung-Kyun-Kwan hãy hết sức giúp và ủng hộ cho công việc này” – (Jang Gun-seop, kí giả báo “Nhật báo tương lai” (Mi-rae-il-bo) viết trên báo ra ngày 6 tháng 12 năm 2021).
Thơ Sjo của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài, như Anh, Tây Ban Nha, Ả rập…
Nhà thơ Kim Min-jeong đã được nhận nhiều giải thưởng văn học như Giải thưởng Hiệp hội thơ Sijo Na-rae- Hàn Quốc, giải thưởng Thơ Sijo Sihak, giải thưởng văn học Kim Gi-rim, giải thưởng Hội Nhà văn Hàn Quốc và mới đây nhất bà vừa được nhận giải thưởng Văn học Sung-Kyun lần thứ 34 tại trường Đại học Sung-Kuyn-kwan (ngày 6 thánh 12 năm 2021) với tác phẩm thơ Sijo “Hoa, thời khắc ấy” mà tôi được vinh dự giới thiệu với bạn đọc Việt Nam trong tập thơ dịch lần này.
“Hoa, thời khắc ấy” là tập thơ Sijo thứ 11 của nhà thơ Kim Min-jeong, vừa được xuất bản tháng 5 năm 2021.
Tập thơ này được xuẩt bản bằng 4 ngôn ngữ khác nhau (Tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Ả rập, tiếng Tây Ban nha).
Về nội dung, tập thơ chia làm 4 phần gồm 80 bài (Phần 1: “Hoa, thời khắc ấy”, 20 bài; phần 2: “Muốn là ánh lửa”, 20 bài; phần 3: “Một mảnh tâm hồn”, 20 bài; phần 4: “Sự thuần khiết của cô độc”.
Mỗi phần tác giả tập trung đưa người đọc đến những nội dung khác nhau, trong phạm vi mà loại thơ Sijo thường miêu tả.
Phần một, là phần nói về HOA. Ở đây hoa được miêu tả với đủ màu sắc, nhiều chủng loại, mà nếu ai đã đến Hàn Quốc đều không thể không bị thu hút bởi “bốn mùa hoa” của Hàn Quốc. Từ loại hoa nhỏ nhắn như hoa bướm, hoa mai, hoa cải, đến các loài hoa ngát hương như hoa mộc liên, hoa trà, hoa mai hồng; rồi loài hoa tượng trưng cho mùa xuân Hàn Quốc, như hoa Chin-tal-le (Đỗ quyên), Hoa Gae-na-ri (mai vàng) đều được tác giả trân trọng mô tả theo cách khác nhau. Để rồi, tất cả đất nước Hàn Quốc thành “Đường hoa”, “Trời đất đầy hoa”, Cánh hoa ôm vào làn gió/ rồi tách ra/ Ngàn đàn bướm/ giang cánh bay xa/ Kìa hoa anh đào nở rộ/ che cả bầu trời, không kẽ hở!”.
Hoa của Kim Min-jeong là hoa đi với tình người. Hoa đẹp tại người, người đẹp nhờ hoa. Hai mà một. Cho nên bất cứ một bài thơ nào nhắc đến loại hoa, đều có khi là “tình yêu”. Nói đến “Hoa mai xưa”, là nhắc đến “tình yêu em là mọi lúc mọi nơi…” dù là “Trong cái rét Nàng Bân, hoa (tình yêu) vẫn nở cao sang.” Mong đợi mùa hoa nở, cũng chính là mong đợi tình yêu: “Toàn thân em hồi hộp/ chờ tin mùa nở hoa/ Chén trà cầm trên tay/ cũng nóng bỏng hồi lâu/ Cho đến khi trong lòng em/ một bông hoa nở rực sắc màu.” (Tấm lòng mong đợi).
“Hoa” được tác giả ví như là “nụ cười của em”…
Một bông hoa cũng là một niềm vui, cho nên khi tặng người yêu một bông hoa là chính ta đã đưa đến cho “Anh, người em muốn trao tặng/ một niềm vui tươi sáng.”
Phần hai của tác phẩm là Tình yêu.
Tình yêu ở đây, ngoài tỉnh yêu của các đôi trẻ, còn là tình yêu vợ chồng, tình yêu con người với con người, tình yêu với thiên nhiên.
Bài thơ mà tác giả dùng làm chủ đề cho phần 2 là “Muốn trở thành tia lửa”
“Dù mưa rơi gió thổi/ cũng thành đốm lửa không tắt/ Bất cử đâu, bất cứ lúc nào/ cũng hướng về anh bừng bừng bốc cháy/ Muốn sống và/ giữ gìn một hòn than rực hồng trong lồng ngực.”
“Tia lửa” mà tác giả muốn trở thành đó là tia lửa “tình yêu”. “Tia lửa” đó khi gặp người yêu, nó sẽ biến thành “ngọn lửa bừng bừng bốc cháy”.
Còn bài thơ đầu tiên cho phần này cũng là một bài thơ đặc biệt. Đó là “Tôi bây giờ”. Trong các việc mà tác giả đang nghiên cứu bây giờ, thì nhiệm vụ thiêng liêng nhất đó là “Đang nghiên cứu làm sao/ tình yêu nào con người vì con người “!
Các bài thơ khác là tình yêu “vợ chồng” và khái niệm về “hạnh phúc”. Rất giản dị và dễ hiểu, không cần triết lí cao xa, không cần đưa ra những khái niệm trừu tượng mà “vợ chồng“ là “cùng đi một con đường” mặc cho đó là “đường rừng, đường ra ruộng đồng, đường trên bãi cát” dù là “mưa rơi tuyết đổ/ mặc cho gió mạnh cản đường/” vẫn “cùng nhau luôn vững bước”.
Còn khái niệm về “Đất nước hạnh phúc” là một đất nước trong đó “Có anh và có em/ nên trăng sao đều sáng/ Có anh và có em/ hoa và chim cũng đẹp/ Có anh và có em/ có đất nước hạnh phúc.”
Phần ba là phần về Thiên nhiên, bốn mùa của Hàn Quốc.
Đất nước Hàn Quốc có 4 mùa rõ rệt, có hoa mùa xuân, có mùa mưa mùa hạ, có là vàng mùa thu và băng tuyết mùa đông. Ở đây cây cối trưởng thành vào mùa xuân, ra quả mùa hè, quả chín mùa thu và mùa đông là mùa bốn phương chỉ tuyết băng trắng xóa, để người ta mong, chờ ngày băng tan, xuân đến.
“Những khe nứt hiện ra lách tách/ cuối cùng ngày chờ đợi cũng đến/ Xuân trên lông tơ của cây liễu non/ lờ mờ mở mắt/ Trong ánh mặt trời vạn vật tĩnh yên/ nụ hoa nở tươi non hồng thắm.” “Thời kì băng tan”
Nhưng nếu đọc kĩ phần này, ta cảm nhận rõ rằng, nhà thơ Kim Min- Jeong có lẽ yêu mùa thu Hàn Quốc nhiều hơn. Nên những bài thơ nói về mùa thu, như “Tiếng chuông mùa thu”, “Bức tranh mùa thu”, “ Ngày lá cây phong thu rụng”, “tháng mười một”, “chen rượu thu”…, về mùa xuân chỉ có vài bài như “ Buổi sáng mùa xuân sớm”, “Ngày đi dạo đầu tiên”. Còn mùa hè và mùa đông thì ít được nói đến.
Người đọc sẽ đồng cảm với nhà thơ khi đến Hàn Quốc vào mùa thu, khi mà cả đất nước, một đất nước ba phần tư diện tích là đồi núi, được bao phủ một bức tranh đa màu, vàng của cây ngân hạnh, đỏ của lá cây phong, xanh của cây thông và bao nhiêu màu khác của muôn vàn cây cối trên rừng, trên đường phố hay trong các làng cạnh những ngôi nhà Han-ok cổ kính.
Khi dịch hết phần thứ ba, tôi rất tò mò về nội dung phần thứ bốn, vì theo lí thuyết về thơ Sijo truyền thống, nội dung chính của loại thơ này trước đây chỉ tập trung 1) Phản ánh những vấn đề Nho giáo, 2) Ca ngợi thiên nhiên, cuộc sống của con người trong thiên nhiên, tình yêu đất nước. và 3) Ca ngợi tình yêu nam-nữ.
Trong ba phần kể trên, đã nói hết các nội dung đó, thế phần thứ tư là gì!
Sau khi dịch tôi mới biết rằng, Sijo hiện nay không còn gò bó vào các nội dung đó, mà đã mở rộng ra các vấn đề về xã hội, về sinh hoạt hàng ngày của con người đối mặt cuộc sống, đặc biệt là đã “cá nhân hóa” suy nghĩ trong thơ. Các nhà thơ Sijo hiện nay không né tránh, mà có thể bộc lộ tất cả suy nghĩ của bản thân trong thơ. Nó cho người làm thơ thỏa mãn cảm xúc và ý nghĩ của mình trước người khác.
Các bài thơ của nhà thơ Kim Min-jeong trong phần bốn là tình cảm của tác giả với sự “cô độc”, “nỗi nhớ là gì”, với sự khao khát của người phụ nữ “Khi mùa xuân đến” “Em sẽ chạy đến cùng anh/ ôm đầy tình yêu trong vòng tay/ Em sẽ trồng thật sâu hàng cây xanh/ trong tâm hồn tươi trẻ của anh.”, những điều mà những kĩ nữ ngày xưa làm thơ Sijo không giám nói. Tác giả còn ca ngợi mẹ mình trong bài thơ “Mẹ” với những hình ảnh rất đời thường của người mẹ nông thôn chất phác “Trên vườn mẹ chăm sóc/ gió đến dừng chân/Trên vườn mẹ chăm sóc/ ánh mặt trời chiếu xuống lắng chìm/Trên mảnh vườn mẹ vun trồng/ tất cả thành hoa đua nở.”
Đặc biệt để kết phần bốn và cũng là kết tập thơ Sijo này, tác giả có bài thơ “Tàu hỏa hòa bình DMZ”, nói về nỗi đau của đất nước Hàn Quốc đang bị chia cắt. Thống nhất đất nước là nỗi mong mỏi, khát vọng của tất cả dân tộc, nhưng còn lâu mới đến. Nhìn đoàn tàu đứng yên trên vùng phi quân sự (DMZ) tác giả nghĩ đến tiếng “xình xịch” của tàu hỏa, giống như tiếng “đột dập” của máy khâu, để tưởng tượng rằng, sự thống nhất đó đang được các mũi kim “khâu đột” may lại nối liền lại các làng xóm hai miền đang bị cách chia.
“Còn xa mới thống nhất/ cỏ non mọc lên từ mạng sống/ Con tàu này đi lại/ ga Seoul, ga Do-ra-san/ Phải chăng nối liền xóm làng đang ngăn cách/ bằng mũi kim khâu đột?” (Tàu hỏa hòa bình DMZ).
Về nghệ thuật thơ
Si-jo là loại thơ tiêu biểu của Hàn Quốc, phát triển dài nhất suốt 500 năm của vương triều Triều Tiên (Sijo cổ), tiếp tục cho đến nay (Sijo cận đại).
Hình thức si-jo có 3 câu: câu mở đầu(초장), câu giữa(중장) và câu kết(종장) (sơ-trung-tổng); mỗi câu có 4 cụm từ là 4 nhịp, mỗi cụm từ có 3-5 âm tiết- tổng có 45 âm tiết .
Sijo được chia làm 3 loại : Pyeong-sijo (loại phổ thông), sa-seon sijo(mở rộng) cũng có 3 câu, nhưng ngoại trừ nhịp đầu câu 3 có 3 âm tiết, còn bất kỳ nhịp nào của câu nào cũng kéo dài tùy ý); Yeon-sijo(liên khúc Sijo), gồm nhiều bài pyeong sijo liên kết lại cùng một chủ đề.
Si-jo được xem là loại thơ có giá trị lịch sử văn học nổi trội về phương diện chủ thể của Hàn Quốc. Chủ đề chính từ tự sự đến trữ tình, giáo huấn. Nội dung sijo truyền thống tập trung 3 chủ đề như đã nói trên
Trải qua các giai đoạn phát triển của văn học Hàn Quốc, trong đó thơ là một thể loại tiêu biểu, đến nay, sau khi hình thành thể thơ mới của Hàn Quốc (từ năm 1908), thơ Hiện đại Hàn Quốc đang kế thừa, phát triển phong phú kể cả nội dung, hình thức và thể loại. Nhưng thơ Sijo vẫn được các nhà thơ và độc giả Hàn Quốc tiếp tục phát triển và đang có chỗ đứng quan trọng trong thi đàn Hàn Quốc. Các tổ chức thơ Sijo (Học hội, chi hội, hiệp hội thơ Sijo) vẫn không ngừng phát triển.
Chúng ta hãy thử phân tích kết cấu của một bài thơ Sijo để có khái niệm về loại thơ này.
꽃 (Hoa)
Câu 1: 싱.싱.한./ 네. 웃.음.으로. /세.계.는./ 동.이. 튼.다.
(3) (5) (3) (4)
Câu 2: 싱.싱.한./ 네. 웃.음.으.로./ 세.상.은./ 눈.부.시.다./
(3) (5) (3) (4)
Câu 3: 싱.싱.한./ 네. 웃.음.으.로./ 인.생.은./ 아.름.답.다./
(3) (5) (3) (4)
Trên đây ta thấy câu 1 có 4 nhịp ứng với số âm tiết là 3+5+3+4, tổng cộng là 15 âm tiết.
Câu 2 và câu 3 cũng tương tự. Tổng cộng 3 câu là 12 nhịp và 45 âm tiết.
Về thi pháp trong dịch thuật, vì một bài thơ Sijo có 45 âm tiết, mà số âm tiết của 1 từ trong tiếng Việt khác với trong tiếng Hàn. Chữ viết Hangul, một từ có thể có nhiều âm tiêt (Ví dụ một từ “đẹp” tiếng Việt chỉ có 1 âm tiết, nhưng tiếng Hàn lại có đến 4 âm tiết (아-름-답-다), nên việc dịch không thể áp dụng theo số âm tiết, mà chủ yếu dựa vào ý nghĩa với từng câu, từng dòng tương ứng. Điều này cũng phù hợp, vì về bản chất, Sijo là thể thơ “tam chương, lục cú”, cho nên sau khi tham khảo các bản thơ Sijo dịch sang tiếng Anh, và ý kiến của các dịch giả, nghiên cứu thơ Sijo của Việt Nam, chúng tôi chọn hình thức ba câu sáu dòng, có chú ý đến vần điệu của thơ Việt. Nên trong một câu của bài thơ tiếng Việt có thể chỉ xấp xỉ 10, nhiều nhất cũng không quá 15 âm tiết cho một câu, tổng số âm tiết trong một bài không quá 45 âm tiết.
Ví dụ bài thơ tiếng Việt dịch từ bài Sijo trên như sau:
Hoa
Câu 1: Nụ cười tươi của em (5 ât)/ cho thế giới hừng đông (5 ât)
Câu 2: Nụ cười tươi của em (5ât)/ cho thế gian tỏa sáng (5ât)
Câu 3: Nụ cười tươi của em (5ât)/ cho cuộc đời xán lạn.(5ât)
(Tổng cộng 30 âm tiết)
Ở Việt Nam, thơ Sijo chỉ mới biết đến trong sách giáo khoa văn học ở các trường Đại học có bộ môn Hàn Quốc học. Cũng đã có học sinh lấy loại thơ này làm đề tài tốt nghiệp, nhưng chưa có một tác phẩm thơ sijo nào được dịch ra tiếng Việt.
Được sự giới thiệu của Hội Nhà văn Hàn Quốc, và được sự đồng ý, khuyến khích của chính tác giả, chúng tôi đã chọn tác phẩm thơ Sijo tiêu biểu này để dịch ra tiếng Việt, xem như là tác phẩm thơ Sijo dịch đầu tiên.
LÊ ĐĂNG HOAN