Vanvn- Tôi nghĩ, những ai cầm bút đều thuộc “nằm lòng” khi nhắc đến nhà thơ Phạm Thiên Thư với Ngày xưa Hoàng Thị, Động Hoa Vàng… với những dòng thơ tinh khôi như giọt sương buổi mai của ông đã bay xa, làm tan chảy, biết bao trái tim khi được nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy chắp cánh cho những tình thơ hóa thân thành âm nhạc.

Hành trang thi ca của Phạm Thiên Thư đã để lại rất nhiều tác phẩm giá trị; tất cả đều là tinh hoa của đất trời bao la rộng lớn Chân – Thiện – Mỹ.
Nhà thơ đạt rất nhiều giải thưởng trong quá trình sáng tác, đã lưu lại những dấu ấn vô cùng đẹp đẽ trong lòng độc giả. Cuối tháng 2 năm 2023. một buổi chiều có chút gió thoảng mềm trên đọt nắng, nương theo những dòng thơ ngập tràn xúc cảm, như những giọt sương đọng trên cánh hoa, với tâm tình trầm lắng, có khi rạo rực; tôi quyết định tìm đến quán cà phê Hoa Vàng để diện kiến nhà thơ Phạm Thiên Thư.
Tôi chọn một đóa hoa hồng, thay cho lời thầm cảm và ngưỡng mộ, cánh hoa rung lên một niềm vui đẹp lạ lùng, là món quà cho buổi sơ ngộ.
Trước mắt tôi là quán cà phê Hoa Vàng (tên quán đặt theo tên một bài thơ của Phạm Thiên Thư). Khung cảnh Sài Gòn vốn xô bồ nhộn nhịp, trong tâm tưởng của tôi bỗng trở nên êm đềm ngọt dịu đến nao lòng. Một tách trà, bên cạnh một thiền nhân,với khuôn mặt phúc hậu đã sáng lên ánh diệu kỳ. Nhà thơ nhẹ nâng tách trà, như một khúc thiền ca, hòa điệu với những đứa con tinh thần đã mang đến cho tôi một cảm quan như cuộc trao đổi thầm thì của trầm tích thạch. Tôi nhớ như in hình ảnh của buồi đầu gặp gỡ với biết bao dữ liệu đã lưu sâu vào sóng não.
Khi nhắc đến “Ngày xưa Hoàng Thị” bạn đọc yêu thơ sẽ liên tưởng ngay đến thiền thi Phạm Thiên Thư với ngôn tình muôn thuở. Tôi được hân hạnh trải nghiệm thú vị khi nghe nhà thơ chia sẻ về những cuộc tình với những nàng thơ của ông. Nhà thơ rất tự hào khi nhắc đến cô bạn Hoàng Thị Ngọ, một nữ nhân tuyệt vời:
Nàng đẹp xinh như thiên thần/ Suối bồng bềnh buông xõa/ Mảnh mềm nét huyền hồ.
Khi tan trường về, Nàng Ngọ tung tăng như chim non ríu rít, khi ấy tôi là câu học trò ít nói, lặng thầm theo sau. Nhà thơ mơ màng nhớ lại một tình sử ngây ngô, diễm tình. Tuổi thơ, học đường, những cảm xúc ngập tràn về sau đã biến thảnh một áng thơ ca bất hủ giữa thi sĩ và nhà soạn nhạc: “Ngày xưa Hoàng Thị ” đã được ra mắt mắt công chúng với sự thành công tột cùng theo năm tháng.
“Em tan trường về/ Đường mưa nho nhỏ/Chim non giấu mỏ/ Dưới cội hoa vàng”.
Những rung động đầu đời, nàng như hạt mầm ủ ấp, rồi từng ngày dậy lên mầm xanh, tỏa hương nồng nàn, choáng ngợp lòng thì nhân suốt mười năm trường đeo đuổi, bất chợt nhã ra những vần thơ đẹp, tinh khiết và dịu dàng ngọt ngào đến thế. Tôi cảm nhận được qua ánh mắt long lanh của nhà thơ, khi mơ màng, khi sống động kể lại từng chi tiết nhỏ về nàng thơ của mình.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư kể thêm:
Niềm vui lan tỏa bay cao hơn mong đợi, khiến tôi bất ngờ khi “Ngày xưa Hoàng Thị “ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.
Thơ nhạc dậy lên một vùng trời diễm tình mơ mộng khi ca khúc được ca sĩ Thanh Thúy thể hiện lần đầu tiên. Khi ca sĩ cất giọng lên, vũ trụ như ngơ ngẩn, người nghe như lạc vào vườn cổ tích, vào thời điểm năm 70 càng khẳng định tên tuổi, khi lời thơ được nhạc sĩ Phạm Duy chắp cánh bay bổng theo từng thang âm.
Lại nói về “Động Hoa Vàng” gồm 400 câu thơ lục bát, là một kỳ công ,thời điểm nhà thơ Phạm Thiên Thư, tu học đã cho ra đời Thi phẩm “Động Hoa Vàng“. Khi tôi hỏi đến quá trình sáng tác, nhà thơ lấy từ túi xách ra (ông luôn luôn mang theo bên mình các trước tác như một người tình chung thuỷ).
Vâng! nụ cười rạng rỡ trên nét mặt của thi nhân làm tôi liên tưởng đến một vùng trời sáng tác với bồng lai tiên cảnh, với hương thơm của hoa vàng cỏ lạ, của ánh trăng ảo huyền, nơi đã khắc ghi một vùng trời kỷ niệm. Vùng trời ấy đã làm nên tên tuổi lớn nhà thơ Phạm Thiên Thư.
“Thôi thì thôi để mặc mây trôi/ Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan/ Thôi thì thôi chỉ là phù vân/ Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi”.
Tôi được biết nhà thơ Phạm Thiên Thư thông hiểu Phật pháp và huyền cơ, qua một số tác phẩm “Đạo Ca” “Nhân Gian” “Kinh Thơ ” “Kinh Hiền ” “Kinh Hiếu “,… năm 1969, nhà thơ Phạm Thiên Thư viết 3.000 câu thơ lục bát. Đoạn Trường Vô Thanh (hậu Kiều).
Nhà thơ Phạm Thiên Thư kể: “Khi tôi thả hồn vào tác phẩm, nàng Kiều một đóa phù dung, hồng nhan bạc phận, mong manh lênh đênh phận đời, những nỗi đau không thể lột tả hết, với mong muốn mang đến đọc giả một tác phẩm thuần Việt”.
“Thân tâm bạch, nghiệp trần hồng/ Lênh đênh trầm nguyệt bềnh bồng phù vân”.
Nhiều nhà nghiên cứu thẩm bình văn học, đã ghi nhận Đoạn Trường Vô Thanh được sáng tác với lời thơ bay bổng, hấp dẫn, mượt mà tuôn chảy lôi cuốn đến lạ kỳ. Tác phẩm đã ghi lại đấu ấn trong lòng bạn đọc, đã được tái bản nhiều lần ở Việt Nam và Hoa Kỳ.
Một ngòi bút vàng sóng sánh tỏa sáng đẹp lạ thường, không dừng lại, ở tuổi vàng, nhà thơ Phạm Thiên Thư vẫn cưỡi hạc trắng, miệt mài sáng tác.
Hàng ngày, một ấm trà thiền với một lão ông lặng lẽ chuốt gọt từng con chữ, mặc thế sự ngoài kia ồn ào thế nào mong manh ra sao, vẫn cứ cho ra đời những vầng thơ trác tuyệt! Mặc vòng quay của tạo hóa, đến rồi đi theo quy luật tự nhiên.
Nhà thơ vẫn miệt mài tìm chữ, vun xới thành bao giai điệu ngân vang.
“thức là hoa ,ngủ là hương/ À ơi ! Cơn mộng chân tường chờ con/ Mai này chập choạng gót son/ Hay đâu xương máu trải con đường này”.
Thật nể phục sức sáng không ngừng nghỉ của ông.
Vào năm 2007 Việt Nam ghi nhận nhà thơ Phạm Thiên Thư đạt kỷ lục là “người Việt Nam đầu tiên sáng tác “tác phẩm thi hoá theo thể thơ lục bát dài nhất Việt Nam”…
Sau cuộc trò chuyện nghe nhà thơ chia sẻ và gợi mở, tôi hiểu thêm về cái nền tảng của nhân văn và giá trị của thơ ca: vì sao cần viết và viết như thế nào để thăng hoa giá trị đời sống.
Chia tay trong sự quyến luyến khuôn cùng, rưng rưng với dòng cảm xúc, tôi hơi ngượng ngùng xin phép nhà thơ Phạm Thiên Thư, ghi lại hình ảnh như một chút tin về tình hình cuộc sống và quá trình sáng tác, tôi đã được nhà thơ trao tặng “Hát Ru Việt Sử Thi”, “Động Hoa Vàng “. Thật là hạnh phúc với niềm hân thưởng không cùng. Xin chân thành cảm tạ sự ưu ái của cây Cổ Thụ thi ca bật nhất vang vọng một thời khó ai theo kịp!
NGUYÊN THU