Vanvn- Sau một thời gian lâm trọng bệnh, nhà thơ Phạm Quốc Ca – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã từ trần lúc 3h30 ngày 7.2.2023 (tức ngày 17 tháng Giêng năm Quý Mão), hưởng thọ 72 tuổi. Lễ viếng từ 17h30 ngày 7.2.2023, tại số nhà 77 Lý Nam Đế, phường 8, thành phố Đà Lạt, lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 7h30 ngày 9.2.2023 (tức ngày 19 tháng Giêng năm Quý Mão), hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ – Đà Lạt.

Phạm Quốc Ca còn có bút danh khác là Khánh Thi, sinh ngày 5.3.1952. Quê quán xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 1997.
Quá trình học tập, công tác, sáng tác:
Từ 1970 đến 1975: Tham gia Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại Đông Nam Bộ và Campuchia.
Từ 1977 đến 1981: Học ở Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Từ 1983 đến 2012: Giảng dạy văn học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Đà Lạt.
Từ 1989 đến 1990: Thực tập sinh tiếng Nga tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Pyatigorsk, Cộng hòa Liên bang Nga. Tiến sĩ Ngữ văn.
Nghỉ hưu từ 2012.
Ông đã giữ các chức vụ: Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Đà Lạt, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lang Bian, Uỷ viên BCH Chi hội Nhà văn Việt Nam khu vực Đông Nam Bộ. Nguyên Uỷ viên UBTQ Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Lâm Đồng (2013-2017). Uỷ viên Hội đồng Lý luận Phê bình, Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. In thơ từ 1972.
Thời học sinh, nhà thơ Phạm Quốc Ca đã 2 lần đoạt giải 1 thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh Nghệ An trong 2 năm 1964 và năm 1970. Nhờ đó, anh đã được Bác Hồ tặng Huy hiệu (1965).
Các tác phẩm chính đã xuất bản: Tiếng trầm (tập thơ, 1987); Chân trời mở (tập thơ, 1994); Làng trong nỗi nhớ (tập thơ, 1996); Những cánh rừng, những bài ca (tập thơ, 2004); Thơ viết trong Album (tập thơ, 2010); Mấy vấn đề trong thơ Việt Nam 1975 – 2000 (chuyên luận, 2003), Thơ và mấy vấn đề văn học (tiểu luận, 2017).
Ông đã nhận 10 giải thưởng, tặng thưởng văn học, trong đó có: Giải nhất Cuộc thi sáng tác thơ báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh (1980); Giải nhì Cuộc thi sáng tác thơ của Hội Nhà văn và Thành Đoàn TNCS thành phố Hồ Chí Minh (1981); Giải nhất Cuộc thi sáng tác thơ của Hội Nhà văn và Sở Lao động – Thương binh – Xã hội thành phố Hồ Chí Minh (1984); Tặng thưởng hạng B (tập thơ) của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1995); Tặng thưởng hạng B (lý luận, phê bình) của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2003); Tặng thưởng lý luận, phê bình của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1997); Tặng thưởng hạng C của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương 2016-2017; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ I, 2013 (hạng B thơ, hạng B lý luận phê bình).
Ông quan niệm “Văn chương là lĩnh vực của tài năng, của sáng tạo. Không chỉ những cái phi văn chương, tầm thường, cũ kĩ, sáo mòn sẽ mai một với thời gian mà cả những cách tân giả tạo với những tuyên ngôn ồn ào, những quảng cáo lập loè màu sắc cũng sẽ bị người đọc bỏ qua.
Tôi quan niệm văn chương dù đổi mới thế nào thì vẫn phải được sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, phải dựa trên nền tảng nhân văn. Và cuối cùng thì phải trả lời được câu hỏi: Có hay, có thú vị không?. Những tác phẩm có giá trị thật sự bao giờ cũng là một sinh thể nghệ thuật có sức lay động nhận thức và làm xúc động trái tim người đọc. Thơ giả, văn giả như hoa nhựa, không có hương vị gì, chỉ lòe người bằng vẻ sặc sỡ.”
Sau một thời gian lâm trọng bệnh, nhà thơ Phạm Quốc Ca đã từ trần lúc 3h30 ngày 7.2.2023 (tức ngày 17 tháng Giêng năm Quý Mão), hưởng thọ 72 tuổi.
Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Biên tập Vanvn.vn xin chia buồn sâu sắc với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò và những người yêu quý nhà thơ Phạm Quốc Ca!
VANVN
- Xứ Thanh trong tâm thức người xa quê – Tiểu luận của Thy Lan
- Bướm Rồng đuôi trắng trở lại chốn xưa – Truyện ngắn Trần Bảo Định
- Phú Quốc ‘mất chất’
- Chuyện bản quyền của sách giải thưởng tác giả trẻ
- Giáo sư trẻ nhất Việt Nam gây bão mạng với quan điểm về “trường chuyên”, phụ huynh rầm rầm bình luận: Quá tuyệt vời!