Nhà thơ Phạm Minh Châu viết trên giường bệnh: Những câu thơ trút cạn tâm tình

Vanvn- Cuộc đời ai mà chẳng có lần nằm viện. Nhưng nằm viện với nhà thơ là một trải nghiệm. Nhà thơ Phạm Minh Châu đang nằm viện, nên thơ anh được viết từ Bệnh viện. Hơi thở khác. Tâm tình khác. Nhưng niềm tin vào thơ thì không thể khác…

Hơi thở khác

Nằm viện sẽ buồn chết được, nếu không có gì. Ngoài những cái có gì, thì nhà thơ còn may mắn có thơ. Tôi nghĩ vậy, khi thấy thương quá Phạm Minh Châu, vợ anh và con anh vì thương chồng, thương cha nên đã lén giấu điện thoại, không muốn anh động não, đang khi bác sĩ cho biết anh đang bị u não! Nhưng không thể khác, thơ trong đầu anh réo gọi, thứ tình yêu là bản chất con người anh réo gọi. Cuối cùng, vì sợ anh buồn nên vợ con trả điện thoại cho anh, anh viết lên Facebook những câu mà có lẽ, nếu không “nằm viện” sẽ không có mặt trên đời:

Xin lỗi đời, xin lỗi các tình yêu

Sẽ ân hận, chưa làm tròn bổn phận

Một lời xin lỗi thật sự và chân thành. Bởi anh cảm nhận quá rõ cuộc đời này đáng yêu và đáng sống. Giây phút nhận ra sự trân quý “các tình yêu” là khi hồn lắng xuống, tâm không còn mảy may căm thù, ganh ghét. Cái tâm trong sáng ấy cảm thấy mình có lỗi, nếu chưa làm tròn bổn phận con người. Vâng, một con người chân chính, muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội, nhưng “lực bất tòng tâm”:

Nếu sáng nay trời quang mây rộng

Bạn mình ơi, tăng một chút chân ga

Câu thơ muốn tăng tốc, muốn vượt ra khỏi không gian mình, ra khỏi thời gian hạn hẹp, để nhìn thấy thứ cảm giác chân trời là gì:

Tôi muốn cùng những áng mây xa

Nhìn thật kỹ phía chân trời mờ ảo

Cho nỗi buồn chẳng còn chỗ dấn thân

(Góc khuất)

Vâng, hơi thở nội tâm đã dành chỗ cho hơi thở chân trời, khi những bức bối của đời sống “sinh – lão – bệnh – tử” đóng đinh vào kiếp con người.

Tâm tình khác

Lâu nay thơ Phạm Minh Châu mang vẻ đẹp hiện đại, khám phá và triết luận, giữa xã hội đang từng sát-na thay đổi. Thơ nằm viện thì khác. Chạnh lòng hơn. Nỗi niềm quá khứ hơn. Và nơi chôn nhau cắt rốn bỗng hiện về trong thơ anh, làm ra thứ tâm tình khác biệt. Anh bâng khuâng hỏi quê:

Ta hỏi làng còn nhớ ta không

Còn ta nhớ làng như vậy đó

Ai cũng biết làng là thuở chăn trâu, cắt cỏ. Là thuở lội bùn bắt cá, là nhà tranh vách đất mộc mạc khó nghèo. Nhưng chính nơi đó đã dưỡng nuôi ta khôn lớn thành người. Có câu ca dao xứ Quảng nói rằng:

“Trời mưa lâu đá nọ thành rêu

Ai mà ở bạc con nhái (nó) kêu thấu trời”.

Quả vậy, nhớ quê ngoài tình cảm thiêng liêng, còn là nhân cách làm người, không được “ở bạc” với quê hương! Mang nỗi niềm đó, Phạm Minh Châu khắc khoải trong những câu thơ “nằm viện” tha thiết đến nao lòng. Anh than thở với chính mình rằng “không biết kịp về để cảm xúc quê hương”! (Quê ơi)

Quê hương còn đó, và người vẫn còn đây. Hy vọng một ông già râu bạc, sẽ được trở lại quê hương để tìm lại thằng bé ngày xưa “chăn trâu, bắt cá” trên đồng, và ngọn gió trời ngào ngạt hương quê…

Niềm tin vào thơ

Nói gì thì nói, chất văn nghệ đã phủ sóng vào đời những người cầm bút. Nhà thơ Phạm Minh Châu đã đặt cược cả cuộc đời mình vào thơ, anh từng thổ lộ với những rung động, bức xúc của hồn mình ra câu chữ. Độc giả như tôi, đọc và cảm được những cung bậc trầm bổng, tha thiết và thăng hoa của thơ anh. Tôi biết anh tin chính mình là tin thơ, tin câu chữ của mình sẽ nói được lòng mình, dù bao lâu vẫn còn trong cô độc. Nhà thơ là kẻ lữ hành cô độc nhất, trên con đường sáng tạo của mình. Vì thế, rất cần những tri âm vọng lại. Tôi yêu quý thơ anh và làm một tri âm chân thực để có thể bắc cầu cho người đọc hiểu anh đôi chút về trái tim yêu lẽ phải, công bằng và tình yêu rộng lớn với bầu trời quê hương.

Với 17 lần phẩu thuật, bao đớn đau thể xác và tinh thần, Phạm Minh Châu vẫn không oán trách cuộc đời. Người ta có thể không bằng lòng với những gì đem lại cho mình, nhưng Phạm Minh Châu đã chấp nhận. Anh chấp nhận như một cuộc chơi, và lòng nhân ái có dịp được mở ra, hướng về những con người bất hạnh, khổ ải triền miên… Hôm nay với bệnh “u não”, rất có thể là cuộc “mổ xẻ” lần thứ 18 biết đâu chừng. Tôi đến thăm và Phạm Minh Châu tươi cười, vui vẻ lạc quan như chưa có chuyện gì xảy ra. Sự bình tâm ấy có được, là do anh đã thấu nghĩ sâu xa:

Thế là cũng mãn nguyện rồi

Cuộc đi như đủ nửa đời phiêu phiêu

(Ừ nhỉ)

Đó là nhà thơ tự nói với mình, những gì có thể chấp nhận được, để khỏi ưu tư về cuộc thế khổ đau này. Nhìn chung, nét yêu đời lạc quan khi “nằm viện” của Phạm Minh Châu rất đáng đọc. Cảm nhận và yêu quý một hồn thơ phiêu lãng, dâng hiến hết mình cho thơ, cho cuộc đời này, dù không thể trọn vẹn nhưng không cắn rứt lương tâm. Tôi chỉ lướt qua một thoáng “thơ nằm viện” của anh, ghi lại những cảm xúc lóe sáng trong vườn thơ đa sắc của tâm hồn một nhà thơ xứ Di Linh sương khói. Thân chúc bạn tôi mau khỏe lại, và tiếp tục công cuộc sáng tạo của cây bút có nội lực, một người thơ chân chính, thấm đẫm nhân văn….

           NGUYỄN THÁNH NGÃ

(Nhân lần đến thăm khi nghe tin nhà thơ Phạm Minh Châu nằm ở Quân Y viện 175 TPHCM)

Nhà thơ Phạm Minh Châu nguyên Giám đốc Nhà Sáng tác Vũng Tàu

CÒN LẠI TRONG ĐỜI

 

Câu thơ viết cho những điều lành

Mong thánh thiện ở hiền không gặp dữ

 

Mong là vậy, nhưng mong sao đủ

Cả chu trình vận động của biển sông

Của hoàng hôn của những hừng đông

Của nắng mỗi chiều tắt muộn

 

Thương những chuyến đi dài

Xa làng quê bãi ruộng

Hoa cải vàng nở dọc bến song

 

Thương con nước chở đầy hoa lục

Người lái đò tím những ước mơ

Giờ tìm ai chỉ ở trong thơ

Cả thế kỷ chỉ còn trong ảo giác

 

Câu thơ nhắc, những chuyện ngày xưa có thật

Bồng bềnh trôi những tứ thơ.

 

Ngày xưa và bây giờ

Xin hạnh phúc đừng quên ngày tháng cũ

Của ta, của tổ ấm tự thân xây

Một hành trình, vay trả, trả vay

Sự cho mượn có hay không sòng phẳng

 

Có những chặng vô tình ngậm trái đắng

Đời điêu ngoa

Bởi tin, những chuyện chẳng xảy ra

Sự rao giảng và lừa lọc

Thuở thiếu thời đi và học

Hết mình hoài mong

 

Rồi mai, ta theo nước theo sông

Gửi phù sa đắp bồi đất mẹ

Cho cây lúa trổ đòng vươn mình mạnh mẽ

Xin hàm ơn cái còn lại trong đời.

 

QYV 175 SG, 2h30 ngày 3.5.2022

 

LOÀI DẾ THỨC

 

Ngại gì những chứng nan y

Mà u sầu xuống dốc

Tự chiến thắng là điều xuất sắc,

Tin chính mình là việc nên tin

 

Đôi khi hoảng loạn những tư vấn tứ tung, mất kiểm soát

Những kiểu ấy có hư, có thật và có khi chẳng có lương tâm.

 

Trong cuộc đời chẳng gì hơn bằng sự hiểu biết,

nghe và tư duy

đừng phải ngu si,

Chứ truyền thông quảng bá chắc gì đã đúng.

 

Có nên tin những gì định hướng,

Hay chỉ là lương lẹo thông tin

Ta nghe từ trái tim mình bị bao vây nhiều sự giả dối,

Cửa trước, sân sau, đường dây, mối nối

Lọc lừa tán tận lương tâm,

Sự chà dẫmm lên nhau cũng chỉ miếng ăn

Lấy của người này và cung cho kẻ khác

Sự bất lương từ những điều không thật

Của khối kẻ điêu ngoa.

 

Hãy tin những gì tạo hóa đã tạo ra ta

Chỉ thượng đế mới đủ quyền sắp đặt

Ta nghĩ một điều giản đơn nhất

Đêm nay thức và nhiều đêm đã thức.

 

Văn minh đâu và công bằng ở đâu

Ta thức đêm để nhìn thật sâu

Khi người đã ngủ

Loài dế thức cùng suy nghĩ

Thẩm định gian manh.

 

QYV 175 SG, 3h25′ 13.5.2022

 

THỰC TẠI

 

Cái đến cái đi cái còn cái mất

Sự thật

đối diện

Ngày mong manh

Ổn, vì ta cho ta ổn.

 

Đêm đêm không ngủ vì khó ngủ

Thì làm thơ cho giấc sang canh

Treo ngược tứ thơ cho gió lay cành

cho những chú chim non say mộng

Ngày mai mẹ kiếm mồi có về sớm.

 

Cái đến cái đi, cái được cái không

Sự chu đáo tùy tâm, tùy đức

Không ngủ được, nghiễm nhiên là thức

Bỗng một chiếc lá rơi

Giật mình thực tại.

 

Đêm không ngủ, thơ ơi dừng lại

buồn chăng?

 

QYV 175 SG, 22h58 10.5.2022

Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

VẬN CHUYỂN

 

Không nói trước những gì sẽ đến

Bởi ngày mai sự vận động vô cùng

Con sông chảy muôn đời vẫn chảy

Lục bình trôi hoa tím, tím mong

 

Không thể tìm nước từ đâu,

Cứ vậy bao mùa chảy mãi

Phù sa chuyển vận, trải đều cho cây trái

Nước thượng nguồn/ trôi trên song

 

Tôi nghĩ mãi cuộc vận hành trăn trở

Cuộc đi, những chuyến đi

Thời gian trôi như chầm chậm

Đã cho – nhận

Những gì…

 

QYV 175 SG 17h26, 7.5.2022

 

ĐÊM THỨC

 

Chẳng ai trả thù lao cho đêm thức

Vòng xoay vận động qui luật tự nhiên

 

Thượng tầng sắp đặt

Sự dịch chuyển không thể đổi

Gió cuốn mây trôi, gió lại chở mây về.

 

QYV 175 SG 2h00, 4.5.2022

 

CHỜ SÁNG

 

Không thể ngủ một mình chờ sáng

Đêm lặng im khép kín sự ngủ rồi

Nghe thật rõ tiếng côn trùng trong tối gọi,

 

Giữa thành phố về khuya im rõ

Ngọn đèn ơi canh giấc

Con dế khát tình, tìm bạn

Muộn màng hội tụ kẻo sớm mai

 

Đêm không ngủ nhiều đêm không thể ngủ

Những hành tung tỉnh rụi đến bao lâu

Thao thức những nhiệm màu.

 

QYV 175 SG 0h05, 4.5.2022

 

ĐỐI TRỌNG

 

Xin cái mất, cái còn làm đối trọng

Chút dung thân dù có mỏng thời gian

Chiếc bóng ngang chiều như lùi chậm

Lá vàng nghiêng

 

Xin gió thổi qua miền chập choạng

Chiếc bóng hoàng hôn.

 

Xin hỏi rừng, rừng đã còn không

Khi đối trọng không còn là đối trọng

 

Trong thành phố

những đàn chim về sống

Mặc nhiên hót ca…

 

QYV 175 SG, 3.5.2022

 

BỤI

 

Đôi khi nén cảm xúc

Sợ rơi những giọt nước mắt cháy

Rưng rưng nhiều nỗi xót xa

Đêm đêm không ngủ

Hồi sinh quá khứ

Mập mờ ảo mơ

 

Nhìn thật xa, xa tận ngút ngàn

Cái đã rồi không nhớ hết

Ngày sắp lên

là sẽ khôn cùng

 

Nén cảm xúc nghe âm thanh như khóc

Chắc gì rơi trong bể bụi trần gian

 

Có thể mai về chốn địa đàng

Nơi xuất phát, lại bắt đầu xuất phát

Ta đã nghe sóng âm từ đâu không thể biết

Có thể ngoài lực hút

Có thể từ bao la

Có thể từ hạn hẹp của chúng ta

 

Ai đã cho hoa lá cỏ cây.

Ai sáng tạo muôn loài vạn vật

Một sự hoàn chỉnh và nhận cho cần thiết

Sự hoàn chỉnh không thể nào biết hết

trạng thái mông lung.

 

Ta tìm trong suy nghĩ hình dung

Sự đoán đặt trong rất nhiều ảo tưởng

Những giáo điều chỉ để câu cơm.

Sự dạy khôn của một lũ kền kền.

 

QYV 175 SG, 22h14, 2.5.2022

 

TRIỆU CHỨNG

 

Ta không thể muốn gì cũng được

Những cơn đau hành hạ xác thân người

Ngoài kia gió nhuốm màu quên lãng

Đêm đã dày nặng hạt sương thôi

 

Ta nghe tiếng côn trùng đâu đó

Chẳng ngủ đi, đêm đã sắp tàn

Và bình minh đã chập chờ phía biển

Sóng gào xa và hạt thủy tinh tan

 

Không thể hỏi lý do ta không ngủ

Trời khuya mỏng mảnh hạt sương buồn

Những chiếc lá tròng trành trong gió

Rơi, mà như có như không

 

Câu thơ viết nằm đâu trong vỏ não

Chợt quên, chợt mất, chợt còn

Chút triệu chứng lúc mờ, lúc hiện

Như chị Hằng, chú Cuội, cây đa.

 

QYV 175 SG 1.5.2022

 

GIAO THOA

 

Những câu thơ trút cạn tâm tình

Cho mưa rớt bàn giao đầu hạ

Hạt mưa cuối xuân, mưa hối hả

Lũ chuồn chuồn đâu, đã trốn trọn một đêm

 

Rồi bất ngờ tôi nhớ đến em

Của kỷ niệm một thời nông nổi

Thời gian đã trôi như rất vội

Giật mình đêm đã khuya

 

Thành phố đêm đêm mở mắt những ngọn đèn

Vàng cô độc canh giùm giấc ngủ

Ngôn ngữ của thơ bao giờ là đủ

Cảm xúc dày, cảm xúc phải trào dâng

 

Những câu thơ muốn bày tỏ nghĩa nhân

Sự cho nhận không còn là giao thiệp

Mùa đã đi mùa ơi cho kịp

Sáng đã đi sáng sẽ sang chiều

 

QYV 175 SG 23h42, 29.4.2022

PHẠM MINH CHÂU

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.