Nhà thơ Nguyễn Phan Hách: Người đi, say đắm còn ở lại

Vanvn- Có thể nói, 75 năm sống trên cõi tạm, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã có một “cuộc rong chơi” với những đam mê, sáng tạo bất tận, dồi dào. Còn với những người dân Bắc Ninh, Bắc Giang thì những ca từ và giai điệu trong bài hát “Làng quan họ quê tôi” sẽ mãi vang vọng, lan tỏa, thấm sâu và say đắm trong trái tim họ như một niềm kiêu hãnh, tự hào.

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách (1944-2019)

Trong cuộc đời làm báo, tôi may mắn được gặp và trò chuyện với cả hai tác giả phần thơ và phần nhạc của bài hát nổi tiếng về miền quan họ “Làng quan họ quê tôi”, đó là nhà thơ Nguyễn Phan Hách và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Và cũng như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi vừa mới đây thôi người nhạc sĩ xứ Nghệ một lòng yêu dân ca quan họ Nguyễn Trọng Tạo đã rời cõi tạm. Rồi tiếp tục một hung tin đến vào chiều ngày 21.4.2019, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã đi về thế giới bên kia.

Tôi vẫn còn nhớ như in lần gặp nhà thơ Nguyễn Phan Hách tại tư gia của ông trên phố Đội Cấn vào cuối mùa thu năm 2018. Khi ấy, tiết trời Hà Nội se se lạnh, nhiều tuyến phố ngào ngạt hương hoa sữa nồng nàn, quyến rũ gợi cho cả tôi và ông nhiều cảm xúc thật đặc biệt. Thế nhưng, chưa hết, bước chân vào căn nhà khang trang, bề thế của ông lại là một không gian ngập tràn văn hóa truyền thống với bàn trà, hương thơm của trà, tiếng đàn Piano du dương, chiếc tủ cũ ngồn ngộn sách và những bức tranh phố cổ Hà Nội… Và tôi chợt hiểu đó là nguồn dưỡng cho tâm hồn của nhà thơ sau nửa thế kỷ bươn chải trên đất khách.

Nguyễn Phan Hách xuất thân từ làng quê có truyền thống văn hóa, hiếu học nổi tiếng vùng Kinh Bắc – xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Dù sống xa quê nhưng tâm hồn và cả con người ông thì luôn hướng về quê hương quan họ, hướng về những giá trị văn hóa truyền thống. Như ông chia sẻ thì cuộc đời đã “ban” cho ông một điều may mắn, đó là được sinh ra và “ngụp lặn” trong văn hóa Kinh Bắc để rồi cả đời cứ loay hoay viết về nông thôn, nông nghiệp và người nông dân. Và quả thực, nếu không được biết trước, thì tôi cũng khó có thể ngờ rằng người đàn ông giản dị, chất phác, gần gũi ấy lại là một nhà thơ nổi tiếng.

Từng kinh qua nhiều công việc, nhiều vị trí công tác nhưng Nguyễn Phan Hách vẫn giữ được tâm hồn sáng tác-điều quan trọng nhất với một người nghệ sĩ. Dù không được đào tạo bài bản nhưng năng khiếu báo chí, văn chương, âm nhạc đã sớm hình thành nên một Nguyễn Phan Hách tài hoa, lãng tử, đa tình trong lòng công chúng. Đến cả những lúc cuối đời khi đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” thì giọng ông vẫn sang sảng, tiếng cười vẫn giòn giã và đặc biệt lòng say mê viết lách vẫn không thôi cháy bỏng.

Riêng về bút danh Nguyễn Phan Hách đã là câu chuyện dài với những kỉ niệm tình yêu đầu đời trong sáng, ngây thơ của tuổi mới lớn. Thực ra ông tên thật là Nguyễn Xuân Hách và vốn theo nghề dạy học ở huyện miền núi Lục Nam (nay thuộc Bắc Giang) nhưng do “cảm” cô học trò xinh đẹp họ Phan nên ông đã ghép họ của cô gái vào bút danh của mình. Ngày đó, thầy giáo trẻ đã rung lên những khao khát được yêu qua những vần thơ hết sức lãng mạn, tình cảm để tặng cô học trò mà mình thầm thương trộm nhớ. Nhưng ở thời kì mà văn chương phải phục vụ mục đích là chiến đấu và suy nghĩ, quan niệm về tình yêu thầy- trò còn quá khắt khe khiến thầy giáo trẻ phải nhận kỉ luật. Thế rồi thầy giáo trẻ đã nhận ra nghề làm thầy không phù hợp với mình nên đã quyết tâm chuyển về công tác tại Ty Văn hóa Hà Bắc (cũ) với nhiệm vụ nghiên cứu quan họ, sáng tác thơ ca phục vụ chiến đấu, sản xuất. Để kỉ niệm cho mối tình đầu với bút danh theo mình suốt cuộc đời này, ông đã làm bốn câu thơ:“Tên em cùng với tên anh/Yêu nhau đem đặt bút danh quen rồi/Oái oăm biết mấy sự đời/Tên thì lấy được còn người thì không”.

Tưởng chừng như đã yên vị tại mảnh đất quê nhà với công việc mà mình yêu thích nhưng sự nở rộ, chín muồi của tài năng đã đưa Nguyễn Phan Hách đến với Thủ đô- khi công tác tại Báo Văn Nghệ. Và cũng tại đây chàng thi sĩ đa tình lại vướng vào mối tình với cô sinh viên đang theo học hát quan họ ở độ tuổi mười sáu trăng tròn. Vào mỗi buổi chiều Thu, khi nắng đã tắt dần, ngồi trên ghế đá ở hồ Thiền Quang chàng tình tứ đọc thơ cho nàng nghe còn nàng thì dạy chàng hát quan họ. Sẵn đem lòng yêu mến nàng và dành tình yêu lớn cho quan họ nay được nghe nàng hát, trong lòng chàng dâng trào nỗi niềm cảm xúc. Trong tâm trạng rối bời, hỗn độn giữa tình yêu nam nữ cùng với tình yêu văn hóa nghệ thuật truyền thống đã khiến Nguyễn Phan Hách “bật ra” bài thơ “Làng quan họ” như để thổ lộ tình cảm với nàng.

Tuy nhiên khi Nguyễn Phan Hách mang tờ báo có in bài thơ “Làng quan họ” để tặng nàng thì mới vỡ lẽ nàng chỉ coi chàng là bạn. Lại một lần nữa thất bại trong tình yêu vậy nhưng đó là chất liệu đem đến cho ông bài thơ để đời mà sau này nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã khéo léo chắp vào nó giai điệu mượt mà, tha thiết trong ca khúc “Làng quan họ quê tôi”. Đã 40 năm kể từ ngày ra đời, mỗi khi giai điệu của ca khúc ấy vang lên mỗi người trong chúng ta lại thấy cồn cào, nhung nhớ về miền đất quan họ trù phú, đậm nét văn hóa thôn quê. Và cho đến nay, “Làng quan họ quê tôi” vẫn được đánh giá là ca khúc hay nhất về miền đất Kinh Bắc.

Thế nhưng bài thơ “Làng quan họ” vẫn là chưa đủ cho những cảm xúc, ký ức dạt dào về mối tình giữa hai “vị khách” Kinh Bắc trên đất Hà thành. Và phải đến bài thơ “Hoa sữa” ra đời sau đó 10 năm (khoảng năm 1980) khi Nguyễn Phan Hách đã về công tác tại NXB Hội Nhà văn trên phố Nguyễn Du mới chất chứa hết được tấm lòng của chàng với nàng. Những buổi lang thang trên phố Nguyễn Du ngập tràn hương hoa sữa, thi sĩ bỗng nhớ về mối tình với cô nữ sinh khi xưa. Ngày ấy Hà Nội còn rất vắng vẻ, hai người đạp xe trên con phố thơ mộng này để “Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc” và rồi trong phút lãng đãng đã dội lại trong ông những kỉ niệm đẹp đẽ về mối tình dang dở. Ngay sau đó bài thơ mang tên “Hoa sữa” đã ra đời.

Nhưng cũng như giai đoạn trước, thơ ca về tình yêu nam nữ không được phép phổ biến rộng rãi, nên Nguyễn Phan Hách chỉ nghĩ rằng viết ra để vơi đi nỗi nhớ về một mối tình. Rồi chính nữ sĩ Xuân Quỳnh là người đã tuyển chọn nó để in trong tập thơ “Tình bạn, tình yêu”- cuốn sách do Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo xuất bản. Bài thơ đã được biết bao thế hệ học trò chép tay trong những cuốn sổ nhật ký như để lưu giữ kí ức của một thời cắp sách đến trường. Đặc biệt rất nhiều cô gái mới lớn ngưỡng mộ và gửi cho ông những lời đề nghị được quen thân tác giả của bài thơ nổi tiếng ấy. Sau này, nhạc sĩ Thế Duy đã lấy nội dung bài thơ và  dùng nguyên văn ba câu thơ của bài thơ này để phát triển thành ca khúc “Mối tình đầu” rất được bạn trẻ yêu thích. Ngoài ra còn có đến 10 ca khúc phổ nguyên bài thơ này, trong đó nổi tiếng hơn cả là bản nhạc của nhạc sĩ Phạm Việt Long.

Nói về bài thơ “Hoa sữa”, khi ấy Nguyễn Phan Hách đã rất trăn trở bởi bài thơ đang được lưu truyền đã bị “tam sao thất bản” so với bài thơ gốc. Đúng ra câu đầu tiên của khổ ba phải là “Tại vầng trăng, tại em hay tại anh” thay vì“Tại mùa thu, tại em hay tại anh” như trong một số dị bản. Vì thế, ông đã tự in lại bài thơ gốc ra tấm thiệp để gửi tặng bạn bè. Và ông cũng mong muốn thông qua báo chí truyền thông để đính chính với bạn đọc về điều này.

Gần đây, sau đúng 50 năm xa cách, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã được gặp lại “nàng thơ” trong bài thơ “Hoa sữa” của mình. Và chàng đã biết nguyên nhân nàng từ chối là do sợ yêu đương sớm sẽ bị đuổi học. Sống ở phương Nam, mỗi khi nhớ Hà Nội nàng lại mang bài thơ “Hoa sữa” ra đọc. Như vậy có thể nói rằng bài thơ đã không chỉ bày tỏ tình yêu đôi lứa mà còn lưu giữ nét riêng, độc đáo mà mỗi người đi xa vẫn thường tìm lại Hà Nội của chính mình trong ấy.

Nguyễn Phan Hách đâu chỉ nổi tiếng với những bài thơ trữ tình, ông còn được biết đến với những bài phóng sự sắc sảo đi sâu mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, những truyện ngắn về đề tài nông thôn, những cuốn tiểu thuyết dài có bối cảnh lịch sử thế kỷ 20 hoành tráng của đất nước, những bài tản văn trau chuốt về quan họ, về tranh Đông Hồ và về Hà Nội. Ngoài hai bài thơ tình nổi tiếng nói trên, ông còn có bốn tác phẩm được đưa vào chương trình sách giáo khoa phổ thông, đó là bài thơ “Lăng Bác”, ba bài tản văn “Đường đi Sa Pa”, “Kì diệu rừng xanh”, “Cá hồi vượt thác” và truyện ngắn “Hương ổi”. Thế nhưng, lúc sinh thời Nguyễn Phan Hách lại nói: “Tiểu thuyết mới là sự nghiệp của mình”. Tính đến nay, ông đã sở hữu 4 cuốn tiểu thuyết như: “Tan mây”, “Mê cung”, “Người đàn bà buồn” và đặc biệt là “Cuồng phong” được tái bản nhiều lần. Rồi như ông nói đã “cạn nguồn” văn thơ thì lại thấy ông sáng tác ca khúc và đã thu nhiều đĩa qua tiếng hát của NSƯT Minh Quang, NSƯT Việt Hoàn.

Có thể nói, 75 năm sống trên cõi tạm, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã có một “cuộc rong chơi” với những đam mê, sáng tạo bất tận, dồi dào. Còn với những người dân Bắc Ninh, Bắc Giang thì những ca từ và giai điệu trong bài hát “Làng quan họ quê tôi” sẽ mãi vang vọng, lan tỏa, thấm sâu và say đắm trong trái tim họ như một niềm kiêu hãnh, tự hào.

NGÔ KHIÊM

Báo điện tử Bắc Ninh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *