Nhà thơ Lê Minh Vũ và ước vọng “An nhiên dưới mái trường”

Vanvn- Thơ văn Lê Minh Vũ thấm đậm tình yêu thương con người, yêu đời, yêu cuộc sống được bộc lộ qua những rung động tinh tế và sâu lắng của một trái tim nhân hậu với lối diễn đạt giàu hình tượng và sức sáng tạo.

Nhà thơ Lê Minh Vũ

Lê Minh Vũ sinh năm 1974 tại Thị xã Bến Cát, vùng đất sôi động của thủ phủ công nghiệp Bình Dương trong công cuộc đổi mới. Anh là nhà giáo, nhà quản lý giáo dục đồng thời là cây bút tiêu biểu của làng văn, làng thơ Bình Dương trong nhiều năm qua. Lê Minh Vũ là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương các nhiệm kỳ VI (2019 – 2015), VII (2015 – 2020), VIII (2020 – 2025) và là Biên tập viên Tạp chí Văn Nghệ Bình Dương. Với những nỗ lực của mình, anh vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm của anh đã xuât bản: Khoảng trời mây trắng bay, tập thơ in chung, Hội VHNT Bình Dương, năm 1999; Đường xưa tan học, tập thơ, Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000; Buổi chiều Tigôn, tập thơ, Hội VHNT Bình Dương, năm 2004; Ngã rẽ, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Trẻ & Hội VHNT Bình Dương, năm 2010; Mùa đã tươi màu trắng, tuyển tập thơ văn, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018; An nhiên dưới mai trường, tập thơ, Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2022 cùng một sô tác phẩm chưa công bố. Anh đã 5 lần đạt Giải thưởng VHNT Huỳnh Văn Nghệ của tỉnh Bình Dương, trong đó có một giải A (giai đoạn 2016 – 2020) và một số giải thưởng VHNT khác.

Thơ văn Lê Minh Vũ thấm đậm tình yêu thương con người, yêu đời, yêu cuộc sống được bộc lộ qua những rung động tinh tế và sâu lắng của một trái tim nhân hậu với lối diễn đạt giàu hình tượng và sức sáng tạo.

Với tình yêu tha thiết đối với các em học sinh, Lê Minh Vũ vừa ra mắt tập thơ An nhiên dưới mái trường – đứa con tinh thần mà anh ấp ủ từ lâu – đồng thời dùng toàn bộ số tiền thu được qua xuất bản quyển sách để tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị gần 100 triệu đồng.

Tập thơ An nhiên dưới mái trường tiếp nối dòng cảm xúc chủ đạo trên đây của hồn thơ Lê Minh Vũ. Tập thơ gồm 79 bài thơ phân thành 4 phần: Mộng mơ xuân…; Một thời xa, áo trắng biết đâu tìm…; Thu vàng ước mơ; Chạm tay vào nỗi nhớ. Ngoài ra, người đọc còn  được chiêm nghiệm Lời tác giả ở đầu sách cùng bài viết Lê Minh Vũ: “Đi qua thơ mình mong gặp thuở hồn nhiên…” của nhà thơ, nhà báo Hà Đình Nguyên và phần Phụ lục: nhạc phổ thơ ở cuối sách.

79 bài thơ được in lần này là những sáng tác trong “khoảng thời gian sôi nổi hòa mình cùng thơ văn tuổi học trò” của Lê Minh Vũ. Đúng như anh bộc bạch: “An nhiên dưới mái trường là niềm tin mà tôi mong muốn và gửi trao vào đó tất cả tình yêu thương dành cho các em học sinh, trong đó có các con tôi”, qua tập thơ, tác giả muốn gửi tới người đọc “thông điệp” từ trái tim: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui và mái trường là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng, chắp cánh để các em sẽ bay cao, bay xa vào cuộc sống tương lai”. Vì vậy, tập thơ ra đời là sự đóng góp quý báu của anh cho sự nghiệp trồng người và là món quà đầy ý nghĩa đối với các em học sinh và những người yêu thơ. Sự đóng góp ấy càng ý nghĩa hơn khi nhà thơ đã dành hết số tiền thu được từ việc xuất bản tập thơ để tặng học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Mở đầu tập thơ, tác giả đã thể hiện ý tưởng và tình cảm của mình bằng một khung  cảnh thật dễ thương:

“Một sớm mai thức dậy

Ô kìa, mùa xuân sang!

Những cánh hoa mai vàng

Bên hiên nhà kheo sắc…

 

 Em lớn thêm một tuổi

 Tóc xõa dài thiết tha

 Xuân tươi từ sắc hoa

 Em xinh từ dáng ngọc.

 

Nắng vàng ươm màu mật

Mùa xuân thức dậy rồi!”

(Thức dậy mùa xuân)

Hình ảnh cô bé “một sớm mai thức dậy” cùng lúc “mùa xuân sang” ở đầu tập thơ như mách bảo với ta “hành trình” sắp tới của em, và ta dự cảm được sự thành công của tác giả. Thật vậy, suốt cả tập thơ, những nét xuân tươi thắm vẫn hiện hữu trước mắt người đọc bởi cái hồn của mùa xuân luôn phảng phất trong hình hài, tính cách và tâm hồn của bé, làm bừng sáng những trang thơ. Cô học trò ấy hồn nhiên và yêu đời biết bao:

“Đạp xe qua phố

Lang thang chục vòng

Vẫy chào tuổi nhỏ

Tháng ngày mênh mông”

(Rong chơi mùa xuân)

Những rung cảm trong tâm hồn em trước thiên nhiên, trước cuộc đời đẹp đẽ, tinh khôi biết nhường nào:

“Em yêu màu hoa tím

 Và khoảng trời mộng mơ

 Một chút gì xao xuyến

 Ướp hương từ câu thơ”

(Khoảng trời hoa tím)

Có lẽ, nỗi niềm ấy cũng đã theo em đi vào thế giới đầy màu sắc rực rỡ của bức tranh em đang vẽ về mùa hè, hòa quyện với sự lung linh của sự sống xung quanh:

“Em vẽ màu đỏ

 Hoa phượng nồng nàn

Điểm những nụ xinh

Chồi non lộc biếc

 

Em vẽ màu tím

Khung trời ước mơ

Như những vần thơ

Tuổi hồng em đó

 

Màu vàng rực rỡ

Nắng sớm quê hương

Lẫn trong màn sương

Nụ hoa súng trắng.”

(Bức tranh mùa hè)

Rồi cô bé vui vẻ, hồn nhiên bước vào năm học mới:

“Khép lại mùa hè êm ả

 Màu hoa phượng đã phai tàn

 Sáng nay trống trường rộn rã

Thu vàng áo trắng vừa sang…

 

Đầu năm chẳng cần xông đất

Em ngoan ngoãn giữa sân trường

Trang vở còn thơm màu mực

Khai trường – như em dễ thương!”

(Khai trường)

Cái nét tươi tắn, hồn nhiên của tuổi trăng tròn lẻ ấy một ngày nào đó đã nhuốm  chút mộng mơ, rạo rực. Nhưng điều đáng trân quý là tâm thế của chủ thể, cũng là tấm lòng của thi nhân:

“Mười sáu tuổi thiên đường hoa mộng thắm

 Áo học trò trong trắng nét ngây thơ

 Anh không thể xoay ngược dòng năm tháng

 Buổi trường tan lặng lẽ đứng trông chờ.

 

 Ngồi xuống đây ngoan hiền như cỏ biếc

 Mười sáu thơm hương sắc cũng dậy thì

 Hãy lặng lẽ nghe nhịp xuân rạo rực

Đêm diệu huyền nghe tiếng dế ri ri…”

(Xuân mười sáu)

Dưới con mắt quan sát tinh tế và đầy nhạy cảm của nhà thơ, nét e ấp thẹn thùng và  những thói quen dễ thương, những niềm vui nho nhỏ, đặc trưng của những cô bé ở tuổi dậy thì được thể hiện với các trạng thái và sự biểu đạt khác nhau. Nhiều khi nó trở thành nỗi niềm xao xuyến và những hoài niệm không thể nào quên :

Đi qua ngày tháng tuổi hồng

Xôn xao kỷ niệm

Xanh trong khung trời…

 

Một thời

Nhặt cánh phượng rơi

Ép vào lưu bút

Bồi hồi tiếng ve

 

Một thời

Nghiêng nón thẹn che

Giấu đi màu nắng mùa hè vừa sang…

Đi qua ngày – tháng – thiên – đường

Một thời…

Nỗi nhớ vấn vương…

Một thời…”

(Một thời)

Đọc An nhiên dưới mái trường, ta còn bắt gặp ước mơ của tuổi hồng, nỗi nhớ mùa hạ, niềm xao xuyến trước sắc thu vàng, bao kỷ niệm khôn nguôi của thời áo trắng, hình bóng mái trường xưa, những cánh diều tuổi thơ, những khoảng trời hoa tím cùng lời ru của mẹ…Thế mới biết Lê Minh Vũ hiểu tâm lý lứa tuổi và gần gũi, yêu thương các em nhỏ đến nhường nào! Tấm lòng của nhà thơ vốn là người cha đồng thời là nhà giáo, nhà quản lý giáo dục có trái tim mẫn cảm và đầy ý thức trách nhiệm được bộc lộ đậm nét qua những lời anh trải lòng với con gái, cũng là tình cảm của anh đối với tất cả các em học sinh:

“Ba đặt tên con là An Nhiên

 Mong cuộc sống của con mãi An bình – Hạnh phúc

Con là niềm tin

Con là động lực

Con là tương lai hoài vọng của gia đình

Con là ánh sáng buổi bình minh

Ngày mới ấm nồng ngàn hoa khoe sắc

Con là nguồn thơ

Con la ý nhạc

Ba viết ngàn lời cũng không hết tình thương…”

(Bài thơ cuộc đời)

Có thể nói, tập thơ An nhiên dưới mái trường đã khắc họa thành công ý tưởng nghệ thuật mà Lê Minh Vũ đã bộc bạch trong Lời tác giả ở đầu sách. Tập thơ cũng đã thể hiện sự chắc tay trong sử dụng các thi pháp truyền thống kết hợp với đổi mới, sáng tạo trong tư duy và cách dùng chữ, đặt câu của tác giả. Người đọc bất ngờ và thú vị khi đọc những câu thơ như:

Tháng giêng nắng ấm rớt bên thềm,

Mùa vô ưu thả nắng xuống

Đưa tay vẫy quá giang vào

Mười sáu thơm hương tóc cũng dậy thì,

Ai về cúi nhặt tiếng ve,       

Nghe mưa, đau cả mái tranh quê nghèo…

Mặc dù đâu đó Lê Minh Vũ còn sử dụng một vài từ, vài câu có thể nói là hơi dễ dãi, ví dụ như ở câu thơ “Khai trường – như em dễ thương!”, nhưng những trường hợp như vậy rất ít gặp và nếu có cũng là điếu bình thường trong một tập thơ.

Có thể nói, An nhiên dưới mái trường là tiếng lòng của tuổi học trò – tuổi thần tiên. Tuy nhiên, đây không chỉ là món quà ý nghĩa đối với các em học sinh mà còn là sản phẩm tinh thần dành cho các lứa tuổi khác. Bởi, trong cuộc đời của mỗi chúng ta, có khoảng thời gian nào đẹp hơn những năm tháng ta sống “an nhiên” dưới mái trường phổ thông thân yêu với tâm hồn thơ thới, sáng trong và cũng rất nhiều “mộng thắm” ? Đọc tập thơ trên đây của Lê Minh Vũ, ta chợt gặp lại mình một thời tuổi trẻ đã xa và ta càng yêu thêm cuộc đời này…

NGUYỄN QUẾ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.