Nhà thơ Bàn Tài Đoàn: “Bó đuốc sáng” của người Dao

Vanvn- Trong cuộc đời làm thơ của mình, thi sĩ người dân tộc Dao – Bàn Tài Đoàn đã xuất bản 13 tập thơ, trong đó, “Muối của Cụ Hồ” (1960) là tập thơ đầu tay. Ngoài ra, thơ ông còn được chọn in chung trong nhiều tuyển tập…

Nhà thơ Bàn Tài Đoàn (1913 – 2007)

Ngày nay, các bài thơ của ông vẫn được thanh thiếu niên người Dao đem ra hát Páo dung trong lễ hội, ngày cưới, vào nhà mới. Và họ không bao giờ quên ông khi có chuyện vui và cả chuyện buồn. Bởi ông là nhà thơ kể chuyện cuộc đời, con người và lẽ sống.

Trong lời giới thiệu tập thơ “Bó đuốc sáng” in bằng hai ngôn ngữ Việt – Dao (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc) có viết: “Cuộc đời của nhà thơ có thể tượng trưng cho sự thay đổi của dân tộc Dao xưa kia quằn quại trong đói nghèo lạc hậu, bệnh tật. Từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, đời sống của dân tộc Dao, trong đó có nhà thơ được no ấm, được học hành và có quyền bình đẳng cùng các dân tộc khác trên khắp mọi miền của đất nước Việt Nam. Cả cuộc đời ông vừa hoạt động cách mạng, vừa sáng tác, làm thơ cũng chính là để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Nhà thơ Bàn Tài Đoàn tên thật là Bàn Tài Tuyên, sinh ngày 28.9.1913, tại bản Slí Kèng (xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), trong một gia đình người Dao rất nghèo. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1942. Sau năm 1945, ông làm công tác tuyên huấn trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1951 đến khi nghỉ hưu, ông đã từng giữ các chức vụ như: Phó Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Cao Bằng; Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Bắc; Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Văn học các dân tộc thiểu số. Ông được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; được Bộ Lâm nghiệp tặng giải thưởng viết về trồng rừng, bảo vệ rừng. Năm 2001, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1.

Lớn lên trong một gia đình nghèo, Bàn Tài Tuyên sớm giác ngộ cách mạng, gia nhập Mặt trận Việt Minh với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tại khu rừng Sam Cao mà sau này được đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đặt tên là rừng Trần Hưng Đạo, chàng trai trẻ Bàn Tài Tuyên đã được gặp các “anh cách mạng” là anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), anh Trọng Khánh (Dương Văn Long), anh Đinh (Lê Thiết Hùng)…

Được các anh giác ngộ cách mạng, Bàn Tài Tuyên hăng hái tham gia hoạt động. Người trực tiếp dìu dắt, giác ngộ cho ông là đồng chí Văn. Với con mắt “xanh” của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sớm nhận ra năng khiếu bẩm sinh về văn thơ trong chàng trai người dân tộc Dao-Bàn Tài Tuyên nên đã giới thiệu ông với cơ quan văn hóa để bồi dưỡng trở thành cán bộ nòng cốt.

Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bố trí ông làm công tác tuyên truyền, khuyến khích làm thơ, đặt tên bí danh là Đoàn Kết, các bài thơ làm ra đều lấy tên là Tài Đoàn, nghĩa là người đoàn kết rộng lớn. Từ đó, cái tên Bàn Tài Đoàn gắn bó với người Dao, người Nguyên Bình và cả người Việt Bắc, rồi cả nước. Các bài thơ của ông như: Muối Cụ Hồ, Sáng cả hai miền, Bác Hồ sống mãi trong ta, Mình ơi… đi vào tâm thức của mọi người yêu thơ.

“Tuyển tập thơ văn Bàn Tài Đoàn” ra mắt sau khi ông qua đời.

Thuở nhỏ, Bàn Tài Đoàn không được đi học vì nhà nghèo, nhưng ông sớm bộc lộ rõ năng khiếu thơ ca. Ông làm thơ cùng với học chữ. Những bài thơ đầu tiên của ông được viết trên lá chuối, lấy dao làm bút, khắc lên để khô sẽ đọc được. Nhiều ý kiến đều đánh giá, Bàn Tài Đoàn là một trong những nhà thơ người dân tộc thiểu số đầu tiên của nền thơ ca cách mạng Việt Nam.

Thơ ông trong sáng, hồn hậu như suy nghĩ thủy chung của người dân Nguyên Bình quê ông vậy: “Đất châu Nguyên Bình bao la rộng/ Ruộng đồng thì ít, núi nhiều thay/ Phía Nam núi đất, rừng xanh biếc/ Phía Bắc đá nhọn chọc trời mây…”. Đọc thơ ông, thấy quê hương hiện ra vừa thiêng liêng, vừa gần gũi và chứa chan cảm xúc: “Núi rừng nghe lời ca tiếng hát/ Xuân về nở rộ hoa kim anh/ Măng vầu, măng trúc cùng cao vút/ Như giáo, như gươm giữ rừng xanh…”.

Hơn 80 năm sáng tác, với gần 20 tập thơ, sức lao động của ông quả là đáng quý, đóng góp quan trọng cho nền văn học dân tộc ít người ở Việt Nam. Nhưng Bàn Tài Đoàn vẫn canh cánh một điều, làm thế nào để có người nối tiếp mình, viết lên tâm tư, nguyện vọng của người dân tộc Dao, nâng cao văn hóa của dân tộc Dao, hòa chung với sự phát triển của cả đất nước đồng thời vẫn giữ được bản sắc riêng biệt của dân tộc mình: “Ngày nay tôi đã nhiều tuổi tác/ Như mặt trời sắp xế về Tây/ Con đường làm thơ dài dằng dặc/ Nghĩ ai sẽ nối bước đi này” (Tìm bạn).

Thật khó quên lần đến thăm ông, khi ông còn ở mảnh đất Nguyên Bình (Cao Bằng). Chúng tôi được dẫn đến căn nhà vợ chồng ông ở chỉ nằm cách mặt đường vào chợ huyện Nguyên Bình vài chục mét. Trước căn nhà mái đổ bê tông vững chắc, chúng tôi thoáng chút ngỡ ngàng bởi sự khang trang của ngôi nhà mới mà sau được vợ ông cho biết đó là món quà của Đảng bộ và UBND tỉnh Cao Bằng xây tặng nhà cách mạng lão thành – nhà thơ Bàn Tài Đoàn. Lúc ấy, thi sĩ của “Bó đuốc sáng” có vẻ yếu nhiều nhưng vẫn rất vui vẻ khi thấy khách lạ đến chơi. Tuổi cao khiến suy nghĩ của ông đã chậm, lời nói cũng không còn được rành rẽ khiến vợ ông nhiều khi phải “phiên dịch” cho chồng.

Nhà thơ Bàn Tài Đoàn đi xa ở tuổi 95. Nhớ đến ông là nhớ đến một tấm lòng hồn hậu, một thi sĩ như “Bó đuốc sáng” của đồng bào dân tộc Dao…

MAI THANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.