Vanvn- Định bụng bơn bớt dịch dã sẽ thu xếp bay ra Hà Nội, tìm về cái làng hoa Ngọc Hà mà sống, thở hít cái “mùi” Nguyễn Văn Thọ thêm vài hôm cho có… khí thế đặt bút. Vậy nhưng có cái gì đó cứ cuộn lên, thôi thúc không yên khi tôi đọc xong tiểu thuyết Quyên, khi nghe đọc lại truyện ngắn “Lời hứa của chiến tranh” từ radio Nhân Dân; nhất là khi tình cờ được xem lại bức ảnh một Nguyễn Văn Thọ thời “trẻ trâu” (còn rất nét) đầu đá tảng, trán dồ, mắt chim ưng nhìn thẳng, cộng thêm môi dưới mím chặt rất bướng! Hóa ra cái khí chất (hay “cốt cách”) Nguyễn Văn Thọ đã hiển lộ rành rành “bạch thư” trên khuôn mặt từ thuở ấu thơ không thèm ngụy trang. Nó như muốn tuyên bố, “thách thức” cùng thế giới; rằng: tôi-là-vậy-đấy, làm-gì-nhau-nào???
Phải chăng đời ông bảy nổi ba chìm cũng vì cái thách thức đó?

Một câu hỏi “sa đà” cho vui, không nhất thiết phải có lời đáp. Điều tôi muốn nói ở đây chính là cái tính cách made in Nguyễn Văn Thọ. Một kiểu tính cách “ngang ngay sổ thẳng” cả trong đời, cả trong văn; sống trải lòng phơi gan không thèm khuất tất, chân thành “phơi” luôn cái bản ngã được/mất sáng/tối cả với bạn bè, người thân, đồng loại và, hình như, với cả… kẻ thù! Không; hình như tôi nhầm; gọi “đối phương” thì đúng hơn bởi Nguyễn Văn Thọ không có kẻ thù. Chí ít Nguyễn Văn Thọ – nhà văn không có kẻ thù. Người ta thù ông, có thể; nhưng ông không thù người. Kể cả người tay trót nhúng chàm; kể cả người trong đời từng “xử ác” với ông; thậm chí kể cả những người lính đối phương đã từng nã đạn vào ông trong cuộc chiến tranh sinh tử ông từng đi qua đằng đẵng hết một phần đời thanh xuân. Hiền ư? Không; chắc chắn Nguyễn Văn Thọ không hiền. Khuôn mặt trẻ trâu rất “gấu” cho thấy cậu bé Nguyễn Văn Thọ mà không có một tuổi thơ… hiếu chiến mới là chuyện lạ! Lúc nhỏ đi học nghe kể đánh nhau dài dài. Lớn lên vào bộ đội, lại làm lính chiến. “Chiến” thật: trận mạc giỏi; giữa vòng vây lửa đạn hơn mười năm mà không chết. Hòa bình lập lại, thêm hai mươi năm sinh kế đuổi xô phải lang thang phiêu dạt xứ người. Miếng ăn giữa chốn chợ đời mạnh được yếu thua nào có “dễ ăn” nếu không đủ khôn ngoan bản lĩnh và gan góc? Túm lại, ngắn gọn một câu theo khẩu khí người phương Nam: Nguyễn Văn Thọ rành rành là “thứ dữ”! Giờ tuổi đã ngoại thất tuần; nhưng mặt mũi ông vẫn chẳng hề “hiền” hơn; vẫn xương xẩu góc cạnh, mắt sắc chim ưng, còn thêm cái đầu trọc như một “điểm nhấn” cố tình của hóa công cho trọn vẹn thêm thần thái! Gốc dân trận mạc, thể lực tuyệt vời, võ công không tệ (tôi tình cờ phát hiện ra điều đó khi gặp ở trại viết bắt tay ông. Cú bóp tay đầy nội lực của ông khiến tôi nhăn mặt!). Không hiền; tính cách – nghe kể – khá nóng (chí ít là thời trẻ). Bất bình hoặc vì mục đích sinh tồn có thể choảng nhau vỡ đầu sứt tai; nhưng xong là… thôi, không để bụng oán thù, kệ mẹ nó có thù mình hay không. Ấy mới là Nguyễn Văn Thọ!
Gặp và quen ông từ trại viết. Ấy là khi ông đã thành nhà văn; một nhà văn thành danh với nhiều đầu sách và không ít giải thưởng danh giá. Vậy nhưng “cái thuở ban đầu” ấy tôi chưa biết gì về văn chương của ông ngoài những câu chuyện tràng giang đại hải ông đem chia sẻ về nhân tình thế thái, về bao quãng đời chìm nổi của chính bản thân. Từ chuyện gia đình, những ký ức ấu thơ, mười năm lính tráng tới luôn cả cái hành trình hai mươi năm xa xứ… Chuyện lan man, cóc nhảy, tiện gì nói nấy xuôi dòng cảm xúc chứ không theo bất cứ trật tự nào. Thật tình, nói vụng, trời sinh tôi không ưa mấy kẻ nói nhiều; nhất là khi tôi với ông mới chỉ là “sơ ngộ”. Vậy nhưng kinh nghiệm từng trải nhiều lần dạy tôi: cuộc đời nhiều thứ mới thấy “tưởng vậy mà không phải vậy”. Vậy nên nhẫn nại lắng nghe, cố gắng xâu chuỗi những manh ký ức rời rạc qua từng chuyện kể của ông để cố hình dung ra cái “bản lai diện mục” của bậc đàn anh văn chương xem nó có cái gì… hay ho? Không dễ. Dường như tố chất “lợi khẩu” của sĩ phu Bắc Hà – cộng thêm chất lính tráng, cộng thêm chất “đa văn” của một người cầm bút – vô hình trung đã tạo nên một Nguyễn Văn Thọ có lối nói chuyện hùng hồn liền mạch; ý tưởng + cảm xúc cứ liên tục trào ra như… thác đổ. Ngắt lời ông rất khó; vậy nên người đối thoại chỉ còn biết… nghe, nghe và nghe. Thụ động nghe cho đến khi ông thấm mệt, tự dừng!
Kiểu nói này của Nguyễn Văn Thọ – nói thật – khiến cho không ít văn nghệ sĩ cùng đi trại cảm thấy khó chịu. Họ mỉa mai bảo (sau lưng) là ông đang… “giảng đạo“! Kệ; tôi chỉ cười và vẫn nhẫn nại ngồi nghe ông nói. Vượt qua được thói ham nói, ham phô diễn cái “tôi” của đại đa số người đời để chịu chân thành lắng nghe, bằng trực cảm bản năng, tôi dần nhận ra cái chất Nguyễn Văn Thọ qua những câu chuyện đời, chuyện nghề lộn xộn đầu Ngô mình Sở mà ông hăng hái chia sẻ. Vẫn thứ tố chất trung thực, không ngại ngùng bộc bạch ruột gan tất tật từ quan điểm, thái độ đến sở kiến sở tri… Tất tật thẳng tuột; không thèm giữ kẽ giữ miếng hoặc quanh co thăm dò ý tứ “đối phương”. Kiểu cách này nếu gọi “ruột để ngoài da” cũng đúng mà gọi… thiếu tế nhị hình như cũng chẳng sai (chẳng trách khiến lắm người khó chịu!)! Vậy nhưng riêng tôi lại… thích! Cái “bịnh” không thẳng thắn, đãi bôi, nghĩ một đàng nói một nẻo trong giao tế của đại đa số người Việt (dường như ảnh hưởng “lây lan” từ văn hóa Trung Hoa) từ lâu tôi thấy khi nó hơi… quá lố. Ai khen kệ nhưng tôi thì dị ứng; mặc dù đôi khi vô thức bản thân vẫn cứ dùng như một thứ thói quen truyền kiếp (có điều dùng xong nghĩ lại… rùng mình!). Nguyễn Văn Thọ thì không; một cách ứng xử rất “Tây”: minh bạch, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy. Đương nhiên, không phải cái gì ông nói ra tôi cũng đồng ý, nhưng tôi thích cái tính cách “ngang ngay sổ thẳng” không thèm màu mè vòng vo hay khiêm tốn giả tạo. Cho dù có sai, đó cũng là cái sai lấp lánh chất trung thực! Có lẽ mối tâm giao giữa tôi và ông bắt đầu chính từ khoảnh khắc tôi trực nhận ra điều đó; để sau này, trong rất nhiều tình huống, khi nghe dư luận hoặc những nhận định tiêu cực về Nguyễn Văn Thọ, tôi luôn kiên định với một nhận định – đôi lúc biến luôn thành đáp từ cho người còn hồ nghi. Một đáp từ khẳng định, chắc như đinh: anh Thọ là người có cái Tâm lương thiện! Có thể chủ quan; nhưng nhận định ấy đã như một thứ tư duy nền dĩ bất biến tôi dùng để soi chiếu, quán chiếu suốt cuộc hành trình đi tìm Nguyễn Văn Thọ. Và – chí ít cho tới giờ – tôi chưa thấy mình sai…
*
Mười năm bôn ba nghiệp lính, Nguyễn Văn Thọ dường như đã là một chiến binh “kinh điển”, xuất sắc đúng nghĩa nếu ta chịu khó đọc những gì ông viết, nghe những gì ông kể về chiến tranh. Không phải thứ chiến tranh bàn phím, sách vở, nặng tính “truyền kỳ”, hư cấu do những người chưa kinh qua lửa đạn – hoặc ít nhiều có kinh qua nhưng chưa đủ “thấm” – giờ ngồi tưởng tượng, “vẽ rắn thêm chân”. Hư cấu nơi một nhà văn đương nhiên phải có. Nhưng truyện viết về chiến tranh của Nguyễn Văn Thọ đa phần là kiểu “hư cấu thực”; tức cái “lõi” truyện cơ bản là thực; còn hư cấu chỉ như lớp áo quần son phấn điểm trang. Đương nhiên, tôi không có ý nói nhà văn khi đặt bút không có quyền hư cấu cái lõi – hoặc những tác phẩm phần lõi hư cấu hoàn toàn đều… dở. Vậy nhưng, lại theo chủ quan tôi, nhà văn Nguyễn Văn Thọ không sở trường kỹ năng ấy. Truyện ông viết cố tình hư cấu “lõi” đọc rất dễ bị “lộ”. Bù lại, vốn sống ngồn ngộn cùng khả năng xúc cảm cao độ đầy tính nhân văn đối với những trải nghiệm “mắt thấy tay sờ” lại khiến nhiều truyện xây dựng trên nền cái “lõi” thực của ông thành công đáng nể! Vậy nhưng, đó là chuyện của Nguyễn Văn Thọ – nhà văn, sẽ nói sau. Giờ tôi đang muốn nói đến một Nguyễn Văn Thọ – người lính…

Bước chân vào cuộc chiến với cái ý niệm rõ ràng, giản đơn: trai thời loạn phải lo đền nợ nước. Lời khuyên của phụ thân; một trí thức “con nhà dòng” tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sĩ phu Bắc Hà đúng nghĩa. Tin theo lời khuyên ấy, Nguyễn Văn Thọ đã tận tâm đi suốt cuộc hành trình lửa đạn mười năm, sống kiên cường, chiến đấu kiên cường cho cái lý tưởng mà ông tin. Truyện ngắn đề tài chiến tranh, vài trường đoạn được ông đưa lên facebook trích từ cuốn tiểu thuyết đang viết dở mang tên Những cánh rừng không tới đã phần nào tái hiện, chuyển tải được cái dữ dội, bi hùng (và, đôi khi, cũng không thèm né tránh cả sự bẩn thỉu, khủng khiếp) của chiến tranh. “Mười năm lửa đạn”, cụm từ ấy mới nói ra nghe… nhẹ hều; nhưng – muốn biết thế nào là lửa đạn cứ thử xem vài bộ phim tư liệu chiến tranh hay nhìn những hình ảnh ngày ngày được up lên mạng của bao cuộc chiến Đông Tây kim cổ – từ Thế chiến 1, Thế chiến 2 và giờ là cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraina đẫm máu đang khiến thế giới đảo điên – là biết ngay. Mà những hình ảnh ấy, xin thưa, mới chỉ một phần sự thật! Toàn bộ sự thật về chiến tranh còn khủng khiếp hơn gấp bội. Tạm xem thiên tai dịch họa như những tai ương khủng khiếp đến từ tự nhiên thì chiến tranh – thứ tai ương do con người gây ra – xét về độ khủng khiếp không hề kém cạnh! Điều ấy, chứng nhân lịch sử mọi thời đại, mọi vùng miền chắc chắn đều khẳng định. Nguyễn Văn Thọ không chỉ kinh qua, chịu đựng cái tai ương ấy chừng đôi ba bữa (mặc dù đôi ba bữa cũng đã khủng khiếp). Ông chịu đựng, đồng hành với nó… mười năm, hết phứt một thời thanh xuân!
Chiến tranh đã dạy tôi bao nhiêu điều qua trải nghiệm, tôi có bao nhiêu kinh nghiệm, kỹ năng để đi rừng, ngủ rừng, tồn tại trong rừng một mình, không gạo, không thịt, không muối và, không cả bật lửa; tôi có bao kỷ năng để tồn tại, giết đối thủ nhanh như chớp, bắn súng ứng dụng từ AK47 đến M79 không cần ngắm qua đầu ruồi; tôi có bao kinh nghiệm để đi bộ cả tháng không mệt, không rộp chân, không sợ lũ quét hay lũ ống, biết tìm đường đi về đơn vị trong các cánh rừng khộp mà không cần đánh dấu bằng các nhát chặt trên các thân cây. Mũi tôi tinh hơn mũi chó, tôi đánh hơi được cả khi phía trước tôi có địch nằm phục kích chờ tôi đến…
Đoạn tự bạch ấy của Nguyễn Văn Thọ đủ minh chứng phần nào cho cái phẩm chất chiến binh tuyệt vời mà ông có – bằng sở đắc bẩm sinh lẫn những kinh nghiệm sinh tử được trui rèn nhiều năm qua lửa đạn. Nhờ vậy mà sống sót. Nhờ vậy mà chiến thắng. Nhưng không phải chỉ nhờ chừng ấy. Thể chất, kinh nghiệm chiến binh tuyệt vời? Tốt. Nhưng, theo tôi, còn một thứ cũng quan trọng không kém: tinh thần chiến binh. Cái tinh thần tạo nên ý chí quyết thắng nơi một người lính. Phải thắng – cả kẻ thù có tên, kẻ thù không tên; và còn khó hơn, gian nan hơn khi phải thắng chính bản thân: không ngã lòng, thối chí, thậm chí… phát điên khi ngày ngày phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian”, hứng chịu bao kinh hoàng, mất mát đau thương, nơi cuộc sống được tính bằng ngày; đôi khi bằng giờ, bằng khắc! Sống, ăn ngủ, đồng hành cùng cái đói cái khát, cùng máu me thương tật, cùng dòi bọ và những thứ tận cùng nhớp nhúa của cuộc chiến; không phải thần kinh thép sẽ không thể chịu đựng, vượt qua. Giữa cái thực tại tàn khốc ấy, chỉ cần anh manh nha khởi lên một niệm thối chí, ngã lòng, buông xuôi thực tại sẽ lập tức cuốn phăng, nuốt nghiến anh vào bụng con quái vật chiến tranh vốn xưa nay chưa bao giờ biết đủ, biết no! Nguyễn Văn Thọ, may thay, chưa rơi vào cái kết cục bi thảm đó – để ngày hòa bình còn được nếm cái hạnh phúc cởi áo trận, mang hình hài tương đối vẹn nguyên mà trở về đời sống “xi vin” (civil: dân sự). Tôi nói “may thay” không nhằm hạ thấp cái phẩm chất chiến binh (… “ngoại hạng” – cả tinh thần lẫn thể chất) của ông mà bởi đó trăm phần trăm là sự thực. Cho dù xuất chúng tới đâu, đi qua chiến cuộc mười năm trong vai trò người lính trực tiếp xông pha sa trường mà không chết hiển nhiên anh phải có ít nhất… nửa phần may mắn! Đó là số phận; mà cũng có thể là “sứ mệnh”. Nếu Nguyễn Văn Thọ-người lính không trở về sau cuộc chiến thì sao hôm nay văn đàn Việt có một Nguyễn Văn Thọ-nhà văn…
*
Hình như tôi đang rơi vào cái lỹ “nhị nguyên” khi cứ đem tách bạch rạch ròi giữa một Nguyễn Văn Thọ-người lính và Nguyễn Văn Thọ-nhà văn. Cuộc sống không bao giờ có biên giới rạch ròi mà luôn tồn tại trong thể lồng ghép. Mười năm lính chiến, cái phẩm chất nhà văn nơi Nguyễn Văn Thọ đã có chưa? Xin thưa: có! Chiến binh mẫu mực, kiên định với lý tưởng mình đã chọn, với con đường mình đang đi; nhưng trong tính cách người chiến binh tuổi đời còn khá trẻ kia đã có những cách nhìn, cách nghĩ – thậm chí cách làm – vượt qua lối ứng xử thông thường của một chiến binh. Nó mang cái Tầm lẫn cái Tâm của một nhà văn tương lai. Những câu chuyện ông chưa đưa vào tác phẩm (chắc do nội dung ít nhiều mang tính… tế nhị!) nhưng tôi may mắn được nghe. Và khi nghe xong, tôi lập tức “chốt” ngay cái tính cách Nguyễn Văn Thọ trước nay tôi vẫn ngờ ngợ mà chưa có gì minh chứng (tất nhiên, trừ trường hợp ông… bịa; nhưng trực giác mách tôi rằng ông không bịa!).
Câu chuyện thứ nhất, chuyện về một hàng binh đối phương trong ngày cuối cùng của cuộc chiến hai mươi năm nơi cửa ngõ Sài Gòn-Xuân Lộc, khi Tổng thống Dương Văn Minh vừa đọc xong tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh. Người sĩ quan (ông biết là sĩ quan bởi, sau này, khi lục soát người anh ta thấy chiếc thẻ bài quân nhân giấu dưới đế giày trận) quân đội Việt Nam Cộng hòa ấy bị rơi vào tay một toán bộ đội công binh, còn bị thương giập nát hết một bên chân. Một chiến binh không tồi; bởi trong nỗ lực tử thủ cuối cùng anh ta đã hạ sát không ít chiến sĩ ta. Toán bộ đội công binh người nào người nấy sát khí đằng đằng, rút lê toan… đâm chết “thằng ngụy” ngoan cố để rửa hận cho đồng đội! Phút chót, Nguyễn Văn Thọ xuất hiện, kịp thời ra tay ngăn chặn “vụ hành quyết”. Tôi, chuẩn úy Nguyễn Văn Thọ, là chỉ huy cao cấp nhất ở đây; tôi lệnh cho các đồng chí không được giết tù binh. Địch vừa tuyên bố đầu hàng, chiến tranh đã kết thúc, không nên làm đổ máu thêm nữa. Ai chống lệnh tôi bắn! Mệnh lệnh được chấp hành; người sĩ quan thương binh đối phương thoát chết, còn được “ông chuẩn úy Việt cộng” cấp cho cái giấy thông hành (viết tay), sai một hàng binh cấp dưới cõng, đưa vào bệnh viện! Chuyện chừng ấy tưởng đã quá cảm động. Nhưng không; còn một chi tiết “vĩ thanh” “độc” hơn khiến tôi, người nghe, suýt… ứa nước mắt khi ông hạ giọng thì thầm, đôi mắt buồn mênh mang không hướng vào tôi mà dường như đang dõi đâu đó, tận vùng thẳm sâu ký ức. Nói thật, đến giờ tao vẫn hoang mang, không biết mình làm vậy đúng không. Một thằng lính thua trận, còn bị cụt chân, rời quân ngũ về hậu phương biết làm gì để sống ngoài đi… ăn mày? Từng làm lính, còn là sĩ quan, mà cuối đời phải đem thân ăn mày thì nhục lắm. Thà…
Ông đột ngột dừng và tôi cũng im lặng. Đủ rồi; đâu nhất thiết phải nói gì thêm??
Câu chuyện thứ hai còn ám ảnh hơn. Chuyện về một người lính phi công Mỹ tử trận trên đồi sau trận đánh. Người lính cao to, đẹp đẽ nhưng áo quần bị lột sạch, trần truồng nằm vắt ngang trên cành cây đổ. Một gương mặt thơ trẻ. Đôi mắt xanh biếc rất đẹp không chịu nhắm, cứ hướng lên cao như muốn hỏi trời xanh: sao tôi phải chết nơi này; một nơi không phải là quê hương?? Cảnh tượng ấy nhìn bất nhẫn đến mức người lính Việt cộng Nguyễn Văn Thọ không chịu nổi. Một đêm thao thức dưới chiến hào; cảnh cái tử thi trần truồng bị bỏ mặc trên đồi cứ ám ảnh tới mức ông phải lần tìm một đồng đội thân tín, thuyết phục sáng mai cùng nhau mang xẻng lên đào, chôn thây thằng Mỹ… làm phúc! Nhất trí. Vậy nhưng sáng hôm sau; khi hai người lính lò dò lên tới nơi đã phải chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp: tử thi bị thú rừng ban đêm ra moi cắn nát bấy, lòng thòng gan ruột. Còn mắt; đôi mắt xanh đẹp đẽ ngày hôm qua giờ chỉ còn hai hốc rỗng, lúc nhúc dòi! Cảnh tượng ấy khiến người lính dạn dày như Nguyễn Văn Thọ cũng phải quay đầu bỏ chạy, ói tới mật xanh mật vàng, bỏ luôn cái ý định nhân văn dày công sắp xếp! Ông kể: sự kiện khủng khiếp ấy đã trở thành một thứ “hội chứng chiến tranh” (Shell Shock) ám ảnh ông; tới mức sau này sang Đức, bước chân vào một bãi tắm khỏa thân FKK (Freikoerperkultur. Tiếng Đức. Tạm dịch: “Văn hóa cơ thể tự do”), chứng kiến cảnh những người đàn ông Tây phương nằm dài trên đất không mảnh vải che thân, ký ức về người lính Mỹ năm xưa lập tức hiện về khiến ông phải chạy vào toa lét nôn thốc tháo; và sau đó không bao giờ dám bước chân vào cái bãi tắm kia thêm lần nữa…
Có thể nói: “chất lính” trong con người Nguyễn Văn Thọ đã hóa thân vào máu thịt, theo ông không chỉ mười năm trận mạc mà còn “theo” suốt cuộc hành trình tha hương chìm nổi, “theo” luôn đến lúc tuổi già. Người lính già tuổi “cổ lai hy” Nguyễn Văn Thọ – mặc kệ những bất hạnh, tai ương cuối đời liên tiếp giáng xuống – vẫn dũng mãnh vượt qua, đứng dậy, tiếp tục sống. Không chỉ vậy còn sống khỏe, sống vui, sống kiên cường như một chiến binh. Chẳng cần phải giấu giếm, trời sinh tôi yêu những người lính. Lính “đúng nghĩa lính”. Vậy nên tôi yêu ông…
*
Từng long trọng hứa với người bạn vong niên Nguyễn Văn Thọ: viết về anh, em sẽ rất “sòng phẳng”, cho dù em yêu anh cách mấy… Vậy nhưng đặt bút rồi mới thấy khó: làm sao có thể sòng phẳng kiểu “mặt lạnh” với một người bạn/người anh mà mình kính trọng, yêu thương? Vậy nhưng “nói vừa”, tránh né cái nhược thổi phồng cái ưu trong hành trình văn chương của Nguyễn Văn Thọ để cho… an toàn thì không xứng với ông. Vậy nên đành cố gắng nói thật, trải lòng trung thực hết mọi cảm xúc (chủ quan). “Trung ngôn nghịch nhĩ” (lời thẳng thắn tất khó nghe). Đúng/sai xin ông và độc giả xem xét, lượng thứ!
Văn chương Nguyễn Văn Thọ, điều đầu tiên tôi cảm nhận sau khi đã đọc (chắc khoảng 2/3 số tác phẩm): văn ông lương thiện như chính con người tác giả! Nghiêm túc và chân thật; tính mỉa mai, trào phúng, cay độc hầu như không hiện diện trong văn Nguyễn Văn Thọ. Ông tin tưởng mãnh liệt vào cái “tính bản thiện” của con người – kể cả người ác – nên xây dựng nhân vật đa phần theo xu hướng “phản bổn quy chân” – tức một kết thúc có hậu: nhân vật có cơ may gặp được thiện duyên, được cảm hóa, từ bỏ lầm mê để trở về Thiện tính! Tư tưởng này rất gần với giáo lý nhà Phật (chả trách cái nhân duyên của Nguyễn Văn Thọ với Phật môn – nhất là giai đoạn cuối đời – không ít; cho dù ông không ăn chay niệm Phật hay năng lui tới chùa chiền). Vậy nên văn Nguyễn Văn Thọ rành rành là một kiểu “văn dĩ tải đạo”, có Tâm, rất gần với tinh thần văn chương cổ điển truyền thống. Vậy nên nó dân tộc, gần gũi, dễ đọc, dễ đi vào lòng công chúng. Một ưu điểm lớn. Có điều; ưu điểm kia gánh gồng theo cái nhược điểm – cũng to không kém. Đôi lúc say sưa với mục tiêu “tải đạo” hoặc nhiệt tâm quá đà cùng cái “tính bản thiện”, ông đã xây dựng nên khá nhiều nhân vật “được sắp xếp” về tính cách. Nói cách khác, nó giống thứ tính cách biểu trưng hơn một nhân cách sống động.
Cuộc đời thực vốn dĩ tồn tại trong cái thể “phi thiện phi ác”. Anh “chấp thiện” hay “chấp ác” khi cầm bút đều sẽ rơi vào chỗ phiến diện, thậm chí cực đoan, đánh mất sự xanh tươi vốn có của “cây đời”. Vậy nên đọc văn Nguyễn Văn Thọ, những khi ông “phá chấp”, viết về cuộc sống như vốn dĩ nó đang là (chứ không phải là theo ý muốn nhà văn!), văn ông lập tức lung linh bay lượn đầy thần khí. Đó là trường hợp của “Nhà ba hộ”; của “Phố cũ”; nhiều trường đoạn trong tiểu thuyết Quyên và các truyện ngắn khác (“Vàng xưa”, “Lời hứa của chiến tranh”, “Lỡ chuyến”…). Trong những trường đoạn ấy, nói cho hình ảnh, bóng dáng nhà văn biến mất, chỉ còn văn. “Phố cũ” (1&2) là hai truyện ngắn “đạt đỉnh” trong trạng thái viết “quên mình” như tôi vừa nói. Đương nhiên ai cũng biết ông là người rất yêu, rất gắn bó cùng Hà Nội. Vậy nên đọc “Phố cũ” nhiều lúc tôi tự hỏi: liệu có phải khi người ta yêu tới mức hóa thân thành máu thịt thì tình yêu ấy đã thành vô ngôn, (tác giả) không còn cần phải khổ công hiện diện để khẳng định mình… yêu?
Ai đó nói: văn tức là người. Câu ấy không phải đúng với mọi nhà văn. Nhưng theo tôi, rất đúng với Nguyễn Văn Thọ. Về hình thức, văn ông rất “lính”. Bố cục chặt. Ý tưởng mạch lạc. Tốc độ văn nhanh; nhiều đoạn dữ dội tới khốc liệt. Một kiểu văn “nóng”, giàu cảm xúc hơn suy tưởng, ngồn ngộn (nhiều khi tới mức “thừa mứa”) hiện thực. Ưu việt ấy có được nhờ vào vốn sống, vốn trải nghiệm phong phú mà tạo hóa đền bù cho cuộc đời gian truân (và không thiếu cả những bất hạnh) của ông. Thêm nữa, văn (cả thơ) ông đa phần đều “ngang ngay sổ thẳng” dễ đọc dễ cảm, rất ít khi “thách thức” độc giả. Nhìn vào văn chương, bảo Nguyễn Văn Thọ là “người con rin” của dân tộc chắc chắn không sai. Cho dù ông sống tới 20 năm ở nước ngoài. Cho dù rất nhiều những địa danh, bối cảnh truyện được lấy ở trời Tây, thì nội dung truyện vẫn cứ thuần Việt một cách đáng ngạc nhiên. Giờ thì tôi hiểu thêm: vì sao ông viết về Hà Nội hay đến vậy. Vì sao đến cuối đời ông lại khăn gói về Việt Nam, không thể tiếp tục cuộc tha hương; cho dù ông đã gắn bó với nước Đức – quê hương thứ hai – ngót nghét gần ba mươi năm; cho dù – như ông từng tâm sự – nếu chấp nhận ở lại Đức, tiện nghi vật chất và những phúc lợi xã hội dành cho ông sẽ cao hơn về Việt Nam rất nhiều…
Trung thành với cách viết “thuần Việt”, gắn bó cùng hồn cốt dân tộc, cái ấy có mặt tốt. Nó “giữ chân”, giúp con người không bị vong bản. Vậy nhưng con dao nào cũng có hai lưỡi; nếu để cái hồn cốt kia trói buộc lại là điều không hay! Theo tôi, văn chương Việt (đa phần) cho tới giờ vẫn cứ quẩn quanh trong “ao nhà”, rất ít tác phẩm vươn nổi ra “biển lớn” là do “sức ì” của cái hồn cốt mà nhà văn, hoặc không đủ sức, hoặc thấy không cần vượt thoát! Thử nhìn vào văn chương đương đại thế giới (đặc biệt của những tác giả lớn), ta sẽ thấy đa phần đó là kiểu văn lạnh, tĩnh, thiên trí tuệ chứ không thiên cảm xúc. Văn kiểu này thường không tương thích với (đại) đa số độc giả Việt (… nói thẳng: lười động não!), quen xem văn chương như một sản phẩm hưởng thụ (bằng cảm xúc) chứ không muốn “nặng đầu”! Cầu gì tất sẽ dẫn đến cung đó; bởi nhà văn không thể sống thiếu độc giả (ngoại trừ số rất ít, rất ít, những nhà văn… “to gan”!).
Nguyễn Văn Thọ ngoài đời thích nói nhiều. Vô tình hay hữu ý mà ông lôi luôn cái thói quen “đa ngôn” vào trong văn. Nhìn nhận tích cực, đó có thể là tấm gương phản chiếu tính cách “lính” của ông: muốn cái gì cũng minh bạch rõ ràng, không mập mờ khuất nẻo! Kết quả: văn ông đọc rất khỏe, đọc đâu hiểu đó. Dễ dàng cho đại chúng; nhưng với số độc giả ưa sự miệt mài trên hành trình “giải mã” những trang văn thì nó hơi… buồn! Thêm nữa; văn xuôi Nguyễn Văn Thọ đa phần được xây dựng kiểu “văn bản đóng” nên độc giả gần như không có cơ hội làm “đồng tác giả”. Nói như nhà phê bình Bùi Việt Thắng: đọc truyện Nguyễn Văn Thọ “độc giả được bao cấp quá nhiều” tới mức khỏi… lao động luôn mà chỉ cần hưởng thụ! Điều ấy, theo tôi, thực sự là một nhược điểm. May thay, trong vài truyện ngắn xuất sắc của mình (Phố cũ 1, Phố cũ 2, Nhà ba hộ…) cái nhược điểm ấy lại vắng bóng…
Mà thôi, luận nhược luận ưu để mà… có luận. Phật dạy: mở miệng nói tức thị đã sai. Lý thuyết nào cũng xám, còn cây đời luôn xanh (Goethe). Có nói gì thì người lính/nhà văn Nguyễn Văn Thọ vẫn cứ là người anh, người bạn, người đồng nghiệp tôi yêu, rất yêu. Viết đến đây, tự nhiên tôi lại nhớ đến khuôn mặt Nguyễn Văn Thọ thời “trẻ trâu”. Dường như ông đang đối diện tôi, đang quắc mắt chim ưng mà nhìn tôi, phô cái đầu đá tảng, trán dồ cùng đôi môi mím rất bướng: Tao, Nguyễn Văn Thọ, là vậy đấy. Làm-gì-nhau-nào???
Đất Phú – 3.2022
Y NGUYÊN
T/c Nhà Văn & Cuộc Sống, số 9/2022