Nguyễn Văn Hạnh – tới lui giữa quản lí và lí luận phê bình

Vanvn- Nhà văn, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh từng là Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Huế, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Phó Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, Phó Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, đã từ trần vào hồi 22h30 phút ngày 19.11.2023 (nhằm ngày 7.10 năm Quý Mão) tại TPHCM, hưởng thọ 93 tuổi. Tưởng nhớ bậc lão thành có nhiều đóng góp quan trọng cho nền lý luận phê bình văn học nước ta, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu bài viết của GS Trần Đình Sử về GS Nguyễn Văn Hạnh.

Nhà văn, GS-TS Nguyễn Văn Hạnh (1931-2023)

>> Nhà văn, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh qua đời

 

Nguyễn Văn Hạnh là gương mặt sáng giá của lí luận phê bình văn học Việt Nam từ năm 1965 đến nững năm đầu thế kỉ XXI, đồng thời là một quan chức giáo dục và văn nghệ.

Ông sinh năm 1931, quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông được cử sang Liên Xô học đại học Lomonosov từ năm 1952, khi đất nước đang trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Ông ăn mừng chiến thắng Điện Biên Phủ và hoà bình lập lại ở Việt Nam tại Moskva. Năm 1959 ông tốt nghiệp đại học, hẳn do học giỏi nên được giữ lại học tiếp nghiên cứu sinh và đến năm 1962 bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, về nước sau 10 năm đằng đẳng du học. Thời điểm này trong nước bắt đầu có xu hưóng chống xét lai hiện đại và hướng về Bắc Kinh, nhiều người học ở Nga về gặp khó khăn. Nhưng Nguyễn Văn Hạnh vẫn đứng vững và bắt đầu được cử làm Trưởng bộ môn Lí luận văn học kiêm Phó trưởng Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, chứng tỏ ông có cách trụ riêng của mình.

Ông là người năng động. Ông viết giáo trình lí luận văn học, viết phê bình về thơ Tố Hữu, phê bình các hiện tượng văn học mới như truyện của Nguyễn Khải, Đỗ Chu, thơ Bằng Việt, thơ Chế Lan Viên, Thạch Lam, Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Phụng. Ngòi bút ông thông thoáng tinh nhạy. Các bài viết cho thấy tiềm lực khá hùng hậu của một nhà nghiên cứu văn học có tay nghề. Qua các bài viết có thể thấy ông phê bình dựa vào tính chỉnh thể tác phẩm và quan tâm đến tính nghệ thuật. Bài phê bình thơ Tố Hữu năm 1965  của ông in đặc hai trang liền trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh Trần Duy Châu, giảng viên Đại học Sư phạm Vinh hồi ấy, sau này là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh bảo với tôi: “Hạnh nó phê bình sắc sảo mà thoáng, không sách vở.”

Phê bình Đỗ Chu, qua ba tập truyện ngắn, ông chỉ ra truyện của Đỗ Chu thiên về nhân vật tích cực và tươi đẹp, thiếu chiều sâu, rộng của cuộc sống. Phê bình Nguyễn Khải ông cho thấy nhà văn ít xây dựng cốt truyện, ít xây dựng và miêu tả nhân vật, thiên về kể, nêu khái quát của mình, nhưng ông chưa thấy tính thuyết giáo trong một số tác phẩm của Nguyễn Khải. Ông có những phát hiện tinh tế, mới mẻ về phong cách nghệ thuật Chế Lan Viên. Có lẽ ông là người đầu tiên phát hiện thủ pháp đối lập được sử dụng phổ biến trong thơ của nhà thơ này.

Ông có một bài bàn về cách hiểu bài thơ Thề non nước của Tản Đà rất chừng mực, thú vị, tinh tế. Nhưng hình như ông chưa thâm nhập được với đời sống văn nghệ, cho nên ý kiến của ông chưa tìm được đồng cảm. Ông có bài nghiên cứu về các khuynh hướng phong cách phê bình văn học đương thời, đó là khuynh hướng nghệ sĩ, thiên về ấn tượng như Hoài Thanh, Xuân Diệu, khuynh hướng chính luận như kiểu Như Phong, khuynh hướng “tổng hợp” như Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, khuynh hướng của các nhà phê bình ở các trường, viện mà ông xem là “sính lí luận”. (Văn Nghệ số 254, 1974). Bài này có vẻ chỉ đề cao các bậc nhà văn, tỏ ra chưa hiểu thực tế phê bình văn học trong nước, và tất nhiên bị phản ứng dữ dội. Phong Lê đã phê phán gay gắt bài này trên báo Văn Nghệ năm ấy và phải nói phê bình cũng có cơ sở. Nguyễn Văn Hạnh cũng có tham gia tranh luận về tiểu thuyết Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, nhưng nói chung ý kiến ông bị chìm trong nhiều ý kiến khác.

Nguyễn Văn Hạnh có một loạt bài viết về thơ Tố Hữu được nhiều người thích, trên cơ sở đó ông đã viết một chuyên luận về thơ Tố Hữu, nhan đề là Thơ Tố Hữu, tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí. Cuốn sách giới thiệu, bình luận  thơ Tố Hữu theo tiến trình sáng tác của nhà thơ, từ Từ ấy, qua Việt Bắc đến Gió lộng và các tập thơ sau đó, tính chất nhà trường của cuốn sách khá đậm. Nghe nói cuốn sách của ông đã viết xong từ năm 1979, nằm ở Nxb Văn học khá lâu, mà không hiểu vì sao không ra được. Phải đến tám năm sau, năm 1987 nó mới được Nxb Thuận Hóa in, và nộp lưu chiểu.

Năm 1971, Nguyễn Văn Hạnh trong bài viết Ý kiến của Lênin về mối quan hệ giữa văn học và đời sống, đăng trên Tạp chí Văn Học số 4, nêu vấn đề người đọc và bị Vũ Đức Phúc tổ chức phê phán ông. Năm ấy tôi là cán bộ trẻ của Khoa Văn ĐH Sư phạm Vinh. Có người nhắn cho tôi, bảo nếu ai viết bài phê phán Nguyễn Văn Hạnh thì tạp chí sẽ đăng bài cho. Tôi lúc ấy chưa có bài báo nào in tạp chí, lại được Khoa phân công theo dõi cuộc tranh luận và báo cáo tổng thuật cho cán bộ khoa nghe về cuộc tranh luận này.  Tôi thấy ông Hạnh đã nêu một vấn đề mới và thú vị, và tôi tán thành quan điểm của ông Hạnh, không tham gia phê phán. Tuy nhiên, sau này không hiểu sao bài báo ấy không được ông đưa vào tập nào cả. Có thể là ông đã thấy ý kiến của mình chưa chín. Nhưng quan điểm đó được thể hiện trong bài khác.

Sau năm 1975, ông được điều về Huế, lúc đầu với tư cách Trưởng ban phụ trách Viện Đại học Huế (1975 – 1977), rồi sau khi thành lập Trường Đại học Sư phạm Huế, ông là hiệu trưởng của nó (1977 – 1981). Sự quản lí của ông để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về một người dám nghĩ dám làm. Nhiều người vẫn nhắc lại những việc làm hợp tình, hợp lí, được lòng người của ông hồi ấy. Rồi ông được lên làm Phó ban Văn hóa văn nghệ Trung ương của Đảng do ông Trần Độ (1981 – 1983) làm trưởng ban, rồi sau đó, ông Độ thôi, ông Hạnh chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Giáo Dục (1983 – 1987), rồi khi ông Độ tái xuất, ông lại được chuyển sang làm Phó ban Văn hoá văn nghệ Trung ương vào thời điểm Đổi mới rất phức tạp (1987 – 1990), “mâu thuẫn đổi mới bảo thủ gay gắt”, và rồi, do “thời tiết không thuận”, ông rời cương vị phó ban, vào TP Hồ Chí Minh tham gia Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, thuộc Viện Khoa học xã hội trong ấy từ năm 1990, khi đã ngót nghét sáu mươi tuổi.

Thời gian ông làm việc với ông Trần Độ rất say sưa và hiệu quả. Hồi kí của Trần Độ có mấy đoạn nhắc đến ông với tình cảm khâm phục, trìu mến. Hồi ấy chúng tôi có đến thăm ông tại nhà riêng, thấy ông hồ hởi với rất nhiều dự định tương lai. Ông muốn tạo điều kiện tốt nhất cho văn nghệ nước nhà được phát triển. Ông tỏ ra nhất quán, tâm huyết, quyết liệt trong khi tranh luận. Rồi tất cả vèo bay theo gió. Nói như người xưa, người ta có lúc gặp thời và không gặp thời. Tính ra ông Hạnh làm nghiên cứu và giảng dạy văn học được 12 năm. Tiếp theo 15 năm làm quản lí. Rồi 15 năm nữa làm nhà nghiên cứu có tính chất chỉ đạo khi đã về già. Vì thế sự nghiệp nghiên cứu văn học của ông không được liên tục.

Tính ra Nguyễn Văn Hạnh viết không nhiều. Ngoài quyển sách về thơ Tố Hữu đã nói ở trên, ông có giáo trình Lí luận văn học viết cho ĐH Sư phạm năm 1966, Suy nghĩ về văn học – 1979, một cuốn có tính tuyển tập Một số vấn đề văn học và văn hoá, năm 1981. Ngoài ra ông còn một cuốn viết chung với Huỳnh Như Phương năm 1995. Ông có giới thiệu và dịch một số bài trong Tập M. Gorki bàn về văn học 2 tập năm 1965. Sự nghiệp chủ yếu của ông có lẽ là hoạt động quản lí văn hóa văn nghệ và giáo dục.

Năm 2002, NXB Khoa học xã hội xuất bản cuốn Văn học văn hóa, vấn đề và suy nghĩ, tuyển các bài của ông. Năm 2004, NXB Giáo dục in cho ông cuốn tuyển tập dày dặn Chuyện văn chuyện đời, tuyển chọn những tác phẩm mà ông gửi gắm nhiều tâm huyết, bao gồm tác phẩm viết vào thời đổi mới, như về truyện Nguyễn Minh Châu, thơ Lê Đạt…, những bài viết về các chí sĩ, danh sĩ xứ Quảng, những suy tư sâu sắc về văn học và đời sống.

Nói về Nguyễn Văn Hạnh, ông trước hết là một nhà lí luận phê bình văn học mác xít, suy nghĩ xoay quanh mấy vấn đề của chủ thuyết này như phản ánh hiện thực, phương pháp sáng tác, văn học và văn hoá. Ông cũng có một vài bài viết về đặc trưng văn học, nhưng không có tìm tòi gì mới. Ông cũng có theo dõi quan niệm về chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô, nhưng cũng không có ý kiến gì riêng đáng kể. Đáng kể nhất là ông nêu vấn đề nghiên cứu tác phẩm trong sự tiếp nhận của người đọc, nhưng gặp tranh luận, vấn đề không được triển khai. Sau này có thêm lí thuyết tiếp nhận, ông cũng không bàn tiếp vấn đề mà ông đã xới lên, có lẽ do ông không có điều kiện đọc sách, công việc quản lí cũng khiến ông xa dần với sách vở.

Tiếp theo, ông là nhà quản lí văn hóa văn nghệ của Đảng cộng sản vào thời điểm có nhiều ý kiến quan điểm trái chiều chưa ngã ngũ, nhưng ông thuộc những người ủng hộ cái mới. Ông tích cực tham gia vào soạn thảo văn kiện số 05 Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam, một nghị quyết tuy bị đại hội khóa sau của Đảng uốn nắn, nhưng vẫn là một sự kiện lớn trên con đường chuyển biến về nhận thức văn học của chế độ. Ông Trần Độ, cấp trên của ông còn gặp nhiều trắc trở hơn nữa, và số phận của ông cũng gặp khó khăn.

Trong những năm Đổi mới, ông đã nêu những vấn đề quan trọng như Đổi mới tư duy, khẳng định sự thật trong văn nghệ, tạo không khí trao đổi phê bình lành mạnh, vai trò văn học trong văn hóa. Sau này tuy tham gia Viện Khoa học xã hội và nhân văn, nhưng không có nhiệm vụ cụ thể gì. Năm 1990, nhân tiểu thuyết Miền hoang tưởng của Nguyễn Xuân Khánh bị tai nạn, trong khi nhiều nhà văn viết bài phê phán trên báo nọ, báo kia, thì Nguyễn Văn Hạnh viết bài Khắc khoải về một cuộc sống trung thực, tự do và đầy tình thương yêu, đăng báo Văn Nghệ để bênh vực.

Có lẽ vì ông đã tham gia nhiều chức vụ quản lí, quen lối phát biểu chỉ đạo, khuyên bảo cấp dưới, cho nên không còn làm nhà nghiên cứu văn học được nữa. Có lần đi họp Hội nghị Lí luận phê bình văn học ở Tam Đảo, ông với tôi ở chung một phòng, ông tâm sự: Mình bây giờ không có điều kiện đọc sách nữa. Những gì lắng đọng trong tâm trí chính là điều mình muốn phát biểu.

Trước lần ông bị đột quỵ, Hội Nhà văn thường mời ông tham gia các hội nghị lí luận, tổng kết, ông thường được mời lên phát biểu đầu tiên như một nghi thức. Các ý kiến của ông nói chung có tác dụng như sự chỉ đạo, dựa trên kinh nghiệm là chính, không đọc thêm tác phẩm lí luận nào, viết không bao giờ trích dẫn ai cả, nhưng kết tinh những ý thức, chiêm nghiệm của một người gắn bó suốt đời với văn học dân tộc. Bây giờ, sau cơn đột quỵ, ông vẫn tỉnh táo, nhưng hầu như đã quên và lẫn lộn hết cả. Nhớ ngày trước, mỗi khi gặp chúng tôi, bọn đàn em, ông đều khen, các cậu giỏi lắm, phải thế này, thế kia. Chúng tôi quý ông như một người anh hiểu biết, sâu sắc, tâm huyết trong công việc.

TRẦN ĐÌNH SỬ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *