Nguyễn Tiến Thanh & Loạn Bút Hành

Vanvn- “Ta vốn chẳng thèm kiêng gió cát / Đầu trần đi giữa nắng nhân gian” – Hai câu trích trong bài “Loạn Bút Hành” đề ở đầu tập thơ thể hiện phong cách nhà thơ – nhà báo Nguyễn Tiến Thanh. Tựa bài thơ ưng ý của thi sĩ được lấy làm tên tập thơ.

Là một nhà báo tên tuổi với 30 năm trong nghề viết lách và kinh qua nhiều cương vị quan trọng ở các báo và tạp chí lớn như Thanh Niên, Gia Đình & Xã Hội, Đời Sống & Pháp Luật, nhưng Nguyễn Tiến Thanh sống và viết với một phong cách rất thi sĩ.

Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Tiến Thanh

Tôi quen biết Nguyễn Tiến Thanh đã hơn một phần tư thế kỷ – từ những ngày anh em cùng ở báo Thanh Niên – tuy cách xa về địa lý và chuyên ngành: Tiến Thanh là phóng viên chính trị xã hội ở văn phòng Hà Nội, còn tôi viết và biên tập về mảng văn hóa nghệ thuật ở tòa soạn Sài Gòn. Tuy tuổi tác cách nhau một thế hệ nhưng chúng tôi vẫn rất quý nhau.

Tôi nhớ mãi kỷ niệm lần đầu tôi gặp Tiến Thanh ở Hà Nội cuối năm 1995. Trời cuối đông lạnh buốt, Tiến Thanh cùng phóng viên ảnh Kim Trung đưa tôi đến một quán rượu ở khu phố cổ, lai rai đặc sản Hà Nội, nhâm nhi whisky Johnny Walker – bấy giờ thế cũng đã sang lắm rồi. Hết một chai, Kim Trung gọi thêm một chai nữa. Cưa hết hai chai, cả ba  say bí tỉ… Mấy năm sau tôi nghỉ báo Thanh Niên, Tiến Thanh cũng rời đi, sang làm Phó Tổng biên tập một tờ báo mới. Thanh rủ tôi tiếp tục ở vài báo và tạp chí khác như Gia Đình & Xã Hội, Đời Sống & Pháp Luật… với tư cách biên tập viên hay cộng tác viên một thời gian.

Dễ chừng gần mười năm không gặp, bất ngờ vừa qua bạn gửi tặng tôi 3 tập sách mới xuất bản, gồm 2 tập thơ: “Loạn Bút Hành” và “Chiều không tên như vết mực giữa đời” cùng tập tiểu luận “Thời của tạp chí” gồm những bài viết rất sắc bén của một nhà báo chính trị xã hội kỳ cựu… Bài viết này tôi chỉ muốn cảm nhận về thơ Nguyễn Tiến Thanh. Đặc biệt về “Loạn Bút Hành”. Tôi vốn rất mê thể Hành từ khi còn rất trẻ. Bởi chất hảo sảng và đôi lúc có chút khinh bạc trong Hành! Nên thích đọc và viết Hành.

3 tác phẩm của Nguyễn Tiến Thanh

Nguyễn Tiến Thanh làm thơ rất sớm. Anh đã có thơ đăng trên các tạp chí văn nghệ từ khi mười tám, đôi mươi. Hãy đọc lại vài câu thơ khi Thanh mười chín tuổi: “… Chiều không tên như vết mực giữa đời / Em ngắt nắng xem hoàng hôn rướm máu… / Thắp một niềm tín mộ nhắc tên em / Anh đốt lửa suốt một đời đom đóm / Đêm đen thầm những ngôi nhà cửa đóng / Gió vô thường buông khói thuốc tàn vơi.”(trích “Điều đó dĩ nhiên rồi” trong tập Chiều không tên như vết mức giữa đời ).

Ngôn ngữ thơ Nguyễn Tiến Thanh già dặn như một triết gia nhưng rất mới. Với bài “Loạn Bút hành” được thi sĩ viết khi mới ngoài hai mươi bằng nhịp điệu và từ ngữ của Hành cổ điển đã thể hiện tính cách hào sảng: “Ta chẳng dại gì như Kinh Kha / Nhưng cũng điêu linh lúc nhớ nhà / Người xưa chống kiếm qua sông Dịch / Ta vung bút loạn bến Thương hà / Dẫu có một đi không trở lại / Thì ta, hề, uống mắt môi xưa / Ngàn lau đã trắng trời quan ải / Em ở đâu, hề, không tiễn đưa / Em ở đâu trời mưa đã thưa / Ly biệt vô ngôn thi nhất tự / Lê minh đoạn trường, tà dương du tử / Ta qua mùa nhớ ném thi cầm / Thì em cứ hát lời đơn bạc / Người đi chí lớn vẫn cơ hàn / Ta vốn chẳng thèm kiêng gió cát / Đầu trần đi giũa nắng nhân gian / Thì sông cứ chảy như ngày ấy / Có một người đi chẳng trở về / Gió bấc thổi, hề , sông Dịch lạnh tê / Tráng sĩ một đi, ta ngoảnh lại / Mỗi chiều / Tóc mộng / Mắt sơn khê”.

“Loạn Bút Hành” cũng làm người đọc bất ngờ với vài bài thơ lạ, ngôn ngữ thời đại, qua liên khúc 3 bài: “Facebook 1, 2, 3”. Dù là lục bát hay thơ 6 chữ, thơ 8 chữ, Nguyễn Tiến Thanh vẫn có cách chơi chữ hiện đại: “Người về chém gió trên “phây” / Thì ta tóc xõa ngang mây cuối đèo / Tháng năm trôi, lá bay vèo / Post lên mực tím ngập chiều phố xưa…” ( Facebook 1). Một chút xót xa : “Photo những chiều không nắng / Post lên nỗi nhớ không mùa / Comment những thời xa vắng / Like thêm những chuyện không đùa…”( Facebook 2). Và một chút chua chát: “Một con phố có cửa hàng mặt nạ / Trẻ con đeo chơi., người lớn che mình / Đông – ki – sốt hóa ra thằng nhặt lá / Đá ống bơ dưới bóng những anh hùng… / Một con phố phủ bức màn sân khấu / Diễn viên hài sắm vai chính bi thương / Kiều nữ hé môi nói lời tục tĩu / Cống rãnh cùng sóng sánh với đại dương…” (Facebook 3).

Nguyễn Tiến Thanh viết về sinh nhật năm mươi của mình có một chút ngậm ngùi tiếc nuối lẫn kiêu hãnh: “Tháng Ba xa hút hồng hoang tuổi / Năm mươi ngồi đợi tóc phai đời / Nếu xưa mây trắng đừng bay vội / Tôi đã bây giờ thôi nhớ…tôi / Chỉ mong tự hiểu mình / Đâu cần tri thiên mệnh /Đời người như viên đạn / Bắn tan chiều hư không…” (Ngũ thập ). Và Nguyễn Tiến Thanh đã tổng kết đời mình khi bước qua tuổi năm mươi: “Nói tóm lại, rượu không là nước lã / Tim – suối nguồn không phải đại dương / Tình nhất định là nợ nần tiền kiếp / Bước rong chơi không phải bước lưu đày / Nói tóm lại, không có gì mà kể / Mắt hoang vu đi qua tuổi hững hờ /Tưởng buông hết mưa nguồn chớp bể / Đâu có ngờ mây trắng vẫn hư vô / Nói tóm lại, nếu chân trời đừng hiện / Một cầu vòng bảy sắc sau mưa / Thì ta đã chẳng bao giờ tín niệm / Những mơ hồ, hoang tưởng, vu vơ…” ( “Tổng kết”).

Thử so sánh mấy bài thơ vừa kể trên với một sáng tác mới có hơi hướng thời sự về đại dịch Covid 19: “Tôi đã sống qua một mùa lạ lắm / Tháng Tư về trong ngơ ngác heo may…/ Tôi đã sống trong phố phường lạ lắm / Những con đường quạnh quẽ mưa rơi… / Tôi nhớ lắm trời xanh và mây trắng / Trời của mùa, mây của gió mà thôi / Cà phê đắng – rơi đi – thời gian đắng / Từng giọt buồn hạnh phúc quanh tôi / Tôi nhớ lắm hỡi ngày thường vô tội / Rác rưởi, âm thanh , ô nhiễm bụi đời / Chen chúc , vô tâm, xô bồ, chật chội / Nhặt niềm vui trên mỗi dấu chân người..” (Tháng Tư).

Những bài thơ ngắn 5 chữ, 8 chữ hay lục bát trong “Loạn Bút Hành” với ngôn ngữ đầy chất sáng tạo phảng phất nỗi sầu nhân thế của Nguyễn Tiến Thanh: “Chợ trưa, người đã chiều rồi / Đi trong nhân thế nghe trời đất ru / Loạn ly kẻ bán người mua / Vết chân cũng mỏi tái mùa tha hương / Mây liêu trai, nắng vô thường / Tim như lá rụng cuối đường hiện sinh”( Chợ trưa). Hoặc:“Một chút gió đi ngang mùa suy tưởng / Một chút mây buông cuối nẻo sương mù / Một tự vấn một miên trầm chập choạng / Ta chắc đành bội ước với thiên thu”.

Và cuối cùng, hãy đọc một vài đoản khúc nhịp ba, nhịp bảy như một thể Hành mới của Nguyễn Tiến Thanh: “… Hãy thiên di / Hãy phiêu linh / Hãy lang thang / Hãy hoang mang / Với cuồng từ, loạn bút, cháy tâm, bừng trí và tàn hơi / Dẫu có trăm năm thì cũng chịu / Vì trăm năm thèm cổ địa mây ngàn / Dẫu có thiên thu thì cũng kệ / Bởi thiên thu cần mù mịt hoang sơn / Ngày Hôm Qua phất phơ lạc lối / Ngoài kia là gió lạnh / Ngoài kia là mưa phùn / Ngày Hôm Qua / Đã xa.” (đoạn cuối trong bài “Ngày hôm qua” – Đoản khúc số 4 ).

Đây mới đích thực là “Loạn Bút Hành”.

PHẠM CHU SA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *