Vanvn- Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga cùng với nhà văn Trương Thị Thương Huyền vừa được bầu làm Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương, đồng thời theo tin chưa chính thức Nguyễn Thị Việt Nga còn tái trúng cử Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới (2021-2026), trở thành nhà văn duy nhất từ các địa phương trong cả nước được bầu vào cơ quan lập pháp tối cao.
Ở kỳ 2 cuộc phỏng vấn của Vanvn.vn, nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga có nhiều chia sẻ về Hải Dương quê hương, trong đó có di tích của nhóm Tự Lực văn đoàn đang xuống cấp trầm trọng: “Nói đến Tự Lực văn đoàn, tôi vẫn thấy canh cánh bên lòng món nợ. Mỗi lần qua Cẩm Giàng, nhìn vào nơi cố trạch tiêu điều của Tự Lực văn đoàn cạnh ga xe lửa, tôi đều thấy mình còn mắc nợ, còn có lỗi. Mong ước của tôi, của rất nhiều văn nghệ sỹ Hải Dương, của rất nhiều nhân dân Cẩm Giàng, là có được khu tưởng niệm và công viên Tự Lực văn đoàn ngay nơi cố trạch đó, nhưng vẫn chưa thành hiện thực, vì nhiều lý do…”
Từng trải qua vị trí Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hải Dương khi mới 38 tuổi, nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga tâm sự: “Làm lãnh đạo Hội đúng là “làm dâu trăm họ” bởi hội viên đông, nhiều độ tuổi, nhiều chuyên ngành, nhiều nghề nghiệp, nhưng có một điểm chung là “cái tôi” rất lớn. Chủ tịch Hội nhiều khi phải vừa giải thích, vừa động viên, lại vừa “nịnh nọt” đối với hội viên. Cũng có lúc phải cứng rắn, nguyên tắc và không được nản. Kinh nghiệm của tôi là khi giải quyết mọi khúc mắc với hội viên phải nắm vững các nguyên tắc và không nên nóng giận. Để không nóng giận, tôi luôn nói “chủ đề phụ” trước “chủ đề chính”, nói chuyện thời tiết, thời sự, trời mây, trăng nước, áo đẹp áo xấu, cà phê ngon hay trà ngon, hoa nào tươi lâu, hoa nào chóng héo… vân vân. Nói cho đến khi hoặc mình, hoặc hội viên, hoặc cả hai “hạ hỏa”, bớt nóng giận, lúc đó mới vào chuyện chính. Như vậy sẽ bớt được những “xung đột” không đáng có”.

>> Nguyễn Thị Việt Nga & thế mạnh của nhà văn khi làm Đại biểu Quốc hội – Kỳ 1
* Nguyễn Thị Việt Nga vốn là cây bút đa năng, viết văn, làm thơ, nghiên cứu phê bình và đều có thành tựu. Nếu như chỉ có quyền chọn một loại hình thì bà chọn cái nào và vì sao, thưa nhà văn?
– Có thể tôi hơi tham lam khi ôm đồm rất nhiều thứ, vừa sáng tác vừa phê bình văn học. Sáng tác cũng ham nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, truyện thiếu nhi, và cả kịch bản phim, kịch bản sân khấu… Nếu chỉ được quyền chọn một loại hình tôi nghĩ tôi sẽ chọn phê bình văn học. Bởi vì tôi luôn muốn truyền cảm hứng cho những người đọc khác.
Mỗi khi đọc một tác phẩm mình tâm đắc, tôi thường có hứng thú viết phê bình, để những người đọc khác, qua bài viết của mình, đến được với tác phẩm văn chương giá trị. Tôi luôn trân trọng các giá trị lao động nghệ thuật của nhà văn. Mỗi khi thêm được một người đọc đến với tác phẩm văn chương đích thực, thì thế giới này sẽ bớt đi được một điều xấu, điều ác, tôi nghĩ và tin là như vậy!
* Thơ cũng luôn là nguồn cảm hứng của Việt Nga. Bây giờ chọn 3 bài thơ tâm đắc nhất đã sáng tác, bà chọn bài nào, có thể trình bày cho bạn đọc cùng thưởng thức…
– Về thơ, nếu chọn 3 bài tâm đắc nhất, tôi sẽ chọn: Lên chùa cuối năm, Cảm ơn cỏ lau, Vẩn vơ.
Lên chùa cuối năm
Thế là đã hết một năm
Buồn vui theo khói nhang trầm bay đi
Biết mình còn lắm sân si
Cúi xin Đức Phật từ bi rộng lòng…
Thế là đã hết mùa đông
Ngoài kia cải đã trổ ngồng vàng tươi
Nhân gian nhiều khóc lắm cười
Đã mang lấy nghiệp làm người, đừng đau!
An nhiên mây trắng trên đầu
Mõ chuông thổn thức giữa câu kinh chiều
Gió về xô lá liêu xiêu
Tháng năm cứa đứt cánh diều ngây thơ…
Làm sao ngăn sóng xô bờ
Hai bàn tay chắn bơ phờ bão giông
Biết rằng sắc sắc không không
Bàn chân đứng trước đường vòng vẫn run…
Thế là đã đến mùa xuân
Đất trời còn mãi xoay vần thế ư
Ta về ươm cỏ tương tư
Một mai hoa trổ đỏ như mặt trời
Một năm là một năm ơi
Còn gì ngoài những đầy vơi nỗi niềm
Gió đưa ngày cũ qua thềm
Sân chùa mai trắng rụng thêm cánh buồn
Ngày mai chớp bể mưa nguồn
Hay là nắng ấm mười phương an lành?
Phật cười trên cõi nhân sinh
Đường xa, chỉ có một mình, dám không?
Cảm ơn cỏ lau
Cảm ơn cỏ lau bé bỏng
Ở lại với ta đến giờ
Sen đã tàn trong hồ vắng
Phượng hồng rũ cánh trong mưa
Cảm ơn cỏ lau bé bỏng
Nhọc nhằn xanh trên cằn khô
Dịu dàng ươm trên đá sỏi
Một trời hoa trắng ngẩn ngơ
Cảm ơn cỏ lau bé bỏng
Lặng lẽ trên đường ta qua
Bao dung bước chân lầm lỗi
Một mình vá những xót xa…
Vẩn vơ
Lá rơi…
Không phải tại mình
Mà chân chẳng thể vô tình bước qua
Lặng người trước những phôi pha
Vừa bình minh đã chiều tà thế ư?

* “Lặng người trước những phôi pha”, khi biết lặng người như thế cũng có nghĩa biết trân trọng những giá trị của quá khứ. Hải Dương là vùng “địa linh nhân kiệt” có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, sản sinh và gắn liền với nhiều danh nhân. Đây cũng là cái nôi của Tự Lực văn đoàn. Với tư cách nhà phê bình, theo bà đến nay những giá trị văn chương của Tự Lực văn đoàn đã được đánh giá đúng thực chất giá trị của nó?
– Những giá trị văn chương của Tự Lực văn đoàn đã được các nhà nghiên cứu đánh giá khá toàn diện và công bằng. Tuy nhiên, theo tôi, vẫn cần tiếp tục có sự nghiên cứu để chúng ta đưa văn chương Tự Lực văn đoàn về đúng với vị trí trang trọng của nó trên văn đàn, trên tiến trình phát triển của văn học hiện đại Việt Nam, không loại trừ bất cứ tác giả nào của bút nhóm này, cũng không có sự e dè vì bất cứ điều gì ngoài văn chương.
Ngoài ra, giá trị của Tự Lực văn đoàn còn nằm ở những điều ngoài tác phẩm: việc tổ chức trao các giải thưởng, những nỗ lực thành lập và hoạt động của một bút nhóm, tình cảm giữa các văn nghệ sỹ, sự trân trọng các cây bút mới, các cây bút trẻ…vv
* Đã từng có hội thảo khoa học và kế hoạch bảo tồn, trùng tu di tích Tự Lực văn đoàn ở thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng nhưng đến nay lãnh đạo tỉnh Hải Dương vẫn chưa triển khai thực hiện, trong khi di tích bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều bạn văn cả nước đã xót xa ngậm ngùi khi về đây dâng hương. Sự chậm trễ này do đâu, thưa bà?
– Nói đến Tự Lực văn đoàn, tôi vẫn thấy canh cánh bên lòng món nợ. Mỗi lần qua Cẩm Giàng, nhìn vào nơi cố trạch tiêu điều của Tự Lực văn đoàn cạnh ga xe lửa, tôi đều thấy mình còn mắc nợ, còn có lỗi. Mong ước của tôi, của rất nhiều văn nghệ sỹ Hải Dương, của rất nhiều nhân dân Cẩm Giàng, là có được khu tưởng niệm và công viên Tự Lực văn đoàn ngay nơi cố trạch đó, nhưng vẫn chưa thành hiện thực, vì nhiều lý do…
* Nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga từng là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hải Dương khi còn khá trẻ. Đứng đầu cơ quan văn nghệ trước những cây đa cây đề lúc ấy bà có choáng? Những dấu ấn đáng nhớ của bà trong thời gian đứng đầu Hội? Kinh nghiệm của bà trong việc ứng xử, giải quyết những vấn đề khúc mắc với hội viên, nhất là những hội viên ít có khả năng sáng tác nhưng hay than phiền, thậm chí ngang ngược chửi rủa để đòi hỏi quyền lợi?
– Tôi làm Chủ tịch Hội VHNT từ đầu năm 2014, khi đó tôi 38 tuổi. Với nhiều người, cái tuổi đó vẫn được coi là trẻ, vì thông thường các lãnh đạo Hội VHNT thường là các văn nghệ sỹ đã cao tuổi. Tuy nhiên lúc đó tôi đã có 12 năm công tác tại Hội, gắn bó với các văn nghệ sỹ tỉnh nhà nên làm lãnh đạo Hội không có gì khó khăn, vướng mắc.
Làm lãnh đạo Hội đúng là “làm dâu trăm họ” bởi hội viên đông, nhiều độ tuổi, nhiều chuyên ngành, nhiều nghề nghiệp, nhưng có một điểm chung là “cái tôi” rất lớn. Chủ tịch Hội nhiều khi phải vừa giải thích, vừa động viên, lại vừa “nịnh nọt” đối với hội viên. Cũng có lúc phải cứng rắn, nguyên tắc và không được nản. Kinh nghiệm của tôi là khi giải quyết mọi khúc mắc với hội viên phải nắm vững các nguyên tắc và không nên nóng giận. Để không nóng giận, tôi luôn nói “chủ đề phụ” trước “chủ đề chính”, nói chuyện thời tiết, thời sự, trời mây, trăng nước, áo đẹp áo xấu, cà phê ngon hay trà ngon, hoa nào tươi lâu, hoa nào chóng héo… vân vân. Nói cho đến khi hoặc mình, hoặc hội viên, hoặc cả hai “hạ hỏa”, bớt nóng giận, lúc đó mới vào chuyện chính. Như vậy sẽ bớt được những “xung đột” không đáng có.
* Theo bà, các Hội VHNT địa phương có vai trò ra sao đối với hoạt động sáng tạo? Không ít ý kiến cho rằng đa phần các hội dần mất tính chuyên nghiệp mà rơi vào phong trào, nên cần giải tán để thành lập lại hoặc hoạt động dưới hình thức khác. Ý kiến bà ra sao?
– Theo tôi, Hội VHNT rõ ràng có vai trò rất tích cực đối với các hoạt động sáng tạo của văn nghệ sỹ. Không thể đòi hỏi tất cả mọi văn nghệ sỹ đều sáng tác một cách chuyên nghiệp và tạo ra những tác phẩm có chất lượng “để đời” được, cũng như không thể yêu cầu một lớp học, một trường học chỉ toàn là những học sinh giỏi. Tính phong trào của VHNT cũng rất cần thiết chứ. Không phải cứ “phong trào” là làm thui chột tài năng. Sáng tạo VHNT là việc làm độc lập của văn nghệ sỹ, mang tính cá thể hóa cao độ, không yếu tố ngoại cảnh nào chi phối được (nhiều tác phẩm văn chương đặc sắc ra đời trong những hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo như trong tù, trong đói khổ, thiếu thốn, trong bệnh tật hiểm nghèo, khi đứng giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết…). Song người nghệ sỹ là một cá nhân sống giữa tập thể. Những hoạt động phong trào, sự gắn kết với những người chung đam mê, sở thích, sự động viên đúng đắn, kịp thời… tất cả những điều đó không quyết định làm nên tác phẩm nhưng là chất xúc tác trong cảm hứng sáng tác của người nghệ sỹ. Không có Hội VHNT, đương nhiên không có những điều đó.

* Với tư cách một người Hải Dương có chức trách và là văn nghệ sĩ sáng tạo, bà nói gì với bạn bè đồng nghiệp khi giới thiệu về quê hương mình?
– Hải Dương của tôi là vùng đất đặc biệt. Đặc biệt đến nỗi đây không chỉ là quê hương mà còn là nơi tìm đến của rất nhiều danh nhân, văn nhân, danh tướng. Có thể kể đến nhà giáo Chu Văn An, người được mệnh danh là “vạn thế sư biểu” của Việt Nam, tuy không quê Hải Dương, nhưng đã chọn Hải Dương là nơi lui về ở ẩn, mở trường dạy học sau khi dâng vua “Thất trảm sớ” không thành. Người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo cũng không sinh ra ở đất Hải Dương, nhưng ngài chọn Hải Dương làm nơi gắn bó, cả khi quân cơ đến lúc về già, tạ thế. Cả Pháp Loa và Huyền Quang, hai vị đệ tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng đều gắn bó với đất Hải Dương trên bước đường hoằng dương Phật pháp. Nguyễn Trãi theo ông ngoại về Hải Dương từ khi còn là một cậu bé. Và trên bước đường đời đầy vinh quang nhưng cũng lắm chông gai, mỗi lần thất vọng, khổ đau, người thường tìm về rừng núi Côn Sơn để di dưỡng tinh thần. Và Tự Lực văn đoàn cũng ra đời trên mảnh đất Hải Dương.
Hải Dương có sông, có núi, có hang động, có đồng bằng, có anh hùng, dũng sỹ, có các nhà khoa bảng lừng danh, có ông tổ thuốc Nam Tuệ Tĩnh… Nơi Nguyễn Trãi gọi là “phên giậu phía Đông của kinh thành Thăng Long”, nơi khởi nguồn bao áng thơ văn bất hủ, nơi có hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa và dồi dào các bảo vât quốc gia, các giá trị văn hóa phi vật thể, nơi có nhiều đặc sản nổi danh trong nước và quốc tế, bốn mùa đều hoa thơm trái ngọt… ắt là chốn đáng đến thăm của tất cả mọi du khách gần xa và nhất là các văn nghệ sỹ.
Hải Dương luôn mở rộng vòng tay hiếu khách và thân thiện để chào đón mọi người!
* Giả sử có kiếp sau, giữa văn chương và chính trị chỉ được quyền chọn một thì bà chọn lĩnh vực nào? Dự kiến sắp tới bà có xuất bản tác phẩm mới?
– Văn chương là do tôi lựa chọn. Tôi viết văn từ rất sớm. Học Tiểu học đã tập làm thơ. Học trung học cơ sở đã miệt mài viết tiểu thuyết. Học Đại học đã sống bằng tiền nhuận bút và các giải thưởng văn chương, có tập truyện in riêng đầu tiên. Nếu kiếp sau được chọn, tôi vẫn chọn văn chương. Nói như thế, không có nghĩa là tôi coi nhẹ sự nghiệp chính trị của mình hiện tại. Không đi trên con đường đó, chắc gì tôi đã là tôi bây giờ. Tuy nhiên, khi tôi chọn văn chương, tôi vẫn có thể làm chính trị như hiện tại, bằng những nỗ lực của cá nhân mình. Khi chọn văn chương, tôi vẫn có thể có những sự nghiệp khác. Nhưng khi không chọn văn chương, vĩnh viễn tôi không thể trở thành nhà văn.
Mà là văn, có những giá trị rất riêng và rất thiêng liêng!
Dự kiến sắp tới, tôi sẽ sắp xếp để công bố thêm một vài tác phẩm của mình. Tôi luôn có bản thảo dự trữ chưa xuất bản, vì tôi lao động văn chương rất miệt mài. Thời gian giải trí của tôi sau khi kết thúc công việc hành chính nhà nước chính là đọc và viết, đọc và viết. Tuy nhiên tôi không công bố hết các tác phẩm của mình ngay một lúc. Tôi cần thời gian để sắp xếp, thậm chí suy nghĩ xem nên xuất bản những. Tôi còn một tập thơ, một tập tản văn, vài tập truyện thiếu nhi, một tập truyện ngắn và một tập nghiên cứu phê bình văn học chưa xuất bản.
* Xin cảm ơn nhà văn. Chúc bà luôn mạnh khỏe, tươi trẻ và hoàn thành nhiều trọng trách đang gánh vác trên chính trường mà không quên văn chương!
HÙNG PHAN thực hiện
Còn nhiều cái băn khoăn lắm. Ở trên mới nêu là đổi mới về biên tập. Phải đi liền đó là lấy ý kiến cho từng số báo, biểu dương những bài hay cùng nêu bài dở. Thứ đến nhưng là quan trọng đó là tiền nuôi cho tờ báo một cách xứng đáng.Chế độ cho đội ngũ biên tập,chế độ nhuận bút cùng việc gửi báo biếu cho người cộng tác. Mọi thứ phải chu đáo đàng hoàng của một tờ báo mang tính chuyên nghiệp cao. Văn hóa.