Vanvn- Giống như dòng êm trôi, chảy yên bình, chảy xa vang trên một màu mướt xanh, lay động. Thơ Nguyễn Thị Ngọc Mai là thế giới tâm tình của hồn người lặng thầm, tha thiết.
Vâng. Ta là thi nhân, đóng vai trò chủ thể. Với một phía ngoài ta là đối tượng của đối thoại, diện kiến. Nguyễn Thị Ngọc Mai với “Lạc giữa mùa say.” Với những vần thơ phát lộ, khai sáng hồn người, ở đây, không gì khác, đấy là cái “động” mà người viết tìm được trước bao nhiêu ngoại giới “tĩnh” tại quanh mình.

Đọc “Lạc giữa mùa say” của Nguyễn Thị Ngọc Mai, với hầu hết trang thơ. Với nét trội vượt, mang điểm sáng của mối liên tưởng. Với, hai chiều đan xuyên, hòa nhập, là: “Ta và Người ta yêu”… Và, ngỡ như, chỉ có “Hai mảng. Hai đối trọng. Hai nhân vật” ấy thôi, với bao nhiêu trạng huống: Nào là: “Khi gặp gỡ. Khi hẹn chờ. Khi mong đợi. Khi khát khao. Khi mơ tưởng. Khi nghi kỵ. Khi thất vọng. Khi lung linh bao nhiêu dự cảm gọi về”…
Và, cứ thế. Cứ thế. Nguyễn Thị Ngọc Mai và “Lạc giữa mùa say” cứ òa dậy. Cứ mướt xanh. Cứ mải mê nối dài nguồn mạch… Để rồi, khi phía cuối chân trời dư vọng. Khi dọc đôi bờ ra đi và tụ lại, người đọc cũng cảm được, cũng nâng niu, cầm về cái mang mang, lấp lánh. Cái xao động yêu thương. Cái mát trong, tươi tắn. Cái ngỡ như chẳng cụ thể, rõ ràng… mà vô tình, lại ánh lên sắc hương tụ bồi nào đó…
Quả tình, không tìm thấy ở “Lạc giữa mùa say” của Nguyễn Thị Ngọc Mai cái thế giới cảnh vật bộn bề của Tháng năm – Đời người – Nổi chìm – Xô tấp. Nguyễn Thị Ngọc Mai không lấy cõi khói sương của thế giới ta bà làm cứu cánh, để mô tả, để cậy nhờ cái bên ngoài mà tỏa rạng cái sâu thẳm bên trong.
Bám chặt hồn mình. Đi từ hồn mình để tiếp tục đánh thức, khơi mở hồn mình. Những gì là bên ngoài được hiện trên trang viết, chỉ là cớ, là nhu cầu có Nó để có được cái phía sau Nó, khác hơn.
Thử đọc:
Gặp nhau trên nẻo đường quê
Táo chua hóa ngọt, câu thề gọi mong
Trăng đùa bện ánh vàng trong
Tình si rủ bóng, hoa lồng dáng xưa
(Gặp nhau)
Hoặc:
Lá bàng như lửa người ơi
“Mỗi lần rụng mỗi lần tôi cháy lòng”
Bùng lên đỏ những ước mong
Rồi thu lại đến đốt lòng cháy hơn
(Cháy lòng)
Hoặc:
Mặt trời giấu mây mưa
Để nắng vàng rực rỡ
Trăng hè giấu màn đêm
Để ánh càng sáng tỏ
Còn em đã giấu anh
Một lời yêu chưa ngỏ
(Giấu)
Rõ ràng, ở những bài thơ trên, những gì là đường quê, táo chua, ánh trăng vàng… Rồi, mặt trời, lá bàng, hay mây mưa, nắng vàng rực rỡ … Tất cả, đâu phải là bóng hình cái ta đang ngắm nhìn trong nhỡn tiền chi sự. Mà, nó có từ hồn ta mà hóa thành, mà hiện lên dáng vẻ đấy chứ. Nó có, vì nhu cầu ta muốn minh chứng cho cái điều ta đang kiến giải mà thôi.
Không bám chặt cái bên ngoài, không phải là nhược điểm. Đấy là cách đi, cách tiếp cận riêng của mỗi người cầm bút.

Ở “Lạc giữa mùa say,” Nguyễn Thị Ngọc Mai cũng không lật tìm những lát cắt, những góc hẹp biểu hiện với cách nhìn, cách phát hiện, cách tách nẩy thật riêng. Mà, trên mạch đi của dòng trôi rộng, của một lối tâm tình, nhà thơ cứ biểu cảm, giãi bày để từ cái mênh mang ấy, tìm lấy sức rung của cảm xúc. Để tìm được ảnh hình, thi liệu với những gì gửi gắm, ký thác nơi bao nhiêu tâm tình dài dặc.
Ví như:
Thênh thang đứng giữa đất trời
Dang tay em với nụ cười đang bay
Nắng nghiêng vạt lửa trao say
Ta nghiêng trọn mối tình đầy hương thơ
(Bên cầu)
Hoặc:
Bỗng dưng chạm nẻo người dưng
Bỗng dưng chạm nẻo ngập ngừng mùa qua
Bỗng dưng ta chạm lại ta
Tận sâu thẳm kí ức hoa ngọt ngào
(Bỗng dưng)
Hoặc:
Biết rằng anh của người ta
Mà sao vẫn ước mãi là của em
Chỉ cần nhen chút lửa đêm
Là tim đã ấm khắp miền tương tư
(Biết rằng)
Thơ “Lạc giữa mùa say” không bám vào góc hẹp. Không bám vào cái khoảnh khắc chớp lóe. Không xoáy cuộn trong một điểm sáng… Lối đi này dễ đều. Dễ bằng phẳng. Dễ thiếu vắng những đột biến, cao trào…
Với chủ yếu là lục bát. Với nguồn lớn là lấy cảm xúc làm gốc rễ đưa đẩy, vận động, kiếm tìm. Thơ Nguyễn Thị Ngọc Mai có nhiều câu thơ vững. Những câu thơ đã vươn tới bến bờ của cái hay cái đẹp. Chỉ cần có sức bùng nổ, với sức đẩy, sức cô nén, sức thăng hoa nào đó, người viết sẽ có được những câu thơ thật riêng. Thật cá thể hóa, ấn tượng…

Song, ở nhiều góc soi nhìn, khi là cảm xúc. Khi là hình ảnh, hình tượng. Khi là mô tả. Khi là ngẫm suy, phát kiến… Nguyễn Thị Ngọc Mai và “Lạc giữa mùa say” cũng có được những câu thơ lấp lánh, tạo được vệt loang, lặng thấm nơi góc nhớ lòng người:
Ví như:
Biết rằng anh đã ra đi
Dường xa còn nhớ đến chi lối về
Hoặc:
Bên cầu tim vẫn khát mơ
Nụ hôn ai ngã vào bờ môi em …
Hoặc:
Con đường nàng thơ đi
Chông chênh lối đời con chữ
Ngây ngô vần thơ lữ thứ
Chòng chành câu hát đợi ai
Hoặc:
Bùa mê chàng thả cầu ao
Rủ rê tôi vớt ngọt ngào sang nhau
Hoặc:
Bồng bềnh chở giấc mơ sang
Thả vào nhau trọn giọt vàng sánh đêm…
Hoặc:
Đêm dài dệt nỗi cô đơn
Ngày vê nắng quái thành cơn mưa lòng
Và:
Lỡ và lỡ ngả lỡ nghiêng
Lỡ qua cơn tỉnh, cơn điên lại về…
Ở “Lạc giữa mùa say” của Nguyễn Thị Ngọc Mai có thể trích dẫn khá nhiều những câu thơ lấp lánh như thế.
Là một nhà giáo, với các tập thơ đã lần lượt trình làng. Từ “Duyên quê,” NXB Hội Nhà văn, 2016, đến “Người đàn bà bước vào đêm,” NXB Hội Nhà văn, 2017, “Lạc giữa mùa say,” là tập thơ thứ Ba, khẳng định, thơ Nguyễn Thị Ngọc Mai là những bước chuyển tiếp. Bước nối dài. Bước đắp dầy một giọng điệu thơ, của một tâm hồn thơ, giàu cảm rung, giàu yêu thương, mê đắm …
Khẳng định, thơ Nguyễn Thị Ngọc Mai đang dồi dào sức chảy, đang khát khao vươn tới Bến bờ phía Chân trời neo đậu…
KIM CHUÔNG