Nguyễn Thế Hùng trong thế giới kỳ khôi

Vanvn- Nguyễn Thế Hùng là cây bút đa năng và đa tài. Anh sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ và đạt nhiều giải thưởng văn chương uy tín: giải nhất truyện ngắn và giải bút ký văn học đồng bằng sông Cửu Long; giải thưởng truyện ngắn báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh; giải thưởng truyện ngắn Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội; Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội… Nguyễn Thế Hùng đã công bố 5 tập truyện ngắn, 3 tiểu thuyết, 1 tập thơ. Hiện đang là Phó Trưởng ban Chuyên đề Văn Nghệ Công An, Báo Công An Nhân Dân.

Trong công việc, Thế Hùng là người chu đáo, cẩn trọng, ân tình. Anh cũng là người giàu tình cảm, đặc biệt khiêm cung với bạn văn, kể cả với người ít tuổi hơn mình. Biết anh độ lượng, thỉnh thoảng tôi hay đùa tếu, nhiều khi hơi quá nhưng Thế Hùng không giận. Một là anh đùa lại, hai là dùng bài “thưa, bẩm” để cho qua. Gần đây, anh xuất bản tiểu thuyết Kẻ nằm người ngồi (Nxb. Hội Nhà văn, 2021) gây được tiếng vang. Đọc Kẻ nằm người ngồi mới thấy, hóa ra có một Thế Hùng ghê gớm, lọc lõi, thấu hiểu chuyện văn nhân, và thay vì né tránh hay ác ý, hằn học, khinh khi, anh đã sân khấu hóa “tấn trò văn học” ấy bằng một tiếng cười… 

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng

Nhân vật nhà văn với tất cả tính chất xã hội – thẩm mỹ riêng có của mình, từ lâu đã trở thành một kiểu nhân vật đặc biệt trong lịch sử văn học. Nhà văn là ai, anh ta có thân phận và địa vị thế nào? Văn chương được làm ra như thế nào và để làm gì? Chừng đó câu hỏi thôi cũng đủ gợi sự tò mò của bạn đọc và mời gọi nhà văn, đặc biệt là khi văn chương tự ý thức, tự suy tư được về thiên chức của mình.

Quan sát văn xuôi Việt Nam hiện đại, hẳn ai nấy còn nhớ những ám ảnh cơm áo gạo tiền, những dằn vặt ưu tư nghề nghiệp của Hộ, Điền trong “Đời thừa”, “Giăng sáng”, thái độ tìm đường của Độ, Hoàng trong “Đôi mắt” của Nam Cao; những cay đắng chua chát của Vũ về thiên chức văn chương trong “Bài học tiếng Việt” của Nguyễn Huy Thiệp. Nếu trong Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà, Hoàng chưa hẳn là nhà văn, viết văn với anh ta cũng chỉ là một cứu cánh mơ hồ thì đến Khải huyền muộn, qua kiểu “nhân vật nhà văn” (Bạch), bao câu hỏi về nhà văn và cuộc giằng co với ngôn từ, về vai trò – sứ mệnh của nhà văn đương đại được tập trung mổ xẻ. Cũng là sự bất mãn ít nhiều với thế cuộc, song, nếu trong văn chương truyền thống, “nhân vật nhà văn” luôn có niềm tin mãnh liệt vào các sứ mệnh cao cả của văn chương, thì ở đây chỉ thấy những đau đớn và bất lực, sự hư hao của niềm tin, khắc khoải, loay hoay, lắm lời, “chao ôi là bất lực”.

Trong một chiều kích và sắc thái khác, kiểu nhân vật nhà văn cũng được Phùng Văn Khai thể hiện sinh động trong Hư thực. Tiểu thuyết tập trung diễn giải chủ đề: nhà văn là ai trong cõi người? Nhà văn họ Đào phải chăng có tô-tem là loài hồng cẩu quẩy? “Hư thực” cho ta thấy chút thoáng xót xa của kẻ cầm bút. Anh ta khát khao sáng tạo nhưng hoang mang cõi văn, hoang mang cõi người, rốt cuộc là kẻ bất lực, không cứu nổi chính mình…

Nằm trong mạch truyện về nhân vật nhà văn, nhưng “Kẻ nằm người ngồi” của Nguyễn Thế Hùng có một lối đi riêng. Điểm nổi bật dễ nhận thấy trước tiên là, nếu trừ ra các nhân vật “độn”, nhân vật “chuyển giao” (Hường, Đại, Thắng, Loan, bà Thêm, lão Điệt, Tân…) và những chuyển cảnh được tác giả triển khai với tốc độ nhanh (khoảng 30 trang cho loạt sự kiện về chiến tranh, chuyện tình Hường – Đại – Thắng, chuyện ông Điệt, thời thơ ấu của Mận…) thì toàn bộ trọng tâm của Kẻ nằm người ngồi là câu chuyện về thế giới nhà văn. Xin nói ngay, nhà văn trong đây không hiện ra với trăn trở, suy tư nghề nghiệp, với day dứt sứ mệnh văn chương, mà trở thành nhân vật trung tâm của tiểu thuyết với tất cả sự dị thường trong vai con người xã hội của nó.

Ai cũng biết, nghệ thuật là thế giới đặc thù. Không mấy ai ngây thơ đem thế giới này ra để đối chiếu so đo với thực tại (chính bởi điều này mà văn học mang đậm tính trò chơi). Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, không ai cấm cản được những liên tưởng của bạn đọc từ thế giới văn chương về thực tại. Trong ý nghĩa này, văn học rất dễ gây sự, dễ hiểu lầm. Kẻ nằm người ngồi của Nguyễn Thế Hùng, một cách khôn khéo, đã xen cài vào sự lưỡng phân ấy, để ai muốn hiểu sao thì hiểu. Ai sợ động chạm thì vẫn có một đường lùi, rằng hãy coi đó là một thế giới của sự chơi, nó chỉ có trong nghệ thuật, không động chạm đến ai. Nếu ai đó nhạy cảm quá mà bị chạm, thì vẫn còn một đường an ủi khác: đây là hội văn nghệ của một tỉnh lẻ X, Y nào đó cơ mà, đành lòng vậy.

Tiểu thuyết “Kẻ nằm người ngồi” của Nguyễn Thế Hùng

Kẻ nằm người ngồi gợi tò mò từ cái tên. Nếu 30 trang đầu là thế giới của người tử tế, việc tử tế, được lược kể, gia tốc nhanh, thì toàn bộ 240 trang còn lại của tiểu thuyết là câu chuyện trào tiếu về giới văn nhân. Điều kỳ lạ ở đây là, tất cả nhân vật nhà văn trong Kẻ nằm người ngồi không ai làm văn, hay nói chính xác hơn là không ai làm văn chương đích thực. Qua bút pháp trào lộng của nhà văn, không suy niệm, trăn trở, tìm tòi, không nghiền ngẫm thế cuộc buồn vui, tất cả chỉ mượn văn chương để tiến thân. Cách dạy của cụ đồ Khang, một thầy đồ vừa bẩn bựa, vừa xôi thịt, hệ quả nhãn tiền là con cái cụ đồ, Thực Lễ thì mất nết, mất dạy, Thực Tín thì bất tín, lọc lừa. Người thầy thứ hai của Mận là thầy giáo, nhà thơ Lê Vinh, một kẻ tham lam, bốc phét và tự mãn. Không có bằng cấp ba, Mận vẫn vào được đại học. Trường học và trường đời đã biến Mận trở thành một kẻ mưu mô, thớ lợ, một người biết “hờn đúng lúc, thúc đúng chỗ, vồ đúng nơi, chơi đúng mốt, thốt đúng câu”. Từ đây, câu chuyện thế giới văn nhân thực sự bắt đầu.

Kẻ nằm người ngồi tập trung câu chuyện vào con đường văn học của Mận. Với năng lực nổi bật là “những bài văn luôn là văn mẫu cho cả lớp”, “thơ được in trên báo tường”, Mận quyết tìm kiếm danh vọng từ văn chương bằng “vốn tự có” của mình. Và, với phương châm “lấy lỗ bù lãi”, Mận đã trở thành nhà văn Lâm Oanh nổi tiếng. Để có danh, Mận sẵn sàng lên giường với Thuận. Để có lợi, Mận trở thành bồ của Chủ. Vì danh lợi, Mận cũng sẵn sàng làm bạn tình của Tổng, Lợi… Điều trớ trêu là, càng dấn sâu vào con đường văn học và chốn trường văn trận bút, Mận càng trượt dài trên con đường tha hóa.

Cùng với Lâm Oanh, Kẻ nằm người ngồi cũng vẽ lên một hội văn nghệ kỳ khôi, gồm toàn kẻ bất tài, tha hóa. Những người chủ chốt của tòa soạn suốt ngày chỉ nghĩ chuyện chim chuột, mưu mô. Người sáng tác thì ăn cắp tác phẩm. Nhà phê bình viết tác phẩm giả cầy. Hội nghị văn học là nơi để phát ngôn tầm bậy. Thuận, nhân vật duy nhất có chút tài năng cũng không thoát khỏi chuyện “đực cái gái trai”. Để được yên thân, Thuận đã không phơi bày tội đạo văn của Tổng, vô hình trung, trở thành kẻ lót đường của Lâm Oanh.

Đọc Kẻ nằm người ngồi, bạn đọc bắt gặp những hình ảnh lãnh đạo văn nghệ kỳ khôi. Tổng biên tập Tổng trưởng thành từ đạo văn, suốt đời lo giữ ghế bằng nịnh nọt, dâng gái cho cấp trên, dọa nạt, phủ dụ cấp dưới, luôn khao khát được làm lãnh đạo trọn đời. Chủ tiêu biểu cho kiểu quan chức vị lợi, tham lam, háo sắc, hoàn toàn không hiểu gì về văn nghệ. Tâm mua chức phó tổng biên tập mười ngàn đô, sẵn sàng hiến thân cho Thuận, cho Lợi vì lợi ích, dầu cô không hoàn toàn là người xấu.

Nếu bên sáng tác viết toàn những tác phẩm lăng nhăng thì phê bình giống như những kẻ “đốt đít gãi ngứa nhà văn”. Lợi là nhà phê bình “nghe hơi nồi chõ”, “nhà phê bình điếm đường”, cả đời chỉ lo nịnh cấp trên để hòng lên chức. Nhà phê bình Vũ Lãi, do áp lực công việc mà vết tích còn lại trên bộ ria là “mấy mẩu hành lá còn vướng lại trên đó đang tỏa hương”, một người sính Tây song lại tuyên bố không chấp nhận là “con vật nhai lại”. Vũ Lãi thậm chí dạy cả ô-sin làm nhà văn. Lý tưởng của Vũ Lãi là “đến bao giờ các nhà phê bình chân chính như ta đủ tiền ăn nhậu và cả tiền xe cộ để khỏi phải viết lên những bài giới thiệu sách vịt bầu, đười ươi đây hỡi trời”.

Trong các hoạt động văn nghệ, hội nghị phê bình văn học tựa như chợ vỡ. “Chợ thì ai vào mà chả được”. “Hội với chả nghị, một lũ quan hoạn”. “Nhà phê bình Tô Pha trịnh trọng bước lên bục, sau khi khẹc khẹc mấy cái để biết chắc chắn không có đứa nào chơi đểu là rút điện ra khỏi âm li”. Những tiếng la ó đuổi Tô Pha xuống. Hết hội nghị, nhà phê bình “sấp ngửa chạy xuống nhà lẩm bẩm: không nhanh thì hết phần, nghe bảo hôm nay tiệc đứng, toàn món ngon”.

Kẻ nằm người ngồi” còn phơi bày cái bát nháo của các cuộc thi và giải thưởng văn chương. Các cuộc thi và giải thưởng trở thành nơi đấu giá, một cách “bán giải lấy tiền”, nơi để lãnh đạo văn nghệ thực hiện toan tính, nơi hội tụ của những kẻ háo danh.

Việc xin vào hội văn nghệ trong “Kẻ nằm người ngồi” cũng thật kỳ khôi. Một cụ già sắp xuống lỗ trăn trở: “Chính vì quá nhiều người làm thơ nên người… sắp hàng vào… Hội văn nghệ tỉnh nhà cũng nhiều gấp bội. Bố đứng sắp hàng đã gần ba mươi năm nay rồi… chân đã mỏi… mắt đã mờ… đầu óc không còn minh mẫn nữa… Vậy mà vẫn… vẫn chưa đến lượt…”.

Đọc “Kẻ nằm người ngồi”, độc giả thiếu kiên nhẫn có thể không thích chiến lược kể của nhà văn (về chiến tranh, tình yêu, lối vào đời của nhân vật chính, về lời mẹ hát hằng đêm khá dài). Đôi khi, tác giả cũng hơi tham lam biến nhân vật thành nơi để phát ngôn quan điểm (chẳng hạn, những suy nghĩ của Tân về đời sống, văn học là khá già so với một cậu học sinh vừa thi trượt đại học). Tuy nhiên, nhìn tổng thể, “Kẻ nằm người ngồi” là một câu chuyện thú vị, hấp dẫn, trong đó, tính hoạt kê và chất dân gian ngồn ngộn qua lời mẹ hát hằng đêm là một chỉ dấu quan trọng. Nhân vật nhà văn của Nguyễn Thế Hùng trong đây cũng không hoàn toàn xấu. Viết về mặt trái của giới văn nhân, Nguyễn Thế Hùng không hằn học, không gằn mà tưng tửng cười cợt, dí dỏm thâm sâu. Đọc “Kẻ nằm người ngồi”, có thể nhận ra thông điệp thứ nhất của nhà văn: xin đừng ảo mộng văn chương và hãy tránh xa nó nếu bạn không có thực tài. Ở đây, Nguyễn Thế Hùng không trả lời câu hỏi văn học đến từ đâu, mà là văn học sẽ về đâu. Nhưng trước hết, chớ vội nghiêm trang, mà hãy nhìn “Kẻ nằm người ngồi” như một thế giới hoạt kê, để đón nhận một thông điệp quan trọng thứ hai của nhà văn: hãy cười lên và cùng chung sống với cõi nhân gian báo nháo dị thường này.

      PHÙNG GIA THẾ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *