Nguyên khí ngàn đời – Tiểu thuyết của Lục Hường – Kỳ 4

Vanvn- Ta biết là công chúa rất thông minh, chính vì thế công chúa luôn xin sự đồng ý của ta thì mới tìm hiểu nguyên nhân cái chết của mẹ, cho dù chờ đợi bao nhiêu năm, công chúa cũng không tự ý hành động…

Nhà văn trẻ Lục Hường

>> Nguyên khí ngàn đời – Kỳ 3

>> Nguyên khí ngàn đời – Kỳ 2

>> Nguyên khí ngàn đời – Kỳ 1

>> Một tiểu thuyết lịch sử hay về triều Mạc

 

Chương 6

 

Sau một ngày di chuyển và những cuộc gặp gỡ, ta đã thật dễ dàng chìm sâu vào giấc ngủ. Trong giấc mơ ta lại đến tương lai, vẫn trong khung cảnh bom đạn, khói lửa chiến tranh, vẫn ở khu rừng Trường Sơn nơi có hậu duệ của ta đang hành quân và chiến đấu trong đơn vị chủ lực. Ta vẫn thênh thang đi trong núi rừng thăm thẳm, ta vẫn băng qua những làn bom mịt mù. Ta vẫn chứng kiến những sự hy sinh của biết bao chàng trai, cô gái tuổi còn rất trẻ.

Có người hy sinh trên tay vẫn ôm chặt cây súng, miệng mỉm cười.

Có người hy sinh và hoa cài trên tóc vẫn nở rực rỡ trên mái đầu.

Nhiều đoàn quân, nhiều con người vẫn hành quân đều đặn như thế, họ băng qua núi, họ xuyên qua rừng, chân đi mệt nhoài, miệng vẫn hát vang lên những hành khúc:

Cùng nhau đi hồng binh

Đồng tâm ta đều bước

Đừng cho quân thù thoát

Ta quyết chí hy sinh

Nào anh em nghèo đâu

Liều thân cho đời sống

Mong thế giới đại đồng

Tiến lên quân hồng.

Đời ta không cần lo

Nhà ta không cần tiếc

Làm sao cho toàn thắng

Ta mới sống an vui[1].

Những câu hát như đúng nhịp với từng bước hành quân, làm cho khí thế hừng hực càng ngày càng sục sôi, mạnh mẽ trong trái tim những người lính trẻ. Đôi lúc họ ngồi nghỉ ven suối, họ cầm đàn hát cho nhau nghe:

Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ. Ta ca vang, triền miên qua tháng ngày, lượn bay trên núi đồi biên cương đến nơi đảo xa.

Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính.

Mãi mãi lòng chúng ta, vẫn hát khúc quân hành ca.

Dù rằng đời ta thích hoa hồng.

Kẻ thù buộc ta ôm cây súng.

Ta yêu sao làng quê non nước mình.

Tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca.

Mãi mãi lòng chúng ta.

Ca bài ca người lính.

Mãi mãi lòng chúng ta.

Vẫn hát khúc quân hành ca[2].

Những người lính trẻ đầy tươi vui, đầy tài năng, họ đi tới đâu hoa rừng nở tới đó, như chào đón, như đồng hành, như động viên tinh thần, khí thế hừng hực chiến đấu. Những cảnh sắc lạ kỳ mà ta chỉ thấy được ở nơi này, với những con người biết mình đang lao vào trận chiến đấu khốc liệt, biết rằng mình có thể sẽ mãi mãi nằm lại rừng già, thân xác có khi cũng không toàn vẹn, nhưng họ vẫn thế, vẫn cứ hát, vẫn cứ cười, vẫn cứ đầy khát khao.

Chàng trai Phạm Thọ Quang vừa xong nhiệm vụ của ngày hôm nay, khi tham gia vào chiến dịch mới, công việc giao liên sẽ căng thẳng và vất vả hơn rất nhiều. Nhưng dù sao chiến đấu bên cạnh bao nhiêu đồng đội, cứ về trạm xá quân y lại có thể gặp người thương, thì anh Quang cũng đã có thêm biết bao động lực. Mỗi lần tới thăm người y tá quân y Hoàng Oanh, anh đều nhận được những nụ cười tươi rói, nhưng hôm nay thì khác, anh thấy nét thoáng buồn trên khuôn mặt của Hoàng Oanh.

Em có việc gì đang suy nghĩ phải không?

Hôm nay em buồn quá.

Chiến dịch này vất vả quá phải không em?

Chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa” này khiến cho nhiều đồng đội của chúng ta hy sinh quá anh ạ. Càng tiến vào sâu bên trong, chúng ta càng hy sinh nhiều.

Chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa” ngay từ ban đầu đã đầy khốc liệt, địch chiếm toàn bộ chiến trường vào ban ngày, chúng ta chỉ có thể chiến đấu vào ban đêm, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng bắt buộc chúng ta phải chiến thắng ở Đồng Xoài, mới có thể để các đoàn tiếp theo di chuyển thành công, em ạ.

Anh chiến đấu ở đơn vị chủ lực, công việc của anh lại đầy rẫy hiểm nguy, em lo lắng lắm.

Chúng ta cùng nhau chiến đấu em à, em đừng lo lắng quá. Vậy em đang buồn chuyện gì nào?

Hôm nay tất cả chúng em đều bất lực nhìn đồng đội mình hy sinh. Ở đơn vị không có đủ thuốc, không có đủ máu. Hôm nay các đồng chí được cáng về rất nhiều, người thì máu nhòa hết mặt, không nhìn rõ ai với ai, giọng nói thều thào. Có người thì tay không còn, chân cũng ở đâu mất. Hôm nay có một đồng chí giọng trong quê em, khi được các đồng chí đưa về đến lán quân y, thì đồng chí ấy đã bị mất quá nhiều máu, đạn găm vào vị trí vai trái. Theo chuẩn đoán của chúng em thì đạn đã đi vào vị trí khó có thể cứu được, nhưng lạ là đồng chí ấy thi thoảng vẫn tỉnh. Đồng chí ấy mạnh mẽ vô cùng. Khi chúng em nói rằng, không có thuốc mê, chúng em có thể mổ sống lấy đạn ra cho đồng chí ấy không, thì đồng chí ấy gật đầu. Và trong suốt thời gian đó, máu đồng chí ấy vẫn chảy đầm đìa, nhưng đồng chí không hề kêu đau một tiếng nào dù chỉ là nhỏ. Về sau chúng em lấy được ra hai viên đạn nhưng chắc chắn vẫn còn nữa, đồng chí ấy yếu dần. Đúng lúc đó thì ở bên cạnh, có đồng chí bị mất chân. Chúng em nói với nhau là chỉ cần có máu cho đồng chí này, thì đồng chí ấy sống sót và hoàn toàn bình thường vì không bị thương ở vùng nguy hiểm. Đồng chí đang được phẫu thuật đã dùng tay kéo chúng em lại gần, và nói rằng: Tôi biết tôi bị thương nặng, các đồng chí đã cố gắng hết sức rồi, hãy dùng máu của tôi cho đồng chí bên cạnh, các đồng chí không cần nỗ lực cứu tôi nữa. Buồn lắm anh ạ, ánh mắt đấy, sự quyết tâm trong ánh mắt ấy, cái cầm tay mà toàn máu của đồng chí ấy đỏ thẫm hết tay em, hết cả quần áo em. Thương và cảm phục vô cùng anh ạ.

Ai trong chúng ta cũng vậy thôi em à, chúng ta sẵn sàng hy sinh để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, chúng ta sẵn sàng hy sinh vì những người đồng đội của mình, chúng ta đều như người thân thiết.

Các anh đi chiến đấu trực tiếp, cũng sẽ chứng kiến biết bao cảnh đau xót. Chúng em ở đây trực, nhìn những đồng chí không thể cứu được, chúng em thấy xót xa lắm, bất lực và đầy ám ảnh nữa.

Anh hiểu mà, em hãy bình tâm! Hành trình chúng ta đi còn rất dài phía trước. Ở đâu trên dọc đất nước mình cũng sẽ còn những sự hy sinh, nhưng tất cả chúng ta hy sinh vì Tổ quốc, đất nước sẽ trở lại yên bình, trẻ em được đến trường và người thân của chúng ta sống trong độc lập, tự do.

Cuộc nói chuyện đó khiến cho chính bản thân ta cảm thấy day dứt. Khói lửa chiến tranh khốc liệt quá, bao nhiêu đoàn quân anh dũng hy sinh, có những người sẵn sàng ôm bom vào công sự địch để cả bom, cả thân xác mình nổ tung mở đường cho đồng đội xông lên. Bao nhiêu cái chết mà mãi mãi chỉ còn tên tuổi của chàng trai, cô gái đó ở trong không trung, ghi vào lịch sử chứ thân thể họ thì mãi mãi hòa vào núi sông. Chứng kiến đồng đội của hậu duệ ta chiến đấu, hy sinh mà ta cảm thấy lòng mình quặn thắt. Hóa ra ở thời kỳ nào cũng có đấu tranh, nhưng mỗi cách thức đấu tranh đều khác biệt, chỉ có chung một điểm, sự hy sinh nào cũng đau xót như nhau. Như hôm nay ta lặng người lắng nghe câu chuyện của những người trẻ, những con người chỉ có bộ quần áo lính, đôi dép cao su, chiếc mũ tai mèo. Vậy mà họ đã viết nên lịch sử.

Những niềm vui giản đơn, nhỏ bé.

Những nụ cười tỏa nắng giữa rừng.

Những người lính trẻ ấy họ san cho nhau từ hớp nước, sẻ cho nhau từ miếng ăn, và họ luôn gắn chặt với nhau bởi tình đồng chí. Dù không sinh ra trong cùng một gia đình, không lớn lên ở một quê hương, nhưng khi hội tụ với nhau giữa rừng già, họ đã coi đó như gia đình, một gia đình nhiều anh em, một gia đình kết nên bằng tình đồng chí. Không ai nói ra, nhưng ta tin rằng, dù họ có hy sinh, ai cũng muốn hy sinh ở trong vòng tay lớn của gia đình nhỏ này.

Chúng ta đã chuẩn bị cho chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa” nên tất cả chúng ta cùng quyết tâm chiến đấu và chiến thắng nhé.

Chúng em đang hào hứng và mong chờ lắm đây ạ, còn gì vui hơn khi được cầm súng bảo vệ cho những người thân yêu của mình.

Quyết tâm, quyết tâm!

Chiến đấu ác liệt là vậy, có nhiều người ốm trong rừng, có người sốt đùng đùng, người nóng ran mà chân lạnh toát, họ tìm đủ mọi mảnh vải, tấm chăn để đắp cho đồng đội, có người cứ giã giã loại lá gì đó, đổ nước cho người đồng chí của mình uống. Rừng già thật khắc nghiệt. Rừng già cho hoa thơm, cho trái ngọt, cho rau xanh, nhưng cũng mang đến bệnh tật để nhiều người trẻ phải ở lại rừng già không bởi bom đạn, không bởi kẻ thù mà chính bởi những trận sốt rét, những đợt ốm triền miên.

Nhiều người chôn đồng đội của mình, đánh dấu nơi bạn mình nằm lại, rồi ôm nấm mộ khóc. Khi ngày hôm qua còn vừa vui đùa, chạy nhảy, trêu chọc nhau, đến hôm nay đã kẻ đi, người còn. Cũng may là những người lính luôn di chuyển, chứ nếu họ ở lại nơi nhiều đồng đội nằm lại, chắc họ sẽ bị đắm chìm trong buồn thương.

Trận chiến ác liệt tới, ta dự cảm có điều không lành, vì dù đây là những con người đầy nhiệt huyết, đầy sự dũng cảm, nhưng ngoài kia cũng có quá nhiều vũ khí tối tân.

Hậu duệ của ta đêm nay bước vào một trận đấu vô cùng ác liệt.

Hai bên liên tục đấu súng với nhau, có cả pháo cối, có cả bom, rất nhiều loại súng, đạn được mang ra sử dụng, cả hai bên đều như tham gia vào trận quyết chiến, để giành giật lại khu vực này.

Có nhiều những chiến sĩ đang bò lên, họ xuyên qua dây thép gai rất thuần thục, họ tránh được rất nhiều lần pháo, đạn bắn ra. Cố lên một chút thôi, cố lên một chút thôi, chỉ cần có người lên được phía bên trên, chỉ cần có người đi vào được phía đối thủ, thì sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cả đoàn quân phía sau.

Ta thấy hậu duệ của ta liên tục phải truyền đi tin tức từ chỉ huy này sang chỉ huy khác, cứ đi qua bom đạn như vậy một cách đầy nhanh nhẹn, thoắt ẩn thoắt hiện trong ánh sáng mập mờ của màn đêm.

Nhưng dự cảm của ta đều có nguyên do của nó. Ta thấy hậu duệ của ta đang đi vào đúng vị trí nguy hiểm, ranh giới mong manh có thể sẽ cướp đi sự sống, cướp đi sinh mạng, cướp đi tuổi trẻ đầy sục sôi cống hiến của cháu ta. Tại sao lại như vậy? Tại sao ta lại không có khả năng đánh động hay thông báo cho cháu ta? Tại sao ta lại chỉ có thể đứng nhìn cảnh tượng này như thế? Trong rất nhiều làn đạn bắn lên xối xả, chỉ có một mình cháu ta ở khu vực đó, một tiếng nổ lớn, khiến cho xung quanh rung lên, rừng núi như gào thét. Bao nhiêu đồng đội của cháu ta ở phía xa kia cũng cảm nhận được sự rung chuyển của đất, của đá, của cả những cây cỏ, cây hoa mà ban ngày vẫn đang rực rỡ khoe sắc.

Bom nổ, cháu ta hòa lẫn vào tiếng bom, sức công phá của bom đã tạo nên áp suất lớn. Cháu ta cũng bị trúng đạn pháo, một bên chân của cháu ta rời đi, văng ra rất xa. Cháu ta nằm xuống giữa một vũng máu, máu của nhiệt huyết, máu của đất trời, máu của một con người luôn sẵn sàng hy sinh. Trong những vết máu vẫn còn đỏ và ấm đó, ta vẫn thấy khuôn mặt của cháu ta, một khuôn mặt trắng trẻo bị lớp máu trộn lẫn, một khuôn mặt thanh tú nhưng mắt đã nhắm nghiền, đôi môi như muốn nói điều gì nhưng dường như cháu ta chỉ có thể mỉm cười, tay vẫn nắm chặt những thông tin giao liên và chắc chắn sẽ không có kẻ thù nào lấy được đi thông tin này. Ta thấy đồng đội của cháu mình chạy tới, cậu ấy hét ầm lên giữa bao làn đạn. Cậu bạn này cũng giống như ta, đã chứng kiến từ đầu sự hy sinh oanh liệt của người bạn mình, người cháu mình. Và chắc chắn cậu Thịnh ấy sẽ là người thông báo cho gia đình về sự hy sinh này của Phạm Thọ Quang.

Máu vẫn chảy ra từ chiếc chân bị cắt lìa, từ trên đầu. Tại sao sức hủy diệt của bom lại có thể lớn đến thế? Tại sao chiến tranh lại khốc liệt đến vậy? Ta thấy cậu Thịnh vẫn đang cố sức cõng cháu ta chạy băng băng trên đường mòn để trở về đơn vị, máu của cháu ta vẫn chảy ướt đẫm người cậu Thịnh bạn mình.

Trận chiến đấu hôm nay thật khốc liệt, nhiều người lính ngã xuống, họ dùng máu để bảo vệ nền độc lập này. Bao nhiêu con người hy sinh ngoài kia, mà thân thể không trọn vẹn, phần chân, phần tay, phần thân thể họ trộn lẫn với nhau.

Đau buồn lắm.

Thương xót lắm.

Ta thấy buồn vì không giúp được gì cho hậu duệ của mình, cuộc sống quá vô thường, ta chưa đủ năng lượng ở tương lai để có thể ngăn bom rơi, ngăn đạn bắn. Ta chỉ biết lặng lẽ nhìn người đồng đội của hậu duệ ta chôn cất đồng đội mình.

Giấc mơ này sao buồn đến thế.

Biết bao những niềm vui đang tới.

Biết bao cơ hội đang chờ đợi hậu duệ của ta.

Còn bao người ở quê hương đang chờ đợi.

Còn cô gái mà hậu duệ ta yêu thương.

Biết bao người lính áo xanh, mũ tròn nằm ở lại đó.

Bao nhiêu con người sẽ biết làm gì với chiếc đàn ghi ta, với những lá thư mà hậu duệ ta viết dở, mong muốn gửi về quê nhà.

Còn lời hẹn ước đưa Hoàng Oanh về Bắc thăm bố, thăm mẹ, thăm anh chị em.

Chiến tranh làm cho bao lời hẹn trở thành bất tử.

Chiến tranh làm cho bao thanh niên sống mãi lứa tuổi đôi mươi.

Ta đủ xúc cảm để hình dung ra sự buồn nhớ của những người lính cùng đơn vị với hậu duệ của mình, nhưng hơn lúc nào hết, bản thân ta muốn bước ra khỏi giấc mơ này.

Ta đang lờ mờ tưởng mình tỉnh giấc, thì lại nghe thấy giọng nói quen thuộc nào đó đang nhắc tới tên ta.

Cái tên Phạm Thọ Khảo này quá lắm rồi, vừa vào cung mà đã kết thân ngay với hoàng thân quốc thích, các ngươi tìm hiểu ngay cho ta vì sao hắn lại có đặc ân của tên hoàng thượng sắp hết thời kia.

Chúng tôi đã tìm kỹ ở phủ của ông ta, đã theo dõi cả ngày cả đêm mọi hành tung của người này.

Vậy các ngươi tìm được những gì, phát hiện những gì, báo cáo cho ta nghe.

Chúng tôi chỉ thấy ông ta rất chăm chỉ luyện võ công, thường luyện với cả gia nhân trong phủ. Ông ta hàng ngày lên triều làm việc, không giao du với bất cứ ai, nhất là trong số những người cùng nhập cung. Đêm khuya ông ta đọc sách rất lâu, thi thoảng lại viết gì đó. Nhiều lần chúng tôi lẻn vào tận thư phòng nhưng chưa tìm được gì.

Các ngươi có thấy gì khả nghi không?

Ngoài việc thường xuyên tới gặp riêng hoàng thượng, ngồi đánh cờ trong đêm trăng thì không có gì bất thường.

Các ngươi chắc chắn không?

À, ông ta còn rất hay có mặt ở chợ.

Hay cái tên này phát hiện ra các ngươi?

Không, thưa đại nhân, vì chỉ duy nhất một lần có giao đấu với gia nhân của ông ta, nhưng hắn không thể phát hiện ra chúng ta được.

Tại sao ngươi chắc chắn là không bị phát hiện?

Vì ngay sau đó về, ông ta vẫn cùng gia nhân luyện võ, không có bất cứ sự thay đổi nào.

Ta không muốn các người bỏ qua bất cứ chi tiết nào, vì sao trong 12 người mới nhậm chức, tên hoàng thượng kia có gặp gỡ 3 người riêng, nhưng chỉ có duy nhất cái tên Phạm Thọ Khảo nhận được đặc ân vào gặp hoàng thượng bất cứ lúc nào. Tại sao tên hoàng thượng lại dành sự quan tâm cho người mới, thiếu năng lực và thiếu sự hiểu biết triều chính như vậy?

Chúng tôi thấy ông ta dâng lên vua một cuốn sách.

Đó là cuốn sách gì?

Cuốn sách đó hoàng thượng để trong thư phòng riêng, tôi chưa thể vào được.

Tìm cách lấy cuốn sách đó về cho ta ngay!

Giọng nói, âm thanh, cách hét lên đó là của Bùi tướng quân. Vậy là ta không chỉ có thể đi đến tương lai, ta còn có thể dịch chuyển được không gian ngay ở hiện tại. Càng ngày ta càng thấy thú vị với chính sự rèn luyện năng lực này của mình.

Đã đến lúc hành động rồi, đại nhân thấy sao?

Ta cũng chưa rõ nữa.

Theo như thông tin ta dò la được từ quan thái giám, cuốn sách mà tên Phạm Thọ Khảo dâng lên chính là tổng kết về những triều đại trước đó, thời huy hoàng, khi lụi tàn, và trong đó có những dấu hiệu cảnh báo.

Sao ông có thể mua chuộc được tên thái giám trung thành đó?

Ta trao đổi bằng tính mạng của mẫu thân hắn ta.

Vậy thông tin ta nhận được có chính xác không?

Tên đó dám nói sai ta sẽ cắt lưỡi.

Đại nhân muốn có hành động gì?

Trong cuốn sách đó nói về những cảnh báo về thời điểm tàn lụi, ta nhân cơ hội này tung tin về hoàng thượng để tạo sự náo loạn trong triều đình

Tung thông tin thất thiệt như thế nào đại nhân?

Chúng ta cho người tung tin khắp trong và ngoài thành rằng hoàng thượng là người hoang dâm vô độ, cả ngày đêm chỉ lo chạy theo các thú vui cá nhân, thờ ơ triều chính.

Điều này có hợp lý không thưa đại nhân?

Ngoài chúng ta ra, không có ai có cơ hội tiếp xúc với hoàng thượng để biết cả, với lại chỉ là tin đồn. Nếu có thất bại cũng chỉ là phép thử.

Vậy còn người ghi chép lại chính sử ở Bộ Lễ?

Ta đã tính hết rồi, ta cũng đã uy hiếp tên đó, không dám làm sai ý chúng ta đâu.

Vậy là thời cơ bao nhiêu năm chờ đợi, bây giờ đã chín muồi rồi phải không đại nhân?

Đúng rồi, chúng ta cùng hành động thôi.

Ta nghe rõ một tiếng nói là của Bùi tướng quân, còn giọng kia, một giọng nói đầy mưu mô, xảo quyệt, một sự sắp xếp rất hoàn hảo cho điều cảnh báo dân chúng thì ta chưa thể nhận ra đó là ai.

Ai có thể cấu kết được với người trong triều, mà còn là quan đại thần?

Ai có thể nghĩ ra được những điều thâm độc đến như thế?

Người đó nói rất đúng, không gì hiệu quả bằng cách tạo tin đồn. Những lời đồn thổi được lặp đi lặp lại, truyền tai, truyền miệng trong dân gian thì chẳng mấy chốc những điều được vẽ ra đó bỗng dưng thành sự thật. Bao giờ cũng theo nguyên tắc, tiếng lành thì đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Người đời bao giờ cũng thích nghe chuyện thị phi hơn là sự thật. Đời có những điều lạ lùng tới mức đó, và chính điều đấy tạo cơ hội, môi trường cho những điều xấu xa hoành hoành trong thành, ngoài thành.

Trong những ghi chép ở các cuốn sách ta đã đọc, có nhiều vị quan, nhiều vị vua vì không chịu được áp lực từ chính những thị phi đồn thổi này mà thoái quan, và thoái vị. Sức mạnh to lớn từ lời truyền miệng là không thể chối cãi. Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Những con người quá thâm độc cho kế hoạch làm hỏng đi hình ảnh của một vị vua đương thời. Nếu như có giấc mơ về tương lai, nhất định ta sẽ tìm đọc để xem lịch sử sẽ nói gì về việc này.

Ta dần dần tỉnh dậy trong sự nửa mê, nửa tỉnh của mình và bỗng thấy Vũ Túc đã chờ bên ngoài để luyện võ:

Vũ Túc đó à, sao không gọi ta?

Dạ, tôi thấy đại nhân ngủ ngon nên không làm phiền.

Lần sau tới giờ thì cứ gọi ta nhé!

Vâng, thưa đại nhân.

Ta đã dạy được cho Vũ Túc cách để trò chuyện trong lúc luyện võ công, và đó cũng là cách để những cái đuôi đeo bám không bao giờ có thể dò xét hay nhìn ra bất cứ thông tin nào từ chúng ta. Những gì họ thấy chỉ là sinh hoạt thường ngày của ta ở phủ, là hoạt động bình thường lên triều, với việc viết sách, với việc nghiên cứu kinh thư.

Thưa đại nhân, hôm nay là ngày giỗ của mẹ công chúa, bà vú nuôi đã nói lại.

Chắc chắn năm nào giỗ mẹ công chúa cũng sẽ không có ai tham dự.

Thưa đại nhân, đúng ạ, ngay cả vú nuôi cũng không có mặt, chỉ mình công chúa tự chuẩn bị tất cả.

Anh hãy nói nhà bếp chuẩn bị đồ, và cử người đưa đến cho bà vú nuôi công chúa, chúng ta xuất hiện không tiện.

Vâng, thưa đại nhân.

Công chúa đến mộ mẹ mình ngay trong vườn hoa, rất ngạc nhiên vì ngôi mộ được dọn dẹp, bày đủ đồ ăn, thức uống của một ngày giỗ trên đó. Công chúa năm nào cũng vậy, đều ngồi ở mộ mẹ mình từ sáng cho đến khuya, nói đủ mọi câu chuyện trên đời. Có năm khi mẹ công chúa mới mất, công chúa còn nằm ngủ quên cả ở ngoài mộ của mẹ, sáng hôm sau mới về.

Tội nghiệp cho những đứa trẻ mất mẹ từ sớm!

Tội cho những người con gái không được mẹ hướng dẫn cách tết tóc, cách lựa chọn trang phục, cách làm những món ăn trong từng dịp đặc biệt.

Và cứ như thế từ khi lên mười, công chúa sống một mình trong cung.

Sau khi xong hết công việc triều chính, ta có bảo Vũ Túc đi cùng để ghé qua mộ của mẹ công chúa, lúc đó trời cũng đã chuẩn bị sang đêm.

Công chúa đang quỳ bên mộ mẹ mình, ở khoảng cách hơi xa nên ta cũng không rõ công chúa đang nói gì, chỉ biết rằng, lần đầu tiên ta nhìn sau lưng mà thấy công chúa cô độc, nhỏ bé đến thế. Một dáng ngồi khiến cho ta day dứt, khi bản thân mình là nam nhi, nhận được sự chăm lo của cả phụ thân, mẫu thân, đến khi ta vào kinh thành, đây mới là lần đầu tiên ta rời xa phụ thân, mẫu thân của mình. Còn công chúa thì suốt bao nhiêu năm qua, không kẻ hầu, người hạ, không có ai bảo vệ, sống trong cung còn đầy rẫy những cam go. Một con người nhỏ bé, mỏng manh như thế mà có sức mạnh phi thường. Ta muốn tiến tới để trò chuyện cùng công chúa, cho công chúa cảm thấy bớt sự buồn nhớ với người đã mãi mãi ra đi. Càng tiến lại gần hơn, ta lại càng cẩn trọng, để không làm cho công chúa mỏng manh đó giật mình, không vô tình làm ngắt ngang đi dòng hoài niệm về người mẹ của công chúa.

Khi đến gần hơn, ta đã nhìn thấy phía xa kia có một đoàn người, đó là lọng, đó là ô che của hoàng thượng. Ta vội ra hiệu để Vũ Túc và ta cùng nấp sau khóm cây lớn, vị trí đủ để ta quan sát và lắng nghe câu chuyện của hai người.

Ta biết thế nào cũng tìm được công chúa ở đây.

Hoàng thượng vừa xong công việc triều chính hay sao?

Ta luôn muốn đến để thắp hương cho Dạ phi.

Cảm tạ hoàng thượng.

Cảm ơn những chiếc bánh mà tháng nào công chúa cũng dâng lên cho ta.

Đó là bánh ngày xưa mẹ vẫn làm cho chúng ta.

Ta vẫn luôn nhớ như in món bánh này tới tận khi ta mười hai tuổi.

Bất cứ lúc nào hoàng thượng muốn ăn, ta đều có thể làm.

Công chúa của ta giỏi nữ công gia chánh như Dạ phi vậy.

Ta nhớ mẹ quá.

Ta hiểu mà.

Ta thấy hoàng thượng vỗ nhè nhẹ lên vai của công chúa. Ta thấy may mắn vì ở trong cung điện lạnh lẽo, vô tình này, vẫn có người quan tâm tới công chúa với tình cảm chân thành. Động lực cho công chúa sống tiếp là con đường đi tìm ra kẻ đứng sau cái chết của mẹ mình. Sự an ủi lớn nhất trong cung dành cho công chúa chính là sự quan tâm của hoàng thượng. Bây giờ thì ta đã hiểu vì sao công chúa vẫn có thể sống yên bình trong cung, vẫn nhận được nhung lụa, bạc vàng. Đây là do sự quan tâm của hoàng thượng.

Hoàng thượng, ta vẫn luôn có một thỉnh cầu.

Ta biết điều công chúa nghĩ, nhưng vẫn chưa đến lúc đâu công chúa.

Vậy khi nào mới đến lúc, thưa hoàng thượng?

Đến lúc đó ta sẽ cho công chúa biết, ta hứa.

Ta luôn chờ đợi và tin tưởng hoàng thượng.

Suốt bao nhiêu năm qua, công chúa đã luôn muốn được ân chuẩn để chính thức điều tra cái chết của mẹ mình, nhưng hành trình miệt mài này vẫn chưa được chấp thuận.

Có ẩn tình gì đó ở đây không?

Liệu hoàng thượng có gì cần giấu công chúa hay không?

Công chúa vô tư đến vậy có kịp quan sát ánh mắt lảng tránh của hoàng thượng hay không?

Hoặc công chúa cảm nhận được rồi nhưng phận nữ nhi, lại hành động một mình sẽ khó khăn mà không thể nào tự ý.

Hãy từ biệt Dạ phi và về cùng ta, ta đưa công chúa về phủ.

Hoàng thượng về trước đi, ta muốn ở lại với mẹ thêm chút nữa.

Công chúa không được ngủ lại đây luôn đâu nhé, giờ công chúa lớn rồi, không thể cứ nằm ngủ bên ngoài được.

Ta biết rồi mà, hoàng thượng về trước đi.

Công chúa còn lại một mình trước mộ Dạ phi, vẫn là sự đối thoại âm thầm giữa hai con người nhân hậu, một người ở thế giới bên kia, một người còn ở lại với niềm khao khát tìm ra nguyên nhân cái chết của mẹ mình.

Thưa đại nhân, hoàng thượng cho người đưa tin mời đại nhân vào cung, hoàng thượng cần gặp.

Được, chúng ta về hoàng cung luôn.

Ta rất muốn tới để chào Dạ phi, nói với công chúa vài lời an ủi, nhưng lúc này có lẽ để công chúa yên tĩnh sẽ tốt hơn, cho công chúa có một ngày bên mẹ trọn vẹn.

Khanh đã tới rồi đó à?

Vâng, thưa hoàng thượng.

Khanh rất quan tâm tới công chúa Dạ Vũ có phải không?

Không có điều gì qua mắt được hoàng thượng, thần luôn trân trọng những người trong hoàng thất, đó lại là công chúa mà hoàng thượng rất quý mến.

Ta phải bảo vệ công chúa vì ta có món nợ với công chúa.

Liên quan tới cái chết của Dạ phi đúng không thưa hoàng thượng?

Ta vẫn đang đi tìm người thật sự đứng đằng sau cái chết của Dạ phi, tất cả cung tần trong cung thời điểm sau này đều nói người hại Dạ phi là hoàng thái hậu, là mẹ của ta. Ta ngồi trên ngai vàng nhưng ta không thể mở cuộc điều tra. Ta sợ nếu kết quả điều tra đúng là mẹ ta theo như lời đồn, thì ta khó lòng có thể gặp mặt công chúa.

Đó là lý do sau khi Dạ phi qua đời, toàn bộ người hầu kẻ hạ trong cung công chúa đều phải ra ngoài kinh đúng không ạ?

Ta không làm việc đó.

Vậy ai làm thưa hoàng thượng?

Ta vẫn đang tìm kiếm.

Vì sao hoàng thượng lại không thể đối diện với chuyện này?

Khanh biết không, từ nhỏ ta đã lớn lên cùng Dạ Vũ, ta nhận được rất nhiều tình yêu thương từ Dạ phi. Trong tất cả cung tần, chỉ có duy nhất Dạ phi dành tình cảm chân thành cho ta, như tình cảm của người mẹ dành cho con trai, không bao giờ có sự giả tạo, không bao giờ có sự lấy lòng, vì Dạ phi chưa bao giờ bon chen sự sùng ái, luôn hài lòng với việc có được công chúa Dạ Vũ, và chỉ mong bình yên nuôi lớn công chúa. Nên khi Dạ phi qua đời, ta cảm thấy buồn như chính mình mất mẹ. Và từ đó ta luôn cho người âm thầm bảo vệ công chúa, dù là vua nhưng ta chỉ làm được thế cho công chúa mà thôi.

Thần hiểu tâm sự của hoàng thượng. Thần tin rằng, với một tấm lòng nhân hậu thừa hưởng từ Dạ phi, công chúa sẽ hiểu cho điều khó nói trong lòng hoàng thượng.

Ta biết là công chúa rất thông minh, chính vì thế công chúa luôn xin sự đồng ý của ta thì mới tìm hiểu nguyên nhân cái chết của mẹ, cho dù chờ đợi bao nhiêu năm, công chúa cũng không tự ý hành động.

Thần biết vì sao hoàng thượng chưa đồng ý cho công chúa thực hiện tâm nguyện này, đó là vì hoàng thượng muốn tìm ra người đứng sau chuyện này trước, đảm bảo sự an toàn cho công chúa.

Cảm ơn khanh vì đã rất hiểu ta, ta rất vui khi khanh quan tâm tới công chúa, hãy cùng ta bảo vệ công chúa.

Thần cũng có một món nợ với công chúa, nên hoàng thượng yên tâm, thần sẽ làm việc này.

Cảm ơn khanh!

Đây có lẽ là cuộc nói chuyện dài nhất của ta và hoàng thượng từ trước đến nay. Cả buổi sau đó, khi ta và hoàng thượng chơi cờ như mọi lần, ta cảm nhận được sự thiếu tập trung trong những nước cờ của người. Tình cảm huynh muội sâu sắc của hoàng thượng và công chúa khiến ta cảm động. Hoàng thượng luôn biết trân trọng những giá trị của tình thân, của tình cảm chân thành. Ta càng thấy yên tâm hơn vì cho dù lúc nào gặp hoàng thượng cũng là một sự cảm nhận có nét thoáng buồn, nhưng ta sẽ tìm cách, tìm cách để biểu hiện của đường nét suy vong sẽ mờ dần trên khuôn mặt của một vị vua chính trực.

LỤC HƯỜNG

________

[1] Bài hát “Cùng nhau đi hồng binh” của nhạc sĩ Đinh Nhu.

[2] Bài hát “Hát mãi khúc quân hành” của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *