Nguyên khí ngàn đời – Tiểu thuyết của Lục Hường – Kỳ 3

Vanvn- Bao nhiêu năm qua công chúa không thể tìm ra người đứng sau cái chết của mẹ mình thì chắc chắn điều này không dễ dàng. Ta sẽ giúp công chúa, ta sẽ phải làm gì đó vì thứ ánh sáng hiền hòa nhất trong bức tranh cung đình này…

Nhà văn trẻ Lục Hường

>> Nguyên khí ngàn đời – Kỳ 2

>> Nguyên khí ngàn đời – Kỳ 1

>> Một tiểu thuyết lịch sử hay về triều Mạc

Chương 5

 

Mở cửa ra ta thấy đất trời đang vào lúc chuyển mùa.

Lá vàng rụng ngoài sân xao xác, tiếng chổi quét sân của người làm vườn cũng trở nên nặng hơn.

Có những cơn mưa chuyển mùa mang theo mùi ẩm mốc khó chịu.

Mưa không xối xả hẳn.

Mưa cũng không lớt phớt.

Cái cảm giác chuyển mùa bằng những cơn mưa khiến cho tâm trạng con người luôn cảm thấy ẩm mốc.

May mắn của ta là đã tìm đủ người hỗ trợ, mọi người vẫn đang tập luyện võ thuật đều đặn dưới sự hướng dẫn của Vũ Túc. Mặc cho thời tiết có mưa lớn, hay nắng to thì cứ đúng giờ, cả đội quân ấy lại tập luyện.

Từng tiếng hô vang trong lúc tập ở sân phủ khiến ta cảm thấy tràn ngập khí thế quyết tâm.

Để ta biết rằng mọi sự chuẩn bị về lượng đã sẵn sàng, ta có thể đương đầu với mọi khó khăn và thử thách trước mắt. Vạn sự thành từ tâm. Nếu quyết tâm với một trái tim kiên định, thì dù khó khăn tới đâu, tất cả chỉ là thử thách.

Ta đang dành thời gian chuẩn bị cho cuốn sách của mình, nội dung đã sẵn sàng, ta sẽ chọn chất liệu, và có lẽ điều này là điều khiến cho ta cảm thấy băn khoăn, mất nhiều thời gian nhất.

Bao nhiêu triều đại, bao nhiêu thời kỳ, các cuốn sách được viết trên tre, trên giấy. Còn ta, sinh ra ở vùng quê có rất nhiều nghệ nhân, có một chất liệu ta luôn quan tâm đó là gốm. Nhưng từ xưa tới nay, gốm chỉ làm vật trang trí, vẽ trên đó cũng chỉ là phục vụ mục đích thưởng thức, còn làm sách trên chất liệu này thì chưa một lần thử nghiệm. Hôm nay ta quyết định có chuyến đi ra khỏi kinh thành, về với làng gốm gần quê hương.

Dọc đường đi, qua những đường làng sâu hun hút, có đôi ba nhà vẫn còn những chòi rơm cao phục vụ cho việc đun nấu, còn nhiều nhà khác thì thấy để những lá khô, những cành củi, có những sân nhà người dân, việc xếp củi ấy rất nghệ thuật, tạo nên hình vuông đẹp mắt. Nhiều gia đình đã như chuẩn bị cho mùa đông đến, cho cái rét thấu thịt, thấu da.

Ở một số sân nhà, trên nền đất có những đứa trẻ để tóc trái đào, đang ngồi chơi nào ô ăn quan, nào chơi chuyền, chơi chắt, những trò chơi mà lâu lắm ta không có cơ hội nhìn thấy bởi việc dùi mài kinh sử, tập trung vào mục tiêu của mình chiếm trọn thời gian.

Que mốt

Que mai

Con trai

Con hến

Đôi tôi

Đôi chị

Ba lá đa

Ba lá đề

Đầu quạ

Quá giang

Sang sông

Trồng cây

Ăn quả

Ta bỗng nhắm mắt lại để nhẩm theo những câu đồng dao gần gũi, thân thiết, một không khí tươi vui mà lâu lắm rồi ta mới lại được cảm nhận.

Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa chết trương

Ba vương ngũ đế

Bắt dế đi tìm

Ù à ù ập

Đóng sập cửa vào

Cả những tích cổ liên quan tới Ba vương, ngũ đế cũng được đưa vào lời đọc đồng dao cho những trò chơi trẻ nhỏ. Kiệu đi qua những ngôi nhà đó từ lâu, mà âm vang trong ta vẫn là những lời đọc đồng dao của trẻ con đầu trái đào với một vài sợi tóc cứ thi thoảng bay bay trong gió. Lúc nào kinh thành cũng thanh bình như vậy, lúc nào người dân cũng được bình an như thế thì những người làm quan như ta, những người làm vua như hoàng thượng sẽ cảm thấy thật an tâm.

Kiệu đi qua chợ, ta ra hiệu cho kiệu đi chậm lại để có cơ hội quan sát kỹ hơn hoạt động của tờ báo tin tức này khi trời sáng, vì bao nhiêu lần có mặt ở đây thì đều là lúc trăng đã lên cao. Chợ có nhiều người mặc mớ ba mớ bảy đang tất tả buôn buôn bán bán.

Người thì đon đả bán lụa, với đủ thứ lụa nhiều màu sắc.

Người thì bán xâu cá, xâu cua.

Người thì ngồi làm những chiếc vòng nhỏ nhỏ để nhiều bà mẹ dành dụm mua sắm cho mình, cho con với hy vọng sẽ có thật nhiều niềm vui.

Chợ náo nhiệt.

Chợ là nơi luôn thiếu vắng sự tĩnh lặng.

Bởi cả tiếng lá đa rụng xuống ở đầu chợ cũng bị lẫn vào bao tiếng ồn ào, bán mua ở ngôi chợ này.

Ra xa hơn khi âm thanh từ chợ xa dần xa dần, ta thấy một mùi hương vô cùng thân quen, đó là mùi của lúa chín, mùi thơm như hương cốm, mùi của sự no ấm, đủ đầy. Mùi hương đã theo ta suốt thời thơ ấu, ta đã chỉ chờ đợi một năm hai mùa để chạy ra thưởng thức mùi hương này sau khi lúa chín đã được thu hoạch.

Thật dịu dàng.

Thật no đủ.

Hy vọng năm nay ít nhất người dân cũng đủ thóc, lúa để ăn.

Và mùi hương ấy khiến ta thấy nhớ quê.

Nhớ phụ thân.

Nhớ mẫu thân.

Nhớ các anh em ở nhà.

Chẳng mấy chốc mà kiệu đã dừng lại ở làng gốm. Bước xuống đã thấy bạt ngàn mẫu mã trước mắt ta.

Nào bình.

Nào chum.

Nào lọ.

Những kiểu dáng bình gốm quen thuộc ta đã nhìn thấy trong cung dường như ở đây đều có đủ.

Có những chum đang được vẽ lên đó những hình theo mùa.

Xuân, hạ, thu, đông

Tùng, cúc, trúc, mai

Có những lọ chỉ trang trí hình bông hoa.

Có những lọ lại trang trí con trâu và cậu bé để tóc trái đào.

Khi được đưa đến nghệ nhân trong làng gốm này, ta đã đưa ra yêu cầu của mình:

Ta muốn viết sách bằng gốm, có cách nào thực hiện được không thưa  đại nhân?

Thưa đại nhân, đại nhân muốn viết nhiều nội dung lên đó không ạ?

Ta viết nội dung vừa phải, nhưng sẽ phải dùng bút riêng đúng không?

Vâng, thưa đại nhân, để chúng tôi chuẩn bị cho đại nhân thử.

Không có việc khó nào mà không có cách để thực hiện, không có chất liệu nào không lưu trữ được thông tin. Ta đã có cuộc trao đổi kỹ lưỡng với nghệ nhân nơi đây, để đặt hàng, nhưng từ khi ta bước đến làng gốm này, ta thấy dự cảm không lành, có người theo dõi hành động của ta.

Mục đích của ta chính là làm sao để nhiều người biết về cuốn sách này, để có một cuộc tìm kiếm cuốn sách chứ không tập trung vào các vấn đề triều chính hiện tại. Điều này ta đã xin ý kiến của hoàng thượng thông qua ván cờ vây, và hoàng thượng hoàn toàn ủng hộ. Ít nhất việc này có thời gian để hoàng thượng chuẩn bị cho những kế hoạch tiếp theo của mình.

Vậy là bước đầu của kế hoạch này đã thành công, luôn có người theo dõi, chú ý đến ta, ta vẫn phải bình thản như không hề phát hiện ra sự có mặt của những người mặc áo đen lạnh lùng. Nhưng khi kết thúc chuyến đi, ta sẽ cử Vũ Túc tìm kiếm, ta cần biết có những ai đang theo dõi hành tung của ta, từ trong phủ đến ngoài kinh thành.

Ta chuyển sang ngắm các đồ dâng vua, ta nhìn những bình gốm được trang trí khác biệt, có những hình rồng uốn lượn, có những màu sắc đặc trưng của chốn cung đình.

Lạ lùng thay, ta nhìn thấy bóng dáng quen thuộc. Ta tìm cách để ra tín hiệu cho Vũ Túc, Vũ Túc cần phải đánh lạc hướng của những người đang theo dõi ta, để ta có thể tiến tới gặp người quen.

Đó chính là công chúa.

Công chúa đang làm gì ở làng gốm này?

Công chúa đang tìm kiếm thứ gì chăng?

Lần thứ ba gặp công chúa, lại là một dáng quan sát rất chuyên tâm, đầy chăm chú, như không để ý tới mọi chuyển động xung quanh.

Công chúa đang tìm kiếm gì đó giữa rất nhiều sản phẩm gốm ở nơi này.

Sau khi biết Vũ Túc và ba cận vệ khác đã chuyển hướng thành công, ta quyết định tiến tới để chào hỏi công chúa. Vừa lúc quan sát xong, đang định tiến tới thì quay lại đã không thấy công chúa đâu.

Chẳng nhẽ công chúa cũng có võ thuật?

Vì sao công chúa lại di chuyển nhẹ nhàng đến thế?

Ta tiến tới chỗ công chúa vừa tìm kiếm.

Cúi thấp theo đúng vị trí tìm kiếm của công chúa, ta thấy những hộp gốm nhỏ, hình vuông.

Công chúa tìm kiếm những hộp gốm nhỏ này phải chăng để giấu bạc, vàng hoặc trang sức khi chôn dưới gốc cây hồng cổ để cho vú nuôi dễ dàng tìm kiếm? Ta đang mải suy nghĩ thì bỗng nhìn xuống đất, có một chiếc khăn tay rơi. Ta cúi xuống nhặt, đưa lên gần mặt thì thấy một mùi gì đó rất lạ, không lẽ công chúa bị bắt đi chứ không phải là công chúa tự đi?

Khăn tay này là của công chúa, vì chỉ công chúa mới dùng loại khăn bằng tơ đặc biệt thế này, trên khăn tay còn thêu hoa hồng. Vì sao lại vậy?

Lo lắng.

Bất an.

Bồn chồn.

Như chính người thân của mình gặp nguy hiểm.

Vì sao lại bắt công chúa đi?

Bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu ta.

Ta phải chờ Vũ Túc và mọi người quay lại mới đi tìm công chúa, hay ta cứ đi tìm trước?

Phải đi nhanh nếu không công chúa sẽ gặp nguy hiểm.

Ta chuẩn bị bước đi thì bất ngờ công chúa đứng ngay trước mặt ta.

Thưa đại nhân, sao đại nhân lại theo dõi ta?

Ta không theo dõi công chúa.

Ta đang đứng ở đây, ta cảm thấy có người theo dõi mình, quả thật có đại nhân, đại nhân đang theo dõi ta.

Vì thế mà trong chốc lát công chúa đã bỏ đi sao?

Đúng vậy.

Công chúa luôn phát hiện được những ánh mắt theo dõi mình à?

Từ nhỏ sống trong cung, ta đã được luyện tập điều đó.

Ta thấy vui lắm khi đang ngập tràn lo lắng cho sự an nguy của công chúa, thì công chúa xuất hiện ngay trước mặt. Những người sống trong cung, nhất là dòng dõi hoàng thất, họ dù có thể võ công không biết, nhưng luôn có trực giác để nhận diện những điều xung quanh mình.

Vậy tại sao công chúa lại quay lại?

Ta không tin đại nhân là người xấu.

Cảm ơn công chúa.

Công chúa thật lạ lùng, ta bỗng cảm thấy muốn gần gũi công chúa hơn, ta có cảm giác thân thuộc như người thân vậy, vì lần nào gặp công chúa cũng là lúc lòng ta cảm thấy bình yên nhất. Không còn nghĩ tới những sự theo dõi, không còn nghĩ tới những khó khăn, ta chỉ bỗng thấy lòng nhẹ bẫng, an yên như lạc vào khu vườn chỉ có hương hoa dịu mát, cùng thật nhiều loài hoa khoe sắc nhưng không quá sặc sỡ, không quá lung linh, tất cả gam màu của bức tranh ấy trở nên hài hòa, tĩnh lặng.

Thưa đại nhân, ta có thể xin lại khăn tay của mình?

Vâng, của công chúa đây.

Đa tạ đại nhân, xin cáo từ.

Ta hiểu vì sao công chúa không đứng đây nói chuyện lâu ở nơi này, bởi có quá nhiều tai mắt đang theo dõi chúng ta. Việc gần gũi, trò chuyện nhiều với người trong hoàng thất sẽ gây nhiều bất lợi cho ta, nhất là trong việc thực hiện mục đích của mình.

Một lần nữa ta đành nhìn dáng đi nhẹ nhàng ấy quay lưng lại và bước đi trước.

Một lần nữa ta vẫn chưa xưng được danh và chưa hỏi được tên của công chúa.

Thật lạ lùng.

Thưa đại nhân, nghệ nhân làng gốm mà đại nhân vừa gặp đã bị những người áo đen đưa đi.

Họ đi về hướng nào rồi?

Họ đi về hướng kinh thành thưa đại nhân.

Những thế lực mong muốn lật đổ vương triều Mạc rất mạnh, ở ngoài kinh thành họ tự tung tự tác. Việc theo dõi ta, việc tra hỏi những người ta gặp và trao đổi, tất cả đều được thực hiện giữa ban ngày ban mặt.

Thưa đại nhân, giờ chúng ta hành động không ạ?

Cứ bình tĩnh chờ đợi ở đây, vì nghệ nhân làng gốm không biết nhiều thông tin, nên ông ta sẽ được thả ra sớm thôi.

Vâng, thưa đại nhân.

Ta đi thêm một vòng quanh làng gốm, lựa chọn những bình có hình nhã nhặn nhất, những loại hộp gốm vuông mà công chúa đang tìm, sau đó mua và nhờ đóng gói cẩn thận. Trong hơn một canh giờ, sau khi ta chọn xong những bình gốm ưng ý thì nghệ nhân làng gốm có mặt tại phòng riêng của ông ta. Đúng như những gì ta dự đoán.

Vũ Túc, hãy mua những đồ này và chuyển về phủ công chúa cho ta.

Vâng, thưa đại nhân.

Ta chuẩn bị những bình gốm gửi cho công chúa với một phép thử. Toàn bộ các bình gốm này nếu xếp lại theo đúng thứ tự của các chữ đầu, sẽ là một câu thơ Đường hoàn chỉnh. Nội dung của câu thơ này chính là lời nhắn nhủ:

Cảm ơn công chúa, ta có thể nhận được sự giúp đỡ của công chúa hay không?

Nếu như công chúa đúng là người hỗ trợ phía trong hoàng thất mà ta đang tìm, thì chắc chắn công chúa sẽ hiểu được lời nhắn này của ta. Còn nếu như công chúa không hiểu thì chắc chắn là chưa hội tụ đủ thời cơ cho hành động tiếp theo mà ta đã tính toán.

Trên đường về, ta đã nhận được những phần gốm, bút viết riêng của nghệ nhân làng gốm chuẩn bị, mọi thứ đều trong bí mật. Vì ta đã lường trước việc nghệ nhân làng gốm có thể bị tra hỏi, nên ta và đại nhân ấy đã bàn bạc sẵn câu trả lời. Đây là người quen biết với phụ thân ta, nên chắc chắn kế hoạch này của ta sẽ không thể có sai sót, và điều này được chứng minh khi chỉ đúng sau một canh giờ, nghệ nhân làng gốm được thả ra, ông ấy đã làm theo đúng mật hiệu được quy định, khi về an toàn và đưa ra đúng thông tin cần thiết.

Thông tin đó đã được chuyển đi, việc phân tích, hiểu từ phía bên kia chính là điều ta đang chờ đợi. Và điều ta chờ đợi hơn chính là phản ứng từ công chúa.

Đường về bao giờ cũng nhanh hơn đường đi, chẳng mấy thời gian ta đã có mặt ở phủ. Ta ngồi thưởng trà sau một ngày di chuyển, ngắm nhìn giỏ hoa lan trước phủ, để chuẩn bị cho đêm nay bắt đầu viết các nội dung lên gốm.

Thời gian tĩnh lặng nhè nhẹ trôi.

Thời gian khi chuyển từ chiều tà vào đêm trong những ngày thanh mát thật dễ chịu, nhất là sau khi đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch và đạt được như mình mong muốn.

Vẫn có ánh mắt dò xét từ đâu đó phía ngoài.

Vẫn có sự theo dõi thường trực dành cho ta.

Nhưng không sao, ta đã học được ở kinh thành này khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc, ta vui hay ta buồn, ta suy tư hay ta đang thả hồn trong những suy ngẫm, thì tất cả chỉ ở một nét mặt. Nét mặt của sự tập trung, nét mặt của sự bình thản.

Thưa đại nhân, tôi đã về!

Vũ Túc đó à, anh hãy vào thư phòng của ta.

Khi cánh cửa được đóng lại, Vũ Túc sẽ có thời gian năm phút để báo cáo nội tình với ta, sau đó thì sự di chuyển gần hơn của những người đang theo dõi sẽ khiến chúng ta không thể nói chủ đề cũ được. Điều này đều được ta dặn dò Vũ Túc, anh ta hiểu ý rất nhanh.

Thưa đại nhân, tôi đã làm theo lời đại nhân dặn dò. Ngay khi nhận được những đồ gốm, công chúa đã cho mang vào bên trong và tìm cách sắp xếp các bình gốm này.

Công chúa sắp xếp theo thứ tự nào?

Công chúa không sắp xếp theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, hay từ nhỏ đến lớn mà đi tìm các chữ.

Vậy cuối cùng công chúa nói gì?

Thưa đại nhân, khi sắp xếp hết lại với nhau, công chúa đọc lên một câu thơ.

Đó là gì?

Công chúa đọc là dùng gốm gửi lời cảm tạ, người nhận có thể đồng hành với ta không? Công chúa còn nói đây là một câu thơ cổ đời Đường.

Công chúa còn nói gì nữa không?

Thưa đại nhân, công chúa lúc đó nhắn với tôi rằng, hãy nói lại với đại nhân là Ta đồng ý.

Đúng hết thời gian cho những nội dung không muốn bị lộ, Vũ Túc khẩn trương dọn dẹp thư phòng và nói ta hãy đi nghỉ sớm, mai còn vào triều. Ta cho Vũ Túc lui ra, ta sẽ dành thời gian cho công việc của riêng mình.

Ta thật bất ngờ với sự tinh tế và thông minh của công chúa.

Ta thật sự vui mừng khi tìm được một người đồng hành với việc lớn mình đang ấp ủ.

Từ trước tới nay ta chưa bao giờ nghĩ nữ nhân có thể làm nên việc lớn, nhưng ngay từ lần đầu tiên chạm mặt, nhìn thấy sự quyết đoán của công chúa, nhìn thấy sự nhanh nhẹn của công chúa, ta đã có cảm giác, công chúa không đơn giản chỉ là phận nữ nhi bình thường. Công chúa có thể làm được việc lớn bằng chính trái tim nhân hậu, sự thông minh của công chúa. Và ta thật không ngờ ở giữa chốn kinh thành đầy thị phi, đầy ghen ghét, đố kỵ, khi mọi người chỉ tìm cớ để lật đổ nhau, tranh chấp với nhau lại có một công chúa vô tư, nhân hậu, thông minh đến thế.

Ta cần chuẩn bị hoàn thành cuốn sách của mình.

Ta cần tìm cách để liên lạc với công chúa mà không làm công chúa gặp nguy hiểm.

Trong đêm trăng đó có ta đang miệt mài viết.

Trong đêm trăng đó có công chúa đang đi đi lại lại trong sân để suy nghĩ về những việc sắp tới của mình, khi hôm nay nhận được thêm một thông điệp.

Trong đêm trăng đó có một sự tin tưởng tuyệt đối của ta dành cho công chúa.

Trong đêm trăng đó công chúa khi quả quyết chuyển lời “Ta đồng ý” cũng đã hiểu rõ vận mệnh vương triều và đặt niềm tin vào một vị quan là ta.

Trong đêm trăng đó có hoàng thượng đang ngồi bên ấm trà, bánh tráng miệng được công chúa tự tay làm và dâng lên lúc chiều.

Hoàng thượng cũng đang hiểu ra điều gì đó và khuôn mặt giảm bớt sự suy tư.

Trong đêm trăng đó, vẫn có những con người dùng thân thủ võ công của mình theo dõi cung hoàng thượng, theo dõi động tĩnh phủ ta, đứng ở chỗ chợ, nơi có mùi bã chè ẩm mốc.

Và ta tin rằng, đêm trăng này có nhiều người không ngủ bởi ai cũng có những suy ngẫm rất riêng.

Vũ Túc, anh có hoàn thành được nhiệm vụ hôm nay ta đã giao không?

Thưa đại nhân, canh ba người đó sẽ tới gặp đại nhân tại mật thất.

Chúng ta luôn tranh thủ những khi bao ánh mắt, bao đôi tai mất cảnh giác để trao đổi những điều quan trọng. Theo quan sát của ta nhiều ngày qua, khi chuẩn bị đến canh ba là lúc những người theo dõi ở phủ ta đổi người, nên trong thời gian một canh giờ, ta có thể gặp gỡ, trao đổi công việc với ai hoặc làm gì thì những thông tin này sẽ không bị lộ.

Sống ở trong kinh thành phải nín thở mà sống, thở nhè nhẹ, thở khẽ khàng và thở một cách bình lặng, đó là cách tốt nhất để an toàn vượt qua mọi hiểm nguy.

Cuộc sống trong cung cấm càng ngột ngạt hơn khi có nhiều lớp bảo vệ hơn, nhiều con mắt hơn, nhiều đôi tai hơn, dường như mùi vị vương quyền luôn có sức hấp dẫn đến kỳ lạ, để ai cũng nhòm ngó, mong muốn được thử cảm giác đứng trên muôn dân. Nếu như có cách nào đó để những người có ham muốn vương vị được trải nghiệm cảm giác làm vua trong một tháng, với đầy rẫy những gánh nặng giang sơn, với bao lề thói khắt khe của xã tắc, với những áp lực mà không phải ai không qua rèn giũa cũng có thể ngồi vào.

Mỗi con người sinh ra đã được đặt vào một vị trí nhất định, phúc đức tích lũy chỉ làm cho con người đó đến đích nhanh hơn, giảm bớt đi những đau khổ, dằn vặt hay những nỗi buồn về tinh thần để sống một cuộc đời an nhiên với vinh hoa, phú quý. Có rất ít con người được đặt vào sai vị trí mà tạo hóa đã ban tặng. Ai cũng hiểu được điều này thì ta đã không phải dùi mài kinh sử vào kinh để thực hiện cuốn sách này.

Thưa đại nhân, người đó đã chờ đại nhân trong mật thất.

Ta vào đó ngay đây, anh canh giữ ở bên ngoài.

Vâng, thưa đại nhân.

Khá lâu khi mật thất này hoàn thành ta mới bước vào, và đây cũng là vị khách đầu tiên của ta trong mật thất.

Chào đại nhân!

Chào bà!

Đại nhân có việc gì cần sai bảo ta?

Ta muốn bà giúp đỡ ta trong việc liên lạc với công chúa.

Vì sao đại nhân muốn liên lạc với công chúa?

Bà đừng lo lắng, ta không làm gì hại công chúa cả, công chúa cần thực hiện một sứ mệnh đặc biệt.

Ta rất lo lắng, vì trước khi mẹ công chúa mất đi, người cũng dặn ta là hãy chăm sóc thật tốt cho công chúa vì công chúa sẽ thực hiện một sứ mệnh đặc biệt.

Mẹ công chúa mất khi nào vậy?

Mẹ công chúa mất khi công chúa lên mười. Công chúa ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ, một phi tần bình thường nhưng đầy lòng nhân hậu, tất cả bạc, vàng, trang sức của người đều được quyên góp để xây chùa, giúp đỡ người nghèo.

Vậy là bà chăm sóc công chúa từ đó đến nay?

Không, ta chăm sóc công chúa từ nhỏ đến khi công chúa lên mười, vì khi mẹ công chúa mất, chúng ta bị đuổi ra khỏi cung.

Ai lại đuổi toàn bộ cung nhân ra khỏi cung, vậy ai chăm sóc công chúa?

Công chúa đã phải tự mình chăm sóc bản thân. Vài năm gần đây, cung công chúa mới có thêm cung nhân.

Bà có thể cho ta biết thêm lý do gì không?

Ta… Ta… Ta không biết gì nữa.

Ta biết bà rất rõ những uẩn khúc này, chỉ có điều bà đang lo lắng vì sợ ta sẽ làm hại công chúa. Ta muốn gặp bà hôm nay để tìm cách bảo vệ công chúa.

Làm sao để ta có thể tin tưởng được đại nhân?

Ta đã chứng kiến việc công chúa gửi bạc, vàng để bà mua đồ nấu cháo cho người nghèo. Ta nợ công chúa một lời cảm ơn, một lần giúp đỡ.

Thôi, đại nhân không phải nói đâu, ngay khi ta nhận lời tới đây, ta đã phần nào hiểu đại nhân là người như thế nào. Công chúa cũng đồng ý sẽ hỗ trợ đại nhân, nên ta không có lý do gì để không tin tưởng đại nhân cả.

Cảm ơn bà!

Trong gần một canh giờ an toàn đó, người vú nuôi của công chúa đã kể cho ta nghe thật nhiều chuyện xảy ra từ nhiều năm trước.

Công chúa được sinh ra bởi một phi tần đầy nhân từ, trong một đêm đông, với hương hoa thơm ngát. Phụ hoàng khi đó rất sùng ái mẹ của công chúa, nên cùng chờ đợi giây phút công chúa chào đời. Đêm công chúa ra đời, bao nhiêu loài hoa lẽ ra chỉ nở ban ngày thì đêm đó cũng bung nở rực rỡ, đó chính là lý do, khi nhìn thấy cảnh tượng này, phụ hoàng đã đặt tên cho công chúa là Dạ Vũ.

Mẹ của công chúa là phi, nhưng rất được yêu thương, đó cũng là lý do để những sóng gió đến với người. Những cung tần, mỹ nữ khác, ngay cả hoàng hậu biết được mẹ công chúa hay mang đồ trang sức đi quyên góp xây chùa, giúp đỡ người nghèo mà thi thoảng lại loan tin mất đồ để đổ oan cho người.

Mẹ công chúa đã an nhiên, tự tại, nhẹ nhàng vượt qua mọi thị phi.

Đó là người mẹ duy nhất trong cung dạy cho con gái mình học chữ, đọc sách thánh hiền bên cạnh những buổi học về cầm, kỳ, thi, họa.

Đến năm công chúa 10 tuổi, bất ngờ trước ngày sinh nhật công chúa, mẹ công chúa đột ngột qua đời, bà qua đời nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ. Sau này, công chúa tìm được chiếc khăn tay của mẹ rơi ở trong phòng, ở góc rất kín. Trên chiếc khăn đó không phải mùi hương mà mẹ hay dùng, nên công chúa đã luôn có sự nghi ngờ về cái chết của mẹ mình. Công chúa vẫn luôn nỗ lực ở lại cung, sống khổ cực, vượt lên mọi khó khăn để mong muốn tìm được nguyên nhân trong cái chết oan ức của mẹ.

Công chúa luôn nghĩ rằng mẹ đã để rơi khăn tay ở cõi trần, nên cứ tới gần ngày mẹ mất, năm nào công chúa cũng về làng gốm tìm hộp nhỏ, làm một chiếc khăn tay để bên mộ của người.

Công chúa còn nhỏ tuổi mà đã chịu biết bao khổ cực như thế, sống trong cung một mình trong nỗi đau mất mẹ, phụ hoàng có lẽ là người yêu thương công chúa thì cũng qua đời chỉ sau khi công chúa chào đời được mấy ngày. Ngay sau đó ngôi báu được truyền lại cho vua Mạc Mậu Hợp, và hoàng thượng lên ngôi năm người mới lên hai. Là anh em cùng cha khác mẹ, dù hoàng thượng có nhân từ cũng không thể cho công chúa nhiều đặc ân hơn được vì trong cung cấm có những phép tắc nhất định.

Càng ngày ta càng thấy trong cung có nhiều điều kỳ lạ.

Bao nhiêu năm qua công chúa không thể tìm ra người đứng sau cái chết của mẹ mình thì chắc chắn điều này không dễ dàng.

Ta sẽ giúp công chúa, ta sẽ phải làm gì đó vì thứ ánh sáng hiền hòa nhất trong bức tranh cung đình này.

LỤC HƯỜNG

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *