Vanvn- Với tập thơ “Thủ thỉ phù sa”, Nguyễn Đinh Văn Hiếu đã đem đến cho độc của của mình một miền Tây đậm đà bản sắc văn hóa. Xứ quê chín nhánh sông hiện lên thật đẹp trong từng câu chữ, từng địa danh, những lễ hội, những món ăn, lời ca, điệu múa… Tập thơ nhỏ nhưng gói trọn vào nó một vùng đất bao la, câu chữ ít nhưng bừng sáng lên những thảo thơm hiền hòa.

Tháng 4, Nguyễn Đinh Văn Hiếu gởi tặng tôi tập thơ “Thủ thỉ phù sa” vừa phát hành của anh. Một tập thơ nhỏ gọn, xinh xắn theo thể loại thơ 1,2,3 mới lạ. Có một dạo thể thơ mới này gây ra một cuộc tranh luận, nhưng kì thực vẫn thu hút sự quan tâm và là mảnh đất mới để các nhà thơ, người sáng tác thử thách mình. Thể thơ 1,2,3 càng ngày càng được công chúng lẫn giới văn chương quen dần và chấp nhận như một trường phái sáng tạo mới mẻ, giản đơn nhưng đòi hỏi nội lực của người viết theo dạng thơ này.
Nguyễn Đinh Văn Hiếu cũng thế, hấp lực của sự sáng tạo khiến anh bắt đầu mày mò và từ đó đắm đuối lúc nào chẳng hay. Tập thơ “Thủ thỉ phù sa” chính là kết quả của cả thời gian gieo mình vào dòng thơ mới này. Thơ suy cho cùng dù thể loại nào thì cũng là một phương cách nói lên tiếng lòng và đi tìm sự đồng điệu của người viết. Đọc thơ 1,2,3 của anh, độc giả dễ dàng nhận thấy một giọng thơ đặc trưng của vùng châu thổ Cửu Long với chín nhánh sông được phù sa bồi đắp.
“Con sông Cần Chong ngăn ngắt mấy lời thề
Theo từng chuyến lúa chất đầy ghe hồi ba quen má
Nắng vịn đầu ngọn sóng tưởng hồng hào duyên con gái
Chỉ vậy thôi mà hơn bốn mươi năm nồng đượm nghĩa trầu cau
Má nuôi ba ốm đau, ba chăm má khi trở trời trái gió
Tối thủ thỉ nước lớn ròng nuôi sông đắp phù sa.”
Câu chữ anh dường như được tạo thành bởi phù sa, nên ngọt nồng những âm điệu đặc trưng của miệt đồng bưng. Đọc lên cứ nghe như sóng nước bủa vây quanh mình, nghe đâu đấy trong lòng thổn thức một niềm nhớ thương rưng rức. Mỗi bài thơ như một câu chuyện của châu thổ Cửu Long.
“Khi đèn lồng gió lên cao
Ok-om-bok trăng tròn gương mặt thiếu nữ
Điệu Lâm Thôn uốn cong từng ngón tay thon
Long Bình hò dô dậy khúc sông thúc ghe ngo tóe sóng
Vị cốm dẹp trộn dừa béo ngọt môi ngon
Em kiêu kì bước ra từ huyền thoại ao Vuông”

Thơ của anh giáo Trà Vinh đượm thắm những mảng miếng văn hóa vùng miền, những thức ngon xứ sở, gợi lên một nét quê chân phương của thời xa lẵm. Ở đó chúng ta nghe được những điều hò, xự, xê, xang, cống, u, liu của đờn ca tài tử; chúng ta thấy được chín nhánh sông với những phận đời trôi nổi thương hồ gieo neo dâu bể bám vào con kinh, khúc lóng, đoạn rạch mà sống; chúng ta biết được những câu chuyện huyền thoại của thời mở đất khai hoang miệt thứ quyến dụ và đầy bí ẩn; chúng ta đau cho nỗi niềm đất vỡ, sông khát, và đoàn người lữ thứ xuôi cánh chim di mải miết tìm về thị thành; chúng ta thấy một vùng trù phú thảo thơm xanh lành nay cô đơn cằn cỗi bởi ánh mắt già nua mỗi bận chiều hôm khói đốt đồng hay nhà ai um khói cay nồng chái bếp…
“Thủ thỉ phù sa” của Nguyễn Đinh Văn Hiếu dường như tìm được cho mình một giọng điệu thơ riêng biệt, gãy gọn và chân phương. Thể như bản xứ trong anh tự khắc đã thành thơ. Thơ anh cứ vậy mà lai láng dâng trào. Đến một thời khắc chỉ cần tập hợp lại, đã đầy đặn thành một cuốn thơ đậm đà như phù sa xứ mình.
“Theo em qua Long Bình một tối mưa
Rượu Xuân Thạnh đầu bờ mới nhắm đã tê đầu lưỡi
Miếng tôm khô Vinh Kim mặn mòi thấm dịu bờ môi
Rẽ giồng cát hai bên xanh mượt đưa anh vào phum sóc
Hôi hổi nồi canh xiêm lo rau rừng khói bốc đến tận lòng
Kèn trống rộn ràng vui điệu Răm Vông phập phồng mưa ấm.”
Hay như cái bản tính hào sảng, bất cần, mê đắm tuồng tích, mộ điệu bài bản cải lương của người miền Tây cũng nhẹ tênh đi vào thơ anh một cách nhuần nhuyễn mà thương thắt thẻo.
“Đêm Tân Quy ngồi mạn xuồng nghe kể bối trên sông
Nâng chén rượu ngang mày uống phù sa cạn cùng bồi bãi
Gió đun đúc cửa vàm thấp thoáng bao ánh lửa ngoài xa
Vọng cổ xuống hò váng mặt sông lênh láng cống xự xang
Dấu chân cha ông mở đất hiện trong hình hài bãi tiên
Mặc kệ con vịt, con gà, vải vóc sau xuồng vừa bị cuỗm.”
Với tập thơ “Thủ thỉ phù sa”, Nguyễn Đinh Văn Hiếu đã đem đến cho độc của của mình một miền Tây đậm đà bản sắc văn hóa. Xứ quê chín nhánh sông hiện lên thật đẹp trong từng câu chữ, từng địa danh, những lễ hội, những món ăn, lời ca, điệu múa… Tập thơ nhỏ nhưng gói trọn vào nó một vùng đất bao la, câu chữ ít nhưng bừng sáng lên những thảo thơm hiền hòa. Đọc tập thơ anh, như từng bước chậm ghé đến miệt đất phù sa. Ngó qua bên này thấy câu vọng cổ rơi đâu đó trong loang lổ chiều quê. Nhìn về bên kia nghe châu thổ vọng tình đất tình người âm ba theo sóng nước triền đê. Tất thảy cảm xúc đó, tựa thể như mình thương châu thổ từ lâu, thương như người miền Tây hay nói: Thương thí mồ tổ đó quơi!
TỐNG PHƯỚC BẢO