Vanvn- Sau khi người Pháp cơ bản ổn định tương đối sự thống trị trên toàn cõi Việt nam vào năm 1884 thì đến năm 1898 chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp ra đời, trong đó đã bao gồm cả kế hoạch dùng văn hóa để phục vụ cho nền kinh tế thực dân.
Ngày 15.12.1898, phái đoàn khảo cổ Pháp tại Đông Dương đã đặt trụ sở tại Sài Gòn. Từ đó, các nhà khoa học Pháp quốc đã bắt đầu đặt chân tới nhiều vùng xa xôi hẻo lánh tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát, thăm dò, khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học nằm rải rác trên nhiều vùng miền của đất nước ta.

Ngày 20.1.1900, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định đổi đoàn khảo cổ học Đông Dương thành Pháp quốc Viễn Đông bác cổ (EFEO). Tổ chức này được thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm về các vấn đề lịch sử, dân tộc học, khảo cổ học, kiến trúc, nghệ thuật, ngôn ngữ, văn học dân gian, phong tục tập quán của 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) và một số nước lân cận như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonexia, Malaixia, Thái Lan…
Ngày 30.9.1901,Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định thành lập Ủy ban Cổ vật tại Bắc kỳ (Coumrssion dec antiqui tes de Tonkin) với nhiệm vụ điều tra sưu tầm, xếp hạng các di tích di vật lịch sử, khảo cổ, dân tộc và nghệ thuật ở miền Bắc nước ta. Trụ sở của cơ quan này được đặt tại Hà Nội.
Theo cuốn sổ thống kê những hiện vật sưu tầm được của Sở Dân tộc học thuộc Bảo tàng Louis – Finot: “Chúng ta nhận thấy những hiện vật có nguồn gốc từ khắp mọi nơi lần lượt được đưa vào lưu giữ như: các khuôn tượng bán thân của những dân tộc khác nhau cùng với công cụ nghề dệt, guồng nước, xích tay và tranh ca kê mô nô của Nhật, những vật dụng ở mọi thể loại, bộ sưu tập rất phong phú về vũ khí, những con thuyền độc mộc và có khi là cả những ngôi nhà”, “nhà khảo cổ Pajo đã tìm thấy tại Thanh Hóa 150 hiện vật và đã lập ra phòng trưng bày khảo cổ”.
Những hoạt động tích cực của các học giả Pháp đã mang lại kết quả là rất nhiều di chỉ khảo cổ được phát hiện. chỉ riêng tại Thanh Hóa, Ty Văn hóa Thông tin – Thanh Hóa đã thống kê: “trên 50 năm làm công tác bảo tồn – bảo tàng, người Pháp đã khai quật hàng trăm địa điểm thời đại đồ đá, vài địa điểm đồ đồng và một số mộ cổ”.
Một số nhà khảo cổ học người Pháp tiêu biểu đã có những đóng góp lớn trong công tác bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam nói riêng và Đông dương nói chung:
Ông Gustave Dumoutier là một nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng của Pháp quốc, ông là người tiên phong trong lĩnh vực khảo cổ học tiền sử tại Việt Nam. Ông là người có rất nhiều các công trình nghiên cứu về các ngôi chùa tại Hà Nội. Với khả năng về chữ Hán và quốc ngữ trong các công bố nghiên cứu của mình ông đã giới thiệu đến độc giả rất nhiều vấn đề liên quan đến tấm bia thờ tự, chú giải, câu đối… tại các ngôi chùa của Hà Nội. Dumoutier còn được biết đến là một nhà Hà Nội học, ông là người đầu tiên thực hiện những bản thống kê về các ngôi thành Cổ Loa, Hoa Lư và Đại La.

Bà Madeleine Colani là một nhà khảo cổ học đã làm việc tại Sở Địa chất Đông Dương từ năm 1920 đến năm 1939. Bà đã nhận học vị tiến sĩ đại học rồi tiến sĩ quốc gia tại Pháp.
Cùng với người em là E’le’Onore, bà đã miệt mài đi khắp đất nước Việt Nam và tiến hành rất nhiều các cuộc khai quật trong đó có những cuộc khai quật nổi tiếng tiêu biểu như: cuộc khai quật tại dãy núi Bắc Sơn, những hang động ở Hòa Bình, những nghiên cứu về Nghệ An, Sa Huỳnh, vịnh Hạ Long, hay tại Lào là những ngôi mộ cổ lớn tại cánh đồng chum Huapan. Bà là người có những ảnh hưởng lớn đối với ngành khảo cổ học tiền sử Việt Nam. Bà Colani xứng đáng được người Việt cũng như người Lào biết đến và vinh danh, với những đóng góp to lớn.

Ông Henri Parmentier là một nhà khảo cổ học người Pháp, một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Champa cổ. Ngay sau khi phái đoàn khảo cổ học Pháp được thành lập năm 1898, Henri Parmentier được bổ nhiệm làm kiến trúc sư phụ trách việc thiết lập bản danh mục mô tả những công trình Champa ở miền Trung Việt Nam. Ông gia nhập viện Viễn Đông Bác cổ năm 1900. Công việc đầu tiên của ông trong khảo cổ là nghiên cứu tầm quan trọng của các đền thờ Baal-Hammon. Ông tham gia vào các cuộc khảo cổ tại Mỹ Sơn (1901 – 1904), Đồng Dương, Chánh Lô (1905), và Bantey Srey (1906). Năm 1904, những tài liệu cơ bản nhất về Mỹ Sơn đã được ông và Louis Finot (Giám đốc đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác Cổ) công bố. Qua công trình nghiên cứu của ông, ta biết vào đầu thế kỷ 20, Mỹ Sơn có 68 công trình kiến trúc mà Parmentier chia thành các nhóm từ A, A’ đến N. Parmentier cũng là người đảm nhiệm việc khôi phục lại các đền thờ Po Nagar(Tháp Bà) và Po Klaung Garai tại Nha Trang từ năm1905 tới năm 1908. Trong khoản thời gian này, ông chuẩn bị cho các chương trình bảo tồn Angkor Wat và phục chế các bộ sưu tập cổ vật tại bảo tàng của Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội (nay là Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam). Ông cũng góp phần xây dựng Viện bảo tàng tại Đà Nẵng, (nay là Viện Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng). Cho đến khi mất, Parmentier dành nhiều thì giờ chú tâm đến ngành khảo cổ, thu thập các tài liệu viết tay, bảo tồn các công trình nghiên cứu, và phục hồi các di tích Angkor.
Ông Victor Goloubew là một học giả gốc Nga làm việc cho Viện Viễn Đông bác cổ Pháp, đã có những đóng góp lớn cho việc khai quật, nghiên cứu văn minh Đông Sơn, từ nền văn hóa cổ này, Goloubew đã có những liên hệ thú vị với đời sống của dân tộc Mường của nước ta.
NGUYỄN HOÀNG HIỆP
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Thị Huệ, Lược sử sự nghiệp bảo tồn bảo tàng Việt Nam từ 1945 đến nay, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, 2005.
- Trần Quốc Vượng, Hà Văn tấn, Diệp Đình Hoa, Cơ sở khảo cổ học, nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội, Hà Nội, 1978.
- Viện KHXH Việt Nam và Viện Khảo cổ, Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, tập I, II, nxb KHXH, Hà Nội, 2005.