Người đứng lâu trên bến Âu Lâu

Vanvn- Riêng tính các tiểu thuyết về địa văn hóa – chính trị miền núi phía Bắc, thì trưởng thượng Ma Văn Kháng mê đắm, tỉ mỉ và sắc sảo đã đặt chân lên đỉnh Fansipan từ lâu. Mà xem ra hiện từ cầu Nhật Tân hắt ngược Lào Cai thì chỉ Hoàng Thế Sinh xứng là kẻ kế vị nếu so sánh lượng trang tiểu thuyết và sự lăn xả vào văn chương…

Nhà văn Hoàng Thế Sinh

 

1. Chẳng biết với nhiều hay ít trong chúng ta sở hữu hơn một mối quan hệ chẳng nhớ đã quen thế nào bỗng trở thành bạn thiết. Và khi đặt câu hỏi họ trở thành bạn thiết lúc nào thì ta cũng chẳng biết. Tự như sông chảy mưa rơi. Lâu không nghĩ đến họ mình nhạt thiếu, mà nhắc đến thì hình ảnh họ lại quấy cảm giác, thúc ta tìm ngay lý do một cuộc hẹn.

Người “ám” tôi cách ấy là Hoàng Thế Sinh. Một cá tính hợp dung đồng bằng, phố thị và miền cao. Một trường văn ngộn chất sống tưởng ngẫu hứng trong phân biệt trắng đen. Một người bạn của những người xứng làm bạn bất phân biệt độ tuổi, luôn thèm bạn, luôn đợi bạn trên bến Âu Lâu dù cầu kia đã nối…

2. Ngày cuối tháng xuân 2018, con Toyota gầm cao chông chênh đưa chúng tôi từ Lai Châu vượt những đèo sương trơn và những mưa cơn đồng bóng rồi cũng tới Sapa.

Hà Phạm Phú bấm điện thoại: Bảy giờ mười lăm. Văn nhân họ Hà thở dài. Đoàn hẹn với Thế Sinh, trước lúc quay lưng với Tam Đường dự tính cuộc offline bên bến Âu Lâu. Doanh nhân Lại Đức Thành-cựu sĩ quan thông tin, đảm trách hậu cần, đề xuất:

– Các huynh ơi. Có lẽ ta lấy phòng nghỉ lại. Sáng mai tính, được không ạ?

– Đừng đùa với Thế Sinh. Đêm nay không gặp chúng ta là cha ấy xách can rượu đứng đến sáng ở điểm hẹn cho mà xem- Hà đại nhân thủng thẳng, quay sang bên: Lái xe đi tiếp được không?

Cậu lái tới tấp gật. Vừa lúc điện thoại trên tay tôi tinh tinh như tin nhắn chuyển tiền. Thế Sinh Yb call. Câu giờ, tôi xin ý kiến Hà Phạm Phú nên trả lời thế nào.

– Có thế nào nói thế… rằng chúng ta vẫn quyết tâm.

Và từ lúc đó, khoảng 30 phút Hoàng Thế Sinh lại gọi. Chia đều ba số máy của Hà Phạm Phú, tôi và Lại Đức Thành. Nội dung vẫn chỉ một:

– Đâu rồi? Anh em đến dao quăng nào rồi. Nhớ nhé, Thế Sinh này vẫn đứng ở đây, bên bến Âu Lâu. Rượu sẵn rồi. Nhà hàng đặt rồi. Muốn dê có dê, thích ngựa thì ngựa…

– Dạ….Vầng…vầng…ạ. Vầng…â…ng.

Dường như chưa an lòng, Thế Sinh lại thăm dò, vẻ lo lắng:

– Này, hỏi thật các ấy nhé. Có cần giai nhân tiếp rượu và biết đọc thơ cho nhã không?.

– Dạ…dà…cái đó thì thì…

– Hơi căng, những đám trong sáng thực sự yêu văn thơ của chúng ta thì khó rời nhà lúc này.- Âm giai Thế Sinh, ngắc ngứ, đau khổ.

Rủi, đến khúc quanh Móng Sến, nơi hiện đang dựng cây cầu cạn cao nhất  xứ Việt, trên cao tốc Lao Cai – Sa Pa, thì tắc đường: Một chiếc đầu kéo công lỡ lái vật ngang chình ình.

Và điện thoại chúng tôi vẫn lần lượt reo.

3. Cảm giác Hoàng Thế Sinh trong tôi luôn bị phân tâm hình ảnh của chính ông. Những năm ông bốn mươi và hình ảnh ông sáu mươi. Dường như chúng chậm luân chuyển. Gương mặt sáng đẹp, mũi cao, thẳng, ria cợp, mái tóc đen màu tóc Nguyễn Đình Thi thời trẻ, mắt vẩn hơi men như một trò chơi trận giả, bởi sau những câu thoại lơ ngơ, hài hước thì vụt ánh lên tia sáng xuyên thấu tâm can người trước mặt. Nếu đội chiếc mũ rộng vành, áo chẽn đỏ, khuy bạc, quần bó sọc nẹp ống, giày mõm nhọn gắn dây xích, ôn cây đàn ghi ta, nghêu ngao, ậm ừ thì những ai đã trải sẽ tưởng Thế Sinh vừa thức giấc dưới bóng cây tiêu huyền, và đang “khủng bố” thơ Lorca, trong khi chờ trận đấu bò ở Sevilla thủ phủ miền Andalucía .

Nhưng còn một Thế Sinh tuổi bốn mươi, mũ nồi đen kiểu trưởng bản, chức sắc các tộc người miền cao ưa dùng, veston demi sáng kẻ ô chiều nhuôm nhuôn xám, khụng khịnh quần cứng kễu kaki lộ cộ simili, chân giày lính Liên Xô cậm kịch như trâu qua sân gạch. Và đương nhiên khoác chéo vai chiếc túi thổ cẩm, sờn sờn cũ cũ, hoa văn chẳng rõ Tày hay Thái. Trong cuộc rượu, cần hỏi đến số điện thoại của ai đó, chàng Thế Sinh vẹo người, thọc tay vào túi lôi ra cuốn sổ tay bìa giả da loáng mồ hôi và dầu mỡ, đôi khi vướng theo chiếc khăn mùi xoa không rõ màu tròn như tờ giấy vo, bao thuốc, túi hạt mák khén, trái ớt nương. Líu ríu lật sổ, những con chữ không chỉ ghi số điện thoại mà cả những chi tiết truyện ngắn đang hình thành, hay tuyến nhân vật cuốn tiểu thuyết đã viết bằng miệng từ lâu.

Trong chiếc túi bất ly thân ấy, luôn sẵn con dao găm, chuôi da ép vàng nhoáng, răng cưa chạy suốt sống, rãnh thoát máu dọc hai má dao-một kỉ niệm cánh đồng Chum chiến trường Lào. Một lần ông nhờ tôi lấy hộ bao thuốc trong túi treo trên vách quán sau lưng. Giật mình, đụng phải lưỡi dao, tôi rụt tay lại. Nhổm lên, ông với chiếc túi, rồi quệt bộ ria trứ danh vào má tôi, bí mật :

– Chiến lợi phẩm, anh tước của viên sĩ quan quân Vàng Pao đấy.

Ừm, thế thì có gì là bí mật đâu nhỉ. Vậy mà ông anh lại thì thọt như là hai anh em đang ủ mưu gì, khiến cả bàn tiệc trầm xuống một tẹo.

“Nhọn và sắc”- thứ bạch khí luôn khiến tôi gợn gợn sống lưng. Chẳng biết con dao kia đã cắm vào thịt da và đoạt mạng bao nhiêu chàng trai? Nhưng Thế Sinh thì điềm nhiên, dùng dao cạo sồn sột chân giò lợn chợ mua về nhà Trần Hòa Bình nấu giả cầy. Xong xuôi rửa nước lã, vẩy vẩy tay lau khô lưỡi dao hai bên quần, nhét ngay vào túi thổ cẩm cứ sợ quên sợ ai thó mất.

Đợi Trần Hòa Bình gia giảm mắm tôm riềng mẻ, đảo đũa xèo xèo bếp dầu lừng lẫy mùi vị. Ườn trên ghế, buồn tình, văn nhân lại lục túi thổ cẩm, đăm chiêu đọc sổ ghi chán lại lôi dao găm ra gại gại vào đít chén hoa hồng, rồi phồng má cạo cạo thỏa thuê, tiếp nữa dẩu cằm ra cạo tiếp…

Với chai rượu nút lá ẩn gậm bàn, rót lưng chiếc chén kiêm đá mài, nhỏ nhẹ tợp ngụm, chẹp chẹp Thế Sinh gióng rả hỏi;

– Rượu Mẫu Sơn à.

Nhà thơ chưa lên tiếng thì cậu sinh viên, dựa chiếc xe cuốc Liên Xô tàng tàng vào tường, lễ mễ xách túi rau quả về đến cửa, vội đỡ lời;

– Dạ, đúng phóc Mẫu Sơn ạ. Sao anh tài thế?

– Tài chữ như thầy mày mới đáng tài. Đây tài rượu, cũng được, nhưng chỉ là hạng tài thứ mấy thôi.

Trần Hòa Bình thủng thẳng:

– Tài ra chân giò tài ra rượu như Hoàng tiên sinh mới là tài thực. Đây hôm nay nhậu nhuận bút truyện ngắn trên báo Văn Nghệ của ông ấy đây.

Chiếc rổ nhựa dưa chuột đuồn đuỗn xanh lẫn lộn rau thơm giá đỗ, được câu sinh viên lễ phép bày trên bàn nước. Nhặt trái dưa tung lên cao, Thế Sinh đưa mũi dao đỡ. Trái dưa phăng đôi, nửa trên tay Thế Sinh, nửa rơi vào chiếc rổ. Sực nhớ ra điều gì, Thế Sinh giật mình, hỏi giật sinh viên:

– Này xe đạp đâu ? Mày khóa xe chưa đấy. Lần này mất xe nữa, tao khóc bảy ngày cũng chẳng ai xót thương nữa đâu.

Cán bộ đi học thời bao cấp, vừa nuôi mình, nuôi con, giao lưu bạn bè. Để học và tồn sinh thì chỉ còn cách vắt kiệt tâm não ra bán. Kiếm thêm, Thế Sinh viết các thể loại báo đến văn nghệ. Nhận chuyên trang truyện vụ án, trinh thám cho báo Pháp Luật, viết chưa xong đã đến hành nhuận bút, nhà thơ Phạm Công Trứ hài hước: “Ôi, cái mũi vơ vào, nụ cười thu hoạch kia rồi.”.

Có chiếc xe 4 không: Không chuông, không phanh, không đèn, không chắn xích, chắn bùn để chạy từ tòa soạn này đến tòa soạn kia bỏ bài, lĩnh nhuận bút, mải bia hơi với mấy em trong câu lạc bộ thơ bị kẻ trộm nẫng mất. Thất thểu đi bộ về ký túc, giữa đường Thế Sinh gặp Nguyễn Anh Tuấn nhà biên kịch điện ảnh từng được giải vẽ tranh bên Ba Lan. Phần thưởng là chiếc xe đạp cuốc. Người bạn ấy, đã dí ngay chiếc xe đạp thân thương vào lòng Thế Sinh. Sau mấy mươi năm, tình bạn ấy vẫn song đôi “trên chiếc xe đạp cũ”. Hiện Nguyễn Anh Tuấn vẫn làm phim, viết văn, viết tự do, một facebooker, hơn cả ngàn người theo dõi…

4. Đại hội Nhà Văn khóa IV, buổi chiều đón đại biểu ở nhà khách Chính phủ.

Tôi tháp tùng người đàn ông trắng mỡ, ria điểm bạc, tóc mướt đen, bụng nhô vừa phải sau lần áo pull cổ sơ mi màu rượu chát đủ sang kiểu quan chức, quần tropical hạt dẻ, sandal da xám, tay đũng đễnh chiếc can màu vàng 5 lít rượu ngô non, sau lưng khẩu súng kíp dài hai mét, nòng chạm đèn trần, bên hông chiếc túi thổ cẩm mới thơm mùi chàm, mùi sáp ong. Người đàn ông vẻ như ít nhiều quen với việc có quyền nọ quyền kia, đứng trước cửa phòng ăn  đưa mắt quét suốt lượt tìm bạn văn, và tìm vị trí bàn ngồi tương xứng. Vâng, đấy là phiên bản Hoàng Thế Sinh khi đương Phó Tổng biên tập báo Yên Bái và danh xưng nhà văn với các tiểu thuyết hàng ngàn trang.

Nhưng Hoàng Thế Sinh không phải tìm bạn mà các bạn Trung Nam Bắc đã a đến, kéo tay, kéo quai túi thổ cẩm căng vuông khối sách bên trong, đỡ can rượu, nắm quai khẩu súng. Mười văn nhân đủ hạng sột soạt quanh chiếc bàn tròn, lặng lặng một đàn em lật bát, xé bao giấy bọc đũa.

Tôi biết ý ngồi nép bên chủ sự, chờ tìm sự bao bọc, che chở trong trận chiến rượu, mở đầu vô cùng nề nếp, kín kẽ, lớp lang, nhưng một khi Thế Sinh đã cầm trịch, thì cuộc chơi sẽ nổ bùng, và cho dù anh có khôn tỉnh cỡ nào, vẫn bị con người quảng giao, hào sảng lôi tuột và nhấn chìm trong rượu, trong những lần tiếp mời thức tưởng gãy đũa, y như trận lũ ống bằng những câu chuyện hài xung đột văn hóa giữa miền núi với miền xuôi, cán bộ với bà con dân tộc.

“Giao thiệp” với Thế Sinh ở Yên Bái đã bạc mặt, nữa là giữa chốn ba quân ba miền suốt một nhiệm kỳ năm chưa “đụng trận”. Chơi lớn, thế mạnh và là phong cách Thế Sinh, với ứng biến của dân làm báo đi nhiều, thấu nhiều hay dở nhưng ít khi trút lên mặt báo, mà chỉ thể hiện qua văn chương và hất tung vào các cuộc rượu.

Dù có nhân vật quan trọng “dẫn chương trình” quyến rũ đến đâu, nhưng chỉ mươi phút sau đã bị Thế Sinh “lấn làn” làm chủ diễn đàn trong một nốt nhạc mà không ai thấy sượng. Ai cùng hùa theo Thế Sinh. Mọi cuộc rượu bạn bè văn chương, ai cũng thích tranh khôn một tẹo. Tất nhiên là để vui. Nhưng chính vì vui, nên dễ cáu, dễ để ý canh me nhau. Cướp diễn đàn được như Thế Sinh, quả là tài. Đố ai làm được như Thế Sinh.

Trong các tiểu thuyết của mình, ông đã trình diễn không hiếm các scence uống rượu trong không gian nhập nhoạng hoặc nhòa sáng cực kỳ ấn tượng. Nhân vật tốt, nhân vật xấu đều uống rượu. Mỗi phe uống mỗi khác. Nhưng Thế Sinh thì uống theo cách của cả hai phe.

Rượu ngô non xuống chén, cây súng kíp dựa bên sườn, Thế Sinh khề khà, gõ đũa vào chén.

– Đây là loại đặc hữu ủ men từ những hạt ngô nếp mới đông sữa trên núi mù sương, nấu nước suối nguồn rừng nguyên sinh, nấu xong để hang đá mấy măn của ông trưởng bản H’mongz. Nào kính nhà văn nhà thơ chúng ta chén khởi động…

Các văn nhân đương xoa xuýt rượu ngon thì Thế Sinh trịnh trọng xoay túi thổ cẩm ra trước bụng, đặt phịch chồng tiểu thuyết mới xuất bản lên bàn. Lạ, không hiểu Thế Sinh viết lúc nào, vì lúc nào gặp ông cũng đã sương sương, mà đã gặp thì bữa nào cũng được nhận sách mới ông ký tặng. Kính trễ, quay đầu bút trỏ trỏ, giọng ông ngân nga vui như nhuốm sắc cầu vồng.

– Họ, tên gì ấy nhỉ. Lâu quá mới gặp. Tại cái rượu cứ làm hại “tao vớ”…

Thế Sinh cũng như muôn nhà văn nghệ khi có sách mới, thì nhu cầu phải được tặng sách luôn chất ngất. Lúc nào cũng một niềm tin, rằng thiên hạ sẽ đọc mình không sót một chữ. Họ không đọc thì chỉ thiệt cho họ..

Sách chứa túi thổ cẩm ký hết, phát hết nhưng vẫn thiếu ba cuốn, bàn những mười người, cậu lái xe ở đâu đó lại nhận được yêu cầu của thủ trưởng tiếp tế sách đến bàn tiệc. Sau màn tặng sách như chia quả thực, ông giật mình ngó xuống bàn đầy vẻ băn khoăn, rồi lắc đầu ngán ngẩm chẹp miệng. Vẫy vẫy cô phục vụ ghi lê đen nhỏ xinh lại bên, ông duỗi thẳng ngón trỏ vào từng đĩa:

– Con gái, thêm đĩa bò lúc lắc nữa. Thêm con chép om dưa. Thêm con gà nửa rang nhạt, nửa luộc. Dọn sach nước ngọt, mang két bia ra đây. Ngay và luôn. Thanh khoảnh luôn, kẻo nữa quên. Mang tiếng Hội Nhà văn.

Thế Sinh mở ví trong tiếng ồn ào can ngăn, rằng làm sao nhậu hết. Nhưng ông vẫn nhất mực. Xua tay:

– Khồng. Khồng. Thì văn chương cũng cần ăn bằng mắt chứ.

Cô gái ghi lê đen trở lại, đưa tờ hóa đơn. Liếc qua, Thế Sinh, gật gật, ok, ok. Cô gái thưa, chú còn thừa 50 ngàn ạ. Vuốt ria, hất tóc, thồi, cháu giữ mà mua xà phòng rửa tay.

Các thức thêm nối nhau theo chân phục vụ lượn đến như bướm vẽ vòng. Các bàn quanh trố mắt trông sang. Chắc nể Thế Sinh và tị hiềm với những kẻ may mắn đang ngồi quanh. Bỗng Hà Phạm Phú, nhướn hỏi.

– Chú mang cây súng kíp đi săn bắn ai dưới này ?

– Bắn biếc gì bác, cả đời em bị người ta săn, người ta bắn chưa đủ sao. Giở em mang tặng bạn văn thôi. Hẹn người ta mấy năm rồi.

– Có giấy phép chưa ?

– Ồi….Thế Sinh hinh hích cười. Vớ khẩu súng giơ lên trần làm động tác ngắm bắn. Xung quanh bỗng lặng ngắt. Ai cũng ngỡ có tiếng nổ.

– Bác nhìn xem này.

Thì ra nòng khẩu súng đã nút thiếc, cò súng đã hàn chết. Nó chỉ là vật để trưng bày phong thủy.

– Để dọa là chính…he he.

Lại một thôi nữa về lý lịch khẩu súng, có thể viết được truyện vừa. Khẩu súng này nguyên của ông xã đội trưởng tiễu phỉ ngày xưa. Nó từng hạ sát cả du kích lẫn phỉ. Bởi nó từng bị phỉ bắt cùng chủ nhân. Phỉ dùng súng này, bắn chết đồng đội trước mắt xã đội. Ông vờ theo phỉ, trốn về bên ta, lại cầm súng này bắn chết phỉ. Chuyện hấp dẫn như một chương tiểu thuyết mới nào đó của Thế Sinh, nhưng nghe chính ông kể xong thì tôi cứ phân vân hư thực.

Quả thật, ông có khả năng “lan tỏa” khó cưỡng. Bằng sự biểu cảm, bổng trầm, to nhỏ, lúc ngây ngô, lúc quai quái. Bởi ông ngoài khả năng văn chương, uống rượu, còn tàng ẩn một diễn viên kịch tài ba, có duyên sân khấu. Không hiểu sao, lúc đó tôi xin được cầm cây súng, buột miệng. Giá như em cũng có cây súng như thế này để bày.

Vuốt ria nhìn tôi, Thế Sinh cầm chén, xách can, lắc lư sang bàn bên cụng ly Phan Hoàng bạn văn Sài Gòn, thực thi màn chào hỏi, nhưng mắt lại để nơi một nữ sĩ duỗi đôi chân nuột nà. Sóng sánh rượu, sóng sánh điệu dân ca của núi cao Thế Sinh lắc mông lắc vai, y như gã trai H’mongz đương cao độ phong tình.

– Tí cũng ừ, hai tí cũng ư… ba tí càng ừ….

5. Yên Bái – bản lề giữa Tây Bắc và Đông Bắc. Trung tâm của vùng Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Lai Châu và Lào Cai. Thành phố Yên Bái, cách Hà Nội hơn một giờ xe cao tốc. Tài nguyên phong phú điển hình là đá đỏ và gỗ pơ-mu.

Không ngẫu nhiên Nguyễn Thái Học chọn Yên Bái là nơi lưu danh cờ nghĩa. Và không vô cớ thời hiện tại không ít thế hệ chính khách từ Yên Bái tiến về Hà Nội giữ những trọng trách lớn.

Người mê sử mê văn như Hoàng Thế Sinh, không ngẫu coi Yên Bái như nơi đã sinh dưỡng ra mình. Không ngẫu nhiên nhiều sáng tác của ông, đặc biệt là các tiểu thuyết đều đặt Yên Bái làm nền. Không quá lụy Yên Bái, chắc ông đã không từ chối nhiều cơ hội làm việc ở cơ quan báo chí Trung ương hoặc công tác giảng dạy, dấn thêm danh tước học thuật.

Sáng tác phong phú thể loại: Truyện ngắn, bút ký, thơ và 9 tập tiểu thuyết, thì chúng ta có thể khẳng định ông là nhà tiểu thuyết số một của Yên Bái. Và trong số hiếm các nhà văn “làm nhiều” tiểu thuyết hiện nay.

Với tiểu thuyết “Ma tiền”, Hoàng Thế Sinh đã diễn dịch siêu phàm những ký ức và vốn sống mấy chục năm ở miền đất giao thoa khốc liệt tham vọng và trì trệ, dựng xây và tàn phá, sáng và tối với trạng thái cảm xúc của bản thân hoán vào giấc mơ kỳ ảo của nhân vật.

Lưu Bá Quan nhân vật chính của “Ma tiền” nghiện vàng, nghiện đá quý, saphia, hồng ngọc, nghiện gái, nghiện rượu… Quy lại chính là sự nghiện tiền. Nghiện cái gốc của mọi sự nghiện. Sự nghiện bệnh hoạn mỗi tối Lưu Bá Quan phải mở két hít mùi tiền, mùi vàng, mùi hồng ngọc mới có thể ngủ ngon yên giấc. Về sự nghiện này thì Hoàng Thế Sinh hoàn toàn xác tín, khi con người ngày càng quái đản trong đua đoạt đồng tiền, địa vị, quyền lực. Mafia và quỷ, tạo nên thế giới hỗn mang, cướp quyền lực, mua quyền lực.

Và Lưu Bá Quan giết chính Lưu Bá Quan.

Tiểu thuyết gần nhất: “Cánh đồng Chum mùa hoa ban nở”. Ông hồi cố tuổi chinh chiến. Với sự trở lại giọng văn truyền thống ứ dồn cảm xúc, pha trộn: Sắt-Máu-Tuổi trẻ-Cái chết-Thơ-Hy vọng. Tôi gặp lại những giá trị làm nên duyên văn Hoàng Thế Sinh, trong những bút ký, truyện ngắn thời tiên khởi của ông trong tiểu thuyết này. Khoảng cách đó hơn 30 năm (1988-2021). Tôi xin dẫn. “Ơ lạ, Mưa bay. Mưa mờ lịm. Mưa kéo dài thành sợi li ti cứ lấp la lấp lánh ánh vàng. Cây mướt lá. Chồi non long lanh hạt sương. Hoa nở. Chim hót líu lo.”  Sau những câu thơ, Hoàng Thế Sinh cảm thán: “Ơi chiến tranh, ngươi là con quỉ dữ. Người đã giết chết những người bạn của ta tràn trề nhựa sống đương hai mươi tuổi. Người đã giết chết những uốc mơ cao đẹp của bọn ta đương hai mươi tuổi. Người đã giết chết những cây ban có lá hình trái tim như trái tim của bạn ta hai mươi tuổi.”

Rời chiến trường để lại xác đồng đội và tuổi trẻ nơi những cánh rừng Lào khô máu, hành trang của ông là con dao trận và khát vọng văn chương. Tôi có cảm giác, với những gì đã trải, ông không chuyển hóa thành chữ, thành trang sách thông đạt tới mọi người những gì thấm trải thì có lẽ sẽ phát điên với những điều bí mật.

Tiến sĩ Văn Giá bạn thiết của ông “úp sọt” thế này: “Đọc truyện của Hoàng Thế Sinh, khi miêu tả nhân vật, thấy anh rất thích sử dụng tiếng hú gọi. Khi yêu nhau mê man trên một cánh rừng nào đó, bỗng hú gọi. Khi đau khổ đơn độc, cùng cực trên rừng núi cũng hú gào. Khi một mình mơn man da thịt trong làn nước suối trong veo, cô gái cũng cất lên tiếng hú hát. Lúc bị rơi tõm lạc vào hang động, các nhân vật cũng hú hét…”

Dù tiểu thuyết, truyện ngắn, ký…ông trung thành và duy trì thứ văn xuôi ngộn dữ liệu đời sống, ồ ạt cảm xúc, không mấy quan tâm đến đánh bóng ngôn từ; ông quá tôn trọng và hơi chủ quan tin vào bản năng sáng tạo của mình, để mặc nó chi phối từng câu và dẫn mạch từng trường đoạn đến bố cục tổng thể.

Mỗi tác phẩm của ông, là một trận cờ bày sẵn với các nhân vật tướng sĩ tượng xe vai vị rõ ràng. Chơi tất tay. Tốt có thể nhập cung. Tướng có thể lánh mặt nước chiếu. Nhưng bản chất của tướng và tốt luôn không thay đổi. Phản ánh tâm thế con người ông, như một sự cực đoan trắng luôn là trắng đen luôn là đen. Đó cũng là cách ông hành xử, giao tiếp với người đời. Chẳng hay, do nhà văn lý tưởng hóa cuộc đời này theo cách rạch ròi mọi sự cho đỡ phiền. Cũng như trong một cuộc rượu. Uống hay nhìn. Nói hay im. Nhưng mối tình đẹp, sẽ hay và day dứt hơn, đau hơn khi có một kẻ thứ ba hoặc thứ tư chen vào…

Nếu không nắm được “style hoàng thế sinh”, thì đọc Hoàng Thế Sinh dễ mà khó.

Riêng tính các tiểu thuyết về địa văn hóa – chính trị miền núi phía Bắc, thì trưởng thượng Ma Văn Kháng mê đắm, tỉ mỉ và sắc sảo đã đặt chân lên đỉnh Fansipan từ lâu. Mà xem ra hiện từ cầu Nhật Tân hắt ngược Lào Cai thì chỉ Hoàng Thế Sinh xứng là kẻ kế vị nếu so sánh lượng trang tiểu thuyết và sự lăn xả vào văn chương.

6. Thành phố Yên Bái co ro trong mưa lạnh. Lái xe lờ rờ, vòng qua vòng lại vì không thuộc đường. Thành phố điều chỉnh qui hoạch, GPS chưa kịp cập nhật. Lúc xuyên qua đồi hoang, đường rộng ngoạc, lúc luồn qua tre trúc, ngõ hẹp đỡ đẫn đèn vàng. Nhiều cánh cửa khép. Đèn tắt.

Tư gia Hoàng Thế Sinh thuộc khu phố ga; nơi mái ấm ngả vào sông Hồng. Các con tử tế, nghiêm cẩn công việc; người vợ yêu chồng, chiều mọi cuộc rượu lớn nhỏ đằng đẵng mấy mươi năm của văn nhân; mà xem chừng từ ngày Hoàng Thế Sinh về hưu thì những cuộc rượu ấy, mỗi ngày thêm đặt dấu cộng. Không riêng chúng tôi, nhiều khách du văn báo suốt dọc chữ S, khi ngược Bắc, đều nhằm tọa độ Hoàng Thế Sinh – Bến Âu Lâu làm điểm check-in. Rượu ngon, bạn tốt, chuyện văn chuyện đời rôm rả- Tại sao không ?

Điều đó lý giải Thế Sinh luôn hẹn gặp bên tượng đài bến Âu Lâu. Địa chỉ dễ tìm, không xa các nhà hàng và cũng không dài cho cuốc taxi. Nhưng Hoàng Thế Sinh đâu đơn giản thế.

Ban ngày tìm đường đơn giản, nhưng bóng tối xuống, định vị thật khó. Nhất là với đô thị Việt hiện tại, hầu như nơi nào cũng na ná. Nhà ống, sin sít mặt tiền. Cao vống. Công sở thì y khách sạn, tường kính cột ốp tấm nhựa tráng nhuôm. Dù Yên Bái từng được giới học thuật ngành xây dựng tán dương là có qui hoạch đẹp, hợp lý. Vấn đề lở, trượt đất của đô thị này sau nhiều năm mới xuất hiện do sự biến đổi khí hậu. Mất rừng. Rừng Yên Bái đang co lại như tấm da lừa sau mỗi năm nhiệm kỳ. Giờ tôi hiểu lý do Hoàng Thế Sinh luôn trở lại các câu chuyện rừng, như bản năng sinh tồn.

Mãi rồi lái xe cũng lần qua được cây cầu nối bờ bến Âu Lâu. Trờ qua đầu cầu, nhìn sang trái, ánh sáng hai cột đèn chiếu sáng vòng xuyến và khối tượng đài cô gái cầm mái chèo đứng cạnh người thủy thủ bên mỏ neo sắt, sát cánh cùng người chiến sĩ giơ cánh tay vươn lên; sau lưng họ lá cờ tổ quốc tung bay.

Trong mưa phây phất, người đàn ông tóc xõa, vẫn chiếc áo màu rượu chát trứ danh, quần tropical trịnh trọng, chiếc can nhựa vàng chanh, đi lòng vòng quanh tượng đài. Hết vòng thuận chiều lại vòng ngược chiều. Quẩn quanh và cô đơn y như trong hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ. Phải chăng đó là số phận Hoàng Thế Sinh ở xứ Mưa dai.

Hà Phạm Phú hạ kính xe. Tôi cũng xem: 11 giờ kém 13 phút.

Lại Đức Thành mở cửa xe, đón Hoàng Thế Sinh. Hương rượu ngô thơm sóng. Tất cả đều lặng. Một không khí gượng gượng, mà trước đó cứ ngỡ rằng hai bên sẽ ôm chầm nhau hỉ hả. Thì ra, trong khoảng khắc nào đó một khi người ta cảm động, thì mất khả năng diễn đạt trạng thái. Có lẽ chủ khách đều thế chẳng? Chúng ta đều yếu đuối. Một thời đại, tất cả đều phải gồng lên để sống.

– Bây giờ đi đâu ạ?

– Quay lại, sang cầu, sang bên kia cầu.

Đây không phải lần đầu tôi được Thế Sinh dẫn sang bên kia bến Âu Lâu, nơi chuỗi nhà hàng các đặc sản Yên Bái. Thịt ngựa thắng cố. Dê cỏ núi nhà hàng Tây Bắc. Cá sông Hồng nhà hàng Thuyền Chài được phụ họa bằng măng sặt, nếp tan Tú Lệ, bánh chim gâu… Và trang viên nhà văn Ngọc Bái thâm nghiêm sau những quanh co rào râm bụt cúc tần và tre trúc.

Nhân viên nhà hàng ngáp dài bên quầy, thấy Hoàng Thế Sinh dẫn đoàn liền hô lớn: “Bác Thế Sinh đến, bác Thế Sinh đến”.

Ngồi ngay cửa phòng, Thế Sinh nhấp nhổm đảo mắt suốt lượt, dường như đang chăm chú bản in thử của tờ báo, soi sai sót từ một dấu cách trở lên. Súp chim câu lót dạ đón rượu. Rượu ngô nếp đông sữa. Trong khi ngẩu pín dê cả bộ hầm thuốc Bắc đang sôi sục chờ thì đùi dê nướng nguyên chiếc bê lên đặt sẵn trên thớt nghiến. Con dao găm trong tay Thế Sinh rạch vào từng thớ thịt dê trắng hồng dưới lớp da vàng hươm, sủi tăm mỡ, nhát nào dứt nhát ấy. Chặc, những ngón tay vốn giỏi ký quảng cáo, gõ bàn phím lại có thể thao tác y như đầu bếp hạng Mitchelin. Nhấp mũi dao vào miếng thịt tỏa khói, tiếp Hà Phạm Phú, Thế Sinh giới thiệu.

– Thịt dê nướng nguyên đùi khó là phải giữ nguyên thể trạng. Và khi chín, miếng thịt phải hồng hồng như bifteck, ứa nước ngọt, nhưng da phải mềm…thế này, phải dóc xương nữa. Không đơn giản tẹo nào. Mời….bác cả….

Măng sặt chấm muối với các thứ lá phong cách dân tộc Thái làm bước đệm món ngẩu pín…Hoàng Thế Sinh bỗng hạ giọng thì thào, ý tứ, nhưng có ún em nào đâu mà phải ý tứ.

– Khiếp, món này công phá cực khủng.

Nhà văn họ Hà lấp lửng:

– Chú mới cần dùng ngẩu pín để lấy hứng, chứ anh chỉ cần đọc văn Hoàng Thế Sinh nhấp rượu ngô là đủ thăng hoa trận mạc rồi.

Hoàng Thế Sinh chớp chớp mắt. Thừa biết Hà Phạm Phú vui đùa, nhưng một câu ý nhị thì cũng đủ người văn cảm động. Cái tình văn chương vốn thế. Nhưng cái sàn văn thì hiếm người thừa nhận nhau, hiếm người nhún nhường nhau.

Tòng sự cho một tờ báo ngành, lựa Thế Sinh đang nhã hứng, tôi thăm dò về một vụ tiêu cực liên quan đến tài nguyên của thành phố, mà tòa soạn đang cần giải đáp. Ngay tắp lự, ông anh ngồi nghiêm, khoanh tay, cứ như đang ngồi sau chiếc bàn thênh thang ngổn ngang giấy tờ hành dinh báo Yên Bái thuở nào:

– Thôi, anh xin chú vụ này. Dù bọn ấy xứng đánh tòe mỏ. Mà anh cũng chẳng thân sơ mấy thằng đó, chẳng lợi ích nhóm hay lợi ích phường. Chẳng qua là để mỗi khi chú lên Yên Bái ngồi nhậu với nhau cho nhẹ nhàng. Yên trí, việc đến chú còn biết thì thiên hạ nỏ tỏng từ lâu rồi….

Tôi soi kỹ. Ôi, Thế Sinh văn nhân cũng bị thời gian trừng phạt. Một hào hoa tinh hoa của các cuộc rượu có làn điệu khèn H’mongz làm nền với câu to câu nhỏ về những điều chẳng có gì cần bí mật. Tóc hoa râm. Đuôi mắt rẻ quạt. Ria điểm bạc. Mắt vẫn tinh anh thế, nhưng sao vẫn nhiều hoang vu, nhiều ẩn ức như dải Hoàng Liên mây phủ sáng chiều.

Lại tiểu thuyết. “Chúa đất miền Khau Sưa”. Chữ ký bay bướm. Mỗi lần trao sách là một lần ôm hôm kiểu chính khách. Tôi được tặng sách, được ôm hôn. Và được tặng khẩu súng kíp nòng dài nhất cả Đông bắc lẫn Tây bắc. Khẩu súng của anh em nhà vua Mèo Hoàng A Tưởng. Lại thêm chuyện để viết. Bất ngờ, Hoàng Thế Sinh lại choàng vòng ôm, cọ cọ bộ ria vào bên má tôi ẩm ướt. Thì thào.

– Một khi yêu thương một vùng đất, một con người thì người ta phải yêu thương cả thói hư tật xấu của đối tác nữa…em ơi.

Sang ngày mới, nhấp chén trà Shan chuẩn bị từ biệt.

Bỗng Hoàng Thế Sinh to tiếng với lễ tân. Thì ra, Lại Đức Thành đã kịp thanh toán trước. Hà Phạm Phú vẫy Hoàng Thế Sinh lại, ôn tồn.

– Chú quanh năm khách, hưu rồi. Ai nó dúi phong bì nữa. Đoàn du biên ải của bọn anh đã có nhà tài trợ thỏa mái. Yên tâm.

– Vầng… bác. Dẫu là bạn nhưng khách chủ phải phân minh. Em không thích sự lộn xộn.

Trưa mai, Hà Phạm Phú bay sang châu Âu. Lại Đức Thành vé cũng đã đặt chuyến Sài Gòn. Xe chúng tôi lại qua cầu, đưa Hoàng Thế Sinh sang sông. Hà Phạm Phú hỏi.

– Về thẳng nhà, phố ga chứ?

– Không ạ. Cứ chỗ cũ. Tượng đài bến Âu Lâu ấy ạ.

– Sao rắc rối thế ?

– Rắc rối gì đâu bác, chẳng là em dặn thằng bé taxi rồi. Chắc nó vẫn chờ.

Xe quay đầu ra cao tốc. Hà Phạm Phú trầm ngâm:

– Các ông ạ! Tôi chưa dám tưởng tượng, nếu qua Yên Bái mà không có Hoàng Thế Sinh tiếp rượu…

Trong sương mù ẩm ướt quẩn từ sông Hồng, Hoàng Thế Sinh, giơ tay vẫy. Một tay áp tai điện thoại. Điện thoại Đức Thành ngân nga. Ô, anh Thế Sinh gọi. Doanh nhân, vâng, dạ. Hai người lại có chuyện gì bí mật? Giờ này, chắc người văn còn phải đứng lâu bên bến Âu Lâu.

Ngày 31.5.2021

NGUYỄN THAM THIỆN KẾ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *