Người đàn bà An Nam có đôi mắt u buồn – Truyện ngắn Nguyễn Anh Tuấn

Vanvn- Kể từ khi người Pháp đặt chân đến cái xứ An Nam này, chưa một ngày nào họ được yên ổn để “khai hóa văn minh” cho đám người “man rợ” ở đây. Ngay cả khi nhà vua đã bị lưu đày, đám dân đen vẫn không cam chịu sự cai trị của những kẻ xa lạ bên kia trời Tây. Bằng gươm, giáo, cung tên, gậy gộc, đám người nhỏ bé hết chỗ này đến chỗ khác, vùng lên chiến đấu chống lại đại bác, tàu đồng của người Pháp. Những cuộc nổi dậy tựa như những vết dầu loang, khiến cho đám chính trị gia ở Paris phải đau đầu hàng đêm. Nhưng với Claire Dubois, cái xứ này phải loạn lạc như vậy thì quân nhân như hắn mới có đất dụng võ, đồng thời mở ra những cơ hội thăng tiến cho sự nghiệp đang còn lẹt đẹt của hắn.

Nhà văn Nguyễn Anh Tuấn ở Quảng Bình

Một ngày cuối tháng 7, Bảo tàng Lịch sử trong Công viên Montreau, thành phố Montreuil (ngoại ô Paris, Pháp) tổ chức một cuộc triển lãm với tên gọi: “L’Indochine à travers les cadres” (Đông Dương qua những khung hình), trưng bày những bức ảnh quý giá về cảnh vật, con người, văn hóa Việt Nam qua góc máy của các nhiếp ảnh gia người Pháp ở thế kỷ 19. Hôm đó không có tiết nên đám du học sinh chúng tôi rủ nhau ghé qua tham quan. Giữa cả trăm bức ảnh được trưng bày, tôi dừng chân trước một bức ảnh ở cuối góc triển lãm. Nó khiến tôi không thể rời đi bởi đôi mắt u buồn của người phụ nữ Việt Nam sống cách tôi cả mấy thế kỷ.

Bằng một giọng Pháp hơi khó nghe của vùng Toulouse, bà Juleen Bernard – một người phụ nữ lớn tuổi, thành viên của ban tổ chức chậm rãi kể cho tôi về câu chuyện khá thú vị liên quan đến bức ảnh. Đúng hơn là câu chuyện của ông cố nội bà ấy – một sỹ quan trong quân đội Pháp từng tham gia cuộc viễn chinh ở Đông Dương.

Tiếng đại bác ngưng hẳn trên ngọn đồi Long Sơn khi trời đã về chiều. Lá cờ ba sắc ngạo nghễ của Pháp được kéo lên trên vọng gác còn sót lại sau trận mưa đạn. Cuộc tập kích bất ngờ của tiểu đoàn lê dương Pháp vào căn cứ của nghĩa quân Long Sơn đã đạt được thắng lợi bất chấp một cái giá rất lớn về thương vong. Bước qua những xác người la liệt, Trung úy Claire Dubois – người trực tiếp chỉ huy cuộc đột kích đang hít hà cái không khí được tạo thành bởi máu thịt, bùn đất và thuốc súng. Với một người bình thường, cái mùi tử khí ấy chỉ mới xộc vào mũi là đã ói mửa, nhưng với Claire Dubois, mùi ấy mang đến cho hắn một điềm lành trong việc lên lon quân hàm.

Kể từ khi người Pháp đặt chân đến cái xứ An Nam này, chưa một ngày nào họ được yên ổn để “khai hóa văn minh” cho đám người “man rợ” ở đây. Ngay cả khi nhà vua đã bị lưu đày, đám dân đen vẫn không cam chịu sự cai trị của những kẻ xa lạ bên kia trời Tây. Bằng gươm, giáo, cung tên, gậy gộc, đám người nhỏ bé hết chỗ này đến chỗ khác, vùng lên chiến đấu chống lại đại bác, tàu đồng của người Pháp. Những cuộc nổi dậy tựa như những vết dầu loang, khiến cho đám chính trị gia ở Paris phải đau đầu hàng đêm. Nhưng với Claire Dubois, cái xứ này phải loạn lạc như vậy thì quân nhân như hắn mới có đất dụng võ, đồng thời mở ra những cơ hội thăng tiến cho sự nghiệp đang còn lẹt đẹt của hắn.

Vừa lúc ấy, cánh quân Pháp thứ hai do Trung úy Paul Bernard chỉ huy đã có mặt. Vốn không ưa người đồng cấp, Claire Dubois bước đến chào Paul Bernard bằng một giọng mỉa mai dài dòng:

– Chào Trung úy Paul Bernard ! Tiếc quá. Bữa tiệc đã tàn mất rồi. Cái xứ này có một câu mà tôi rất thích, nhưng dịch sang tiếng Pháp thì hơi loằng ngoằng…à…“ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”…

Paul Bernard bình thản đáp lại:

– Trung uý Claire Dubois ! Việc thứ nhất là ngài nên dành thời gian để suy nghĩ xem sẽ giải trình như thế nào với Thiếu tá Laurence khi tự ý tấn công mà không thèm chờ pháo binh của tôi yểm trợ, hơn là đứng đó và cố tình trêu ngươi với tôi.

Claire Dubois cười nhạt:

– Vậy còn việc thứ hai ?

– Việc thứ hai, ngài nên nhớ, chúng ta là quân nhân chứ không phải là bọn đồ tể khát máu. Dù với lý do gì đi nữa, chiến tranh nên được nhìn nhận một cách nghiêm túc, vì nó liên quan đến sinh mạng của rất nhiều người, chứ không phải là bữa tiệc để ngài hoặc tôi đến sớm hay muộn và tranh phần với nhau – Paul Bernard nghiêm giọng.

Nghe đến đó, Claire Dubois cười phá lên:

– Còn tôi lại nghĩ, Thiếu tá Laurence sẽ chỉ quan tâm đến việc đầu của tên thủ lĩnh đã bị chặt xuống hay chưa mà thôi !

Nói xong, Claire Dubois ngạo mạn quay đi. Sự ngạo mạn ấy không phải không có lý do. Dù cho cuộc viễn chinh của người Pháp đã hoàn tất, nhưng những cuộc nổi dậy của người bản xứ vẫn liên tục diễn ra khắp nơi, đặc biệt tại vùng rừng núi Long Sơn, cách Sài Gòn chỉ hơn một ngày đi đường. Quân khởi nghĩa tự vũ trang rồi chia nhau đánh phá, giết quan lại, địa chủ, mở kho thóc cứu dân nghèo, nhờ đó, thanh thế rất mạnh, chiếm cứ cả một vùng Long Sơn rộng lớn. Thiếu tá Laurence đã nhiều lần dẫn quân đàn áp nhưng đều thất bại. Ròng rã ba năm trời, vùng Long Sơn nằm ngoài vòng kiểm soát của người Pháp cho đến khi Claire Dubois và Paul Bernard đến tăng viện cho Laurence.

Để tiêu diệt nghĩa quân, Claire Dubois đã mua chuộc một tên Việt gian trong hàng ngũ quân khởi nghĩa. Hắn đã chỉ đường cho quân của Claire Dubois vòng qua chiến lũy rồi đột kích bất ngờ. Mặc dù vấp phải sự kháng cự quyết liệt khiến quân Pháp chịu thương vong nặng nề, nhưng Claire Dubois đã đạt được mục tiêu đề ra. Tiêu diệt toàn bộ nghĩa quân và bắt sống được thủ lĩnh. Nhìn lá cờ ba sắc tung bay trên bầu trời, Claire Dubois hoàn toàn tự tin về cái vốn mặc cả với Laurence trong việc tự ý hành động không theo kế hoạch.

Paul Bernard không quan tâm lắm đến thái độ của người đồng cấp. Trong mắt anh, Claire Dubois là một con ác quỷ đội lốt người, hắn thèm khát công trạng để thăng tiến tựa như một con thú dữ đói mồi lâu ngày. Điều mà anh quan tâm bây giờ là thương vong của binh lính và số phận của người thủ lĩnh nghĩa quân. Nghe nói, đó là một trí thức Tây học, đã có thời gian ở Pháp, sau khi về An Nam lại hô hào dân chúng xứ này đứng lên chống lại người Pháp. Paul Bernard  trải qua một tâm trạng rất kỳ lạ. Vừa háo hức gặp mặt kẻ đã đối đầu với mình trong nửa năm qua, vừa lo sợ. Một nỗi sợ xa xăm khiến anh đặt tay lên ngực và làm dấu thánh:

“Lạy Chúa! Xin đừng là cậu ấy.”

Ai đó đã từng nói: “Chúa lắng nghe tất cả nhưng đôi khi, câu trả lời của Người là không”. Trong căn ngục tối, dưới ánh lửa bập bùng của những ngọn đuốc, khuôn mặt của người thủ lĩnh dần hiện ra khiến Paul Bernard sửng sốt không dám tin vào mắt mình. Dân vùng Long Sơn gọi người đó là Cai Miên. Nhưng Paul Bernard biết rõ. Tên thật của anh ta là Đặng Miên. Người bạn thân của anh năm xưa khi còn ở Paris. Trớ trêu thay, sau bao năm xa cách, họ lại gặp nhau trong cảnh ngộ này.

– Cởi trói và lấy ghế cho ông ta!

Paul Bernard ra lệnh. Hai người lính Pháp trố mắt ngạc nhiên, chần chừ, lưỡng lự nhưng cái nhíu mày từ người chỉ huy khiến họ lật đật làm theo. Paul Bernard đặt một bát nước lớn lên bàn. Người thủ lĩnh nghĩa quân cầm lấy nó, tu ừng ực đầy sảng khoái.

– Cậu mặc quân phục nhìn cũng ra dáng đấy !

Đặng Miên mở lời khiến Paul Bernard buồn bã.

– Cậu vẫn nhận ra tôi à?

Đặng Miên đáp:

– Nhận ra chứ. Lần mai phục ở đèo Cả. Nếu không nhận ra cậu, tôi đã bóp cò rồi.

Paul Bernard lạnh gáy. Trận phục kích ở đèo Cả là thất bại nặng nề nhất của quân Pháp khi đánh lên Long Sơn. Cánh quân của Paul Bernard bị tiêu diệt phân nửa. Khi tháo chạy đến bìa rừng thì Paul Bernard bị ngã ngựa, đập đầu xuống nền đá. Trong cơn choáng váng, Paul Bernard lờ mờ thấy một bóng người bước tới, chĩa súng về phía mình. Anh chỉ kịp nghe được tiếng lên đạn lách cách trước khi bóng tối ập đến. Khi tỉnh lại, Paul Bernard đã thấy mình ở trong bệnh viện dã chiến của quân Pháp với một cái đầu băng bó.

– Tại sao cậu lại đi con đường này? Một sinh viên ưu tú của Viện Mỹ thuật Hàn lâm Paris, với một tương lai rộng mở lại trở thành tên cầm đầu đám phản loạn chống lại nhà nước Pháp.

Đặng Miên mỉm cười trước câu hỏi của Paul Bernard.

– Hội họa mang tôi đến với nước Pháp, với Paris hoa lệ. Nhưng đến năm cuối, tôi mới nhận ra, đam mê của mình là nhiếp ảnh chứ không phải là hội họa. Những bức tranh do con người vẽ ra bằng trí tưởng tượng phong phú, sinh động và đa sắc nhưng không thể lột tả chân thực cuộc sống bằng những tấm ảnh, dù cho chúng chỉ có hai màu đen trắng. Những khoảnh khắc được ghi lại trong mỗi tấm ảnh như có một ma lực kỳ lạ khiến tôi đắm chìm vào nó, mê mẩn không thôi…

– Nhưng điều đó thì liên quan gì đến…- Paul Bernard khó hiểu ngắt lời.

– Đến việc tôi ngồi đây với tâm thế của một tên phản loạn chống lại nước Pháp hả? – Đặng Miên ngả người ra sau ghế và hỏi lại.

Paul Bernard gật đầu, tỏ ý muốn nghe tiếp.

– Sau tốt nghiệp, tôi nấn ná ở Pháp gần một năm để học việc ở một tiệm ảnh trên phố Rue des Rosiers. Một chiều muộn, tôi được ông chủ tiệm cho xem một số tấm ảnh về Đông Dương mới được rửa xong. Khi đang háo hức muốn xem quê hương mình như thế nào sau bao năm xa xứ, tôi đã chết lặng trước bức ảnh đầu tiên. Tấm hình chụp một người đàn bà An Nam với khuôn mặt buồn bã vô định, cặp chân mày nặng nề níu xuống đôi mắt u buồn đến sâu thẳm. Với những ngón tay gầy guộc, nhăn nheo, người đàn bà vén áo, đưa vú để một con chó đốm…bú những giọt sữa của mình.

– Lạy Chúa ! Chó bú…sữa người…!  – Paul Bernard bàng hoàng thốt lên.

Đặng Miên không ngạc nhiên trước phản ứng của Paul Bernard. Với những người Pháp sống trong nhung lụa ở nước Pháp, họ đâu có thể biết được những người An Nam đã sống như thế nào, chịu đựng tủi nhục ra sao dưới bàn tay cai trị của người Pháp ở Đông Dương.

– Con chó đốm ấy là của một viên quan Pháp ở Biên Hòa. Khi về lại An Nam, tôi có đến tìm hiểu thì được biết, con chó đã chết vì bệnh dại và người đàn bà tội nghiệp cũng đã…

Đặng Miên ngừng lại, không muốn nói tiếp về kết cục của người đàn bà trong tấm ảnh. Nhưng nó đủ khiến Paul Bernard phải rụng rời.

Một khoảng lặng bủa vây lấy cả hai.

Tranh của danh họa Lê Phổ

Paul Bernard không dám đối diện với ánh mắt của Đặng Miên. Lòng anh rối bời, bức bối đến khó chịu. Nước Pháp của anh, đất nước của “tự do”, “bình đẳng” và “bác ái”. Đất nước mà anh tôn thờ nồng cháy, sẵn sàng hiến dâng tất cả khi đất Mẹ cần. Nhưng hôm nay, anh được nghe về một nước Pháp xa lạ. Nước Pháp của những kẻ thực dân, tham lam, tàn ác. Anh nguyện Chúa ước rằng những điều khủng khiếp mà mình vừa nghe không phải là sự thật.

Dòng máu Gô-loa cao quý đã bị những kẻ thực dân vấy bẩn.

Sụp đổ. Ghê tởm.

– Nhưng chẳng lẽ…chỉ vì tấm ảnh đó…mà cậu…?

Paul Bernard cất lời như muốn xé đi cái không khí ngột ngạt đang cầm tù cõi lòng đổ nát của anh.

– Thế cậu nghĩ. Ở cái xứ Đông Dương này, chỉ có một người đàn bà làm cái nghề đau khổ đó thôi sao? Dưới ách cai trị của người Pháp, biết bao người đàn bà An Nam phải đem những giọt sữa của mình cho những con chó Tây bú liếm thay vì những đứa con của họ, bao nhiêu người đàn ông An Nam chết dần chết mòn trong các hầm mỏ, các đồn điền cao su và cả bao nhiêu đứa trẻ An Nam sinh ra đã khát sữa, đói ăn, thất học với một kiếp sống ngựa trâu đang chờ đợi chúng. Từng đó chưa đủ để chúng tôi đứng lên phản kháng hay sao?

Đặng Miên xúc động đấm mạnh hai tay xuống bàn, giận dữ rặn từng tiếng với chiếc cổ họng nghẹn đắng. Cảm thấy nguy hiểm, hai người lính Pháp liền rút súng ập tới. Paul Bernard vẫy tay cho họ yên tâm lui xuống rồi lắc đầu ra hiệu cho Đặng Miên trấn tĩnh lại.

– Cứ cho những gì cậu nói là sự thật. Nhưng thay vì kiến nghị với chính quyền bảo hộ để cải thiện đời sống cho người dân bản xứ, cậu lại hô hào họ nổi dậy làm loạn. Với mớ vũ khí thời trung cổ, họ sẽ chống lại được súng đạn, đại bác, tàu chiến hiện đại của người Pháp ư? Cậu đang làm một việc cực kỳ ngu xuẩn và sẽ đẩy đám người tội nghiệp vào chỗ chết mà thôi.

Paul Bernard cố gắng phân trần, nhưng thứ anh nhận lại được chỉ là một nụ cười chua chát của Đặng Miên:

– Nếu tự do mà có thể ngửa tay để được ban phát, thì năm xưa, Spartacus[1] đâu phải dẫn dắt những người nô lệ chống lại thành Rome.

Paul Bernard lắc đầu:

– Nhưng cuối cùng thì Spartacus và đám nô lệ đều chết thảm dưới lưỡi gươm của các binh đoàn La Mã hùng mạnh. Cậu định làm Spartacus của xứ Đông Dương này ư? Ảo vọng đó sẽ đưa cậu và tất cả những người theo cậu đến một kết cục rất bi thảm…

– Chết ư? –  Đặng Miên ngắt lời – Sống mà làm nô lệ thì sống khác gì như đã chết. Nhưng nếu hôm nay, chúng tôi chết để đời sau, con cháu chúng tôi không phải làm nô lệ, không phải sống kiếp ngựa trâu thì chết có gì không đáng? Cái giá của độc lập, tự do và hạnh phúc không hề rẻ nhưng nó đáng để chúng tôi đánh đổi cả mạng sống của mình.

Paul Bernard yên lặng để cho người bạn của mình nói hết những gì muốn nói. Thực tâm, nếu không phải vì truyền thống gia đình, Paul Bernard cũng không muốn khoác lên người bộ quân phục và tham gia cuộc viễn chinh này. Khi còn học ở Paris, Đặng Miên với anh là một đôi tri kỷ. Họ tìm thấy sự đồng điệu với nhau trong cách vẽ tranh đến ý tưởng và những nguồn cảm hứng. Và số phận của họ cũng đồng điệu đến kỳ lạ khi cả hai đều chẳng theo được nghiệp vẽ, để rồi gặp lại nhau ở hai chiến tuyến không đội trời chung.

Paul Bernard biết rằng, bây giờ không phải là lúc để ôn lại chuyện xưa.

– Tôi không còn nhiều thời gian ở đây. Miên này! Người ta sẽ không tha cho cậu đâu. Nhưng nếu cậu chấp nhận cộng tác với tôi, kêu gọi những thành viên còn lại của quân nổi dậy ra hàng, giao nộp vũ khí. Với các mối quan hệ của tôi, cậu và các chiến hữu của mình sẽ được an toàn.

Đặng Miên lắc đầu khước từ ý tốt của Paul Bernard.

– Nếu ham sống cho mình, tôi đâu chọn con đường này.

– Cậu không hối hận chứ?

– Jamais[2]! (Không bao giờ)

————————

Người Pháp đem Đặng Miên xử tử ở trung tâm thị trấn Long Sơn. Người dân đến xem rất đông. Họ đeo băng tang trắng xóa, quỳ gối tiễn đưa người thủ lĩnh nghĩa quân. Đầu của Đặng Miên bị cắm cọc và bêu ở chợ, đến ngày thứ ba thì bị ai đó lấy đi. Đến bây giờ, vẫn không ai biết ông được an táng ở đâu.

Với công trạng trong việc đàn áp nghĩa quân Long Sơn, Claire Dubois được cấp trên hứa hẹn về việc thăng quân hàm. Hắn gọi tên Việt gian đến để lĩnh thưởng cho việc dẫn đường đánh úp nghĩa quân.

– Anh làm tốt lắm! Nhà nước Đại Pháp rất cần những người An Nam như anh cho công cuộc “khai hóa văn minh” trên mảnh đất này.

Cầm túi tiền to tướng, tên Việt gian khúm núm cảm tạ rối rít:

– Đội ơn quan lớn ạ! Cũng là nhờ quan lớn chiếu cố…hé hé…

Tiếng cười man dại của tên phản bội khiến Claire Dubois cảm thấy buồn nôn. Một tên Juda phương Đông không hơn không kém. Tên Việt gian cúi chào rồi cầm túi tiền quay đi, bất giác thấy trên bàn của Claire Dubois vương vãi rất nhiều bức ảnh đen trắng. Hắn khựng lại trước một tấm ảnh. Túi tiền trên tay hắn rơi xuống lúc nào không hay.

– Bẩm…bẩm ngài…những bức ảnh này là… – Hắn xúc động, run rẩy hỏi.

Đặt điếu xì gà đang hút dở xuống bàn, Claire Dubois trả lời:

– Đó là những bức ảnh thu được trong lán của tên Cai Miên. Toàn là ảnh chụp đám dân đen bản xứ nghèo khổ, rách rưới.

Tên Việt gian như chết lặng. Mặt hắn co rúm lại, run bần bật như người bị động kinh.

– Ngài có biết…người đàn bà…trong tấm ảnh này không?

Claire Dubois quát lớn:

– Anh đang lảm nhảm cái quái gì vậy? Sao ta phải quan tâm đến con đàn bà An Nam bẩn thỉu đó chứ?

Nghe đến đấy, một tia lửa bừng lên trong đôi mắt đỏ hoe của tên phản bội. Hắn nhặt túi tiền rồi ném lại trước mặt của Claire Dubois. Tên phản bội rút súng. Hai tiếng nổ làm náo động cả doanh trại. Khi đám lính đang còn ngơ ngác thì tiếng súng thứ ba vang lên. Và sau đó, không còn tiếng súng nào nữa.

————————

Bà Juleen kể lại rằng, khi ông cố của bà cùng binh lính ập đến, Claire Dubois đã gục chết với hai vết đạn trên ngực. Người đàn ông An Nam kia cũng nằm chết dưới sàn bởi một viên đạn xuyên qua thái dương. Tay trái ông ta nắm chặt lấy một tấm ảnh. Khi nó được lấy ra, người ta thấy một người đàn bà An Nam có một đôi mắt u buồn.

U buồn đến sâu thẳm.

Bấp chấp sự phản đối của gia đình, ông cố của bà Juleen vẫn quyết định từ bỏ cuộc đời binh nghiệp rồi trở về Pháp và mở một tiệm ảnh ở trung tâm Paris. Suốt thời gian dài, ông chỉ chuyên tâm sưu tập ảnh về Đông Dương và viết hồi ký về quãng thời gian tham gia cuộc viễn chinh ở xứ sở xa xôi ấy.

Cuộc triển lãm bị gián đoạn vì lý do an ninh. Chúng tôi được cảnh sát thông báo về một cuộc biểu tình có dấu hiệu mất kiểm soát và đang di chuyển rất nhanh về công viên Montreau. Tiếng còi hú của xe cảnh sát vang cả góc phố. Người biểu tình đã chặn các ngả về trung tâm Paris khiến chúng tôi bị kẹt lại, không thể về kí túc xá. Trên con phố lớn, những người biểu tình giận dữ gào thét, họ giơ cao các biểu ngữ phản đối các chính sách của chính quyền tổng thống đương nhiệm. Cảnh sát chống bạo động được huy động tối đa. Sau khi cùng hát xong “Bài ca Marseille[3], một người đàn ông cao lớn bắc ghế rồi nhảy lên, gương cao một lá cờ.

Tôi giật mình và xúc động khi thấy sắc đỏ quen thuộc.

Người đàn ông hét lớn:

– Việt Nam!

Đám người đáp lại:

– Hồ Chí Minh!

Người lĩnh xướng lại hét lên:

– Việt Nam!

Đám đông lại hưởng ứng:

– Võ Nguyên Giáp!

Và cứ thế:

– Việt Nam!

– Hồ Chí Minh!

– Việt Nam!

– Võ Nguyên Giáp!

Pháo sáng bắt đầu được bắn. Đám đông ngày càng giận dữ.

Ở phía đối diện, hàng rào cảnh sát chống bạo động đã được thiết lập. Viên cảnh sát chỉ huy nhận được mệnh lệnh phải giải tán ngay đám đông. Ông ta đưa chiếc bộ đàm lên chuẩn bị. Những người cảnh sát được trang bị áo giáp, mũ bảo hiểm, khiên chắn và dùi cui cũng đã sẵn sàng. Nhưng có điều gì đó khiến viên chỉ huy chần chừ chưa thể ra lệnh. Từ bộ đàm, ai đó đang rất sốt ruột, thúc dục mãi không thôi.

    Quảng Bình, ngày 01.9.2023

NGUYỄN ANH TUẤN

___________________

[1] Spartacus (109-71 trước CN): thủ lĩnh lãnh đạo những người nô lệ nổi dậy chống lại Đế quốc La Mã trong Chiến tranh nô lệ lần ba, cuộc khởi nghĩa nô lệ lớn nhất trong lịch sử La Mã cổ đại.

[2] Tiếng Pháp.

[3] Quốc ca Pháp.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *