Ngồi nghe dâu bể đi qua… – Tản văn dự thi của Huỳnh Giản

Vanvn- “Luôn có những đoạn đường mà bạn vừa đi vừa khóc”.

Dòng văn ấy tôi đã đọc ở đâu mà ngay lúc này đây cứ quẩn quanh hoài trong tâm trí. Những hồi còi cuối năm rúc lên trong sương mù, vọng vào giữa bao ngổn ngang lòng tôi, cho những giọt nước mắt dọc đường về chợt thổn thức. Đôi khi tôi không thể hiểu hết lòng mình, đôi khi tôi tự hỏi cớ sao mình bật khóc khi ngõ nhà đã không còn quá xa xôi?

Tôi đâu còn là một cậu trai mười tám ngày đầu rưng rưng bước lên chuyến tàu xa nhà rồi cứ mủi lòng, thao thức. Đâu còn ngác ngơ trước bao lộng lẫy thị thành, mà ứa nước mắt nghĩ về những người quê lầm lũi gió mưa. Lúc này, khi những khấp khởi, xốn xang đã lắng đi, tôi khóc vì mình vẫn bình an, vẫn yên ổn trở về sau dằng dặc tháng ngày bức bối. Tôi khóc vì bà tôi, vì những người già của làng, vì tôi đã không kịp trở về để nhìn họ một lần cuối, hay dẫu chỉ là ngậm ngùi thắp lên một nén hương. Tôi khóc vì những ngóng đợi đằng đẵng của má, vì ngót nghét mười hai giờ đồng hồ nữa thôi, chỉ cần từ phía sau tôi được thấy dáng má đương lụi cụi bên hè, những vết thương lòng sẽ chẳng còn là gì, sẽ bị xoá nhoà không tăm tích như khói sương.

Thế gian này, dẫu là những cuộc dứt mình ra đi hay xé gió quay về, thì đều ứa nghẹn bao nỗi niềm dâu bể…

Tôi từng sợ phải về nhà. Sợ đối diện với những cơn say của cha, tôi sẽ lỡ dại nói ra những lời như mảnh vỡ sắc lẹm cứa vào tim nhói buốt. Nỗi day dứt như sợi dây vô hình sẽ trói lấy tôi trong cơn mất ngủ thâu đêm. Ngày nhỏ, mỗi lần nghe tiếng xe quen thuộc vang lên ở đầu ngõ, cha chệnh choạng về nhà sau những cuộc nhậu dài đến tối, anh em tôi thường thấp thỏm kéo nhau vào chỗ khuất. Dường như dẫu có va vấp bao nhiêu với cuộc đời này, dẫu tôi có cố quên đi như khép lại một cuốn phim buồn, thì cái cảm giác bất an của ngày ấy vẫn hiện hữu vẹn nguyên. Có phải càng cố quên đi lại càng nhớ?

Trong cơn say của cha, vọng vào trí nhớ non nớt của tôi là tiếng má khản giọng gọi tìm anh hai, giữa đêm mưa se sắt lạnh và gió từ biển thổi về lặng lẽ. Anh thường trốn ra ngọn đồi dương liễu những lần cha say, nằm buồn bã trong những khu lô cốt ẩn hiện giữa xanh xao cỏ lá, hay giấu mình sau những chòm mả ở rừng gió hoang vu. Có đêm anh nằm mãi ở đó, đợi sáng hôm sau khi cơn say của cha đã tan đi, anh mới lầm lũi trở về nhà. Mỗi lần như thế, tôi lại thấy đáy mắt của má như sâu hơn, thăm thẳm khôn nguôi và tận cùng day dứt. Những giọt nước mắt dường như đã hoà hết vào bóng đêm mịt mùng.

Trong cơn say của cha, đôi khi tôi vẫn nằm mơ thấy dáng cha đuổi theo má từ tận ngoài đê trở về nhà cùng những chì chiết tổn thương, má bước thấp bước cao, lụp xụp chiếc nón lá mòn vành. Tôi thấy những bữa cơm bỏ dở, chén đũa ngác ngơ, cơm canh đắng ngắt. Thấy tiếng người chỉ trỏ xì xào, những cánh cửa lạnh lùng khép lại cùng cái lắc đầu ngao ngán.

Nhiều đêm 30 Tết, má ngồi nhóm lửa trong giàn giụa nước mắt giữa thời khắc nhà nhà ấm cúng quây quần. Mấy ngày Tết sau đó, trong nhà không có gì ngoài nỗi trống vắng đôi khi khiến tôi như ngợp thở. Có phải men say đã biến cha thành một con người khác? Có phải chỉ lúc say cha mới được trút hết lòng mình, bao ẩn ức, túng quẫn, cơ cực thường ngày bung vỡ trong hơi men quánh đặc?

Tranh của họa sĩ Tú Ngọc

Anh hai tôi đã ở lại mãi năm anh mười bảy tuổi. Đó là một ngày cha vắng nhà, vẫn ngà ngà trong hơi men giữa một cuộc nhậu nào đó ở xa làng. Một ngày tháng bảy gió Lào thổi ràn rạt qua những thửa ruộng cằn khô, và những cụm mây trắng cứ rười rượi bay ngoài ngọn đồi dương liễu…

Vùng ký ức ấy đôi khi như quẫy đạp bóp nghẹt trái tim tôi. Tôi từng muốn chạy thật nhanh ra khỏi đường biên của nó, trong đầu chợt manh nha một câu hỏi: “Hay mình đừng về?”.

“Hay mình đừng về?” – câu hỏi như thể một cái quay lưng. Cái quay lưng đầy chua chát với đáy mắt hoen đỏ tựa ráng chiều của má, cứ mãi đứng trông theo bóng tôi xuôi vào phố giữa vời vợi xót xa. Quay lưng với những cơn nhớ quê như là tê dại những chiều mù sương trong thành phố, giữa hư hao vang lên một tiếng chim khắc khoải cuối ngày. Sao tôi có thể quên di ảnh anh tôi với nụ cười hiền bao tháng bao năm vẫn ở đó, như là cùng tôi lớn lên, như là nhẫn nại đợi chờ. Và sao tôi có thể quên cả những lần tôi nhỏ bé nép sau lưng cha giữa đường dài mưa hắt mịt mù cay mắt, những yêu thương vắng mặt hơi rượu nồng, những trưa đứng bóng tấm lưng cha ròng rã phơi dãi dầu nắng gió…

Tôi về, một ngày tháng Chạp, cha đang lom khom sau vườn nhà ươm những hạt rau Tết. Chợt nhói lòng nhận ra dáng cha đã già như ngọn gió bấc cuối mùa hoang vu. Nhận ra trong đáy mắt cha những đơn độc giấu kín, đôi bàn tay vần vũ một đời cũng khát khao hơi ấm, khép lại những đắng đót cách xa. Yêu thương rồi sẽ chữa lành bao đổ vỡ ở tận sâu những trái tim bao dung và chân thành.

Tôi về, lặng lẽ ngồi xuống cạnh má, lơ đãng nhìn khói nắng vàng hanh xuyên qua khung cửa đã bợt bạt vì gió mưa. Thấy mình bao năm vẫn như trẻ nhỏ chơi xa thèm nghe tiếng má gọi về. Vài sợi tóc bạc của má khẽ bay bay giữa vuông nắng mơ màng, níu lòng chùng xuống. Để tôi nhận ra trong hữu hạn đời mình, tôi mãi thuộc về góc nhà nao nao hình bóng má, lặng lẽ cầm bó chổi quét hết những vụn vỡ đắng cay.

Trong mùi lá khô còn khê nồng mùi vị của nắng, giữa quãng vắng thênh thang, tôi ngồi nghe dâu bể đi qua bóng mình…

HUỲNH GIẢN (TP.HCM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *