Vanvn- Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố đã được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại trụ sở Hội vào sáng 20.4.2023.

Tới dự có đại diện con, cháu nhà văn Ngô Tất Tố, lãnh đạo Hội Nhà văn Viêt Nam, cùng nhiều học giả và các nhà văn, nhà thơ tại Hà Nội.
“Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng với những đóng góp to lớn, đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Đồng thời ông cũng là hiện thân cao đẹp cho văn nghệ sĩ đi theo cách mạng và kháng chiến. Các tác phẩm như: “Tắt đèn”, “Việc làng”, “Tập án cái đình” đã truyền tải đến người đọc những thực tế nhức nhối trong sinh hoạt người nông dân và nông thôn Việt Nam trước năm 1945. Với ngòi bút chân thực, Ngô Tất Tố luôn làm người đọc kinh ngạc vì cách đặt vấn đề xã hội từ các tầng tiềm ẩn sâu xa của sự sống và của cả nền văn hóa. Không chỉ là một nhà văn, một học giả, ông còn là một nhà báo sắc sảo, bén nhạy, những tác phẩm của Ngô Tất Tố mang tầm vóc lớn khi thấu hiểu sâu xa về cuộc sống và con người, về xã hội và thời cuộc.” – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu mở màn về nhà văn Ngô Tất Tố trong Lễ kỷ niệm.

Nhận định về sự nghiệp văn chương của Ngô Tất Tố, GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học cho rằng: “Tác phẩm của Ngô Tất Tố là ranh giới giữa văn hóa cổ và hiện đại. Nhà Nho lão thành cũng lại vô cùng sắc sảo quan tâm sâu sắc đến nhiều vấn đề xã hội”.
Kết thúc một chặng đường đời chứa đựng nhiều sự cay đắng, bất công, Ngô Tất Tố với vốn hiểu biết sâu rộng về Nho học, về chế độ phong kiến thời suy tàn. Tác giả lại có những đóng góp về tiểu thuyết lịch sử Trong rừng nho. Ngòi bút văn chương lại hiểu đời, hiểu người nên chạm vào lịch sử tuy trái mùa nhưng vườn cây vẫn đơm hoa kết trái.

Nghề báo cũng là lĩnh vực thể hiện tài năng của Ngô Tất Tố. GS Hà Minh Đức dẫn thêm nhận xét của nhà văn Vũ Trọng Phụng, rằng: “Ngô Tất Tố là một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho”. Trong tác phẩm báo chí của mình, Ngô Tất Tố giúp người đọc hình dung rõ khi một bên là đời sống xã hội phong kiến, thuộc địa ở những mặt tối tăm, nhố nhăng và bi đát.

Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đăng Suyền cũng khẳng định: “Ngô Tất Tố là một nhà văn hiện thực xuất sắc. Ông cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao làm nên 5 bậc đại hiền văn nhân dòng hiện thực phê phán. Ông nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực: Văn, báo, dịch thuật chủ yếu tập trung đề tài tố cáo tội ác của nhà cầm quyền và chỉ ra nỗi thống khổ của nông dân nghèo. Sau cách mạng, ông nhập cuộc rất nhanh bằng các thể loại khác nữa như thơ, tác phẩm sân khấu chèo,… Ông mang lại vinh quang cho văn học Việt Nam với các kiệt tác “Tắt đèn”, “Lều chõng”, “Việc làng”…”
Nhà thơ Vũ Quần Phương phân tích lý do tác phẩm Ngô Tất Tố trường tồn với thời gian, đó là bởi ông luôn nghiêm khắc với ngòi bút của mình, từng chữ từng câu đều chở sức nặng tư tưởng nhân văn, đó chính là “tính thiện” của ngòi bút lẫy lừng này. Với nhà văn, ngòi bút có thể khơi lên tính lương thiện nhất thì sẽ gặp mọi thời đại.

Đại diện gia đình nhà văn Ngô Tất Tố, bà Ngô Thị Thanh Lịch đã cảm ơn Ban tổ chức và chia sẻ những ký ức về cha của mình khi cuối đời, đã sống những ngày nghèo khó và bệnh tật nơi rừng thiêng nước độc, nhưng thật thanh bạch và vẫn nhiều hy vọng. Cách ông dạy con học những vần thơ đẹp, những câu ca dao, tục ngữ, cách yêu cuộc sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào… Những chia sẻ chân thực, cảm động của bà Ngô Thanh Lịch khiến các nhà văn, nhà thơ đương đại lặng đi trong cảm xúc và suy tư, về một thời các bậc cha ông mình đã sống, cầm bút với nghĩa khí sáng ngời.

PVH – TB