Vanvn- Hơn bốn mươi năm cầm bút, có một nghiệp văn đáng quý, nhưng có vẻ càng ngày nhà văn Võ Thị Xuân Hà càng sống khép kín hơn. Chị bảo: “Mình mới là tri kỷ của mình, mình chẳng bao giờ sốt ruột hay lo lắng vì suốt đời không tìm ra tri kỷ.”
Nữ nhà văn từng lăn lộn làm nhiều việc kiếm sống, từ phóng viên, biên tập cho đến kinh doanh cà phê sách hoặc đi dạy kỹ năng truyền thông, viết văn,… nhưng ba việc cơ bản nhất ngoài sự nghiệp văn chương của chị là làm Tạp chí Điện Ảnh, Tạp chí Nhà Văn, làm sách và kinh qua một số công việc ở Hội Nhà văn Việt Nam.

Chị cho rằng, làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam là một thử thách lớn và dai dẳng nhất đối với chị, đã thế thu nhập lại vô cùng thấp. Không phải chị không tìm được việc khác ở ngoài, kiếm tiền khá hơn, nhưng cái chính là chị quan niệm rằng, số mệnh mình là như thế, không cần cưỡng lại, cứ chấp nhận trong thanh thản.
Cái được trong hai mươi năm công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, đó là chị được đẩy đến những áp lực tinh thần lớn nhất, và từ đó mà hiểu sâu nhất lòng người, để trưởng thành lên, được tôi luyện, và cây bút vững vàng hơn.
Nữ sĩ chia sẻ, cơ bản chị là người kín việc. Dự định làm gì thì âm thầm thực hiện, không lớn tiếng hoặc kể lể trước với ai, cứ để kết quả tự lên tiếng. Nhất là khi làm việc ở Hội nhà văn, ý thức được sự truyền miệng và thị phi gây hậu quả thế nào, Võ Thị Xuân Hà càng kín tiếng hơn. Thậm chí khi chị làm việc ở Ban Sáng tác của Hội, nhiều hội viên còn không hề biết điều đó. Cơ bản là giấu mình đi để tránh mất năng lượng và tập trung liên tục cho việc chính là viết và hoàn thành việc chuyên môn được phân công ở Hội.
Võ Thị Xuân Hà viết văn từ thuở nhỏ, nhưng đến năm 1987 mới công bố tác phẩm đầu tiên – truyện ngắn “To-ni (Đứa con lai)” được đăng báo Tuổi Trẻ Thủ Đô. Trước đó, khi còn trẻ con, chị viết tác phẩm nhưng rồi chỉ để… giấu đi mà thôi. Một đặc điểm của văn chị, đó là sự chững chạc, chân thực và nhiều tầng nghĩa. Cho dù đó là những tác phẩm viết thời còn mới cầm bút, hay đã qua trải nghiệm nghề tới bốn thập niên. Đơn cử, tác phẩm truyện ngắn “Một quãng tuổi thơ” do nữ sĩ viết dự thi vào trường viết văn Nguyễn Du năm 1989, cho tới năm 2021, báo Nhân Dân hằng tháng đăng tải truyện này, mà một biên tập ở báo cứ tưởng là truyện chị mới sáng tác.
Công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam suốt hai thập niên chị cũng luôn bị thử thách bởi lòng người không thuận. Hơn ai hết, nữ sĩ là người thấm nhất điều này “Bản chất của mối quan hệ giữa người với người là âu lo, là gánh nặng.” Đã từ lâu rồi, chị không còn kỳ vọng vào một mối quan hệ nào, hoặc một người nào khác. Chị chỉ tập trung vào việc phát huy năng lực của chính mình, sử dụng trải nghiệm từ đời sống để viết.
Và chị cũng tự giải thoát bản thân khỏi những thói thường như mong muốn giải thưởng, vị trí, sự công nhận, ảnh hưởng,… Rút về sâu trong chính mình để hưởng thụ những giá trị quý báu của chính mình, rồi trải ra trang viết. Từng khắc hạnh phúc của chị, là từng lời động viên, từng tin nhắn biết ơn gửi tới chị từ những độc giả âm thầm ở đâu đó mà chị không biết mặt. Họ lặng lẽ dõi theo bước đường sáng tác của nữ sĩ, dùng từng trang viết của chị làm cứu cánh nâng bước đường mình đi.
Chính vì vậy, mà dù đã có những thành công trong nghiệp viết, chị vẫn tiếp tục đào sâu chính mình. 26 tập truyện ngắn, 2 tập truyện dài, 3 cuốn tiểu thuyết, 2 tập bút ký, ghi chép, 1 tập khảo cứu và 2 tập truyện tranh. Chừng ấy tác phẩm đã xuất bản và còn nhiều những ý tưởng chị đang ấp ủ…
Tôi muốn nhắc đến cuốn tiểu thuyết thứ ba mà nữ sĩ vừa xuất bản quý IV/2022, tiểu thuyết “Câu chuyện của nàng Thê”. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho biết, chị ấp ủ tác phẩm này đã mười năm. Mỗi lần viết chỉ được vài trang, thậm chí vài dòng, rồi gấp lại.
Trong thời gian công tác tại Hội Nhà văn, chị kinh qua nhiều công việc khác nhau, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội, Trưởng ban Văn trẻ, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Văn,… Công việc bận rộn, trách nhiệm cao, lại thêm nhiều việc thường ngày và các đề tài mới níu kéo, nên tác phẩm mà chị yêu thương, muốn dành nhiều tâm huyết nhất, với tấm lòng trong trẻo nhất, lại cứ bị để dành.
Hơn hai năm nay, khi rời khỏi những công việc ở Hội Nhà văn, chị được tự do hơn, tâm thế thảnh thơi và chị lại được rót tràn tinh thần phơi phới sáng tạo. Chính lúc này, men đã ủ kỹ, và “Câu chuyện của Nàng Thê” bắt đầu lên sóng Youtube, từng kỳ một, do chính tác giả đọc, khiến nhiều người nghe mê say. Người nghe truyện đặt câu hỏi cho tác giả, đề nghị chị đọc tiếp các phần sau của câu chuyện Nàng Thê. Họ truyền động lực cho chị, khiến chị cầm bút viết một mạch, hoàn thiện cuốn tiểu thuyết kỳ lạ này, cũng là cuốn sách thứ 30 của chị. Chị đã tiếp cận bạn nghe đọc truyện trực tiếp trên mạng, một cách hoàn toàn khác so với trước đây, tác giả tương tác với bạn đọc ngay lập tức. Và tôi tin rằng, những bạn đọc (nói cho đúng hơn là bạn nghe truyện) đầu tiên hẳn có tác động đến tác giả theo một cách nào đó.
Nội dung tiểu thuyết cuốn hút mạnh, không chỉ bởi hành trình của một cô gái đẹp, vừa biết rõ, lại vừa như không hề biết nguồn gốc của mình, mà còn bởi những ẩn dụ lẩn khuất trong từng câu nói, từng hình ảnh diễn tiến lặp lại ở mỗi tầng lại cao hơn tầng trước đó. Câu hỏi muôn thuở “Tôi là ai? Từ đâu đến? Và sẽ đến đâu?” lồng trong thân phận cô gái qua từng chương sách, qua từng cảnh huống, từng kiếp sống mà cô trải qua. Triết lý về luân hồi cũng thật ám ảnh khi cô gái chẳng thể biết được mỗi lần mình “mở mắt” cô sẽ rơi vào, hoặc được đặt vào nơi đâu, với ai, thuộc vị trí nào,…
Với giọng điệu liêu trai, mỗi từ ngữ như con thuyền chở nặng nghĩa và ý, Võ Thị Xuân Hà vừa thách đố người đọc mới, vừa mê hoặc những siêu độc giả, vừa như cố tình che mắt các nhà phê bình thích dùng lúp mắt soi chữ. Nhưng nếu ta đọc tác phẩm này với tâm thế của một cô bé ham đọc truyện cổ tích, thì tất cả những định kiến hoặc kinh nghiệm sẽ được buông rơi, để sự vui thú của việc đọc cất bổng ta lên trong đôi cánh mộng mơ, bay vào thế giới cổ tích, thỏa sức khám phá các tầng sống trong vũ trụ bao la, trải nghiệm sống không giới hạn, không bị trói buộc bởi thói thường.
Nhưng sự trói buộc đời thường lắm khi thực tinh vi và ngọt ngào. Có mấy ai trong tuổi hoa niên mà lại thoát ra khỏi vòng trói ngọt ngào của hôn nhân, địa vị, tiền tài, danh vọng, các mối quan hệ và sự công nhận của người đời? Tôi thực sự ấn tượng bởi chi tiết tấm lưới lấp lánh cuốn chặt thân thể kiều diễm của Nàng Thê, dùng kéo, dao, khéo léo thế nào cũng không thể cắt nó ra khỏi nàng được.
Không chỉ Nàng Thê, qua nhiều kiếp sống, mà mỗi chúng ta đây, đều đang bị một tấm lưới vô hình thít chặt. Dường như ta càng vùng vẫy, thì tấm lưới dai dẳng kia càng thít chặt. Liệu ta có thể cứ thế mà sống, quên tấm lưới đi và vẫn được tự do, được yêu hay không? Điều ấy thật là kinh khủng! Và tấm lưới ẩn dụ làm nên sức nặng cho tác phẩm.
Đọc từng chương sách, theo Nàng Thê đi tìm “định mệnh” – Linh hồn phản chiếu (Twin Flame) của mình, tôi chợt tự hỏi “Tại sao mỗi chúng ta, cứ mãi đi tìm một ai đó, để ghép vào với mình cho có cảm giác trọn vẹn?” Sự tìm kiếm ấy có vô vọng không, khi thế giới có hơn 7 tỷ người, chưa kể “mảnh ghép” của ta có thể lại đang lưu lạc ở một tầng sống khác, ở kiếp khác? Liệu ta sẽ lại luân hồi khi chưa thể tìm ra “mảnh ghép” thực sự của mình? Lắm khi, ta yêu đắm say và mừng rỡ tìm thấy “mảnh ghép” của mình. Nhưng chỉ sau một thời gian, thì lại cay đắng nhận ra mình nhầm lẫn! “Mảnh ghép” ấy thấp thoáng ẩn hiện, như trêu ngươi, đánh lừa ta hết lần này đến lần khác, hết kiếp này qua kiếp khác, như một vòng lặp định mệnh, bởi khi ta sai lầm, thì vòng lặp lại tiếp tục…
Nhưng ta biết làm gì đây nếu dừng tìm kiếm? Ta liệu có thể trọn vẹn với chính mình hay không? Nhà văn Võ Thị Xuân Hà chỉ ra “Tình yêu vô điều kiện chính là bài học lớn nhất và quan trọng nhất của mối quan hệ Twin Flame nói riêng và của toàn bộ loài người nói chung”. Vậy đó, nếu không học được bài học đó, không giải quyết thực sự xong bài học đó, thì ta sẽ mãi đau khổ, mãi tìm kiếm trong vô vọng “Linh hồn phản chiếu” của mình.
Trong miên man tìm kiếm duyên mệnh, hết kiếp này đến kiếp khác, với ai đó có thể là chịu khổ nạn, có thể là sự hoảng sợ vô vọng, nhưng lại cũng có thể là những trải nghiệm sâu sắc, khi Ta hiểu được chân lý, tìm được Mình trong Ta. Có như vậy, Nàng Thê, hay bất cứ độc giả nào, khi giữa trang sách mơ mộng, tự đặt câu hỏi mình là ai, tìm kiếm gì, cũng có thể an nhiên tận hưởng khoảnh khắc tư lự ấy. Bởi duyên mệnh đi tìm, là tất nhiên thôi, là cần chấp nhận.
SAO KHUÊ