Vanvn- “Có hai quan niệm về làm nghệ thuật: thứ nhất là nghệ thuật vị nghệ thuật (l’art pour l’art) và nghệ thuật vị nhân sinh (l’art pour la vie). Tôi không phủ nhận quan điểm thứ nhất nhưng tôi lại thiên về quan điểm thứ hai. Làm nghệ thuật để phục vụ cho đời sống con người ngày một đẹp hơn. Đó là tâm niệm của tôi. Cho nên tôi rất thích thú câu nói của Dostoyevsky: “Chỉ có cái đẹp mới cứu rỗi nhân loại”. – Chia sẻ của đạo diễn Lê Cung Bắc năm 2011.

Nhìn thẳng vào cuộc sống của con người đương đại để thể hiện nó một cách sống động
Bạn bè và đồng nghiệp của đạo diễn Lê Cung Bắc vừa thông báo ông Lê Cung Bắc đã qua đời lúc 1h53 sáng 13.6 tại nhà riêng ở quận 10, TP.HCM sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư. Ông hưởng thọ 76 tuổi.
Bà Giang, vợ của đạo diễn Lê Cung Bắc, cho biết lúc 15h chiều 13.6 gia đình sẽ tổ chức lễ khâm liệm cho ông. Dự kiến lễ động quan ông sẽ diễn ra lúc 14h ngày 15.6, an táng tại nghĩa trang Sài Gòn Thiên Phước.
Đạo diễn Lê Cung Bắc sinh năm 1946, ở tỉnh Quảng Trị. Ông từng học ngành kinh doanh trước khi đến với nghệ thuật. Lúc còn là sinh viên, ông thành lập Ban kịch Thụ Nhân, khá nổi trong giới sinh viên các trường đại học miền Nam.
Lê Cung Bắc cũng tham gia viết báo trên các nhật báo như Công Luận, Bút Thép, Sóng Thần, Tin Sáng, tuần báo Đời và Bán nguyệt san Văn. Trước năm 1975, ông tham gia một số ban kịch truyền hình Sài Gòn như các ban kịch Vũ Đức Duy, Quê Hương, Sông Thao… và được đánh giá là một diễn viên tài năng.
Lê Cung Bắc từng được cử đi nghiên cứu ngành kịch nói tại Pháp và Canada năm 1974. Sau năm 1975, ông tham gia Đoàn kịch nói Bông Hồng một thời gian ngắn và sau đó chính thức chuyển qua lĩnh vực điện ảnh từ năm 1982.
Cuối năm 1992, Lê Cung Bắc được Hãng phim Giải Phóng giao làm một số phim truyện video đầu tiên như Trên cả hận thù, Ta tắm ao ta, Giọt lệ chưa khô… Năm 1994, ông được Hãng phim Giải Phóng giao làm bộ phim nhựa đầu tiên Nhịp đập trái tim và với bộ phim này ông được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải thưởng Đạo diễn phim nhựa đầu tay.
Lê Cung Bắc là một trong những đạo diễn đầu tiên thực hiện phim của Hãng phim TFS, Đài Truyền hình TP.HCM. Bộ phim Người đẹp Tây Đô khi phát sóng đã gây tiếng vang lớn. Sau đó, ông tiếp tục thực hiện các phim như Không thể rẽ trái được nhận huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 1996.
Bộ phim truyền hình Dòng đời (52 tập) Lê Cung Bắc đạo diễn đã mang lại 3 giải thưởng: Đạo diễn, Quay phim và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong cuộc bình chọn của khán giả do HTV tổ chức năm 2001. Cũng trong năm đó, Lê Cung Bắc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Năm 2008, Lê Cung Bắc trở lại với Hãng phim TFS qua bộ phim Vó ngựa trời Nam – một bộ phim truyền hình lịch sử hoành tráng và đã nhận được nhiều giải thưởng trong Liên hoan Truyền hình 2010, giành được 3 huy chương vàng dành cho Phim xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
“Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tại của xã hội, nhìn thẳng vào cuộc sống của con người đương đại để thể hiện nó một cách sống động, cũng đừng quên rằng hiện thực của cuộc sống khi được đưa lên màn ảnh qua lăng kính nhận thức và bàn tay dàn dựng của người đạo diễn, không thể bê nguyên xi.
Có hai quan niệm về làm nghệ thuật: thứ nhất là nghệ thuật vị nghệ thuật (l’art pour l’art) và nghệ thuật vị nhân sinh (l’art pour la vie). Tôi không phủ nhận quan điểm thứ nhất nhưng tôi lại thiên về quan điểm thứ hai. Làm nghệ thuật để phục vụ cho đời sống con người ngày một đẹp hơn. Đó là tâm niệm của tôi. Cho nên tôi rất thích thú câu nói của Dostoyevsky: “Chỉ có cái đẹp mới cứu rỗi nhân loại”. – Chia sẻ của đạo diễn Lê Cung Bắc năm 2011.
Những bóng hồng trong phim của đạo diễn Lê Cung Bắc
Phim của đạo diễn Lê Cung Bắc khắc họa rất thành công về vùng đất, con người Nam Bộ nói chung và Sài Gòn – mảnh đất gắn liền với ông từ thuở còn thơ – nói riêng. Phim ông cũng thường có những bóng hồng để lại ấn tượng sâu đậm cho khán giả.

* Việt Trinh với Người đẹp Tây Đô (1996)
Bộ phim lịch sử Người đẹp Tây Đô dựa trên câu chuyện có thật về nữ chiến sĩ tình báo Lâm Thị Phấn tại Cần Thơ thời kỳ kháng Pháp. Để thực hiện phim này, đạo diễn Lê Cung Bắc đã mời nhà văn Sơn Nam cố vấn góp ý chi tiết về Nam Bộ xưa. Khi phát sóng trên HTV, phim đã tạo được tiếng vang lớn bởi câu chuyện hấp dẫn, dung dị về nữ anh hùng Bạch Cúc và những người dân Nam Bộ yêu nước.
Sau khi đóng phim này, nữ diễn viên Việt Trinh – vai Bạch Cúc – đã có thêm danh xưng “Người đẹp Tây Đô” đến tận hôm nay.
Không chỉ có Việt Trinh, phim giới thiệu nhiều gương mặt diễn viên nổi tiếng như Hồng Ánh, Lê Công Tuấn Anh, Hoàng Sơn, Kim Xuân…
* Sông Hương với Dòng đời (2001)
Đây là bộ phim mà đạo diễn Lê Cung Bắc dành nhiều công sức và tâm huyết bởi thời gian trong Dòng đời trải dài từ những năm 50 đến năm 60 của thế kỷ trước, với bối cảnh quay hơn 6 tỉnh thành.

Câu chuyện kể về quãng đường trưởng thành của các chàng trai cô gái: Nam, An, Tín, Phú, Mãnh… theo giai đoạn phát triển của lịch sử đất nước, làm nổi bật vai trò ảnh hưởng của gia đình trong việc hình thành nhân cách con người.
Phim giới thiệu “nàng thơ” mới của phim Việt: nữ diễn viên xinh đẹp Võ Sông Hương (vai Nam). Các diễn viên khác như Kinh Quốc, Huỳnh Anh Tuấn, Hoàng Phúc sau này cũng rất thành công trên màn ảnh.
Phim đoạt ba giải thưởng: đạo diễn, quay phim và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho đạo diễn Lê Cung Bắc, Đồng Anh Quốc và Võ Sông Hương trong cuộc bình chọn của khán giả do HTV tổ chức năm 2001.
* Lê Phương, Quỳnh Lam trong Vó ngựa trời Nam (2010)
Vó ngựa trời Nam lấy cảm hứng từ cuộc đời của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ – nhà quân sự và nhà thơ của vùng Đông Nam Bộ, chuyển thể từ hai tác phẩm Thi tướng chiến khu xanh và Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ.

Đây là bộ phim có thời gian sản xuất khá lâu và khá tốn kém vì là phim lịch sử mà đạo diễn khá kỹ tính. “Tóc tôi đã bạc trắng và xuống mấy ký từ bộ phim này”, đạo diễn từng cười vui và chia sẻ trong giai đoạn phim ghi hình. Với sự chăm chút kỹ lưỡng nên bộ phim khi phát sóng đã thu hút khán giả bởi dù là phim lịch sử nhưng không khô khan mà rất hấp dẫn, dễ xem.
Phim đề tài chiến tranh với nhân vật chính phim là nam, nhưng đạo diễn Lê Cung Bắc đã giới thiệu hai gương mặt nữ mới xinh đẹp và có tiềm năng là Lê Phương (vai Nhàn) và Quỳnh Lam (Lương Thị Thành). Nam diễn viên trẻ Huỳnh Đông với vai Huỳnh Văn Nghệ đã ghi dấu ấn trong sự nghiệp diễn xuất của mình.
Vó ngựa trời Nam giành được nhiều giải thưởng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc, giải Cánh diều vàng…
* Dương Mỹ Linh, Khánh My, Ngân Khánh trong Mỹ nhân Sài thành (2018)
Mỹ nhân Sài thành kể về cuộc đời của ba người là Bạch Trà, Hồng Trà, Thanh Trà với những số phận và ngã rẽ cuộc đời khác nhau ở Sài Gòn vào những năm 1950 đầy biến động. Để tạo nên một Sài Gòn xưa, đạo diễn Lê Cung Bắc đã đầu tư nhiều cho bối cảnh, phục trang và đạo cụ… Ba người đẹp Dương Mỹ Linh (vai Bạch Trà), Khánh My (Hồng Trà), Ngân Khánh (Thanh Trà) cùng góp mặt trong phim này.

Trong quá trình quay Mỹ nhân Sài thành, đoàn phim gặp một trục trặc: một diễn viên là hoa hậu dính vào những lùm xùm khiến đoàn phim phải đổi diễn viên khi phim đang quay. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng phim.
Dù Mỹ nhân Sài thành không tạo được sự chú ý nhiều như các bộ phim đạo diễn Lê Cung Bắc thực hiện trước đó nhưng được khán giả đánh giá cao về công tác đạo diễn của ông khi phần nào tái hiện đậm nét một Sài Gòn xưa cũ.
HOÀNG LÊ
Tuổi Trẻ Online