Vanvn- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Chương trình Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI năm 2023, nhân dịp tết Nguyên tiêu Quý Mão 2023. Chương trình thu hút sự tham dự đông đảo của các nhà thơ, người sáng tác thơ và các hội viên.
Ngày thơ Việt Nam 2023 có chủ đề “Nhịp điệu mới”, thể hiện ước vọng khi đất nước đã vượt qua đại dịch, cuộc sống bình thường mới trở lại với nhịp điệu, khí thế và niềm tin mới, cùng với sự phục hồi mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; hướng tới một tương lai tươi đẹp.
Ở Quảng Ngãi, với chủ đề “Nhịp điệu mới trên quê hương núi Ấn – sông Trà”, chương trình mang đến 15 tiết mục thơ ca, hát múa. Hầu hết các tiết mục là tác phẩm của các nhà thơ và thơ phổ nhạc của các nhà thơ trong tỉnh .
Trong không gian ấm cúng, công chúng, những người yêu thơ, nhạc được thưởng thức những tiết mục giàu cảm xúc, khi lắng đọng, lúc thăng hoa, thể hiện được niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước trong mùa Xuân mới; tình yêu cuộc sống và những rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của quê hương núi Ấn – sông Trà.

Tiêu biểu là những tác phẩm thơ, gồm: Nguyên tiêu Quảng Ngãi (Nhân Ảnh); Tết về trên bản Đồng Cau (Khôi Nguyên); Thầm thương (Nguyễn Tấn Hải); Sắc Xuân ngày mới (Hạnh Nhi); Quảng Ngãi sau ngày bão (Minh Đoàn); Bùi Hui gọi (Hoàng Lan Quyên); Như hoa hướng dương (Trần Thu Hà)… Những tác phẩm nhạc kết hợp với thơ, gồm: Nắng Xuân về (Thơ: Hoàng Diễm, nhạc: Minh Châu); Đưa em về thăm cầu Cổ Lũy (Thơ: Sơn Trần, nhạc: Nhật Thanh); Đêm trăng Xuân (Thơ: Nguyễn Ngọc Hưng, nhạc: Văn Phượng)…

Bên cạnh các tiết mục thơ, nhạc, chương trình còn mang đến một số tiết mục hát múa đặc sắc, chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng, gồm: Vững bước dưới cờ Đảng (Trần Ngọc Lân); Tổ quốc vinh Quang (Thơ: Tạ Văn Quân, nhạc: Hồ Trọng Tuấn); Điệp khúc đại ngàn (Thơ: Lê Hoài Thạnh, nhạc: Sỹ Hùng).

Ngày thơ Việt Nam là một trong những hoạt động được Hội VH – NT tỉnh hưởng ứng, tổ chức thường niên. Tuy nhiên, từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động bị trì hoãn, không tổ chức tập trung, cho đến nay được tổ chức lại.
Ngày thơ nhằm tôn vinh giá trị tốt đẹp của thơ ca và đóng góp của nhà thơ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng. Đây cũng là dịp để các nhà thơ, người đam mê sáng tác thơ giao lưu, gặp gỡ, bày tỏ những suy nghĩ, gửi gắm tâm tư, tình cảm vào thơ ca.
THIÊN HẬU
Báo Quảng Ngãi
- Chùm thơ Lâm Bằng: Tản mạn trước Đền thờ vương triều Mạc ở Kiến Thụy
- Nguyễn Văn Vĩnh – Người phát triển báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX
- Những đóng góp âm thầm của các dịch giả
- Những điều chưa biết về nhà viết kịch đầu tiên của Việt Nam
- Nỗi niềm suy tư, trăn trở về con người và thời gian trong thơ Phùng Hiệu