Ngày Tết, lãng du trong phong tục dân gian

Vanvn- Văn học dân gian người Việt (bao gồm thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, tục ngữ, ca dao, câu đố…) là nơi phản ánh cuộc sống, đúc kết kinh nghiệm tri thức của cộng đồng; tuy không hoàn toàn đầy đủ nhưng nó đã ghi lại nhiều nét quan trọng trong phong tục Tết cổ truyền của chúng ta.

Đó là tục chuẩn bị chu đáo cho ngày Tết; tục trồng cây nêu; tục làm bánh chưng, bánh giầy; tục mừng tuổi, thăm hỏi hai bên nội ngoại và thầy dạy học… Ngoài ra, qua văn học dân gian, chúng ta còn thấy được đặc điểm riêng trong phong tục ăn tết của những địa phương khác nhau.

1. Tục chuẩn bị chu đáo cho lễ cúng ông vải trong ngày Tết

Ngày xưa, kinh tế còn eo hẹp nên muốn có cái Tết đươc ăn no hơn và ngon hơn ngày thường, người dân phải lo lắng sắm sửa tốn kém, bận rộn và chuẩn bị rất lâu: Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo.  Ông vải có nghĩa là gia tiên tiền tổ nói chung. Tết đến, người Việt có phong tục cúng tổ tiên để báo cáo những việc làm được và chưa làm được trong năm, đồng thời xin phù hộ độ trì cho con cháu năm mới mọi điều may mắn. Mối liên hệ giữa người đã khuất và người sống được thể hiện rõ nét trong phong tục tốt đẹp này.

Trong 3 ngày Tết, con cháu đều phải chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn để cúng. Ngày 30 Tết cúng để mời ông vải bà vải, thần linh về nhà cùng ăn Tết với con cháu, còn ngày mùng ba thì làm lễ hóa vàng cúng tiễn chân gia tiên. Vật phẩm cúng ngày mùng một Tết gồm: mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn, nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Có thể là cỗ mặn, cỗ chay nhưng phải được chế biến thơm ngon, bày biện đẹp mắt. Mâm cỗ truyền thống thường “bốn bát sáu đĩa”, nhà khá giả thì “tám bát, tám đĩa”. Ngày xưa, người dân sống rất nghèo khổ nên để có những mâm cỗ cúng ông vải vào dịp Tết, con cháu phải lo lắng, dành dụm cả năm, thậm chí phải đi vay nợ. Vì thế, dân gian mới có câu tục ngữ: “Sau ba ngày tết là hết trơ trơ, ông vải ngồi chờ đến Tết năm sau”.

Thời trước, chuẩn bị cho cái tết đầy đủ, chu đáo là một công việc vô cùng quan trọng, vất vả và tốn kém nên tục ngữ  mới đúc kết: “Đi cày ba vụ, không đủ ăn Tết ba ngày” hoặc: “Làm như ngày mùa thì của để đâu cho hết / Ăn như ngày Tết thì lấy gì mà ăn”. Trong ba ngày tết, dù nghèo mấy thì nghèo nhưng nếu không được ăn ngon thì chí ít cũng phải được ăn no: “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Câu này có nhiều cách giải thích khác nhau: có người cho rằng con cháu vì phải thực hiện nghi lễ cúng bái, tiếp đón khách, lại thêm khách đến ăn giỗ nhiều hơn dự kiến nên mới bị đói vào ngày giỗ cha; trong khi Tết, nhà nào cũng có cỗ, đi đâu cũng được mời ăn nên no đủ. Tuy nhiên, tôi đồng tình với ý kiến cho rằng: câu tục ngữ này, thông điệp nằm ở vế thứ hai còn vế thứ nhất chỉ đóng vai trò thủ pháp nghệ thuật để cho có vần và có đối (đói – no, cha – ba). Thế nên, chúng ta không cần phải cố đi tìm nghĩa đen và cách lí giải nội dung của vế đầu. Ý của câu này chỉ muốn khẳng định: ngày quan trọng nhất trong năm là ngày Tết. Người ta có thể bị đói vào bất cứ ngày nào, kể cả ngày giỗ cha nhưng ngày Tết dứt khoát phải có “thịt treo trong nhà” và phải được ăn no.

Tết đến, gia cảnh của mỗi gia đình đều được bộc lộ rõ nét. Vì thế, tục ngữ mới khẳng định: Giầu khó ba ngày tết mới hay. Người nghèo thấy Tết là lo lắng, người giàu thấy tết thì vui mừng. Người ăn không hết, kẻ lần không ra vốn là một nghịch cảnh trong ngày tết từ xưa đến nay.

2. Tục dựng cây nêu ngày Tết

Cây nêu là một thân cây đem trồng trước sân nhà mỗi dịp Tết Nguyên đán, trên ngọn cây đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Cây nêu của người Kinh thường sử dụng một số loại cây họ tre như tre, bương, lồ ô; có độ cao từ 5 đến 6 mét, tỉa sạch cành lá. Trên ngọn thường buộc lá dứa, nhánh xương rồng, cành đa hoặc lá bùa hình bát quái để trừ tà.

PGS-TS Hoàng Kim Ngọc

Phong tục dựng cây nêu được phản ánh rất rõ trong truyện cổ tích “Sự tích cây nêu ngày tết” (Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi). Truyện được tóm tắt như sau: Xưa Quỷ chiếm toàn bộ đất nước, người phải làm thuê cho Quỷ. Chúng ngày càng bóc lột người thâm tệ. Quỷ nghĩ ra thể lệ “ăn ngọn, cho gốc” nên trồng lúa thì người chỉ còn ăn rạ. Phật khuyên người trồng khoai lang. Quỷ tức lộn ruột nên tuyên bố mùa sau “ăn gốc, cho ngọn”. Phật lại khuyên người trồng lúa. Quỷ lại đòi năm sau “ăn cả gốc lẫn ngọn”, Phật lại khuyên người trồng ngô. Cuối cùng, Quỷ quyết định đòi đất. Phật khuyên người điều đình với quỷ để xin một miếng đất nhỏ vừa bằng chiếc áo cà sa. Hai bên làm tờ giao ước: “Ngoài bóng tre là đất của quỷ, trong bóng tre là đất của người”. Khi người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn, tung áo cà sa bay tỏa thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hóa phép cho cây tre cao vút mãi tận trời. Bóng áo cà sa tỏa đến đâu, Quỷ rút chạy vào rừng đến đấy. Quỷ bèn chiêu tập các loại ác thú trong rừng cùng đi đòi lại đất nhưng bị gậy tầm xích của Phật đánh nên quân của Quỷ không tiến lên được. Lũ Quỷ bèn dò hỏi Phật sợ gì, Phật cho chúng biết là sợ hoa quả, oản chuối, cơm nắm, trứng luộc. Đổi lại, Phật cũng dò hỏi và biết quân của Quỷ sợ máu chó, lá dứa, tỏi và vôi bột. Những lần giáp chiến sau đó, Quỷ ném hoa quả, oản chuối, cơm, trứng vào Phật, Phật bảo người dùng làm lương ăn và giã tỏi, phun máu chó, lấy lá dứa quất vào quân của Quỷ. Chúng chạy không kịp và bị Phật đày ra biển đông. Quỷ rập đầu sát đất xin Phật cho chúng một năm được vào đất liền ba ngày thăm phần mộ tổ tiên. Phật đồng ý. Vì thế, hàng năm cứ đến Tết nguyên đán là ngày Quỷ vào thăm đất liền, người ta trồng cây nêu để Quỷ không dám bén mảng vào chỗ người ở. Cây nêu là biểu tượng của sự đấu tranh giữa thiện và ác, giữa người và quỷ nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người.

Phong tục dựng nêu không chỉ được phản ánh trong truyện cổ mà còn được lưu giữ qua ca dao, câu đố:

– Cu kêu ba tiếng cu kêu / Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè / Dựng nêu thì dựng đầu hè / Để sân gieo cải, vãi mè mà ăn

– Cành đa, lá dứa treo kiêu (cao) / Vôi bột rắc ngõ, chớ trêu mọi nhà / Quỷ vào thì quỷ lại ra / Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm

– Cành không quả, lá không tươi / Rễ thì chẳng có, sống mười ngày xuân

– Tết đến tôi được đem trồng / Dựng thẳng trước ngõ, trước sân, trước nhà / Thế rồi mùng bảy xuân ra / Mọi nhà hết Tết thế là hạ tôi

3. Tục làm bánh chưng, bánh giầy

Tục làm bánh chưng được phản ánh trong truyện dân gian: “Bánh chưng” (cuốn “Lĩnh Nam chích quái” của Vũ Quỳnh) và truyện “Gốc tích bánh chưng, bánh giầy” (cuốn “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, tập 1, do Nguyễn Đổng Chi biên soạn. In lần đầu từ năm 1958, đến nay đã tái bản 10 lần). Truyện được tóm tắt như sau: Ngày xưa, đời Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu xuân, vua họp các hoàng tử lại và bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất thì ta sẽ truyền ngôi cho”. Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ, riêng hoàng tử Lang Liêu nằm mộng được một vị thần mách bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh để tượng hình Cha Mẹ sinh thành”. Lang Liêu vô cùng mừng rỡ vội làm theo chỉ dẫn. Đến ngày hẹn, hai món bánh của Lang Liêu được Vua Hùng rất tâm đắc, nhất là khi nghe chàng kể chuyện vị thần báo mộng và ý nghĩa của bánh chưng, bánh giầy thì đã quyết định truyền ngôi cho chàng. Hai loại bánh này thể hiện cho vũ trụ, nhân sinh. Trong tín ngưỡng của người Việt, bánh giầy tượng trưng cho âm, bánh chưng tượng trưng cho dương. Trên mâm cúng ngày lễ, bánh giầy dành cho mẹ Tiên, bánh chưng dành cho cha Rồng (những nhân vật truyền thuyết đã tạo nên dân tộc Lạc Việt), đồng thời thể hiện sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

Hình thức và cách làm bánh chưng đã để được phản ánh trong những câu đố sau:

– Lá dong anh đặt dưới / Nếp hoa vàng trải ra / Cho đỗ rồi cho thịt / Lạt mềm buộc chéo hoa

– Vườn xanh lại đóng khố xanh / Giữa đỗ trồng hành, thả lợn vào trong

– Mặt thì vuông vức chữ điền / Bụng no đậu đỗ lại nghiền thịt heo / Hùng Vương xưa chấm Lang Liêu / Cũng vì tấm bánh quý yêu phân trần

Bánh chưng là loại bánh ngon có nhiều dinh dưỡng. Tuy nhiên nếu ăn nhiều thì rất dễ ngán. Vì thế, tục ngữ mới có câu: Dửng dưng như bánh chưng ngày Tết.

Bánh giầy phổ biến hiện nay là bánh giầy không nhân, nhỏ bằng lòng bàn tay được nặn hình tròn, dày chừng 1 đến 2 cm. Cứ hai cái bánh làm thành một cặp bọc lá chuối. Người ăn có thể lấy một cái hay cả cặp và kẹp thêm miếng chả hoặc miếng giò vào giữa. Bởi vậy mới có câu đố tục giảng thanh về bánh giầy giò rất hợp lí như sau:

Thân em vừa trắng vừa tròn / Sao anh lại nỡ lột quần em ra / Lột quần anh lại chẳng tha / Anh lấy miếng thịt anh tra ngay vào.

4. Tục chúc tết, ăn Tết

Khái niệm “ăn Tết” được hiểu là cách ăn uống, vui chơi, chúc tụng, mừng tuổi trong những ngày Tết Nguyên đán.

Trong năm, mọi người ai cũng bận rộn với việc mưu sinh nhưng dịp Tết đều dành thời gian để thăm hỏi, chúc Tết họ hàng nội ngoại, thầy cô giáo. Tục ngữ cổ có câu: Mùng một tết cha / Mùng ba tết thầy.  Câu này  có nghĩa: mùng một, mùng hai là ngày báo hiếu cha mẹ, nhớ ơn công sinh thành dưỡng dục; mồng ba là ngày thăm thầy để ghi nhớ công giáo dục, truyền dạy kiến thức, thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”. Sau này, câu tục ngữ cổ ấy đã được mở rộng cho phù hợp với thực tế đời sống hiện nay: Mùng một tết cha / Mùng hai tết mẹ / Mùng ba tết thầy. Câu này được giải thích là: mùng một thì chúc tết, mừng tuổi bên nội; mùng hai chúc tết, mừng tuổi bên ngoại và mùng ba thì đi chúc tết, mừng tuổi thầy cô giáo.

Cách ăn Tết cũng có sự khác nhau đôi chút ở một vài địa phương. Chẳng hạn, ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội có phong tục: Mùng bảy ăn gà, mùng ba ăn cá. Sau những câu chúc Tết thì người dân ở đây thường mời: “Mùng ba đến tôi ăn cá nhé”  hoặc “Mùng 7 đến tôi ăn gà nhé”. Sở dĩ như vậy là vì trước đây ở vùng này đất đai khá rộng nên nhà nào cũng có ao cá và vườn cây để nuôi thả gà. Phong tục tết cá, gà thực ra là cách tiết kiệm cho con cháu (đỡ phải mua bán các thứ khác) và cũng là để dâng lên bàn thờ tổ tiên sản vật của gia đình mình. Ngoài ra, ăn cá vào mùng ba, ăn gà vào mùng 7 cũng là cách thay đổi thực đơn cho đỡ ngán các món giò chả làm từ thịt lợn.

Có thể nói, Tết Nguyên đán có một vị trí quan trọng trong tâm thức người Việt. Những phong tục tập quán có ý nghĩa tốt đẹp liên quan đến Tết đã được lưu giữ trường tồn trong văn học dân gian.

HOÀNG KIM NGỌC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.