Đặng Lưu San ngẫu hứng trên toan

Vanvn- Đặng Lưu San đến với hội họa như một cuộc dạo chơi, và cuộc bày tranh này là nhà văn đang xòe bài tam cúc: tứ tử trình làng. Một cuộc chơi ngẫu hứng, thật lãng mạn và sang trọng, cho đã với cái sục sôi có trong mình.

Con người đến với hội họa cũng năm bảy đường. Tiếp cận qua sách, qua triển lãm, qua Bảo tàng và tình yêu với nghệ thuật lớn dần lên thành một thứ ám ảnh rồi người ta lao theo. Có người may mắn từ trẻ qua đào tạo chính quy, có quy thức nghề từ cơ bản đến lý luận và từng bước định vị cho mình giá trị. Cũng có người sau bao nhiêu rèn luyện khổ ải mới biết mình nhầm đường không có duyên, đành dùng kiến thức đã mài giũa làm kỉ niệm và đôi lúc đem ra giải khuây, còn kiếm sống lại bằng nghề khác.

Họa sỹ Đặng Lưu San 

Có người đắm đuối với mĩ thuật nhưng đời không may, trường sở dở dang, vừa kiếm sống vừa luyện nghề âm thầm lao động sáng tạo rồi tác phẩm được đưa ra trưng bày trở nên danh tiếng. Còn những người không may nữa, sớm vào đời kiếm sống, chẳng được đến trường ngày nào mà rồi vẫn thành danh trong mĩ thuật như họa sĩ Nguyễn Bích, hoạ sĩ Huy Toàn.

Hiếm hoi lắm nhưng mà vẫn có như ta đã thấy. Đó là hai họa sĩ giỏi về đồ họa, có cống hiến vào loại lớn nhất trong giới. Về hội họa các ông cũng có những tác phẩm thành công. Đặng Lưu San thì không nói chuyện may hay không, nhưng xếp vào loại thứ ba này, vì đây là một ngã rẽ, một cách tự xé rào như trời xui đất khiến.

Chị là một nhà văn một giảng viên của Học viện Hành chính quốc gia, một người viết văn làm thơ, rồi bỗng nhiên thấy yêu thích vẽ và mua màu sắm toan bút, vẽ sơn lên toan theo cảm xúc trong đầu theo trí tưởng tượng của mình về thiên nhiên và những không gian quanh mình. Chỉ khác với hai họa sĩ trên. Hai ông dành cả đời cho vẽ minh họa báo chí và tranh truyện trong ngành truyền thông báo chí xuất bản… công việc gắn với nhà nước. Vẽ tự do ít hơn.

Còn chị, thời gian ngắn hơn, mới bước vào vẽ mấy năm sau khi nghỉ hưu do yêu thích. Chị không học ai, vẽ thì tự do không theo quy thức nào. Những núi, những hàng cây, những khu nhà lấp ló, những cú bùng phát xốc xáo của ráng chiều, những con sóng xanh biển cả nằm trong tâm thức chị từ bao giờ, nay có dịp trào ra, rải lên toan theo cảm xúc màu, sóng chạy lăn tăn như đang phả ra hơi mát.

Tranh chị khó đặt tên, vì sáng tác của chị không với ý thức của người dựng tác phẩm hội họa, mà chỉ mượn màu toan bút để giữ lại cảm xúc trước thiên nhiên như một tứ thơ bất chợt hiện ra. Đó là cái hay đặc trưng của Đặng Lưu San với hội họa. Vì trải cảm xúc, không toan tính trên mặt toan nên thước đo của tác giả là thuận mắt. Vâng, vừa mắt mình thì vừa mắt người. Có phải thế không mà xem tranh chị không thể bắt bẻ thế này thế kia, vì chẳng có thế này thế kia để mà bắt bẻ. Chỉ có vừa mắt với không thôi.

Một tác phẩm của họa sỹ Đặng Lưu San.

Đến với hội họa của những người chưa từng theo trường lớp nào, nay có những lớp dạy vẽ ngắn hạn. Người theo những lớp như này cũng nhiều mục tiêu: có người theo chỉ cốt biết chép hình, có người muốn nắm lấy chút cơ bản biết dựng hình để dựng bức tranh cho có quy củ, có người vi vu cho có việc vì rảnh rỗi… Trăm người đến với bến vẽ với nhiều mục đích nhưng tựu trung là vui chơi chứ không ai coi đó là nghề kiếm sống.

Đặng Lưu San chẳng theo lớp nào, mà vẽ tranh thì theo sự hưng phấn của thi nhân. Cũng không mục đích kiếm sống, dù vẽ xong có bán được, tranh cũng được nhiều người thích. Đây cũng là cái duyên nghề và một cách đi hay và phù hợp của người yêu vẽ không qua trường sở đáng được khích lệ. Người vẽ không phải bấn bo trong tìm đề tài, sắp xếp văn cảnh, mà tất cả để cảm xúc chi phối và vẽ theo luồng cảm xúc đó. Cách vẽ này sẽ có những tranh đỉnh cao bất ngờ mà thông thường tính toán kĩ sẽ không ra. Hướng đang đi này là hướng tối ưu cho Đặng Lưu San.

Một triển lãm giàu tính ngẫu hứng cho một cuộc chơi cảm xúc sẽ không dừng tại đây mà nó sẽ còn tiếp diễn như những vần thơ theo năm tháng. Khi tâm hồn vẫn đầy cảm xúc dành cho thi ca và hội họa thì tranh sẽ được tiếp tục vẽ. Sẽ là như vậy.

ĐỖ ĐỨC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *