Nặng lòng một cuộc bể dâu

Vanvn- Khôi Vũ là một tác giả sở hữu gia tài giàu có với 70 tập sách văn học cho cả người lớn và thiếu nhi. Sức viết ấy quả là đáng nể, và sức nghĩ thì đáng để cho lứa hậu sinh chúng tôi học tập. Tiểu thuyết “Sông Luộc ở phương Nam” với hơn 400 trang, in khổ 15cmx23cm, có sức nặng không chỉ ở hình thức, mà cả nội dung. Đọc cuốn sách này, thấy cả thân phận của dân tộc Việt qua một cuộc bể dâu dài, dài tới ba đời người.

Mạch chính của tiểu thuyết là câu chuyện của một gia đình thường dân. Người cha, ông Quản phải rời quê hương Thái Bình, nơi có dòng sông Luộc thân thương để đi lính cho Pháp. Đời lính nay đây mai đó, trong cuộc tao loạn, ông bị mất liên lạc với gia đình, vợ ông một mình lo toan cho hai đứa con, nhưng rồi từng đứa một lần lượt ra đi. Cho đến khi tìm được vợ, sinh thêm hai đứa con nữa, thì số phận lại thách thức ông khi đứa con trai nối dõi tông đường của ông mắc bệnh lạ, chỉ có thể chữa được ở Sài Gòn. Đã từng một lần mất vợ con, lần này, ông Quản chọn gia đình. Ông quyết định đào ngũ để đưa vợ con vào Nam, hy vọng tìm được bác sĩ giỏi để cứu đứa con trai duy nhất.

Tiểu thuyết Sông Luộc ở phương Nam – của Khôi Vũ

Tác giả Khôi Vũ đặt nhân vật trước lựa chọn này là một xử lý cao tay, cho thấy một điển hình nhân vật kiên quyết bảo vệ gia đình, thoát ra khỏi mọi ràng trói của xã hội, từ chuyện nghĩa vụ quân nhân, đến chuyện “chính trị, chính em” và bao lề thói rối rắm phức tạp mà con người ở đâu cũng tự tạo ra để làm khổ lẫn nhau. Thậm chí tình cảm quê hương sâu nặng cũng đành dứt, bởi nhân vật đã chọn mục tiêu cao cả nhất cho riêng mình, ấy là gia đình, sự toàn vẹn và an ổn của gia đình.

Câu tuyên ngôn mà nhân vật Quản từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đúng ra như một tụng niệm, rằng: “Tôi chỉ muốn được yên ổn làm ăn, con cái được học hành đầy đủ.” Ước muốn ấy xem chừng giản dị, đương nhiên là quyền của con người, nhưng trong cơn tao loạn của đất nước, trong tai nạn của cả dân tộc, cũng thật khó lắm thay. Ai ai cũng bị cuốn vào xoáy lốc của chiến tranh, của đảng phái, của tổ chức, một mình ông Quản muốn đứng bên ngoài, muốn là chính mình thôi, sao mà như việc khó như lên trời vậy.

Thân phận gia đình ông Quản luôn bị đẩy tới bờ vực thẳm trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh liên miên của dân tộc, từ chống Pháp, tới Mỹ. Biết bao hy vọng, nỗ lực ông bà dựng xây từ hai bàn tay trắng, tới khi có được một chút tài sản để mong một cuộc sống yên ổn, thì thay đổi của thời cuộc lại lộn nhào, tung hê tất cả. Ông bà Quản và những đứa con lại trở về tay trắng. Thân phận của họ, giống như một cây bị bứng khỏi mảnh đất mà rễ nó tưởng đã ăn sâu, bám chặt, rồi bị quăng quật hết lần này tới lần khác. Lần nào cũng cố bám rễ vào đất, cố lên xanh, để rồi một trận bão ào qua, lại bật gốc.

Điều hấp dẫn và nét lạ ở tiểu thuyết “Sông Luộc ở phương Nam” chính là cái nhìn từ phía bên kia. Cái nhìn từ phía những người dân sống ở miền Nam và được hay “bị” giải phóng, mà họ vốn chỉ mưu cầu một cuộc sống bình thường. Những người dân thường, làm ăn bình thường trong chế độ Việt Nam cộng hòa, thậm chí đi làm công chức cho chế độ ấy, sau giải phóng, lại một lần nữa đứng trước lựa chọn và thách thức mới.

Vượt biên hay ở lại? Gia đình ông Quản chọn ở lại, và qua con mắt, suy tính của ông, bạn đọc thế hệ sau chiến tranh được hiểu thấu đáo hơn, có một cái nhìn công bằng hơn về những mất mát mà chiến tranh, loạn lạc gây ra. Không chỉ là tai họa từ kẻ thù bên ngoài, tai họa do chính những đồng bào của mình gây ra cho mình kinh khủng chẳng kém. Ta cũng chẳng thể đổ lỗi cho ai, chẳng thể nuôi mãi uất hận, căm thù thêm nữa, bởi “thế thời phải thế”. Chỉ là nỗi nuối tiếc cho những ấu trĩ của thời mới giải phóng, khi chính quyền mới non trẻ đã phải lãng phí quá nhiều tài năng, lãng phí quá nhiều năng lực, khiến sự phát triển của đất nước bị kéo lùi lại quá lâu.

Nhà văn Khôi Vũ ở Đồng Nai

Tác giả chỉ ra mất mát ấy một cách tinh tế vô cùng, khi trong cuộc bể dâu của dân tộc, một gia đình bình thường như gia đình ông Quản, đã hơn một lần bị trắng tay. Trắng tay và làm lại từ đầu. Đó là kết quả thực tế của mọi cuộc chiến tranh, cho dù với bên thắng cuộc hay bên thua cuộc. Số phận của dân tộc phải trải qua cuộc bể dâu ấy, nhưng điều đáng tiếc, là ở thời khắc trắng tay, chúng ta đã không thể bắt tay làm lại ngay bởi sự nghi kỵ, bởi định kiến và bởi những kẻ cho mình quyền được trừng phạt. Nỗi đau ấy dai dẳng, ám ảnh khôn nguôi khi đọc tiểu thuyết “Sông Luộc ở phương Nam”.

Hóa ra, căn nguyên của mọi nỗi đau mà ta gánh chịu, lại từ chính sự mù quáng của mình. Ta sập cái bẫy do chính mình giăng ra. Tác giả tiểu thuyết “Sông Luộc ở phương Nam” đã chỉ ra rõ ràng điều này, khi dựng lên cuốn tiểu thuyết nhìn lại cuộc bể dâu của dân tộc, từ cái nhìn của người trong cuộc, nhưng không phải là những nhân vật đi làm cách mạng giải phóng miền Nam, mà là từ cái nhìn của người dân phương Nam từng sống trong chế độ cũ. Cái nhìn ấy mang tính phản biện, khiến chúng ta cần nhìn nhận lại quan điểm của mình về thế sự hôm nay, một cách minh triết hơn, bao dung hơn.

Không như thế hệ ông Quản, dù sống nơi này mà luôn đau đáu về nơi khác, nhìn sông Đồng Nai mà lại ra sông Luộc, thế hệ thứ hai, thế hệ của Thái, con trai ông Quản, đã nhìn khác rồi. Họ nhận chân dòng Đồng Nai, nhận quê hương nơi họ bám rễ và sinh sống hàng ngày. Rồi đến thế hệ thứ ba, thế hệ của Bình An, cháu ông Quản, lại có thể chọn du học nước ngoài, lại có thể xóa mọi đường biên, giải phóng mọi ràng buộc thực thể và trong tâm trí, đạt đến tự do và bình an hoàn toàn.

Tỉ mỉ từng chi tiết, đầy ắp chất liệu sống, đưa người đọc vượt qua cuộc bể dâu của dân tộc bằng từng con chữ chứa nặng suy tưởng và hồi ức, tác giả Khôi Vũ, qua tiểu thuyết “Sông Luộc ở phương Nam” đã dựng lên chân dung rõ nét nhất của người Việt với nét tính cách tiêu biểu: kiên tâm và cầu an. Chỉ cần đọc cuốn tiểu thuyết này, là đủ để hiểu mình, hiểu người, hiểu chúng ta đang ở đâu và sẽ đi tới đâu.

KIỀU BÍCH HẬU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *