Năm lá quốc thư – Tiểu thuyết Hồ Anh Thái – Kỳ 1

Vanvn- “Năm lá quốc thư” là tiểu thuyết của nhà văn Hồ Anh Thái do nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về nghề ngoại giao và người ngoại giao trong cuộc sống đương đại.

 Nhà văn Hồ Anh Thái

Bối cảnh của tiểu thuyết là những đất nước vùng Tây Á, Trung Á và Nam Á, nơi có những cuộc đảo chính liên tục nối tiếp nhau. Lực lượng khủng bố mang tên Nhà nước Thánh chiến lợi dụng thời cơ để nổi dậy.

Trong khung cảnh bất ổn đó, tác giả tái hiện cuộc sống nhiều màu vẻ và đầy ắp sự kiện của các thế hệ ngoại giao Việt Nam. Chân dung năm đại sứ được phục dựng, tùy theo năng lực của từng người mà mức độ đáp ứng khác nhau trước yêu cầu của công việc và niềm tin của đất nước.

Đại sứ Một là cựu bộ trưởng một bộ, từng công cán qua ba mươi sáu nước, nhưng thuộc một thế hệ cũ, không sử dụng được ngoại ngữ. Một kiểu cán bộ hạn chế về năng lực, được đề bạt nhờ thành phần.

Đại sứ Hai, trưởng thành từ phiên dịch viên, thuộc thế hệ chỉ giỏi ngoại ngữ mà thiếu kiến thức, thiếu tầm vóc chiến lược. Gặp thời kinh tế thị trường mở cửa, tham vọng vật chất dẫn ông ta đi chệch khỏi con đường đã chọn.

Đại sứ Ba, một người đàn bà tham lam, thủ đoạn và tàn ác, gây hại cho uy tín của sứ quán, thậm chí tổn hại quốc thể.

Đại sứ Bốn, một nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm và nhân ái, được ghi nhận về những xử sự phù hợp trên bàn ngoại giao cũng như trong công tác cán bộ, trong nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của công dân ở nước ngoài.

Đại sứ Năm, một con người của thế hệ mới, trưởng thành nhờ những bài học của đồng nghiệp thuộc các thế hệ đã qua.

Tình bạn, tình yêu, sự thật và dối trá, sự cảm thông chia sẻ tầm nhân loại, những thách thức cùng vô vàn nỗ lực được ghi nhận.

Chân dung những nhà ngoại giao thời hiện đại được thể hiện vừa trang trọng mực thước vừa hài hước sống động.

Vanvn xin giới thiệu một số chương trong cuốn tiểu thuyết này.

***

Tiểu thuyết “Năm lá quốc thư” của nhà văn Hồ Anh

Bà đại sứ trình quốc thư xong, hai cô cháu bay về sứ quán ở bên Nam Á. Như là xong một chiến dịch. Cho Nàng nghỉ ngơi hai ngày, rồi bà đại sứ bảo Nàng làm quyết toán cho chuyến đi.

Nàng là thư ký đại sứ. Đọc toàn bộ công văn thư từ gửi cho đại sứ. Thảo công văn và thư từ của đại sứ để gửi đi. Viết các bài phát biểu và diễn văn của đại sứ, cũng như các bài trả lời phỏng vấn báo chí. Phiên dịch cho tất cả các cuộc tiếp xúc của đại sứ. Cho đến nay bà đại sứ rất hài lòng về Nàng. Có một đứa con gái nào như vậy hay không? Gọi thợ đến sơn lại cánh cổng sắt han gỉ và những cánh cửa phòng làm việc đã bong lở, thợ chưa kịp đến, cô nàng đi mua sơn rồi tranh thủ ngày thứ bảy và chủ nhật, cô nàng bắc thang lên mà thao tác. Bàn tay cầm cái chổi sơn cũng rất khéo, cứ đưa lên đưa xuống thành thạo, trông như múa. Xong xuôi, cô nàng làm tờ phiếu chi, nhận tiền công dăm trăm đô la rồi chuyển sang cho quỹ công đoàn. Để đấy để thỉnh thoảng anh chị em có quỹ đi du lịch. Rồi có những việc cô nàng không chờ thợ đến mà tự làm như trèo lên thay cái bóng điện, sửa cái vòi nước bị rò rỉ, chữa cái máy bơm nước lên tầng trên. Có thời gian là làm cho cái tay cái chân được vận động. Có lần cô nàng cho mua bình chữa cháy về đặt ở hành lang bốn tầng nhà, rồi tập hợp anh chị em lại hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy. Đến lúc ấy bà mới nhận ra là chính mình cũng không biết sử dụng cái bình như thế nào, nói dại mà có cháy, thì hoảng hốt lúng túng chẳng biết làm gì. Nàng hướng dẫn cách đập cái bình cho bột trong ấy bong ra, cách giật cái lẫy khóa, cách cầm cái bình lên, một tay bóp cái cần sắt, tay kia chĩa vòi vào lửa mà phun. Trời đất quỷ thần ơi, cô ta học được cách chữa cháy từ lúc nào vậy? Lại làm một cái hóa đơn lấy tiền công hướng dẫn chữa cháy, thuê thợ đến hướng dẫn thì cũng phải trả bằng ấy. Rồi tiền lại được chuyển cho công đoàn, cho anh chị em.

Có những việc Nàng không lấy được tiền, nhưng Nàng vẫn làm tương đối đều đặn. Đấy là sau giờ làm việc, Nàng mở lớp hướng dẫn anh chị em tập Vĩnh Xuân. Những động tác đơn giản nhập môn thôi. Không đánh ai mà chỉ là một thứ thể thao cho linh hoạt cơ xương khớp. Cái này thì không lấy được tiền, vì chẳng biết chi vào khoản nào. Ông Quản Trị gợi ý khai vào quỹ đào tạo học tiếng địa phương, nhưng Nàng gạt đi.

Không chỉ là thư ký đại sứ, Nàng còn được bà tin cậy giao kiêm việc kế toán. Càng về sau này càng hiểu khi ấy bà đã vô cùng tin cậy Nàng. Bà đã ngắm sẵn trong đầu việc kế toán cho Nàng ngay từ khi họ chưa rời Hà Nội sang đây. Ban đầu Nàng đã tỏ ý không nhận. Nàng không muốn dính dáng đến tiền bạc. Nhưng rồi bà kiên trì quá, vả lại Nàng cũng hiểu bà muốn có một nơi tin cậy duy nhất là Nàng.

Mọi việc trôi qua gần một năm, cho đến sau khi họ sang đảo quốc trình quốc thư. Bà hướng dẫn Nàng làm thanh toán. Chương trình chiếu phim và chiêu đãi tổng cộng hơn ba nghìn đô la Mỹ, bà bảo Nàng tách thành hai hóa đơn. Coi như hai buổi khác nhau. Chiêu đãi hết năm nghìn đô. Chiếu phim hết bốn nghìn đô. Coi như chiếu phim thì cũng phải thuê phòng chiếu máy chiếu và các loại dịch vụ cho một buổi riêng. Từ ba nghìn mà nống lên thành chín nghìn. Số tiền dôi ra là sáu nghìn. Sáu nghìn tức là bằng mười lăm tháng sinh hoạt phí của bà hồi ấy và bằng hai mươi bốn tháng sinh hoạt phí của Nàng. Tổng thu nhập quốc dân tính theo đầu người của Việt Nam lúc bấy giờ, mỗi năm chỉ có bốn trăm đô la Mỹ. Một cái xe máy Honda cũ của Nhật lúc ấy có giá sáu trăm năm mươi đô la.

– Không thể thanh toán được cô ạ – Nàng tự tin – Chỉ có một sự kiện làm sao mà ta chia nó thành hai được.

– Một hay là hai thì cũng chỉ có cháu biết thôi – Bà bảo.

Nàng gật đầu khẳng định:

– Đúng thế, cháu biết, và biết chắc là chỉ có một.

Bà chìa ra hai cái hóa đơn của khách sạn: một cái năm nghìn và một cái bốn nghìn. Bây giờ thì Nàng đã hiểu cái câu đầu lưỡi mỗi khi bà thốt lên: trời đất quỷ thần ơi. Người ta chỉ kêu lên trời ơi. Nhiều hơn thì trời đất ơi, viện đến cả hai khái niệm âm dương đối trọng, trời và đất. Nhưng bà thì luôn kêu lên, trời đất quỷ thần ơi. Bà viện đến cả quỷ thần trong ấy.

Quỷ thần. Với người Anh thì bà nói tiếng Pháp. Với người Pháp thì bà nói tiếng Anh. Chỉ vì cả hai thứ tiếng đều xọt xoẹt. Nhưng bà hoàn toàn có thể dùng một ngôn ngữ nào đó mà bảo được nhân viên khách sạn nước ngoài hóa phép cho hai cái hóa đơn.

Những khoản chi khác, bà cũng đưa cho Nàng một đống hóa đơn, tất cả đều nâng giá lên gấp đôi. Đám hóa đơn thực sự mà Nàng mang về từ bên ấy và đang giữ cẩn thận bỗng nhiên hóa thành vô ích.

Nàng choáng váng. Những con số trên những cái hóa đơn giả nhòe đi.

– Cô ạ, cháu không thể làm thế này được.

– Trời đất quỷ thần ơi, lâu nay vẫn phải làm thế mà, cán bộ đi công tác nước ngoài chỉ có sinh hoạt phí, không được gọi là lương, đồng lương chết đói ấy sống làm sao.

Như thể người đàn bà thân thiết đứng trước mặt không còn là trời đất nữa, mà đã hóa thành quỷ thần. Sụp đổ. Một pho tượng cẩm thạch hoành tráng vừa sập đổ rung chuyển cả người Nàng.

Tự dưng yếu ớt hẳn đi, Nàng lí nhí trì hoãn:

– Cháu đau đầu quá, thôi để mai cháu làm tiếp cô ạ.

– Ờ, vẫn còn thời gian – Bà cũng nhân nhượng.

Nhân vô thập toàn, Nàng tự bảo, không có ai mười phân vẹn mười. Người mình yêu quý chín điều thì cũng phải có một điều đáng ghét. Ấy là cứ tự dặn mình như thế, nhưng buổi tối Nàng lại xuống phòng làm việc kiểm tra lại giấy tờ sổ sách lâu nay. Toát mồ hôi. Tim đập thình thịch. Lâu nay ai đưa tờ trình có chữ ký duyệt của đại sứ kèm theo các loại hóa đơn là Nàng cứ thế làm phiếu chi. Quả là có liếc nhìn qua, nhưng thấy chữ ký của đại sứ ở đấy là yên tâm rồi. Bây giờ đọc lại thì mới phát hiện ra tất cả đều không ổn. Thế mà Nàng đã ký hết vào đấy, ở vị trí kế toán.

Thì đây cái hóa đơn mua đồ vệ sinh, vài tháng một lần. Quy định tài chính thì ai cũng biết, đồ vệ sinh chỉ được mua một lượng nhất định dành cho việc lau chùi cọ rửa những khu vực sinh hoạt chung như cái sân sứ quán, cái vườn sứ quán, vài cái toa lét ở cạnh văn phòng. Nhưng người ta đã nhân đấy mà mua luôn cả đồ vệ sinh cho toàn bộ bảy người với bảy phòng riêng. Dụng cụ vệ sinh vì vậy mà cũng gấp lên khoảng bảy lần so với thực tế. Mỗi lần đi mua phải mất hẳn một chuyến xe mười lăm chỗ ngồi, xe chất đầy bình xịt muỗi, bình xịt nước thơm, xà phòng, nước rửa tay, nước rửa nhà, đến cả chục cái chổi và đầy một xe giấy vệ sinh. Tài vụ ở bộ mà đọc kỹ những hóa đơn gửi về, đọc kỹ thì nhất định phải thắc mắc ị gì mà ị lắm thế. Số giấy vệ sinh ấy có vừa ị vừa lau tay lau chân cũng thừa cho cả vài chục người. Nhưng thắc mắc vậy thôi, người ta cũng biết thừa rằng sứ quán nào cũng thế. Nói cho chính xác, của chùa thì xài xả láng, có khi trong bữa ăn cũng lôi giấy ấy ra mà lau miệng. Ông biệt phái là người mê giấy vệ sinh. Cái gì ông cũng dùng giấy vệ sinh, kể cả lau bàn lau ghế. Có quý chậm đi mua, giao ban cuối tuần ông nói đổng: Hết giấy vệ sinh rồi nhé, cơ quan có cung cấp giấy vệ sinh nữa không thì bảo, để anh em còn biết.

Nói đổng theo kiểu chỉ có một việc con con thế mà các người cũng làm không xong, ta nói ra thế này để các người tự xấu hổ vì không làm tròn trách nhiệm. Nói thì nói vậy chứ đời nào ông chịu tự bỏ tiền đi mua. Ông quản trị từng có ý kiến rằng thôi từ nay cơ quan không phát đồ vệ sinh nữa, mỗi lần mua về đầy một chuyến xe, rồi chia chia bôi bôi, nhiêu khê lắm. Anh nào cũng có tiền công đoàn rồi, cá nhân dùng tiền ấy tự mà đi mua. Nghe thế, ông biệt phái nhảy chồm lên, đấy là việc cơ quan phải làm, anh em phải bỏ nhà bỏ cửa sang đây vì đất nước, anh em mà ị không được là trách nhiệm của cơ quan.

Nhà nào cũng được phát cả đống đồ vệ sinh rồi, bê hết về phòng riêng rồi, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn xuống toa lét cạnh phòng làm việc nhặt thêm mấy cuộn giấy. Ông mê giấy vệ sinh hay chỉ đơn giản là ông mắc tật tắt mắt. Mãi về sau này người ta mới để ý đến hội chứng trộm vặt, chứ hồi đó ở ông đã có hiện tượng. Sang phòng làm việc của người khác, đứng bàn bạc một lúc, thấy cái bút hay hay cái bật lửa hay hay là ông lặng lẽ cầm đi. Có khi phòng tiếp khách mất cái ấm siêu tốc đun nước. Có khi bếp tập thể mất cái máy xay sinh tố. Có khi phòng họp mất cái bình nước lọc. Anh em kêu toáng lên đi tìm. Ai cũng biết là ai nhưng chẳng nhẽ lại xộc vào lục soát phòng của ông.

Đố đấy. Người ta là bố tướng thì ông là con tướng. Cha của ông là một vị tướng đã mất sớm. Năm mươi sáu tuổi, ông làm đơn xin đi chuyến tàu vét rồi về hưu. Chuyến tàu vét của ông phủ đầy ảo vọng cao xa, ông đòi được sang sứ quán ta ở Mỹ. Bà mẹ tám mươi tuổi của ông là vợ tướng, vợ tướng thì tất nhiên quen biết nhiều tướng và các cơ quan chức năng. Bà tám mươi tóc trắng như thần nữ đầu bạc dắt ông con năm mươi sáu đi gõ cửa các bạn bè đồng đội cũ. Rốt cuộc người ta phải duyệt cho ông đi, nhưng là một phép trung bình cộng. Ông đòi đi Mỹ thì phép trung bình cộng duyệt cho ông sang cái đất nước Nam Á này.

Không chỉ mang biệt danh giấy vệ sinh, không chỉ là tắt mắt nhặt nhạnh, ông còn có biệt danh là cái máy ngủ. Trong phòng làm việc, ông chỉ ngồi một lúc là đầu gục xuống ngực, ngủ. Ai nói gì kệ ai. Ai gọi thì ề à giật mình tỉnh dậy. Ông sẽ ngồi ngủ mê man cả ba năm nhiệm kỳ như vậy nếu như thỉnh thoảng không có lúc phải tỉnh dậy để đòi cơ quan mua giấy vệ sinh và tất cả các loại đồ dùng gia đình.

Nàng kiểm lại đống hồ sơ kế toán gần một năm qua. Mỗi tháng một tập giấy tờ nặng hai cân, sẽ lần lượt phải gửi về báo cáo tài vụ của bộ. Nàng giở lại từng cái hóa đơn cái phiếu chi. Mất hai đêm liền. Gay quá, mua xoong nồi chảo rán nồi áp suất nồi cơm điện cho bếp chung thì tranh thủ mua thêm để cấp cho các gia đình. Nàng hỏi thì bà đại sứ bảo, thôi thì đấy là sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan đối với anh em. Nàng định bẻ lại, nhưng rồi bấm bụng mà nghĩ thầm, cô quan tâm thì cô bỏ tiền cô ra mua cho anh em, sao lại nói dối nhà nước thế này.

Mà từ trên xuống dưới, từ lãnh đạo cơ quan cho đến cái ông biệt phái kia, cả một đời công chức của họ đã rèn cho họ một quán tính là mơi tiền nhà nước, moi tiền nhà nước, đục khoét nhà nước. Họ ngang nhiên đòi thêm quyền lợi, đòi cấu vào miếng bánh chung, họ thản nhiên coi đấy là chuyện tất nhiên, không có gì phải hổ thẹn.

Sau hai đêm xem lại hồ sơ, Nàng cầm một tập tờ trình và phiếu chi đến để hỏi bà đại sứ.

– Cháu nhớ là đại sứ không hề có những cuộc chiêu đãi cán bộ vụ khu vực hay vụ Lễ tân như thế này.

Đấy là tập hóa đơn các cuộc chiêu đãi của đại sứ, phó sứ, thậm chí của ông biệt phái. Người được mời chiêu đãi là thứ trưởng ngoại giao bạn, mấy vụ trưởng của bạn cùng nhân viên của họ. Có cả quan chức các bộ các ngành. Các vị bộ trưởng, các vị tổng giám đốc. Tất cả đều được làm ở các quán ăn hạng sang. Hóa đơn chứng từ rõ ràng.

– Trời đất quỷ thần ơi, khổ thân cháu tôi, cháu thắc mắc mà lâu nay cứ phải để trong lòng không được giải đáp thì nặng nề lắm.

Bà đại sứ tỏ ý thương cảm. Rồi bà giải thích từng cái phiếu chi một. Quy định tài chính ghi rõ là ngân sách đối ngoại không được sử dụng cho các đối tượng trong nước. Ví dụ, một đoàn cán bộ Việt Nam ra nước ngoài công tác thì đã có kinh phí riêng và có công tác phí, sứ quán không được lấy tiền ngân sách để chiêu đãi họ. Nhưng thêm ví dụ, đoàn thứ trưởng bộ Nông nghiệp sang đây làm việc, họ đến thăm sứ quán như là về thăm nhà, mảnh đất sứ quán đây là lãnh thổ Việt Nam. Về nhà mà chẳng nhẽ không có được chén rượu không được mời bữa cơm. Nhưng chi phí mời cơm đoàn nếu báo về nước thì không được duyệt chi, đoàn đã có kinh phí của họ rồi. Muốn chi được, ta phải thay đổi tờ trình, coi như ta mời cơm thứ trưởng Nông nghiệp bạn. Phải có yếu tố nước ngoài vào đấy mới chi được.

Ôi cái quy định của cơ chế. Nó làm cho người ta phải dối trá với nhau. Người nghe dối trá cũng biết, nhưng đã thành một quy ước ngầm, không hợp lý nhưng hợp thức thì tôi cũng duyệt cho anh. Căn cứ vào hóa đơn thì các ông quan chức nước bạn chịu oan tày trời. Các ông suốt lượt đều được sứ quán mời ăn mời uống, đánh chén tưng bừng. Mời đi mời lại. Oan cho các ông quá.

Nàng cũng loáng thoáng biết về kiểu lách luật này. Nhưng lâu nay Nàng quá hồn nhiên, quá tin vào bà đại sứ. Nhiều cuộc chiêu đãi được báo là làm ngoài quán, khuất tầm mắt sứ quán, Nàng đã tin là nó có thật. Nàng xem lại thì hợp đồng thuê nhà cũng đã được nống lên so với thực tế, bảy căn hộ mỗi năm cũng nống lên cả chục nghìn đô…

– Còn cả một lô chiêu đãi này nữa, rồi đi khảo sát khả năng hợp tác kinh tế các tỉnh bạn. Cũng là sự kiện ma phải không cô?

– Vậy cháu muốn nó phải như thế nào? Tiền ấy đã được rút ra và chuyển sang công đoàn mà chia thành phúc lợi cho anh chị em.

Có thể lúc ấy Nàng đã phạm sai lầm. Nàng xoay xoay cái bút bi màu đen to đùng ở trong tay và gạt gạt cái nút bấm.

Giời, công đoàn. Ở một số sứ quán thì anh em bảo nhau tự làm mấy công việc phải thuê thợ. Quét dọn sân vườn, giặt thảm, sửa điện nước. Lao động công ích ấy được quy thành tiền công, chuyển vào quỹ công đoàn để thỉnh thoảng liên hoan hoặc đi dã ngoại với nhau. Có sứ quán thì bớt xén được một phần tiền lệ phí cấp visa cho khách. Hầu như đều phải khai nống, nâng số lượng sự kiện đối ngoại lên để kiếm thêm lợi nhuận. Riêng cái việc visa, nơi nào lượng visa khổng lồ thì thu nhập hàng năm của một người cũng gấp bốn chục lần tổng thu nhập quốc dân một năm tính theo đầu người Việt Nam lúc này. Nơi nào kém nhất, gọi là địa bàn khó khăn, thì mỗi người mỗi năm cũng gấp mười lần GDP theo đầu người. Cái lý ấy cứ ám ảnh trong đầu khiến Nàng trở nên cứng rắn.

Một khi bà đã nói vậy, bà đã hàm ý tiền công đoàn hàng tháng Nàng được nhận chính là nhờ rút ruột ngân sách, thì Nàng cũng bất ngờ buột ra quyết định của mình:

– Từ nay cháu sẽ không nhận tiền công đoàn nữa. Và cháu sẵn sàng trả lại tiền công đoàn đã lĩnh mười một tháng qua.

Bà đại sứ sững người:

– Cháu nói gì thế. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Một người không lĩnh thì toàn bộ anh chị em ai mà dám lĩnh.

– Đúng thế, cháu muốn mọi người cũng nên tập thói quen không lấy cái gì không nằm trong đồng lương chính đáng của mình. Nếu cần thì cháu sẽ về báo cáo với bộ, cháu sẽ xin nhận kỷ luật vì trách nhiệm liên quan, và nộp trả bộ số tiền cháu đã lĩnh, đồng thời yêu cầu tất cả các vị cũng phải nộp trả lại hết.

– Đồ điên – Bà thốt lên.

Câu này lâu nay với Nàng là âu yếm. Đấy là mỗi khi bà mắng yêu.

– Đồ điên – Bà lặp lại, giọng tức giận – Cô đừng có mà phá bĩnh một cái tập thể đang đoàn kết gắn bó.

– Đoàn kết hay là im lặng thông đồng hưởng lợi với nhau – Nàng cũng lây cơn tức giận của bà – Cháu đã phô tô toàn bộ chỗ hóa đơn chứng từ này rồi. Nếu cần thì đi kiểm tra với các quán ăn cửa hàng cửa hiệu xem họ có nhận đủ mười phần trăm phí làm hóa đơn giả hay không.

Đấy, lại là một vấn đề nhức nhối của các cơ quan đại diện. Hơi một tí là cán bộ chạy đến quán ăn nhà hàng cửa hiệu để mua hóa đơn. Không ăn không mua chỉ xin mua hóa đơn. Hóa đơn ghi rõ là mua cho đại sứ quán Việt Nam. Toàn là những cán bộ mặt mũi sạch sẽ nghiêm trang, nhưng người bán hóa đơn đều biết đấy là những kẻ gian dối.

Bây giờ Nàng mới nhận ra điều ấy. Đau. Và càng tức.

Nghe nói đến việc phô tô, bà đại sứ lắp bắp:

– Tôi đề nghị cô nộp lại toàn bộ bản phô tô. Đấy là tài liệu mật. Cô đã vi phạm quy định an ninh bảo mật của cơ quan đại diện.

Trong cơn tức giận, Nàng như bị một thế lực siêu nhiên thúc vào lưng. Lúc nãy nàng xoay xoay cái bút bi to đùng đã là một sai lầm. Bây giờ Nàng lại đi tiếp một sai lầm khác. Cái bút này có một chức năng ghi âm theo kiểu bút đồ chơi. Đồ chơi thì nó cũng có thể ghi âm được khoảng ba mươi từ. Nàng gạt cái lẫy nhỏ tí bên cạnh nắp bút. Một câu nói vang lên. Giọng thanh hơn, nhưng ai nghe cũng biết là giọng bà đại sứ: “Vậy cháu muốn nó phải như thế nào? Tiền ấy đã được rút ra và chuyển sang công đoàn mà chia thành lợi tức cho anh chị em”.

Bà đại sứ chết sững. Mặt bà trắng bệch ra. Hai mắt trợn ngược nhưng cứng đờ. Hai con ngươi không đưa đẩy được. Rồi trạng thái ấy tan biến.

– Cô đưa đây cho tôi – Bà hét lên. Đồng thời bà chồm đến định giật lấy cái bút.

Nàng rụt tay lại, giữ chặt cái bút trong tay. Bà đại sứ quên mất là đang ở trong phòng làm việc của mình, bà giận dữ lao ra khỏi phòng.

– Nó giết tôi. Nó giết tôi.

Bà vừa lao đi vừa lẩm bẩm. Trên chiếc ghế ở hành lang, ông biệt phái đang ngồi gục đầu xuống ngực giật mình ngẩng lên:

– Ai làm gì cô vậy?

Mặt bà sưng lên như vừa bị hành hung. Cùng lúc Nàng cầm tập chứng từ đi ra. Nhìn cảnh ấy, ai cũng tưởng là vừa có chuyện thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau. Đấy chính là gốc rễ của lời đồn đại sau này rằng Nàng đã lên cơn thần kinh mà đánh bà đại sứ.

***

Một tuần mà dài như cả năm trời. Bà đại sứ và Nàng không ai nói gì với ai. Không khí cơ quan lạnh lẽo như nhà mồ. Năm người còn lại bắt rất nhạy không khí xung khắc của hai con người đang quyết định tiền bạc lợi nhuận cho họ. Hàn khí bao trùm lên tất cả. Nàng không nói chuyện với ai và cũng chẳng ai nói chuyện với Nàng.

Rồi chính bà đại sứ chủ động làm lành. Bà bảo Nàng:

– Qua phòng cô một tí nhé.

Nàng vừa bước vào phòng, bà đến bên cửa nhìn ra ngoài hành lang như để kiểm tra xem có ai ở ngoài đấy hay không. Không thấy động tĩnh hay bóng dáng ai, bà mới đóng cửa lại. Nàng thầm hiểu. Bà gọi Nàng sang chứ bà không sang phòng Nàng. Bà phải cảm thấy được bảo đảm không có ai rình rập và không ai đặt máy ghi âm.

– Cô xin lỗi cháu, cô đã nóng tính mà không kiềm chế được – Bà mở đầu.

– Không, cô có nóng tính thì cô cũng chưa có phản ứng gì quá mức – Nàng kiểm lại trong đầu và nói thật lòng mình. Rồi nói thêm – Cháu cũng xin lỗi cô vì cháu cũng hơi cứng nhắc khi trình bày ý mình.

Bà đại sứ gật gật như chấp nhận lời xin lỗi của Nàng.

– Cô phải xin lỗi, nhưng cháu cũng phải hiểu cho cô. Cháu hãy thử đặt mình vào địa vị của cô, cháu sẽ thấy ai cũng phải làm như vậy cả.

Không phải ai cũng làm như vậy đâu. Nàng định bật lại. Nhưng một tuần lạnh tanh vừa qua đã giúp cho đầu Nàng cũng lạnh đi. Không. Không nói lại. Chẳng ích lợi gì.

– Có người nói rằng cháu bảo sẽ báo cáo toàn bộ chuyện này về bộ – Bà đại sứ chuyển sang thăm dò.

Ai nói? Nàng định hỏi lại. Lời đồn đại ấy ở đâu ra? Nàng dám chắc là chưa có ai dám đồn kiểu ấy đến tai bà. Chẳng qua là bà tự phân tích tình hình, và bà cho đó có thể là một khả năng mà Nàng sẽ hành động.

– Cháu phải khẳng định rằng hôm ấy nóng lên, cháu chỉ nói với cô một điều tương tự, rằng cháu sẽ về báo cáo với bộ. Nhưng cháu đã nghĩ lại và thấy là không nhất thiết phải làm đến mức độ ấy.

Bà sứ gật đầu:

– Thế là phải, có gì thì ta tự giải quyết trong nhà với nhau thôi – Bà chuyển giọng ân cần – Cháu nhớ không, cô cháu mình từng làm việc rất ăn ý. Cô quý cháu, cho nên cô đã đứng ra xin cho cháu đi cùng sang bên này.

Điều đó thì rất đúng. Nàng cũng mềm lòng khi bà nhắc lại chuyện đó. Việc thuyết phục để đưa Nàng đi theo không dễ dàng gì. Mười người đề nghị thì có thể chỉ được một. Tỷ lệ một phần mười. Cái chính là hai người đã gắn bó như người trong nhà suốt thời gian qua.

– Cháu phải cảm ơn cô. Đúng là nhờ cô thì cháu mới có điều kiện để được trải nghiệm trong môi trường công tác, lại sớm như thế này, trong khi các bạn cháu vẫn chưa được gọi đến.

Nàng nói thật lòng mình. Nói đến đấy thì Nàng cũng mềm lòng. Thôi, chuyện đã qua, xóa bỏ đi. Không gây hấn với bà làm gì, miễn là từ nay mình không ký bất cứ một phiếu chi nào không có thật.

– Ừ, đúng là còn nhiều cháu đang phải xếp hàng chờ đợi. Cả bạn trai cháu nữa, tên nó là gì ấy nhỉ, để cô nói với tổ chức điều nó sang bên này luôn. Biết đâu lại chẳng có đám cưới ở bên này. Sứ quán thành nơi đất lành xe duyên.

Nàng cười buồn. Dù có hàn gắn thế nào thì từ nay mọi chuyện cũng không bao giờ trở lại như trước. Một nơi như thế này, Anh sang mà làm gì.

Thế mà mới chỉ vài tuần trước, Nàng còn nghĩ là giá mà Anh có mặt ở đây, đi với Nàng khắp thành phố này, đi với Nàng sang cái đảo quốc như thiên đường kia. Mới vài tuần trước còn nghĩ thế. Chỉ ngay sau đó thôi, mọi sự đều lật nhào, tất cả.

– Vâng, cảm ơn cô, cháu cũng mong thế – Nàng nói như để cho xong. Cũng là để bà không biết được ý nghĩ của Nàng. Bây giờ bà không còn là chỗ để san sẻ nữa.

– Cháu này – Bà đổi đề tài rất nhanh, chuyển sang một nội dung không liên quan gì đến câu mới nói – Từ nay ta sẽ tìm một cách làm việc khác, vừa đổi mới phương thức sao cho trung thực lại vừa hài hòa lợi ích cho anh chị em.

– Cháu cũng mong thế – Nàng lặp lại câu đã nói.

Bà hạ giọng:

– Cháu đưa lại cho cô toàn bộ số tài liệu mật cháu đã phô tô, và cả cái bút ghi âm nữa.

A, chỗ hóa đơn chứng từ bà đã gọi nó là tài liệu mật để nâng cao quan điểm phán xét. Người yếu bóng vía nghe thế là choáng. Và toàn bộ những điều hối tiếc, xoa dịu, đề nghị thu xếp cho Anh sang đây đều chỉ để dẫn đến yêu cầu này.

Nàng cũng cảm thấy mệt mỏi suốt tuần nay rồi. Phản ứng đầu tiên là nộp hết đi cho xong. Nhưng ngay lập tức lại có một tia cảnh báo lóe lên trong đầu. Phải thận trọng. Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Bóp trán bảy lần trước khi quyết định.

– Vâng, cháu đang nhức đầu quá, cô cho cháu nghỉ một tí.

Nói thế tức là Nàng tìm cách trì hoãn. Nàng vẫn chưa nghĩ ra nên tiếp tục xử lý chuyện này thế nào.

Không khí cơ quan vẫn lạnh. Chỉ còn có cậu nhân viên điện đài là còn nói chuyện với Nàng. Cậu ta kể về giải thưởng âm nhạc Mỹ vừa trao. Cậu ta kém Nàng hai tuổi, thích nói chuyện với Nàng vì Nàng cũng hay nhắc đến âm nhạc. Nàng thích Bruce Springsteen và Stevie Wonder trong khi cậu ta thích nhóm Alabama nhạc đồng quê. Hai người ít tuổi nhất sứ quán cho nên hay nói chuyện với nhau. Bây giờ thì cậu Điện Đài vẫn tươi cười chuyện trò với Nàng như không hề biết trong cơ quan đang có chuyện gì. Tối hôm ấy Nàng rủ cậu đi xem phim Amadeus vừa ra rạp. Milos Forman đạo diễn hẳn hoi. Lại là chuyện đời của thiên tài âm nhạc Mozart. Lại là xung đột giữa Mozart và Salieri. Dứt khoát phải xem.

Đêm. Xong phim, Nàng quay về thì cảm thấy căn phòng của mình bị lục soát. Có một số đồ vật xê dịch tí chút khỏi chỗ bình thường của nó.

Nàng giật mình. Tìm đến chỗ giấy tờ phô tô bỏ trong tủ quần áo. Nhấc chỗ quần áo xếp gọn lên thì không còn gì ở đấy nữa.

Người ta đã đột nhập vào phòng Nàng và lấy mất đám giấy tờ.

Ổ khóa phòng không có dấu hiệu bị phá. Thường là mỗi phòng cá nhân có ba chìa khóa. Cá nhân giữ hai chìa. Ông quản trị hành chính giữ một chìa.

Đám giấy tờ đã mất. Của thiên trả địa. Không việc gì phải gào lên hét lên. Không việc gì phải xăm xăm chạy sang căn hộ của bà mà chất vấn. Thực ra thì Nàng đã định mang nộp cho bà, chỉ là chưa quyết được khi nào là thời điểm thích hợp.

Ngày hôm sau, Nàng đem nộp cho bà chiếc bút ghi âm. Cái bút ấy Anh tặng Nàng. Ai đó mua ở Đức về đem cho Anh. Họ đã cùng nhau ghé miệng vào đấy mà nói những lời vô nghĩa. Thậm chí hát cả những câu xuyên tạc. Rồi cười với nhau. Bây giờ thì nó bị xếp vào loại tài liệu mật, cần phải tiêu hủy.

Bà đại sứ nhận cái bút. Đợi cho Nàng đi khuất, bà gạt cái lẫy như hạt gạo bên cạnh nắp bút. Nguyên vẹn câu nói của bà: “Vậy cháu muốn nó phải như thế nào? Tiền ấy đã được rút ra và chuyển sang công đoàn mà chia thành lợi tức cho anh chị em”.

Bà tháo nắp bút, lôi cái ruột bút bi ra vứt lên mặt bàn. Phần nắp bút có cái thiết bị ghi âm, bà lấy búa đập nát. Xong rồi, bà vứt cả vỏ cả ruột bút vào đống lửa đốt tài liệu ở vườn sau.

Xử lý xong. Tưởng là yên tâm. Nhưng nỗi lo vẫn còn nguyên. Không dám chắc là nó chỉ phô tô một bản ấy. Không dám chắc là nó không sao lại bản ghi âm từ cái bút. Bà vẫn nhớ như in rằng nó dọa sẽ báo cáo về bộ. Nó không nhân nhượng dễ dàng và nhanh chóng như vậy đâu. Trước đây bà vẫn tự đắc rằng bà biết nhìn người. Nhìn một cái là phát hiện ra ngay một cô gái giỏi giang năng động tháo vát. Đúng là bắt được vàng. Nhưng nhìn một cái bà không thể biết rằng rồi có lúc nó sẽ hóa thành con rắn độc. Đúng là gà mờ. Bây giờ thì phải làm sao để con rắn độc ấy không cắn được mình.

 HỒ ANH THÁI

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *