Vanvn- Tôi yêu Mường. Bây giờ có ai nghi ngại thì tôi vẫn phải nói vậy. Rằng tôi yêu Mường. Càng đến tuổi lớn lên, được đi đó đi đây, tôi càng tin chắc rằng có cái gì dăng díu vào đời tôi. Không mười thì cũng một. Rằng tôi yêu Mường. Mẹ tôi đã thổi vào tôi tình yêu ấy.
Mẹ tôi nói “Ló năm ni tốt!”. Mẹ tôi gọi tên cây lúa là ló. Ló đích thị của Mường. Mẹ tôi có cái vốn từ vựng rất Mường. “Mẹ ăn méng trù”, “Mẹ thịt con ga làm giỗ”, “Ðuổi con tru giúp mẹ” vân vân và vân vân… Nhưng mẹ tôi họ Biện. Tôi lại ngờ ngợ cái gốc Tàu trong cái nét, trong bộ ghép vào chữ ấy… Nhưng tôi vẫn tin. Rằng tôi yêu Mường. Bởi cả một vùng Ðại Tiết, Thạch Hà quê tôi, Hà Tĩnh quê tôi đều nói vậy! Người ta bảo “đi xin đích lả” thì phải hiểu là xin tí lửa. Người ta bảo “xếp đọi, dịa ra mươn” thì cái nghĩa đích thực phải hiểu là xếp bát, đĩa ra mâm. Cả đến bên kia đèo Ngang… thổ âm, thổ ngữ ấy còn phong phú lắm. Chắc chắn cái nguồn đã xa xưa. Xa xưa trận mạc. Tổ tiên mở đường về nam. Ðánh giặc ở phương nam. Các chiến binh theo Vua, theo tướng đi rồi ở lại. Rồi lập trang ấp, rồi ăn ở với nhau, xây bọc lọc kén. Mãi mãi thành ra tổ tông dòng dõi đời đời.

Tôi đã một lần đi tìm cội rễ. Sau chiến thắng Ðiện Biên, tôi được theo đại quân xuôi về Hà Nội. Ðợi ngày tiếp quản thủ đô. Bước chân được neo lại cuối sông Ðà. Tôi đem chuyện Mường ra mà gạn hỏi. Mường thì đúng rồi nhưng chẳng ai tường tận đến mô tê. Tôi quen nhà văn Phượng Vũ rồi nhà thơ Quách Ngọc Thiên, Ðinh Năng Lượng. Ai cũng tốt bụng muốn đưa đường.
– Anh về Mai Châu… may ra!
Cái làng Mường, Mai Châu đẹp đến mê người. Cảnh đẹp và người thì hết ngôn từ ca ngợi! Tôi muốn nghe bằng tai mà đôi mắt cưỡng lại. Ai đã nói với tôi “Bên này sông Mã là Mường ngoài. Cùng gốc rễ xa xưa nhưng đã tách làm hai nhánh. Anh đến ngoài không gặp thì gắng vào Mường trong”…??
– Vâng. Ngoài này là Mường Hòa Bình. Mường Bi. Anh vào Thanh Hóa chắc chắn gặp. Trong ấy là Mường Ống!
Tôi về Bá Thước sau mười năm. Vẫn phải có lời giới thiệu của một người bạn gái. Lần trước hay lần này cũng vậy, tôi chỉ là chàng lãng tử lạc vào vườn trời. Vườn trời ấy là một huyện lỵ vùng sơn cước. Lần trước lần sau đều có đủ bộ sậu lãnh đạo, cơ chế quản lý. Khác là lần sau bớt hoang vu hơn. Mầu vôi vàng và mầu huyết dụ tôn lợp chấm phá lên mầu luồng, nứa một sự pha trộn ngẫu nhiên mà gợi cảm. Khác là lần này tôi vào thị trấn Cành Nàng từ hướng Cẩm Thủy qua Ðiền Lư, Ái Thượng… Lần trước, xe đổ dốc đèo Sáp Ong, chớm vào ngã ba Ðồng Tâm rồi rẽ phải. Khác nữa là, tôi không phải chờ đợi để được gặp Chủ tịch huyện họ Bùi. Lúc nào tôi cũng thấy Chủ tịch lúng ta, lúng túng muốn tìm chỗ khuất để tránh mặt tôi. Tôi thấy thương ông ta. Vòng vo mãi, chờ hết cơn mưa này đến cơn mưa khác rồi ông ta mới thoát ra được chỗ ne ne nép nép. Thì ra tôi là một khúc rong chơi ở cõi đời này. Nếu có một Mường Ống là cội nguồn dòng tộc quê tôi, nòi giống mẹ tôi thì tôi khấn vái lên ngọn núi Lai Li Lai Láng mà tạ ơn vùng đất đã chảy vào tôi một dòng lãng mạn. Nếu Mường Ống là “miền gái đẹp” (chữ dùng của Hoàng Phủ Ngọc Tường) thì tôi về đặt bút khoe mách với bàn dân thiên hạ. Nếu Mường Ống có báu vật tâm linh thì tôi xin được ứng nghiệm để về tu chí làm người. Giá như lần này, Chủ tịch huyện cũng về Mường Ống. Nhưng thôi chuyện nào ra chuyện ấy! Tôi cắt lìa mạch nghĩ để theo chân Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Thanh Hóa vào phòng tập văn nghệ của huyện Bá Thước tham gia liên hoan đang vào buổi tập cuối cùng.
Anh Hà Ðình Chiến, Phó Ban dân vận của Huyện ủy Bá Thước vừa ngồi xuống ghế thì câu đầu tiên là đã phải trả lời tôi “làm sao anh biết được trong tốp nữ múa hát kia có ba cháu là người Thiết Ống?”.
– Tôi linh cảm được. Vì tôi sắp theo Chiến về thăm làng Cỏi đấy thôi!
– Vâng, em có nhận được tin cô em gái từ thành phố nhắn lên đây nên em sang đón anh về làng.
– Ta xem hết màn múa hát này đã nhé. Kịp không?
– Thư thả mà! Mười cây số thôi.
Anh Chiến dịch hết lời giới thiệu màn múa Pồn Pôông. Màn hát còn thô, còn mộc mà nghe say đắm lạ. Phần còn thô, còn mộc là lỗi của thời ta sống, cái thời mà nhà biên đạo, các nhạc sĩ, vũ công giàu tài năng nhưng lười biếng, ngại khó. Tham cái măng mà bỏ cả mùa tre, trúc. Anh bạn nghệ sĩ nhân dân, biên đạo múa Minh Tiến của tôi chỉ nhặt được dăm bảy nét xòe trên Tây Bắc. Cũng thô mộc, đơn sơ. Vậy mà dám đem hết đời mình đánh đổi. Nhà nước cho sang Nga tu nghiệp, đọc đủ nghìn trang sách xem đủ nghìn sự sáng tạo để về tu nghiệp từ cái giai điệu ấy, cái hình thái ấy thành một công trình. Một công trình có tầm quốc gia, cỡ quốc tế. Ðó là điệu múa nón Thái Tây Bắc. Còn có tên gọi nữa là Mùa Hoa ban nở. Ðó là cái đẹp mà Minh Tiến gửi lại cho nước non với lòng tin cậy nhất…
Mười năm trước tôi nghe một cô gái Mường hát một điệu xường. Hát cho Xứ Thanh ta đi thi tài ở Huế. Mười năm sau tôi lên Bá Thước, nghe một tốp ca nữ thay nhau xường mà giữ nguyên xi. Ðúng là làn điệu phải giữ nguyên xi nhưng có cách gì để người xem thấy được tinh hoa ấy đang làm trên cái trục thời gian huyền diệu. Ðó là chỗ thiệt thòi. Thiệt thòi cho tốp nữ hát hôm nay, thiệt thòi cho cô gái đi thi tài năm trước. Thiệt thòi cả cho Mường Ống cũ quê nhà. Tôi đi đến đâu cũng nghe Mường Ống gọi có lẽ là vì thế chăng. Tôi nghe ông Trần Văn Khê nói và làm về ca trù thấy dễ xúc động. Tôi thích những mẫu mực tâm huyết một đời hơn cái thói hóng hớt, rồi thao thao bất tuyệt một thời. Có lẽ vì thế mà tôi tìm về Mường Ống.
Tôi ngồi sau xe anh Chiến mà quên những gì gì hiểm nguy có thể ập đến. Tôi và anh Chiến đang trong thời kỳ có bệnh và phải kiêng kỵ nhiều thứ. Nhưng làm sao tôi kiêng được cái nết tôi yêu Mường. Về Mường, vì tôi mà anh Chiến lọc cọc lái xe máy đưa tôi về gặp ông chú. Về gặp một mo Mường trong dòng tộc Hà của anh.
Cụ Hinh chào tôi trước “Cháu Thủy có báo trước là ông sẽ lên làm việc”.
– Chỉ xin được lên thăm thôi ạ.
– Vâng. Thăm cũng là việc ông à!
Tôi nhắc lại mấy cụm từ, mấy giọng phát âm của mẹ tôi. Cụ Hinh quay gọi con dâu và khẽ nói mấy lời. Bếp đỏ lửa. “Vậy là ta nghe Mường Ống gọi rồi”. Như ngày nào đó đến Quỳnh Nhai bên sông Ðà. Như ngày nào đó đến bản Poọng đầu nguồn sông Mã. Anh Chiến là cháu cụ Hinh. Cụ Hinh là cậu ruột của Cao Thị Thủy. Thủy giới thiệu với cả làng là có tôi lên. Chẳng có nhà chức trách nào cao hơn nữa. Bởi tôi cũng chẳng có giấy má gì để trình. Và Mường Ống có con mắt nghìn đời cảm nhận tinh tường khách đến! Mường Ống có đôi tai nghìn đời để nghe thấu từ bước chân đầu khách đặt vào cầu thang.
Mo Mường là một thứ văn hóa tồn tại đã nghìn đời. Tôi có đọc. Và cũng chỉ qua một thứ trung gian là chữ viết, chữ in. Tại làm sao phải vậy? Phải có cụ Hinh chứ không phải nhà nọ, nhà kia, học vị kia, học hàm nọ nói đủ nhiêu khê. Phải là sự chắp nối tâm thức, tâm linh nhiều nhiều để cảm nhận về mình. Cụ Hinh chỉ dẫn chuyện ông anh rể về Ðồn Biên phòng Na Mèo thế nào và vì sao cô cháu gái của cụ có tên là Thủy. Cụ nói “Mường trọng nghĩa” khi thị phạm cho tôi cách gấp, cách chấm món “lá hôổng” như tôi là thực khách có vinh dự được mời. Ðó là lá đu đủ trong vườn. Tôi ngửa mặt lên góc nhà sàn ám khói để được đất dày trời cao chứng giám cho điều tôi sắp được nói ra thành lời. Rằng Mường ơi! Tôi đã đến!
PHẠM NGỌC CẢNH