Mưa qua Triền Rang – Truyện ngắn của Nguyễn Thị Như Hiền

Vanvn- Như ước giá như bây giờ có một cơn mưa. Mưa rơi trên những đám cỏ cháy xơ rơ, mưa rơi trên đám lúa đang khát cháy của Như, mưa sẽ khiến chồng Như không còn ý định bỏ xứ này mà đi nữa. Như ngồi dưới bóng cây nghĩ ngợi vẩn vơ. Chồng Như bảo nếu tháng sau trời không mưa, dứt khoát hai vợ chồng phải đi xứ khác.

Nhìn đám ruộng nhà mình Như ứa nước mắt. Mới hôm qua, Như cố tát từng gàu nước lên ruộng, nước cũng đủ tưới ướt đẫm mà hôm nay mặt ruộng lại trơ ra như một miếng xốp khổng lồ có đổ bao nhiêu nước xuống cũng không đủ. Sát chân ruộng Như cũng chỉ còn lại một vũng nhỏ bằng một cái ảng. Tát nốt hôm nay là cái vũng ấy sẽ cạn khô trơ đáy.

Tác giả trẻ Nguyễn Thị Như Hiền ở TPHCM

Bà Tám bê cái thúng đi ngang, lắc đầu nhìn Như bảo bỏ đi, không cứu lúa nổi đâu. Rồi bà lội ngang những đám ruộng đã chết khô vàng hoe về nhà. Lòng Như xao xác y hệt những đám ruộng ấy.

Như về nhà, bắc nồi cơm lên bếp mà chồng vẫn chưa về. Hồi sáng, Hoàng – chồng Như đang bê chén cơm ăn dở thì có điện thoại  dồn dập giục chồng Như đi dập lửa ở một cánh rừng của xã bên. Xứ của Như toàn rừng, mùa này rừng khô khốc, lửa cứ bùng lên bùng xuống chỗ này, chỗ kia. Đứng giữa cánh đồng, có khi tàn tro của những đám cháy xa tít tắp theo gió bám lên tóc Như. Mùi khét của những cánh rừng xa tít bị cháy đến nửa đêm còn ngửi thấy. Chồng Như tham gia đội bảo vệ rừng, hễ nghe tin lửa bùng lên ở chỗ nào là vội vã lao xe đi.

Mỗi bận Hoàng về nhà Như đều thấy áo quần chồng lem nhem, cháy sém. Những mảng da bỏng rộp lại phồng lên bên cạnh những vết khác đã chuyển sang màu tím, màu xanh. Như xót chồng, ra vườn cắt bẹ nha đam, bổ ra rồi xoa xoa lên vết bỏng của chồng. Hoàng nhăn mặt, bảo một gã đàn ông lên rừng chặt mây ngồi hút thuốc, quăng tàn thuốc xuống một bụi cây. Lửa bùng lên, liếm hết gần một héc-ta rừng. Hoàng đưa cổ tu ừng ực cốc nước Như vừa đưa. Xong anh đưa tay quệt ngang, ném một câu chửi thề.

Công việc chính của những người cứu rừng như Hoàng là ngăn cho lửa đừng lan ra. Nắng bỏng rát, rừng khô khốc và đầy những cây bụi đã chết. Lửa bùng, sức người quá nhỏ bé nên chỉ có thể cách ly không cho lửa lây lan. Hoàng và mọi người cắm đầu cắm cổ mà chặt, mà phát. Tốc độ của người phải nhanh hơn tốc độ lây lan của lửa. Để khi lửa liếm tới, đụng một khoảng trống không cây mà lụi tắt. Những vòng tròn lửa để lại trên rừng y hệt những đám ghẻ trên một cơ thể lở lói.

– Bữa nay lại thêm anh Nam xin nghỉ rồi – Hoàng buông một câu trước khi leo vào mùng ngủ.

Như nghe nhưng không trả lời. Như hiểu ý chồng muốn nói gì. Làng của Như dưới chân dãy Triền Rang đã nhiều người bỏ xứ mà đi. Đám gia súc đã chết vì không có nước uống. Đàn bà trong làng mỗi sáng mỏi mệt mang bình lên khe suối tít trên rừng để cõng về từng bình nước nấu cơm. Những đám ruộng chết khô không đợi được ngày mưa tới.

Những nương rẫy đầy đá thổ chu đến những loài cây chịu hạn nhất cũng không thể sống nổi. Dọc đường, chỉ còn những bụi xương rồng giơ những mũi kim lởm chởm lên trời. Từng người lần lượt mang ba lô, đi ngược ra ngã ba đầu làng để lên xe đò đi miền khác tìm kế sinh nhai.

Chồng Như cũng nhen nhóm ý định ra đi từ hai tháng trước. Đi đâu cũng được, miễn nơi đó mỗi sáng mở mắt ra không phải lo chuyện nước uống, phải đối mặt với cái nóng như lò lửa và những đám cháy cứ bùng lên bùng xuống như trêu gan con người. Đội cứu rừng của Hoàng từ mấy chục người nay chỉ còn hơn mười người trụ lại. Lý lẽ của chồng Như hiểu hết. Nhưng chỉ cần nghĩ tới chuyện bỏ xứ mà đi là lòng Như đau thắt.

***

Cơn đau bụng dưới khiến Như khó chịu. Như ghét cay ghét đắng những ngày đàn bà của mình. Mười năm lấy chồng, tháng nào cũng xuất hiện khiến Như xót xa. Mấy năm đầu, Như nín thở chờ đợi. Rồi lòng Như cũng héo hon, chẳng còn trông đợi nữa. Làng này vẫn xì xào chuyện Như lấy chồng mười năm mà chẳng có lấy một đứa con cho chồng. Hoàng thương Như, cứ xoa xoa vào lưng vợ bảo rằng không có con thì vợ chồng son đến già, không thì mai mốt mình xin một đứa con hủ hỉ cho vui cửa vui nhà.

Như khao khát được làm mẹ; được cưng nựng, ẵm bồng. Như thèm như những người đàn bà trong làng – được thức đêm thức hôm, bận bịu tã sữa. Như thèm được ngồi ngoài hiên nhà mình, ngó ra sân thấy đứa nhỏ chơi đùa, nụ cười giòn giã. Đi ngang nhà nào có tiếng trẻ con, Như ngẩn ngơ như bị bỏ bùa.

Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

Hôm nay, ruộng đã cạn khô mà khi mang bình lên khe suối lấy nước Như vẫn cố tình đi ngược lại để thăm. Bên cạnh những đám lúa vàng hoe, đám ruộng của Như vẫn còn xanh dẫu mặt ruộng đã khô và cong lại như chiếc bánh đa bị nướng trên lửa ngọn. Như ngửa mặt lên nhìn trời. Trời xanh vời vợi, những đám mây trắng nhởn nhơ vô tình trôi qua miền bỏng rát.

Như ước giá như bây giờ có một cơn mưa. Mưa rơi trên những đám cỏ cháy xơ rơ, mưa rơi trên đám lúa đang khát cháy của Như, mưa sẽ khiến chồng Như không còn ý định bỏ xứ này mà đi nữa. Như ngồi dưới bóng cây nghĩ ngợi vẩn vơ. Chồng Như bảo nếu tháng sau trời không mưa, dứt khoát hai vợ chồng phải đi xứ khác.

Từ xa, Như thấy dáng đi của thằng bé như dấu chấm phẩy đang lại gần phía mình. Trên lưng nó cõng một bình nước nặng gần bằng người nó. Trời nắng mà đầu trần. Tóc nó vàng hoe chẳng khác đuôi bò. Càng gần đến Như, thằng bé càng đi nhanh khiến cái dấu chấm phẩy càng đậm trên đồng ruộng mấp mô.

Nhìn thằng bé mười tuổi, Như thương đứt ruột. Như đứng dậy, đỡ lấy cái bình nước nặng trĩu trên lưng nó. Nó ngoạc mồm cười:

– Ên úi ần ết ước ùi ô Ư ơi!

Thằng bé tên Sứt, bị sứt môi nặng. Thành thử khi nó nói chuyện, phụ âm bị rơi đâu hết, chỉ còn lại vần. Như cười, hiểu thằng bé muốn nói khe trên núi gần hết nước rồi. Như sờ vào túi áo, trong đó vẫn còn mấy cục kẹo Như để tự lúc nào. Như đưa cho Sứt. Nó lột kẹo ăn ngon lành, chốc lát lại quay ra cười với Như.

Sứt là cháu của vợ chồng ông Ba, nhà ở đầu làng. Nghe người làng kể, ba mẹ Sứt chẳng may chết trong một vụ tai nạn, thành thử vợ chồng ông Ba phải đem nó ở một miền nào đó xa lắc về xứ này. Ngoài tật sứt môi, chân trái của thằng bé còn bị dị tật, bước đi tập tễnh, bên cao bên thấp. Vợ chồng ông Ba mỗi bận gặp người làng đều hỉ hả bảo rằng tội nghiệp thằng Sứt mồ côi cha mẹ, họ thương Sứt như con ruột. Nhưng Như hiểu, cái sự thương của vợ chồng ông Ba đắng chát lắm.

Hai đứa ông Ba ngày ngày tới lớp còn Sứt bao nhiêu năm nay phải khập khiễng dắt bò lên núi giữ bò. Sứt hay đói. Lâu lâu được Như dúi cho củ khoai, cái bánh nó mừng như bắt được vàng. Có người trong làng kể nhiều lần đi ngang nhà, thấy bà Ba vung cây đánh tới tấp lên người Sứt; vừa đánh vừa chửi: Quân ăn bám, quân mất dạy, quân đầu đường xó chợ…Sứt biết phận mình, chẳng kêu ca, kể lể với ai điều gì. Mỗi lần gặp Như, Sứt cứ ngoạc mồm ra cười và chào bằng những câu rơi mất phụ âm.

Mùa này, bà Ba bắt Sứt lên khe núi cõng nước về nhà. Cái bình 20 lít, to hơn cả người thằng bé. Mỗi lần lên núi cõng nước, Như phải thở dốc vì đường rừng khó khăn, đầy đá và những bụi gai ngập lối đi. Vậy mà Sứt đi đi về về ngày không biết bao nhiêu lượt.

Như thương Sứt. Thứ tình cảm nhen nhóm trong lòng Như từ một lần nhìn thấy Sứt ngồi khóc bên khe suối. Chiều nhập nhoạng, tiếng bò rống giục về nhà mà Sứt dường như không nghe thấy. Như đi làm đồng về trễ, giật mình vì một cái bóng vừa khóc vừa gọi mẹ. Tiếng khóc không lớn nhưng nấc lên từng hồi, có lúc nghẹn lại. Nghe tiếng thằng bé gọi mẹ bằng cái giọng không tròn chữ khiến Như thương đứt ruột. Như thấy Sứt như con gà lạc mẹ bơ vơ. Lần đó, Như đã nghe mùi tóc cháy nắng khi ôm Sứt vào lòng.

Nhiều lần thấy Như cho Sứt quà bánh, bà Ba bóng gió rằng muốn nuôi Sứt thì bà cho không, khỏi giấy tờ. Mỗi lần như thế, mắt Sứt sáng rực lên, nhìn Như chờ đợi. Nghe bà Ba nói, lòng Như lại hẫng một nhịp. Thấy Như im lặng, bà Ba lại cười hô hố bảo bà đùa thôi chứ đời nào bà đưa con cho người khác nuôi.

Như muốn nuôi Sứt. Như dự định năm này qua nói với vợ chồng ông Ba để dắt Sứt về nhà. Nhưng rồi, mùa hạn kéo tới. Cứ nghĩ như những năm trước chỉ dăm ba tháng rồi mưa về. Ai ngờ, hạn hán kéo dài tới tháng thứ bảy. Chồng Như bảo hãy thôi ý định nhận Sứt làm con nuôi đi. Nhìn ngược nhìn xuôi, đám ruộng độc nhất dưới chân núi có nuôi nổi ba miệng ăn qua mùa hạn hán này? Làng này sắp chết đói, mình cũng sắp chết đói thì còn nuôi nổi ai nữa.

Chiều nay, ngồi bên Sứt mà lòng Như buồn da diết. Mấy tháng hạn hán, làn da Sứt như nhuộm đen. Chân cẳng gầy gò như cành củi khô đụng vào là gãy. Môi Sứt khô khốc, nứt nẻ.

– Sứt nè, chắc tháng sau cô rời làng – Như nói chậm rãi, như là nói với chính mình vậy.

Sứt đang ăn kẹo, nụ cười trên gương mặt tắt lịm. Viên kẹo trong miệng nó rơi ra. Sứt dúi vào tay Như mấy viên còn lại. Và Như thấy hai dòng nước mắt trào ra trên gương mặt đen đúa. Sứt khóc. Nó đứng dậy, cúi người vác cái bình nước nặng trĩu lên vai, rồi oằn người rời đi. Nó không nói với Như tiếng nào.

Cái dấu chấm phẩy, khập khiễng trên đồng ruộng như xát muối vào lòng Như. Lúc ở gần Như, Sứt kìm tiếng khóc. Nhưng khi xa gần, Như nghe rõ tiếng thằng bé khóc thảm thiết. Như nghe môi mình mặn chát, chẳng biết khóc tự lúc nào.

Như ngồi bó gối, nhìn ánh mặt trời sắp khuất sau dãy Triền Rang. Cả một vùng đỏ rực trong ánh sáng cuối ngày. Hoàng bảo Như vào sửa soạn quần áo, mai đi rồi mà giờ còn ngồi nghĩ ngợi gì nữa. Như ngập ngừng, muốn bảo hay thôi mình không đi nữa nhưng cô hiểu chẳng còn cách nào khác. Cây cối và cả con người đã kiệt sức vì nắng hạn.

Như vào nhà, gấp vài bộ quần áo bỏ vào chiếc ba lô cũ mèm. Như ứa nước mắt. Từng góc nhà, từng viên gạch đều in dấu vui buồn của vợ chồng Như. Hoàng bảo mai mốt ổn ổn, có mưa thì về lại trồng mì trên rẫy, gieo lại đám ruộng dưới chân núi. Xứ này nghèo, quanh năm thiên tai nhưng chưa bao giờ Như muốn rời bỏ.

Chợt có tiếng lắc rắc trên mái nhà. Như lắc đầu, cười xòa vì nghĩ mình mong mưa quá mà tưởng tượng ra tiếng mưa rơi trên mái tôn. Nhưng tiếng lắc rắc ngày càng rõ  hơn. Như lao ra khỏi nhà, ngửa mặt lên trời. Một giọt nước rơi trên mặt Như. Mưa! Rõ ràng là mưa thật rồi. Một giọt, hai giọt, ba giọt rơi trên mặt Như, trên tóc Như. Như thấy mặt mình nhòe nhoẹt nước. Như đã khóc tự lúc nào!

Rõ ràng cả buổi chiều chẳng có một tín hiệu nào của mưa vậy mà mưa lại kéo đến ồ ạt. Mặt đất bỏng rát xèo xèo, bốc hơi khi từng giọt mưa rơi xuống. Cây cối nhảy múa, reo hò. Như nghe tiếng người làng reo hò, tiếng nắp vung đập vào nhau vui sướng trong cơn phấn khích. Như chân trần, chạy ra khỏi nhà. Dây buộc tóc rơi mất, gió xoắn mấy lọn tóc, quất cả vào mắt mà Như vẫn mặc kệ. Như chạy, không Như đang bay trong mưa…

Mưa làm bầu trời tối sầm. Những tia chớp lóe lên bất chợt khiến những thân tre nơi đầu làng hiện lên rồi vụt tan biến như ma trơi. Như té sấp trên mặt đường, hình như chân có chảy máu nhưng Như chẳng hề thấy đau. Và kìa, khi ánh chớp lóe lên Như thấy một cái dáng bé nhỏ cũng đang chạy về phía mình. Cái dáng chấm phẩy, ngả nghiêng, té lên té xuống trong mưa gió.

“Ưa…Ưa….Mưa…Mưa”

Thằng nhỏ vừa chạy vừa hét. Chưa bao giờ Như nghe thấy âm thanh nào rõ ràng đến vậy.

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *