Mối tình thơ của Đông Hồ – Mộng Tuyết

Vanvn- “Cặp thi nhân Đông Hồ – Mộng Tuyết sẽ ở lại trong lịch sử thi ca VN như một mối tình thơ đằm thắm, thủy chung, đã nhuốm chút màu huyền thoại’ là ghi nhận của nhà thơ Huy Cận – một trong những người em, người bạn thân thiết với vợ chồng Đông Hồ.

Đông Hồ và Mộng Tuyết trên đường phố Sài Gòn khoảng năm 1951 – 1953. Ảnh T.L

Cưới vợ chạy tang

Đông Hồ tên thật Lâm Tấn Phác, tự Trác Chi, sinh ngày 10.3.1906 tại làng Mỹ Đức (Hà Tiên). Lúc mới lên ba, cha mẹ qua đời, ông được người bác đem về nuôi, cho ăn học. Sau khi ông thi bằng sơ học Pháp – Việt ở Sài Gòn rồi đi học ở Cần Thơ thì bà bác dâu mất. Vâng lời bác, Đông Hồ thôi học về cưới vợ chạy tang. Ông se duyên cùng cô Lại Linh Phượng.

Cưới vợ xong, Đông Hồ được bổ chân giáo học, dạy lớp nhứt (lớp 5 bây giờ) tại Trường Hà Tiên. Thời gian này, do ảnh hưởng tư tưởng của thi hào Tagore: “Có học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được”, Đông Hồ mở Trí Đức Học Xá. Trong số các học trò, có cô Thái Thị Út – sau này nổi tiếng với bút danh Mộng Tuyết. Công việc đang diễn ra tốt đẹp, chẳng may người vợ có nét đẹp hiền từ, khả ái qua đời, để lại cho ông một con nhỏ, tên là Mỹ Tuyên.

Năm 1928, cùng với bài ký Linh Phượng của Đông Hồ khóc vợ, Giọt lệ thu của Tương Phố khóc chồng đã trở thành hai tiếng khóc ảo não, thê thiết, xúc động nhất trên văn đàn VN những năm 20 đầu thế kỷ 20.

Học trò đến Trí Đức Học Xá luôn thấy chiếc bàn dài trong căn nhà “Độc thê lệ xá” có tấm ảnh thờ Linh Phượng, phía dưới là hai câu thơ của Đông Hồ: “Trăm năm chẳng ở cõi trần/Nghìn năm hãy giữ tinh thần cùng nhau”.

Cô học trò Thái Thị Út kể: “Bọn trẻ chúng tôi ái ngại thương thương nhìn bàn thờ chị trong suốt buổi học”. Thời gian chậm rãi trôi qua. Lúc Đông Hồ cư tang, có người con gái chủ điền, cháu cụ Phác Đình Nguyễn Thần Hiến ở Rạch Giá qua chơi Hà Tiên, đến thăm nhà Đông Hồ. Các học trò đều nghĩ thầy Đông Hồ sẽ tục huyền với cô gái này. Không ngờ, cuối cùng ông bác của Đông Hồ lại xin dạm hỏi người chị thứ năm của Thái Thị Út là cô Thái Nhàn Liên.

Khóc vợ lần hai

Cũng như người vợ đầu, cô Thái Nhàn Liên vóc dáng thanh nhã, trắng trẻo, công, dung, ngôn, hạnh vẹn toàn và cũng là con nhà nề nếp, nho phong. Đám cưới được tổ chức long trọng vào lúc giữa khuya trong một đêm trăng sáng. Lúc ấy, cô học trò Thái Thị Út có thơ mừng: “Vui chị, chị tình trong cốt nhục/ Mừng anh, anh nghĩa chốn chi lan/ Trăm năm gia thất nhiều êm đẹp/ Trang điểm hồ Đông cậy bóng sen”.

Vui duyên mới, hai năm sau Đông Hồ có thêm một con gái, tên là Mỹ Diễm, tức Yiễm Yiễm. Rồi sinh thêm một trai, nhưng không nuôi được. Thời gian này, ông lên Sài Gòn làm chủ bút báo Sống với chủ trương tiếp tục cổ động, tuyên truyền cho việc dạy và học chữ quốc ngữ. Tiếc rằng tờ báo này không thọ, ông quay về Hà Tiên và cũng là lúc vợ ông nhuốm bệnh. Bà bị bệnh Parkinson phải điều trị ở Bệnh viện tâm trí Biên Hòa, lúc ấy chưa gọi là bệnh viện tâm thần như bây giờ. Nhưng rồi các bác sĩ cũng bó tay.

Lúc này, nữ sĩ Mộng Tuyết phải đứng ra gánh vác mọi việc gia đình chị Năm vì tình chị em nhưng cũng còn là sự ngưỡng mộ, kính trọng người anh rể vốn là thầy của mình – người đã tuyển chọn thơ văn của học trò thành tập Bông hoa đua nở, Lời hoa để gửi in trên tạp chí Nam Phong – vốn là tờ báo “danh giá” nhất thời bấy giờ.

Đến năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Chẳng bao lâu, quân Anh đổ bộ giải giới quân Nhật, giúp Pháp đặt lại ách thống trị. Tiếng súng nổ rền vang. Đông Hồ tham gia Ủy ban Kháng chiến ở Hà Tiên và bị thực dân bắt. Sau khi được thả ra, ông phải lánh lên Sài Gòn. Mọi việc nhà, chỉ còn một tay Mộng Tuyết lo toan. Nữ sĩ Dưới mái trăng non nhớ lại: “Tôi nằm với chị và Yiễm suốt đêm không nhắm mắt. Tôi chợt hoa mắt mơ màng như có bóng hình ai lướt qua ngoài cửa. Tôi định thần lại và lo sợ vô cùng. Và chị Năm tôi đã qua đời hôm sau đó”. Một lần nữa, Đông Hồ lại khóc vợ.

Sau đó, Đông Hồ chắp nối tơ duyên với em ruột của vợ là nữ sĩ Mộng Tuyết. Cho đến lúc đã bước sang tuổi “cổ lai hy”, nữ sĩ vẫn không quên ấn tượng người thầy từ thuở ấy: “Tôi nhớ mãi hình ảnh bóng dáng thư sinh của anh vác cành hoa sen gượng nhẹ giữ cho cọng hoa đừng gẫy”. Đông Hồ có câu thơ tặng vợ: “Tuổi trẻ vui lây hồn thế hệ/ Đường chiều thêm đẹp bước vân trình/ Thời gian dẫu đổi màu sương tuyết/ Ngan ngát còn thơm mái tóc trinh”.

Những năm 50 thế kỷ trước, vợ chồng nhà thơ Đông Hồ sống tại Sài Gòn, họ mở nhà sách Yiễm Yiễm thư trang, nhà xuất bản Bốn Phương – chuyên tâm về hoạt động văn hóa. Đông Hồ, Mộng Tuyết viết chung tập sách Hà Tiên thập cảnh. Trước đó, năm 1945, cả hai đã có tập thơ đặc biệt Thơ Mộng Tuyết, bút Đông Hồ gồm 10 bài thơ cứu đói của Mộng Tuyết do Đông Hồ đề từ và chép tay, chép từng tờ trên giấy bạch ngọc gửi đến bạn hữu, môn sinh kêu gọi “Mong đọ cho cân giá ngọc vàng” để có tiền gửi ra bắc cứu đói giúp đồng bào.

Không chỉ tình duyên, tình bạn đã “nhuốm chút màu huyền thoại” mà ngay cả sự “ra đi” của Đông Hồ cũng là một huyền thoại. Ngày 25.3.1969, trên bục giảng của Trường đại học Văn khoa Sài Gòn, Đông Hồ đang giảng bài thơ Vịnh Hai Bà của nữ sĩ Ngân Giang thì ngất xỉu. Sinh viên đưa ông vào bệnh viện, lúc 19 giờ 30 cùng ngày, ông vĩnh viễn đi vào cõi hư vô… Từ đây, Mộng Tuyết lần lượt tái bản toàn bộ di cảo, tác phẩm của Đông Hồ. Về cuối đời, bà lui về sống ở Nhà lưu niệm thi sĩ Đông Hồ tại TX.Hà Tiên – được xây dựng trên nền của Trường Trí Đức học xá ngày xưa. Và cái chết của bà, năm 2007 (thọ 93 tuổi), là sự ra đi của nữ sĩ cuối cùng trong phong trào thơ mới.

LÊ MINH QUỐC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *