Vanvn- Hình như tôi đã xa nhà hơn nửa năm trời đằng đẵng. Nửa năm, một khoảng thời gian không phải quá dài nhưng nó đủ để nỗi nhớ quê hương, nhớ mái nhà cũ cũ bên bờ sông trong những chiều có dáng má ra đứng trông nhìn về phía khung trời xa xa mà nghĩ bụng: “Không biết giờ này thằng Hai đang làm gì, chắc nó nhớ nhà dữ lắm!”.
Dịch bệnh bùng phát, thành phố giãn cách xã hội khiến tôi bị kẹt lại trong căn phòng trọ cuối hẻm – chốn dừng chân của tôi sau mấy cuộc chuyển dời. Những ngày không được ra đường, không thể đi làm, tôi chỉ biết nằm ở nhà vắt tay lên trán hồi tưởng lại miền quê thanh bình và những kỷ niệm đẹp bên bờ sông nhỏ. Bóng dáng gầy hom, liêu xiêu trước gió của má tôi mỗi chiều ra sau nhà tưới rau, cho gà ăn hay nhìn đàn cò trắng bay về phía trời xa… bất giác hiện lên trong tâm trí tôi, để rồi khi tôi nghe lành lạnh ở bên tai thì nước mắt đã ứa ra tự hồi nào không biết.

>> Thể lệ Cuộc thi viết “Về nhà”
“Chừng nào hết giãn cách xã hội thì về nhà liền nghen con, má nhớ bây, má thương bây đứt ruột” – má tôi nói bằng giọng trầm buồn trước khi kết thúc cuộc gọi Zalo mà con bé hàng xóm hướng dẫn vài buổi má tôi mới biết cách sử dụng.
“Gọi Zalo để má được nhìn mặt bây, coi bây sống ra sao…” – má nói vậy. Trong những cuộc gọi, bao giờ tôi cũng tỏ ra vui vẻ, nói nói cười cười, chứ thật ra lòng tôi héo rũ. Giá như tôi có thể xuyên qua cái màn hình vô tri kia để được ôm chầm lấy má, được áp mặt vào lồng ngực ấm áp và thơm mùi dầu nước xanh quen thuộc của má như hồi tôi còn bé xíu… Chắc là hạnh phúc lắm!
Vậy rồi, cuối cùng bao khát vọng của tôi và của bao người tha hương kẹt lại giữa lòng Sài Gòn, giữa những ngày giãn cách xã hội cũng thành sự thật. Tôi háo hức ôm gói về quê, mang theo bao câu chuyện về những ngày giãn cách để kể cho má nghe. Tôi thấy mình giống một đứa trẻ, mỗi lần đi chơi xa lâu ngày lại mong ước được quay về với má, với góc bếp quen, với con mèo mun sáng nào cũng ra hàng ba tắm nắng. Rồi lại xí xô kể chuyện ở phố cho má nghe, rằng cái gì cũng lạ, cái gì cũng xinh, mà cái gì cũng không bằng nơi chôn nhau cắt rốn của mình dù nơi đó có khổ nghèo hay yên ru như gió.
Đường về miền Tây xa xôi. Không như những lần trước, được chạy xe trên con đường uốn lượn giữa những dãy đồng thẳm xanh, mặc nắng gió, mặc bụi đường, tôi thấy tim mình rộn ràng và một cảm giác sảng khoái dâng trào lên trong tôi. Đường về miền Tây có lẽ là con đường đẹp nhất mà tôi từng đi qua, tôi hay gọi vui đó là đường về “Thiên Đường”. Miền Tây – nhà tôi ở đó. Nhà tôi là thiên đường, là nơi tuyệt vời nhất để rồi mỗi lần được trở về tôi lại thấy lòng mình an yên, bao lo toan bộn bề như rũ ngay trước cửa. Mái nhà bình yên, mái nhà chở che tôi qua bao mùa mưa nắng.
Ở đó, có má tôi hiền từ mỗi sớm mỗi chiều chắt chiu từng hạt cơm thơm dẻo, từng mùa cá bống kho tiêu, từng nồi canh chua bông điên điển nuôi tôi khôn lớn. Tháng năm lau nở. Tháng mười hai lúa chín vàng rợp hai bên cung đường. Tôi thấy lòng mình bồi hồi, tim đập nhanh và một nỗi xúc động len lỏi khiến tôi muốn khóc quá. Cảm giác chạy xe trên cung đường về miền Tây mến yêu lần này không giống như những lần trước. Tôi nhận ra có một chút gì thiêng liêng hơn nhiều.
Miền Tây của tôi. Mái nhà rêu gió của tôi. Bao tháng năm miền Tây vẫn giữ một nét chân sơ, mộc mạc, con người miền Tây vẫn dung dị hiền hòa, chẳng có gì ngoài tình nghĩa sắt son.

Đường về nhà quanh co. Con đường đất năm xưa giờ được thay bằng con đường bê tông sạch sẽ, thoáng đãng và duyên dáng nằm im lìm bên bờ sông nho nhỏ.
“Két… két…” – tôi bóp thắng, chiếc xe máy dừng lại nhả khói sau một hành trình dài. Không đợi má tôi bước ra thì tôi đã đi nhanh như chạy vào trong nhà ôm chầm lấy má. Nước mắt tôi tự dưng trào ra. Tôi cũng cảm nhận ở bờ vai mình giọt nước mắt âm ấm của má. Má tôi nghẹn ngào: “Hai, bây về với má rồi, về thiệt rồi!”. Tôi hôn lên khuôn mặt chi chít những nếp thời gian của má tôi. Màu thời gian chảy trôi trên mái tóc, trên khuôn mặt, trên cả cái dáng cong cong của má.
Mỗi lần về quê là mỗi lần tôi thấy lòng mình náo nức vui tươi nhưng cũng là một lần xót xa khi nhận ra những người thân yêu đã già hơn trước, lưng còng hơn trước. Thời gian chẳng bỏ sót một ai. Tôi lớn lên, trưởng thành là khi má tôi da mồi tóc bạc. Tôi bay đến muôn phương, kiêu hãnh với công việc của riêng mình là khi má tôi một mình thầm lặng ở quê nhà, dưới mái nhà cũ cũ chiều nao má ra hàng ba đứng dựa cột nheo mắt tìm bóng hình của đứa con xa…
Bữa cơm quê đầm ấm biết bao nhiêu! Cá lóc kho tiêu, canh chua bông súng, hai má con tôi quây quần với nhau trong làn khói bếp tỏa ra nồng nàn. Tôi tự hỏi rằng bao ngày tôi xa xứ má ăn cơm với ai, chắc một mình một mâm, buồn buồn tủi tủi. Ngày xưa có tôi, gian nhà đầm ấm, náo nức tiếng cười. Vắng tôi má một mình lặng lẽ. Má như thân cò ròng rã nắng mưa…
Má gắp cho tôi khứa cá thật to bỏ vào trong chén. “Ăn đi con, vị quê mình đó, ngon nhất xứ, ở thành phố làm sao có được”. Đúng rồi, ở thành phố làm sao tìm được bữa cơm má nấu ngọt ngào và ấm áp thế này. Chỉ có ở quê nhà mới là thiên đường, là nơi tôi được chở che và yêu thương vô điều kiện.
Ôi quê nhà, khoảng trời yêu dấu của tôi!
HOÀNG KHÁNH DUY (CẦN THƠ)