Mênh mang Thung Dó – Tùy bút của Trác Diễm

Vanvn- Hơn hai mươi năm nhưng tôi vẫn nhớ như in ngày ấy – mùa hè năm 1998, khi đứng trên đồi sim nhìn về dãy Bồng Lai, vị sư dang cánh tay chếch về hai hướng xóm 5 và xóm chợ: Đây là hai vùng đất sát chủ vì nó thuộc vào phần đuôi rồng và đầu rồng thế đất rất dữ, chỉ vùng giữa mình rồng này là vượng khí thôi.

Nhà văn trẻ Trác Diễm ở Thung Dó – Quảng Bình

Vị sư bốc một nắm đất đưa lên mũi ngửi và quay sang tôi một cô bé 12 tuổi, nói: Nhà con ở đây à? Tôi gật đầu mỉm cười và dẫn vị sư đến một hồ nước xanh ngăn ngắt: Con rất thích hồ nước này, sư nhìn kìa, có rất nhiều con dũi phóng ra từ các hòn đảo nổi giữa hồ, chúng lao vút dưới nước như những chiếc tàu siêu tốc. Vị sư lặng im, nét thâm trầm hiện rõ lên khuôn mặt, sư nói: Ta muốn lấy đất này để xây chùa, không biết cha mẹ con có đồng ý hay không? Tôi lắc đầu ngoe nguẩy: Mẹ con sẽ không bao giờ bán nơi này đâu.

“Ta thấy hồ nước này có hình thù con chim phượng, thế đất thế núi quả là hiếm có. Con hãy nhìn ánh sáng mặt trời khúc xạ dưới nước kìa, nó tô điểm mọi vật xung quanh bừng lên ngũ sắc rực rỡ. Vàng nắng, trắng mây, đỏ mặt trời, đen bùn đất, xanh cây cối. Nó tượng trưng cho 5 giá trị của con người: Nhân,lễ, nghĩa, trí, tín và Phượng hoàng đã sử dụng thần thông của mình để tạo ra ngũ hành kết nối tất cả chúng ta như một biểu tượng vĩnh cửu của cái đẹp, sự duyên dáng và thần thánh.” Tôi một đứa trẻ nít nửa hiểu nửa không những điều sư nói và dường như tôi thấy sư đang độc thoại thì đúng hơn.

Ngày ấy, con đường phía trước mặt nhà tôi không phải rãi nhựa phẳng lỳ như bấy giờ, đó là một con đường đất đỏ hai bên um tùm lau lét với những bụi sim mua cằn cỗi. Khi những chiếc xe chở đá từ vùng Lím chạy qua chạy về bụi đỏ cuốn tung mù cả một khoảng trời, mùa mưa con đường dẻo quánh như nhào bột gấc, mỗi bước chân nặng trịch, uể oải. Đêm lại ngọn đồi chìm trong một màn đêm tĩnh mịch, ngoài âm thanh của đám côn trùng vọng lên từ dưới thung thì những tiếng gào thét, rên rỉ của loài mèo vào mùa động cỡn the thé như bầy trẻ con khóc. Những đôi mắt mèo xanh lét chấp chới trong lùm cây ven hồ, xung quanh những ngôi mộ và cả những hốc đất mối đụn. Mèo kéo về đây từng đàn và chạy nhảy rầm rào trên mái tôn.

Toàn cảnh Thung Dó ở Quảng Bình

Mẹ vốn dĩ cũng nhát gan nhưng không cách nào dụ dỗ đàn con nheo nhóc đi ngủ sớm nên cứ thì thầm “ngủ đi, lũ ma đang ném đá kìa”.Thi thoảng có một hai đôi mèo rượt nhau qua căn buồng mà mấy mẹ con tôi nằm, tiếng khóc ơ hờ và thảng thốt như bà mẹ vừa mất con.Thê lương, thảm thiết… xa dần… xa dần rồi mất hút. Những lúc thế mấy mẹ con tôi nằm co quắp lấy nhau bởi sự sợ hãi dâng tràn. Cha tôi mất sớm, nhà không có đàn ông con trai thế nên một chiếc mo cau rụng trong đêm cũng giật thột mình, mấy đứa nhỏ tụi tôi có mắc tiểu cũng không dám ra ngoài.

Mỗi lần theo bạn bè đi chăn bò ở vùng đê ven hồ những người lớn tuổi vẫn thường hay nhìn tôi và bảo: Ngày xưa cha cháu là một trong những người khai mở ra đập hồ Đôộng Suôn này, ông làm một bài trường ca rất hay về hồ Đôộng Suôn mà đến bây giờ người dân nơi đây vẫn nhớ và đọc thuộc. Vốn trước đây cha tôi là một nhà thơ, nhà báo ở quân khu Bình Trị Thiên cho nên máu văn nghệ trong con người ông luôn rần rật chảy. Mỗi khi công việc nhọc nhằn ông thường lấy văn nghệ ra để mua vui, khích lệ bà con làm việc hăng say hơn. Họ quý ông bởi cái sự chân thành tình nghĩa, đáng tiếc là ông đã ra đi quá sớm. Tôi nhớ mỗi lần thẻ phát ngọn đồi cha tôi luôn để lại những vạt sim mua mọc dưới tán keo tràm. Trông bụi cây xám xịt khẳng khiu như thế nhưng khi mùa về hàng loạt bông nụ từ đâu trong nách lá trổ ra tím ngơ tím ngắt cả một vùng đồi. Tôi ngơ ngẩn như đi trong miền cổ tích, sung sướng đến mức chạy lại bá vào cổ cha tôi hôn chụt vào má: Thật tuyệt vì cha đã không thẻ phát chúng.

Ngày đó chưa có điện thoại, chưa có máy ảnh nên tôi đem giấy bút ra ngồi vẽ, những bức tranh về núi đồi về ao hồ tinh khiết đã bay khắp vùng huyện, tôi đạt giải cao trong các cuộc thi vẽ. Theo rãnh thời gian,vùng đồi trở thành nơi tôi trút những nỗi niềm sâu thẳm. Giọt nước mắt sợ hãi của tuổi dậy thì khi những giọt đỏ từ trong cơ thể chảy ra giữa đôi chân thuôn nuột của đứa con gái mới lớn, nụ cười thẩn thơ với những rung động đầu đời khi bắt gặp một ánh mắt, đôi bàn tay ấm áp của một anh chàng bộ đội về phép khi khẽ chạm lên tóc và cả những nỗi buồn triền miên khi tôi mất đi người thân, là cha tôi, người để lại cho tôi vạt hoa tím ngắt trong chiều miên viễn. Nước xanh, trời xanh núi cũng xanh riêng màu tím ấy lại càng tím hơn khi ráng chiều trùm xuống.

Thung Dó được khai thác thành khu du lịch sinh thái quyến rũ du khách

Tôi thấy không riêng gì ngọn đồi nhà tôi phủ đầy hoa tím mà cung đường từ nhà tôi qua Cầu Bùng lên đến bến phà Xuân Sơn cũng tràn ngập sắc tím sim mua, nơi mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng đi qua và không thể kìm lòng được trước vẻ đẹp của con đường binh trạm “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…” Điều này cũng làm tôi nhanh chóng liên tưởng tới những câu thơ của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc rồi thầm tự hỏi “Có phải nơi này người chiến sĩ ấy cũng đã từng đi qua và để lại những vần thơ hay đến nao lòng: “Cứ mỗi lần hành quân qua đây. Lòng tôi lại nhớ em da diết. Màu tím hoa mua chẳng phải chưa hề biết. Nhưng đến giờ tôi mới hiểu màu hoa” Tự dưng khóe mắt tôi rưng rưng với những nỗi buồn thăm thẳm:

Đôộng Suôn ai đã đặt tên?

Không gian ứa lệ bên thềm cỏ hoang

Mơ màng ngọn gió lang thang

Bồng lai trần thế thiên đường nhân gian

Mây bồng quấn quýt non ngàn

Tình như sông núi đợi chờ thiên thu

 

Huyền thoại hồ Suôn

Xưa… có đôi chim phượng hoàng

Lang thang trong cõi hồng cầu tìm nhau

Nỗi niềm nhung nhớ thẳm sâu

Sơn khê nào thấu giọt sầu riêng mang

Gọi nhau trên thác dưới ngàn

Chỉ nghe thăm thẳm đồng hoang mịt mờ

Tìm nhau tìm đến bao giờ?

Lã nghiêng cánh mỏi bên bờ hoang vu

Giọt buồn hóa kiếp hồ thu

Vòng quay sanh diệt mịt mù trần ai

Đây Hồ Suôn cõi thiên thai

Ai ngang qua nhớ mối tình hồ đây” ghi lại mấy câu thơ vừa bột phát vào cuốn sổ nhỏ, tôi chợt nghe như văng vẳng bên tai lời vị sư năm ấy.

“Con là người đa sầu đa cảm, cuộc đời con rồi sẽ mang đầy những khổ hạnh mà thôi” Nói xong,vị sư đặt tay lên vai tôi, buông một hơi thở dài rồi lặng lẽ xuống núi, để lại tôi với ráng chiều đỏ ối sau lưng.Ngày ấy đã xa rồi…

Du khách ngắm cảnh và thưởng thức ẩm thực ở Thung Dó

Và đúng thế thật, tôi đã bôn ba khắp nơi “như con tàu khao khát được ra khơi dẫu biết rằng sẽ đưa về mình những mảnh vỡ” Rời xa nơi tôi lớn lên, đi học đại học, xin việc làm rồi sau đó trở thành một bà mẹ đơn thân nuôi con. Những tưởng cuộc sống nơi phồn hoa phố sá sẽ làm cho chúng tôi êm ấm nhưng hằng đêm tôi trằn trọc không sao ngủ được, tôi nhớ như điên triền đồi vởn vơ ngọn khói, những củ sắn củ khoai và vài ba con chà khé lụi dưới đống than hồng vừa thổi vừa nhai ngấu nghiến, nhớ những nụ cười tím lịm đầy ắp nón bởi sim. Nhớ cả những trận mưa rào sau đó nắng lên, dưới lớp lá tủ âm ẩm từng cây nấm hình tròn màu socola xé đất nhô lên. Là nấm tràm đấy, vị đắng ngơ đắng ngắt như ngậm thuốc bêxilin nhưng ai lỡ trót quen ăn rồi thì nghiện hết chỗ nói và cứ hong hóng sau trận mưa rào nắng lên để í ới gọi nhau đi nhổ nấm.

Chưa hết đâu, những đêm trăng, ánh trắng như dát bạc xuống mặt hồ, mùi hoa dẻ lan tỏa khắp các sườn đồi. Mùi hương nhẹ nhàng khoáng đạt như mùi nước hoa được chưng cất công phu. Mặt hồ lay động bởi bầy hạc thiên rí rúc tìm nhau trong giấc say nồng. Tôi khi ấy như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh cứ hư hư thực thực.Tôi nhớ lại lời vị sư nói khi xưa “Khi buồn đau hãy cứ về đây, nước mắt phượng hoàng sẽ rửa sạch mọi vết thương” Vì thế mỗi khi buồn tôi lại trở về nơi này, đồi thơ mộng hơn xưa bởi tôi đã trồng thêm rất nhiều loài hoa ở đó, dựng vài túp lều tranh để ai đi ngang ghé ngồi hóng gió. Gió ở trong thung nhiều vô kể, đứng trên mỏm núi dang tay ưỡn cao vòm ngực, gió sẽ thổi bay biến mọi lo toan muộn phiền. “Chụm tay lên miệng hét vang một tiếng sẽ nghe non xanh đáp lại tên mình” Thích lắm mà cũng xúc động tràn trề. Về đây, đứa con lưu lạc sẽ được quyền tha hồ úp mặt vào ao hồ mà khóc lóc, tỉ tê mà không hề xấu hổ bởi một ai. Về đây, để tìm lại chính mình, để nghe trái tim ngân lên những giai điệu của riêng nó. Về đây, để thấy đời không vướng bận những ưu tư muộn phiền, về đây, để nhận ra rằng mình đã biết buông bỏ…

Đứng bên tôi – một văn nhân, trong vô số những vị khách thấy cảnh đẹp mê hồn mà lạc bước đã thốt lên hai từ thân thương “Thung Dó” âm thổ ngữ được bật ra từ khuôn miệng ấy một cách vô thức khi đón nhận một luồng gió mang đầy hương hoa phía ngược ngàn ập tới. Tôi mỉm cười đón nhận cái tên đó cho mình. Ghi dấu một điểm dừng chân lý tưởng cho những ai về thăm Phong Nha ở Quảng Bình thì ghé Khương Hà nghỉ lại, để được đắm chìm trong một Thung Dó mênh mang.

TRÁC DIỄM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *