Mẹ ơi, về đi – Tản văn dự thi của Em Nguyên

Vanvn.vn – Tôi thường trèo lên cái mỏm đất cao để ngóng ra sông. Thằng Mít thỉnh thoảng ngồi xuống bên cạnh. Tôi không ưa Mít vì nó hay chọc nhây tôi. “Tao biết ba mày là ai rồi, là cái ông chở mắm đi ghe qua đây chớ ai, coi nè!”, rồi nó bụm tay làm loa: “Ba ơi ba, con là thằng Cò nè!”. Kết cuộc, hai đứa vật nhau lăn cù xuống dưới bờ cỏ, mình mẩy lấm lem.

Những lúc Mít tỏ ra tử tế thì hai đứa cùng ngồi nhìn qua. Có một hàng cây mờ mờ ở phía bên kia. Đằng sau và đằng sau đó nữa, hẳn sẽ là thành phố, nơi mẹ tôi làm việc trong một spa chuyên làm đẹp cho người ta, nơi cha Mít chạy xe Grab, mẹ Mít bán cháo lòng và đứa em gái nhỏ của nó chạy chơi quanh quẩn. Từ chỗ này, Mít sẽ nhận ra cái áo khoác xanh lá cây từ rất xa khi ba nó về thăm.

Thành phố rộng lớn, cái gì cũng nhiều. Đường nhiều xe, đêm đèn nhiều như sao giăng còn người thì nhiều tới mức phòng trọ nào cũng chật chội. Thành phố không ngủ nên những người như mẹ tôi, như ba mẹ Mít cũng không ngủ, nhưng như vậy sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Hai đứa tôi thường khoe với nhau về những thứ đẹp đẽ được người lớn mua về, từ máy móc, đồ dùng, quần áo cho đến những món đồ chơi. Mỗi ngày mẹ tôi đi làm đều ngang qua một trường đại học rất to đẹp, sinh viên hay tụ tập đằng trước. Mẹ nói: “Bằng tuổi họ mẹ đã có Cò rồi, mẹ không còn cơ hội thì Cò phải ráng học nghen”, làm tôi cứ hay ao ước xa xôi. Nhà Mít thì mơ có một quán ăn cửa kiếng long lanh vì mẹ Mít nấu ăn ngon số một.

 Đèn Khuya. Ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Phát Trí

>> Thể lệ Cuộc thi viết “Về nhà”

Vậy rồi dịch Covid như cơn bão lớn bất thần trút xuống, tàn phá mọi thứ. Thành phố lâm bạo bệnh. Trên tivi là hình ảnh những đường phố chết, đèn xe cấp cứu nhấp nháy cùng tiếng còi eo óc trong đêm. Những bệnh viện lạ lùng, trần cao tít với vô số những chiếc giường xếp dày đặc bên dưới, người không nhìn thấy mặt, đồ bảo hộ bít bùng, bước chân vội vã. Ở đâu cũng thấy có rào chắn, những bịch đồ ăn của lòng từ tâm được treo lên… Bệnh tật, chết chóc, và cái đói treo lơ lửng trên đầu, nhất là với người tha hương cầu thực giống như mẹ, như nhiều hàng xóm của tôi. Bao giấc mơ tan biến. Ngoại tôi bấm điện thoại, giọng nghèn nghẹn: “Dìa nhà đi, có cháo ăn cháo có rau ăn rau, con ơi!”.

Tôi lại trèo lên cái mỏm đất, nhìn về phía sông. Tôi biết mẹ đi thành phố không chỉ vì muốn kiếm tiền lo cho gia đình mà còn để trốn tránh những lời chê bai, nhiếc móc. Tôi biết mẹ từng đau khổ cô đơn, và tôi cũng cảm nhận được những giọt nước mắt khi mẹ vùi mặt vào tóc tôi mà khóc. Công việc bận rộn trên đó giúp mẹ nguôi quên, được lo lắng đủ đầy cho tôi, cho ngoại khiến mẹ thấy hạnh phúc. “Nhưng giờ thì con không cần gì nữa đâu, mẹ ơi mẹ về đi!”.

Từng đoàn người kéo về quê ùn ùn tỏa ra từ các cửa ngõ thành phố. Những chiếc xe máy chất đầy đồ đạc, chèn chặt với người, cả những em bé nhỏ xíu còn bú mẹ. Đường dài thiên lý đi qua nắng và mưa, gió và bụi, ngày và đêm, đêm mịt mùng vẫn cuồn cuộn như những dòng sông đen mải miết.

Cha thằng Mít một chiều đưa mẹ và em nó về đến nơi. Em gái Mít phờ phạc, ngơ ngác ngồi trên cái ghế nhỏ phía sau tay cầm. Mẹ Mít không có ở sau lưng ba nó như mọi khi, mẹ Mít co mình trong chiếc hũ cốt có hình một búp sen được gói ghém chằng chéo trước giỏ xe để tránh những va đập trên đường. Có tiếng người lao xao, rồi tiếng khóc rấm rức. Tôi dán mắt qua những khe hàng rào, tim đập nhộn nhạo và hai bàn tay run lẩy bẩy. Không thấy Mít đâu. Chắc nó đang hốt hoảng và đau khổ lắm.

Đêm tôi đợi mẹ, giấc ngủ mòn mỏi, chập chờn trong mùi khói nhang mênh mang và chùm sáng chốc chốc lóe lên từ chiếc điện thoại của ngoại. Dòng sông người không ngừng cuồn cuộn ấy chảy vào cả giấc mơ tôi. Những con đường lạ hoắc, núi và cây chạy vun vút về phía sau, ngang qua những người mệt lã nằm vắt bên vệ đường. Mẹ ở đâu trong sóng người ấy, tôi tìm hoài cái mũ bảo hiểm màu xanh có hai vạch trắng quen thuộc mà không thấy. Mẹ lái xe một mình, tay chắc là đang mỏi nhừ vì giữ ga. Những linh hồn người chết bay phía trên đoàn người, trông như những vệt khói mỏng cứ nương theo gió mà đi. Họ cũng đang trở về nhà dù không còn hình hài nữa. Ngoại nói, người ta dù sống hay đã chết, thì trong nhà mình, họ đều được yêu thương, đùm bọc, xoa dịu khổ đau.

Trời khuya khoắt, mẹ tôi đứng trong ánh đèn hắt ra, mái tóc rối bết mồ hôi, khẩu trang kín mặt. “Mẹ cha bây!”, ngoại lẩm bẩm vừa chặm nước mắt bằng ống tay áo. Và tôi nghe mơ hồ giọng mẹ. “Đứa bạn cùng phòng con bị nhiễm làm cả dãy cách ly, cả ngày thấp thỏm ngồi đợi kết quả PCR. Bếp chỉ còn mì gói. Đầu hẻm vừa có hai người mất, nghĩ tới má với thằng Cò, tự nhiên con sợ chết, má ơi!”.

… Những cuộc đoàn viên, có đẫm đầy nước mắt và cũng có lấp lánh nụ cười. Xóm quê sau những ngày nôn nao đón người thân trở về nhà, giờ trở lại lặng lẽ. Buổi trưa, nắng trong veo êm đềm. Ngoại đưa võng cọt kẹt ngoài hiên, mẹ nấu cơm trong bếp, còn tôi quanh quẩn, ăn vụng mấy hột đậu phộng trong rổ.

– Về nhà rồi mẹ vui hông, mẹ?
– Vui con à!
– Mẹ Mít cũng về nhà rồi.
– Ừ, không ai muốn bỏ nhà, bỏ quê đâu con. Mẹ Mít cũng vậy.
– Con không ghét Mít nữa, mẹ!
– Thành phố có hàng ngàn đứa trẻ giống như Mít, con à. Mẹ cũng thương Mít lắm!

Hàng ngàn sao!? Con số vượt khỏi sự tưởng tượng làm tôi thấy buồn và hoang mang quá. Tôi lặng lẽ ôm lấy mẹ từ đằng sau, ôm thật chặt, thật lâu như để tự khẳng định với chính mình rằng cái hình hài này, mùi hương này, chính thật là mẹ.

EM NGUYỄN (TP.HCM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *